Bui An
Lãng Khách
Một thể nghiệm mới nữa của Victor Vũ, một thể loại khá là khó nhằn ở thị trường phim ảnh Việt Nam vốn ưa chuộng hài nhảm nhàn nhạt kiểu "tránh thần". Người Vợ Cuối Cùng không phải là phim đầu tư lớn, không phải phim theo xu hướng thị trường, không phải phim "lấy cảm hứng từ bản truyền hình", nhưng đây là phim có chất lượng khá tốt.
Phim này lấy cảm hứng (hoặc có thể gọi là dựa theo) tiểu thuyết Hồ Oán Hận của Hồng Thái (bố vợ của Victor Vũ). Và tất nhiên, khi lên phim phải thay đổi khá nhiều để phù hợp với đại chúng, với phim ảnh và quan trọng là với... kiểm duyệt. Ai đã đọc tiểu thuyết đều biết nút thắt của câu chuyện đến từ bé Đông Nhi, còn lên phim thì nút thắt đến từ ông thầy đề. Nếu giữ như trong truyện thì quả thật là đáng sợ và hơi kinh dị.
Người Vợ Cuối Cùng mặc dù mang màu sắc xưa cũ nặng lễ giáo miền Bắc, nhưng được Victor Vũ làm nhẹ nhàng nhất, câu chuyện cũng không quá phức tạp, không quá mạnh bạo như phong cách trước giờ, kiểu ai cũng có thể coi được, coi xong vẫn vui vẻ ra khỏi rạp.
Một điều dễ dàng nhận ra ở "đẳng cấp" của đạo diễn là khả năng liên kế tổng thể tạo thành một bộ khung thống nhất, hài hòa, hợp lý. Nó khác với Đất Rừng Phương Nam gần đây khi các tình tiết vỡ vụn, không đồng nhất, vá chằng vá đụp. Nó cho thấy tư duy logic tổng thể rất quan trọng. Và nó cho thấy tại sao Victor vẫn hạng A, còn Nguyễn Quang Dũng vẫn chỉ hạng B dù làm phim mãi.
Tuy nhiên, phim này vẫn có nhiều hạn chế. Thứ nhất là nội dung cũ, cách thể hiện cũ, tình tiết cũng cũ, mỗi cái là đạo diễn làm tốt các chi tiết thôi chứ nội dung ở 1/2 phim đều đều và ít đặc sắc. Chỉ từ nửa cuối phim thì mới đúng thật là hấp dẫn, kể từ khi vị "thám tử" kia xuất hiện. Vai diễn/nhân vật này có thể nói là bất ngờ nhất phim, vì nó hay, vừa lý trí tài giỏi, vừa có tình người bên trong, mà diễn viên đóng vai này cũng thể hiện xuất sắc.
Một chi tiết hạn chế nữa là do bối cảnh miền Bắc, trong nhà có 3 bà vợ, mà bà cả nói giọng Bắc, 2 bà còn lại nói giọng Nam. Nhưng cái này thì là bất khả kháng, vì chọn diễn viên phù hợp với phim là rất khó, mà còn phải nói đúng giọng vùng miền nữa thì coi như là không thể. Xem phim cũng không thấy vấn đề gì đâu.
Hạn chế tiếp theo đến từ nam chính Thuận Nguyễn, anh này diễn ở mức tròn vai, dù là rất cố gắng. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là khuôn mặt của anh này mang nét hiện đại quá, và không toát ra được sự khắc khổ của một người nông dân nghèo lang thang tứ xứ. Vai này mà giao cho người biết diễn, khuôn mặt gai góc kiểu như Quý Bình thì hợp hơn.
Kaity Nguyễn phim này đẹp quá, trang phục hợp, góc quay hợp, quay chỗ nào cũng nhìn thấy đẹp. Mà cảnh quay phim này nó đẹp kiểu thực, chứ không ảo ma canada CGI như phim Đất Rừng. Lại phải nói lần nữa về đẳng cấp làm phim. Kaity cũng có một vai diễn tốt cho mình, nhất là đôi mắt đẹp được tận dụng. Tuy nhiên, đài từ của Kaity đôi chỗ khô và cứng, thiếu cảm xúc cho chuẩn với nội dung truyền tải.
Cảnh nóng trong phim khá nhiều, nhưng nó cũng nhẹ nhàng và thiên hướng điện ảnh ước lệ hơn. Một chi tiết nữa là cái thòng lọng bằng dây thừng (để gác chân), ắt hẳn cũng nằm trong ý đồ của đạo diễn về việc "trói buộc cuộc đời", nhưng chi tiết này làm chưa tới, chưa mạnh và sâu để có thể tạo ấn tượng ẩn dụ, và nó mất hút sau vài lần xuất hiện, hơi đáng tiếc.
Nói chung phim này là phim tốt nhưng không nhiều đột phá so với tên tuổi của Victor Vũ. Phải mà theo hướng như tiểu thuyết, tăng mạnh trinh thám kinh dị lên thì xem sẽ phê hơn, chứ như này thì khá là an toàn.