thanhhuynh1904
Well-Known Member
Loa cột Soul Superfly Mk.I-C của Zu Audio có lẽ là cái tên tiếp theo chứng minh cho chúng ta thấy sức hấp dẫn đặc biệt từ âm thanh những cặp loa toàn dải, khác hẳn so với phần còn lại, lý giải tại sao kiểu loa độc đáo này vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay.
Ngoài những dòng loa toàn dải thuần túy nhưng Voxativ, Fostex, Lowther... thì vẫn có các kiểu loa toàn dải dạng lai khi được bổ sung thêm tweeter hoặc woofer phụ như Manger hay Zu cho thấy được giá trị thưởng thức cao và rất khác biệt của chúng. Điều này giải thích tại sau dạng loa cực kì đơn giản và cổ điển này lại vẫn tồn tại và phát triển cho tới tận ngày nay, bất chấp công nghệ loa hiện đại đã rất phát triển với cấu trúc 3, thậm chí 4 hoặc 5 đường tiếng với kĩ thuật cắt tần cực kì phức tạp.
Loa toàn dải là kiểu loa thường sử dụng 1 củ loa duy nhất (một số trường hợp có thể nhiều hơn với những củ loa giống nhau) đảm nhiệm toàn bộ dải tần số trong khoảng nghe từ giữa siêu âm cho tới hạ âm. Tín hiệu điện của ampli được dẫn trực tiếp tới củ loa để chuyển thành âm thanh mà không trải qua các bước phân chia tần số ở mạch phân tần giúp tín hiệu được bảo toàn gần như nguyên vẹn cả về năng lượng lẫn độ chính xác, cho ra âm thanh có độ chân thực và cân bằng cao. Bên cạnh đó, nhờ được phát ra từ cùng một màng loa nên các dải tần số được tái tạo cực kì phẳng, liền lạc và cân đối khiến cho âm thanh rất tự nhiên, mộc mạc và lọt tai.
Chính bởi những ưu điểm nêu trên mà loa toàn dải vẫn có được chỗ đứng và được đón nhận khá tốt từ thị trường, mặc cho các công nghệ cắt tần ra đời và được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế loa hiện đại, giải quyết rất nhiều những mặt hạn chế của loa toàn dải. Tuy nhiên, nhằm bảo tồn những giá trị ưu việt của loa toàn dải, người ta vẫn giữ lại thiết kế độc đáo này và cố gắng nâng cấp củ loa và cấu trúc thùng để cải thiện những hạn chế như dải tần hẹp, độ động và độ chi tiết chưa cao. Một hướng đi rất hay cho vấn đề này là tạo ra những thiết kế dạng lai với bộ phận phát thanh chính vẫn là củ loa toàn dải nhưng được hỗ trợ thêm bởi những driver phụ như tweeter hoặc woofer để lấp đầy những quãng âm còn thiếu.
Zu Audio chính là một trong số những hãng loa đang rất thành công bằng hướng đi đó với công thức: Loa toàn dải (chính) + tweeter (phụ). Soul Superfly Mk.I-C là mẫu loa cột hạng trung của Zu Audio, đây là model tái bản thứ 3 và là mới nhất từ nguyên mẫu Soul Superfly với khá nhiều những cải tiến quan trọng, đặc biệt là phần củ loa toàn dải.
Khác với những món đồ điện tử thông thường khi người dùng có thể chỉ quan tâm đến hiệu năng và chất lượng sử dụng thì điều đầu tiên mà người ta nhìn nhận, đánh giá khi có trong tay một sản phẩm âm thanh hi-end lại chính là thiết kế ngoại hình của nó. Với Soul Superfly Mk.I-C, vẻ bề ngoài của nó có thể gây ra nhiều tranh cãi và những ý kiến khác nhau. Về chất lượng xây dựng và hoàn thiện, đây là một điểm cộng đáng kể của loa, thùng loa được làm đơn giản nhưng rất chắc chắn và đảm bảo bằng gỗ với hầu như không có một chi tiết trang trí đáng kể nào. Các ghép nối được thực hiện tốt và chính xác từ phần củ loa, các cọc đấu nối phía sau và đặc biệt là chính bản thân thùng loa. Dù vẫn là kiểu thùng được ghép từ những tấm gỗ lại với nhau nhưng việc này được thực hiện chính xác và gia công hoàn thiện tốt tới mức thoạt nhìn nhiều người sẽ ngỡ nó được tạo ra từ một thân gỗ nguyên khối.
Đặc điểm gây tranh cãi về ngoại hình của Soul Superfly Mk.I-C chính bởi hình khối quá khác biệt của nó. Thùng loa được xây dựng dạng lăng trụ tứ giác với phần đáy mở rộng và thu hẹp về đỉnh. Điểm nhấn duy nhất thu hút sự chú ý ở chính là củ loa toàn dải 254mm chiếm toàn bộ bề ngang mặt trước của loa cùng phần mũi loa rất lớn, lồi hẳn ra ngoài. Sẽ có rất nhiều thích kiểu tạo hình phá cách này của Zu Audio nhưng chắc chắn cũng có một bộ phận không ít người dùng cảm thấy "khó ưa" với thiết kế có phần thô kệch và khác lạ này.
