Chuyên gia AI từng đoạt giải Nobel dự đoán: trí tuệ nhân tạo sẽ xóa sổ bệnh tật trong vòng 10 năm nữa

NhatTrungNguyen

Super Moderators
Thành viên BQT

Nhìn vào sức mạnh của AI và những thành tựu ông đã đạt được nhờ nó, Demis Hassabis có những dự đoán tích cực.​


Bản thân là đồng sáng lập Google DeepMind và là một chuyên gia về AI, Demis Hassabis có những sở thích thường thấy ở một người có học vấn cao. Khi không đắm mình vào những cuộc chơi đầy tính toán của cờ vua hay poker, ông lại theo đuổi nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Ông tự tin rằng AI có thể đặt dấu chấm hết cho bệnh tật trên người.

image-56109835997805850239270-1745478714900-17454787149601269898173.jpg


Trong một đoạn phỏng vấn với chương trình 60 Minutes (CBS), Hassabis đã chia sẻ với Scott Pelley một tầm nhìn vĩ mô đáng kinh ngạc: AI có thể giúp loại bỏ mọi căn bệnh trong vòng mười năm tới.

"Trung bình, mất tới mười năm và hàng tỷ USD để phát triển một loại thuốc mới. Chúng ta có thể giảm khoảng thời gian đó xuống vài tháng, thậm chí vài tuần", Hassabis giải thích. Dự đoán của ông hoàn toàn có cơ sở, và bản thân Hassabis đã từng tham gia vào dự án đã tạo nên đột phá ngành sinh học.

Nhờ mô hình AI của DeepMind, giới khoa học đã giải mã thành công cấu trúc protein - nền tảng thiết yếu của sự sống, thậm chí xác định được tới hơn 200 triệu cấu trúc chỉ trong vòng một năm. Trước đó, nhân loại mới chỉ xác định được 1% trong số đó, và mỗi cấu trúc đều tiêu tốn nhiều năm nghiên cứu.

Sức mạnh AI đáng nể này đang được ứng dụng vào lĩnh vực nghiên cứu dược phẩm. Theo ông Hassabis, tốc độ nghiên cứu tăng gấp nhiều lần sẽ "cách mạng hóa ngành y học".

Ông hào hứng đưa ra lời nhận xét: "Tôi nghĩ một ngày, có thể ta sẽ chữa được toàn bộ bệnh tật với sự trợ giúp của AI. Có lẽ chỉ trong thập kỷ tới thôi. Tôi thấy chẳng có lý gì để điều đó không xảy ra".

Khi máy móc biết tưởng tượng khoa học

Dù AI hiện tại vẫn thiếu sự tò mò và trực giác thật sự, Hassabis tin rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có những hệ thống đủ khả năng đề xuất các giả thuyết khoa học hoàn toàn mới mà không cần sự hướng dẫn từ con người. Tư duy tiên phong này đã giúp ông và đồng nghiệp John Jumper giành Giải Nobel Hóa học năm 2024 với công trình dự đoán cấu trúc protein bằng AI – một cột mốc đang mở ra những chân trời mới trong sinh học và y học.

Hassabis hiện hình dung ra một tương lai nơi AI có thể sáng tạo khoa học độc lập, đưa nhân loại đến một trạng thái ông gọi là nơi khái niệm khan hiếm và bệnh tật đã "tuyệt chủng".



Chuyên gia AI từng đoạt giải Nobel dự đoán: trí tuệ nhân tạo sẽ xóa sổ bệnh tật trong vòng 10 năm nữa- Ảnh 2.
AI có thể xóa sổ bệnh tật - Hình minh họa.


Tuy lạc quan, Hassabis không phủ nhận những rủi ro tiềm tàng của AI. Ông đặc biệt lo ngại về việc công nghệ này bị lạm dụng bởi các thế lực xấu, cũng như khả năng mục đích của con người và AI không nhất quán.

Trong vai trò cố vấn AI cho chính phủ Anh và là người đứng sau cả DeepMind lẫn Isomorphic Labs, Hassabis không chỉ dẫn đầu làn sóng nghiên cứu, mà còn tham gia hoạch định chính sách đảm bảo AI được phát triển theo hướng có lợi và an toàn cho xã hội.

