Phản biện về khái niệm phá giá đầu HD
Lúc đầu mình chỉ comment theo hướng just for fun, nhưng thấy các ý kiến có phần nặng nề nên mình xin được comment lại để tránh “
lạc đề” và bị xóa bài.
Điều mình muốn chứng minh ở đây là
không hề có khái niệm cũng như không hề có hiện tượng bán phá giá đầu HDP hay Android box ở thị trường Việt Nam, đồng nghĩa với việc
topic này đã nhầm lẫn cũng như gây nhầm lẫn cho nhiều người.
Đầu tiên chúng ta cần xem lại
“Bán phá giá là gì”
Từ trước đến nay, người ta thường hiểu một cách đơn giản, “bán phá giá” nghĩa là bán dưới giá thị trường, tuy nhiên, đối với thực trạng quan hệ thương mại quốc tế hiện nay, cách hiểu trên là không đúng.
Theo định nghĩa mở rộng của một số chuyên gia kinh tế Mỹ từ những năm 1980 và vẫn được thừa nhận đến ngày hôm nay, bán phá giá được hiểu là hành vi bán một mặt hàng với giá thấp hơn giá hiện hành của mặt hàng đó trên thị trường, nhằm làm ảnh hưởng đến các mặt hàng tương tự trên cùng thị trường đó. Hành vi này có thể dẫn đến một trong hai trường hợp bất lợi sau đây đối với doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng tương tự với mặt hàng được bán phá giá:
Thứ nhất, các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng tương tự muốn cạnh tranh và giữ được thị phần thì buộc phải hạ giá bán sản phẩm của mình xuống ngang bằng với mức giá của những hàng hóa được bán phá giá. Tuy nhiên, làm như vậy thì các nhà sản xuất sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, bởi vì, có thể nhà sản xuất sẽ phải bán hàng hoá của mình với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất ra mặt hàng đó.
Thứ hai, nếu nhà sản xuất không chấp nhận giảm giá bán thì hàng hóa của họ không thể tiêu thụ được trên thị trường. Như vậy, hoạt động kinh doanh sẽ bị tê liệt và nhà sản xuất có nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản.
Chúng ta cần làm rõ ở đây vài vấn đề:
- Tại Việt Nam có thể xem như có một thị trường các đầu HD và Android box nói chung, thị trường này đã tồn tại và hoạt động đến thời điểm hiện nay, điều này chắc không ai phản đối.
- Bán phá giá là thuật ngữ được áp dụng khi có hành vi bán một mặt hàng với giá thấp hơn giá hiện hành của mặt hàng đó trên thị trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng tương tự. Hiện tại ở Việt Nam đã có doanh nghiệp nào sản xuất được 100% đầu HD hay có tỷ lệ nội địa hóa đầu HD >50% hay không? Xin thưa là không, không có một nhà máy hay doanh nghiệp nào tự sản xuất cả. Nói cách khác chúng ta không có nhà sản xuất HDP hay Android box.
Tại sao việc bán phá giá xảy ra?
Bán phá giá luôn đi liền với cạnh tranh và là một trong những hình thức cạnh tranh bất chính. Việc cạnh tranh dựa trên cơ sở chất lượng và giá thành là hình thức cạnh tranh lành mạnh, trong đó yếu tố giá được chú trọng hơn cả. Tuy nhiên, thay vì nghiên cứu nhằm đưa ra được các chiến lược hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh lành mạnh thì có những công ty lại dùng chiêu bài bán phá giá để hạ bệ đối thủ.
Chúng ta cần khẳng định giá thành là hình thức cạnh tranh lành mạnh.
Một cá nhân hoặc tổ chức chỉ bị kết luận vi phạm bán phá giá nếu hội đủ hai điều kiện: đang bán phá giá và mục tiêu của hành động bán phá giá là nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Những hành động bán phá giá không nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh thì không bị coi là bán phá giá (ví dụ: bán hàng tươi sống, bán hàng thanh lý, bán hàng hạ giá theo mùa, bán hàng tồn kho đã lỗi thời về kiểu dáng và công nghệ nhưng vẫn còn thời hạn sử dụng; bán hàng sắp hết hạn sử dụng...)
Vậy, các đầu HDP giá rẻ và Android box có nằm trong hai điều kiện là đang bán phá giá và mục tiêu là nhằm loại bỏ đối thủ hay không. Chúng ta cùng xem nhé
Điều 1: các đầu HDP giá rẻ và Android box có nằm trong các trường hợp như
- Bán hàng thanh lý: việc thanh lý đầu HDP đã lỗi thời hoàn toàn không phải là phá giá.