Là một cặp loa toàn dải điển hình, Zu Audio Soul Superfly Mk.I-C sở hữu những thông số hấp dẫn như trở kháng 16Ohms, công suất đề nghị từ 2 đến 300W và độ nhạy cao lên tới 101dB cho thấy đây là một cặp loa tương đối dễ chịu về mặt phối ghép, có thể phát huy tốt ngay cả với những dòng ampli công suất thấp như ampli đèn hoặc bán dẫn chạy Class A. Thử nghiệm một vài lựa chọn khuếch đại chất lượng có trong tay, chúng tôi quyết định chọn ampli đèn MastersounD Evo 300B làm đối tác cho những màn trình diễn của Soul Superfly Mk.I-C nhờ sự phù hợp về chất âm. Nguồn âm chúng tôi lấy từ chiếc đầu phát nhạc số cao cấp Lumin A1.
Quả thực, Soul Superfly Mk.I-C là cặp loa đáp ứng rất tốt nguồn năng lượng được gửi tới từ ampli. Chỉ với công suất rất khiêm tốn 24W/kênh từ bộ ampli đèn MastersounD Evo 300B chạy ở chế độ Single End Class A nhưng đôi loa vẫn tạo ra những màn trình diễn rất ấn tượng, đầy sức sống bằng thứ âm thanh đầy đặn, giàu năng lượng. Dường như nhà sản xuất đã tận dụng khá tốt lợi thế của loa toàn dải khi tín hiệu không phải đi qua và mất năng tại các mạch phân tần khiến cho từng Watt từ ampli được sử dụng triệt để trong việc chuyển hóa thành những giai điệu đến người nghe.
Yếu tố vốn là yếu điểm cố hữu của loa toàn dải khiến cho nhiều người e ngại trong việc lựa chọn kiểu loa này chính là dải âm hẹp, thường bị thiếu hụt ở dải cao hoặc dải trầm, thậm chí tệ hơn có thể là cả 2 thì ở Soul Superfly Mk.I-C điều này đã được giải quyết khá ổn thỏa nhờ sự hiện diện và bổ trợ của tweeter. Với củ loa kích thước lớn Zu103ND với đường kính lên tới 254mm, Soul Superfly Mk.I-C xử lý tương đối tốt dải trầm khi dảm bảo đầy đủ các khía cạnh như chiều sâu, uy lực, tốc độ và sự chi tiết. Nếu không phải là một đôi tai quá khó tính về tiếng bass thì có lẽ người nghe sẽ không gặp vấn đề gì khi thưởng thức dải trầm của đôi loa này.
Sự hỗ trợ tốt của tweeter 26mm đến củ loa toàn dải giúp cho dải treble được đẩy lên cao, long lanh, sắc bén và chi tiết hơn. Tuy nhiên, điều "may mắn" và đáng khen nhất ở đây chính là nhà sản xuất đã khá thành công trong việc kết hợp kéo léo quãng cao của một loa treble rời với âm thanh vốn đã rất liền lạc từ củ loa toàn dải, khiến cho âm thanh tổng thể vẫn có được sự "ăn nhập" cần thiết, đem lại cảm giác nghe hài hòa mà không bị khập khiễn, lạc lõng giữa các dải âm.
Đó là việc Soul Superfly Mk.I-C giải quyết các yếu điểm, vậy các điểm mạnh đặc trưng của loa toàn dải được cặp loa này phát huy ra sao? Nếu nhìn ở góc độ nghe nhạc thuần túy, chúng tôi có thể chắc chắn rằng, đôi loa cột này có thể làm hài lòng đa số người chơi với hầu hết các thể loại nhạc bằng chất lượng thưởng thức ở mức khá tốt trở lên, dễ chơi, dễ phối ghép. Tuy nhiên, xét từ góc độ hi-end với cặp loa có giá gần 100 triệu đồng chúng tôi vẫn cho rằng đây là một sản phẩm đáng khen.
Điểm mạnh trung âm được thể hiện tối đa với chất âm đầy đặn, ấm áp và rất mộc mạc, dễ nghe. Trong khi các cặp loa nhiều đường tiếng phải loay hoay tìm cách kết nối âm thanh giữa các củ loa để có được dải tần bằng phẳng, tự nhiên và liền lạc thì những vấn đề này hoàn toàn không xuất hiện khi nghe với Soul Superfly Mk.I-C. Gần như toàn bộ các âm thanh được tạo ra từ cùng một màng loa nên mọi thứ rất mạch lạc và hòa quyện với nhau theo cách hài hòa nhất. Chúng ta sẽ cảm thấy các chi tiết âm nhạc được tái hiện lại rất tự nhiên và chân thực, cả về màu sắc lẫn cường độ.
Dù loa loa toàn dải nhưng Soul Superfly Mk.I-C vẫn đáp ứng khá tốt về dải động, tốc độ và sự chi tiết. Gần như rất hiếm gặp những tính huống đôi loa bị cuốn vào những tiết tấu nhanh, khó với nhiều nhạc cụ của bạn nhạc mà trở nên rối hay lạc nhịp. Mặc không quá xuất sắc nhưng khi thử với những bản giao hưởng khó, đôi loa vẫn cho thấy khả năng trình diễn khá ổn. Bên cạnh đó, âm hình tương đối rõ và sâu cũng là một điểm cộng khiến cho những trải nghiệm có được sự đầy đủ cả mặt "âm" lẫn "hình", đúng với giá trị cần có của một đôi loa hi-end tầm nhập môn như Soul Superfly Mk.I-C.
Tiến Dũng STEREO
☎ (028) 38 53 00 53
Showroom : 8 B Lý Thường Kiệt , P 12 , Q 5 , TPHCM