Tận dụng sức mạnh của AI trong thực tế

Làn sóng ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế đang lan rộng với quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang được triển khai mạnh mẽ trong các bệnh viện tuyến đầu, trở thành công cụ đắc lực trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị. Từ phân tích hình ảnh y tế đến quản lý hồ sơ bệnh án, AI giúp các bác sĩ nhận diện sớm các dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm như ung thư, tim mạch hay bệnh phổi. AI dần trở thành một bánh răng quan trọng trong quy trình vận hành, giảm thiểu sai sót và nâng cao hiệu suất làm việc trong hệ thống y tế.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc bệnh viện là PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ cho biết, hệ thống AI phân tích hình ảnh X-quang đã hỗ trợ tích cực trong việc phát hiện nhanh các vùng nghi ngờ tổn thương, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đưa ra nhận định chính xác hơn, đồng thời giảm nguy cơ bỏ sót.

Bên cạnh đó, từ tháng 11/2024, bệnh viện đã chính thức đưa vào sử dụng bệnh án điện tử, cho phép người bệnh đăng ký khám qua ứng dụng di động, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi và nâng cao trải nghiệm khám chữa bệnh.

Không riêng Bạch Mai, nhiều cơ sở y tế lớn khác cũng đang tích cực ứng dụng AI. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy triển khai công nghệ AI trong quy trình chụp X-quang, rút ngắn thời gian chụp xuống còn 20 giây.



Chuyên gia AI từng đoạt giải Nobel dự đoán: trí tuệ nhân tạo sẽ xóa sổ bệnh tật trong vòng 10 năm nữa- Ảnh 3.
AI đang được ứng dụng nhiều trong y tế - Hình minh họa.


Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang sử dụng AI để kiểm soát gây mê, trong khi Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tích hợp AI vào hệ thống chẩn đoán hình ảnh và hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm. Đặc biệt, với sự đầu tư vào các thiết bị chụp cắt lớp hiện đại, AI giúp tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao, hỗ trợ bác sĩ phát hiện tổn thương ở những vị trí khó quan sát bằng mắt thường.

Có thể thấy, AI đang từng bước cách mạng hóa ngành y học nói riêng và sinh học nói chung. Những thành tựu thực tế và những ứng dụng tiềm năng khiến các nhà khoa học trong và ngoài nước hồ hởi trước công nghệ trí tuệ nhân tạo.

"Kỷ nguyên vàng" của nhân loại

Chính vì những tiềm năng to lớn đó mà Ngài Hassabis hào hứng trước tương lai tươi sáng. Những dự đoán của ông không đơn thuần là phỏng đoán, mà dựa trên nền tảng khoa học vững chắc. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với đại dịch, thiếu hụt thuốc men và chi phí y tế leo thang, viễn cảnh về một tương lai không bệnh tật nhờ AI thực sự là một khả năng làm người ta phải trầm trồ.

"AI là công cụ tối thượng để mở rộng tri thức nhân loại", ông khẳng định. Và nếu ông đúng, y học tương lai có thể không còn xoay quanh ống tiêm hay dao mổ, mà nằm trong mạch điện và dòng mã.

Theo IBM, AI đang nhanh chóng định hình lại y học hiện đại thông qua việc nâng cao chẩn đoán, đẩy nhanh phát triển thuốc và cá nhân hóa chăm sóc bệnh nhân. Trong đại dịch COVID-19, các công cụ AI đã được thử nghiệm trong giám sát và sàng lọc bệnh nhân, cho thấy khả năng hỗ trợ toàn diện từ nghiên cứu đến thực hành lâm sàng.

Nếu tầm nhìn của Ngài Demis Hassabis thành hiện thực, thập kỷ tới có thể sẽ mở ra một kỷ nguyên không bệnh tật, nơi AI không chỉ hỗ trợ chữa trị, mà trở thành kiến trúc sư thực thụ của sức khỏe nhân loại. Chúng ta có thể đang đứng trước khoảnh khắc quan trọng, tương lai của "kỷ nguyên vàng" đang gần hơn bao giờ hết.
 
Bên trên