- Bán hàng đã lỗi thời: việc hạ giá sản phẩm theo vòng đời của sản phẩm hoàn toàn có, chúng ta có thể thấy các ví dụ điển hình như ATV1200 lúc mới ra giá hơn 3tr, và hiện tại giá của sản phẩm chỉ còn hơn 1tr7. Hình thức giảm giá này hoàn toàn không phải là bán phá giá.
- Bán hàng tồn kho, hàng sắp hết hạn sử dụng: hình thức này cũng không bị xem là phá giá.
Vậy các ví dụ trên chứng minh điều gì,
nó chứng mình cho chúng ta thấy việc giảm giá của các đầu HD giá rẻ và Android box là cạnh tranh chính thống về giá và không hề có hiện tượng phá giá, không có hiện tượng bán hàng với giá dưới chi phí.
Điều 2: mục tiêu của các đầu HD giá rẻ có phải là nhằm loại bỏ đối thủ hay không
- Trong thị trường đầu HD tại Việt Nam có nhiều phân khúc giá: cao cấp với các đại diện như Oppo ( giá sản phẩm từ 500$ đến 1000$ ), trung cấp với đại diện như Dune (giá sản phẩm dao động từ 150$ đến 350$), và các đầu HD giá rẻ với giá dao động từ 50$ đến 200$.
==> Điều này chứng tỏ các đầu HDP giá rẻ và Android box nằm khác phân khúc giá và có đối tượng người tiêu dùng khác với các phân khúc còn lại.
Vì vậy không thể có chuyện giảm giá để loại bỏ đối thủ cạnh tranh trong cùng tầm giá.
- Việc so sánh phải được tiến hành đối với sản phẩm cùng loại hoặc đối với sản phẩm tương tự (like product trong tiếng Anh hay produit similaire trong tiếng Pháp). Theo điều II, khoản 6 của Hiệp định chống bán giá, “sản phẩm tương tự” trong trường hợp bán phá giá được hiểu theo nghĩa rất hẹp là sản phẩm phải giống hệt, tức là có tất cả các yếu tố tương đồng với sản phẩm đang được xem xét, hoặc nếu không có sản phẩm nào như vậy thì phải sử dụng sản phẩm có những đặc tính rất giống (closely resembling trong tiếng Anh và ressemblant étroitement trong tiếng Pháp) với sản phẩm đang được xem xét.
==> Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các đầu HDP giá rẻ , các đầu HDP tầm trung và cao cấp hoàn toàn không giống hệt nhau, tất cả các yếu tố cấu thành sản phẩm không hề giống nhau. Điều này chứng tỏ việc
đem các đầu HD giá rẻ và Android box ra để so sánh và xem xét bán phá giá với sản phẩm ở phân khúc khác là hoàn toàn không hợp lý.
Các loại bán phá giá
Theo thông lệ quốc tế, người ta chia hành động bán phá giá thành 2 loại: bán phá giá hàng sản xuất trong nước trên thị trường nội địa và bán phá giá hàng nhập khẩu. Hai trường hợp này thường được tách riêng.
- Bán phá giá hàng sản xuất trong nước trên thị trường nội địa là việc cá nhân hoặc tổ chức sản xuất đặt giá tiêu thụ thấp hơn giá thành tại thị trường trong nước. Mục tiêu của hành động bán phá giá này là nhằm loại bỏ khỏi thị trường, hoặc ngăn cản sự thâm nhập thị trường, của một doanh nghiệp hay một sản phẩm của doanh nghiệp.
- Bán phá giá hàng nhập khẩu là việc doanh nghiệp nước ngoài bán hàng hóa dưới chi phí tại nước nhập khẩu.
Hiện tại trên thị trường HDP Việt Nam thì hầu hết đều là hàng nhập khẩu, và nếu có gia công thì cũng chiếm một phấn nhỏ trong cấu thành sản phẩm. Vậy chúng ta có thể xem xét việc nhập khẩu HDP và bán tại Việt Nam có phải là việc bán hàng hóa dưới chi phí hay không, xin khẳng định ngay là không.
- Các nhà sản xuất tại Trung Quốc không hề bán lỗ bất cứ một lô hàng nào xuất sang Việt Nam.
- Các nhà nhập khẩu, nhà phân phối tại Việt Nam không hề bán lỗ sản phẩm đến tay người tiêu dùng với mục đích phá giá.
- Người tiêu dùng hoàn toàn biết được với mức giá như vậy, họ nhận được sản phẩm tương xứng như thế nào.
Tất cả các định nghĩa cũng như ví dụ đều để chứng minh một điều sau:
tại thị trường đầu HD Việt Nam hoàn toàn không có chuyện bán phá giá sản phẩm để cạnh tranh, có chăng đó là vấn đề về việc làm thương hiệu và xây dựng thương hiệu cho thị trường đầu HD.
Trân trọng và cảm ơn các bạn đã đọc