Chuyện Hoa Kỳ “cấm” Tiktok đang là một chủ đề được bàn luận trên thế giới, và hiển nhiên ở Việt Nam, ngay lập tức cũng đã có một số nhóm chỉ trích nói rằng pháp luật Hoa Kỳ là “tiêu chuẩn kép”.
Tuy nhiên, câu chuyện tư pháp và tiến trình tố tụng liên quan đến Tiktok phức tạp hơn là vài dòng tin giật gân, nên Trung để lại một vài phân tích cho bạn đọc cân nhắc.
1. TIẾN TRÌNH TƯ PHÁP
Quyết định “cấm” thật ra là kết quả của một quá trình tranh chấp tư pháp phức tạp (chứ không chỉ là các quyết định hành chính quan liêu), và được giải quyết chung thẩm bởi Tối cao Pháp luật Hoa Kỳ.
Quan trọng nhất trong đó là án Tiktok et al v. Garland (tên của Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ) có liên quan đến Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi các Ứng dụng do Đối thủ nước ngoài kiểm soát (Protecting Americans from Foreign Adversary Controlled Applications Act - PAFACA). Phía nguyên đơn là Tiktok và một số người dùng Tiktok, khởi kiện PAFACA vì cho rằng đạo luật này vi phạm Tu Chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Chưa bàn đến nội dung, việc một công ty nước ngoài cùng một vài công dân có thể khởi kiện một đạo luật quan trọng liên quan đến “an ninh quốc gia” lên đến tận vòng phán quyết tư pháp tối cao đã là điều gần như không thể làm ở hầu hết các quốc gia khác.
Chính cái lệ pháp lý này đã tạo ra những án tự do ngôn luận quan trọng và chấn động như New York Times Co. v. United States (Người Việt hay biết đến với tên gọi của vụ “Pentagon Papers”, cho phép cơ quan báo chí tư nhân nắm giữ và công bố tài liệu an ninh mật) hay Texas v. Johnson (quyền đốt cờ quốc gia).
Chừng nào các quốc gia còn chưa có được sự can đảm để áp dụng tiến trình tố tụng này cho hệ thống pháp luật quốc gia mình, chỉ trích hệ thống bảo hiến hiện tại của Hoa Kỳ là một điều rất khó.
2. QUAN ĐIỂM ĐẦU TIÊN CỦA TỐI CAO PHÁP VIỆN
Để giải quyết thách thức pháp lý rằng việc cấm Tiktok là hành vi vi phạm tự do ngôn luận, trước tiên, cần hiểu “cấm” Tiktok ở đây là như thế nào.
Trong PAFACA, đạo luật này ghi nhận rằng “ByteDance Ltd”, hay “TikTok Inc.”, hay bất kỳ công ty con, công ty kế thừa nào đều có thể bị xem là các công ty, ứng dụng bị kiểm soát bởi đối thủ nước ngoài (foreign adversary). Lý do chủ yếu là bởi vì các bộ luật quốc nội của Trung Quốc cho phép việc chính phủ nước này trích xuất và kiểm soát không giới hạn lượng thông tin mà các công ty Trung Quốc sở hữu.
Trên cơ sở đó, PAFACA yêu cầu rằng nếu ứng dụng Tiktok muốn tiếp tục tồn tại trên đất Mỹ, ByteDance Ltd ít nhất phải thực hiện thoái vốn khỏi ứng dụng Tiktok đang được kinh doanh tại đây (divestiture), và từ đó không còn là một công ty Trung Quốc với khả năng bị yêu cầu trích xuất và kiểm soát thông tin không giới hạn nữa.
Yêu cầu có thời hạn thực hiện là 270 ngày, nhưng cho đến nay đã qua 270 ngày và ByteDance không có ý định thực hiện yêu cầu trên.
Với những thông tin trên, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ từ đó đưa ra hai bước phân tích.
Trước tiên, Pháp viện cho rằng PAFACA không điều chỉnh trực tiếp các hoạt động ngôn luận, biểu đạt được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất. Hiểu đơn giản rằng bất kỳ điều gì có thể nói trên Tiktok đều đã có thể được nói trên các nền tảng khác trong không gian chính trị Hoa Kỳ, dù là biểu tình, các ứng dụng không do đối thủ nước ngoài kiểm soát, hay không gian báo chí.
Nói cách khác, tòa cho rằng việc cấm Tiktok không gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do ngôn luận của người dân Mỹ, vốn đã được bảo vệ một cách rộng khắp bằng các quy định pháp lý lẫn án lệ (mà Trung đã dẫn một số ở trên). Quy định của PAFACA là nhằm kiểm soát doanh nghiệp (corporate control), và corporate control thì lại không thể được xem là điều chỉnh trực tiếp các hoạt động biểu đạt hay bán biểu đạt. Như vậy, không có căn cứ để cho rằng PAFACA trực tiếp gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dân Mỹ.
Tuy nhiên, trong phép thử thứ hai của mình, Pháp viện công nhận rằng việc đặt ra yêu cầu thoái vốn cho ByteDance Ltd trong khung thời gian tương đối ngắn (270 ngày) có đặt ra một số gánh nặng (chứ không phải điều chỉnh) đối với các hoạt động biểu đạt khác (như quyền “kiểm duyệt nội dung”, quyền “sản xuất nội dung”, quyền “tiếp cận phương tiện biểu đạt riêng biệt…”). Điều này làm phát sinh nhu cầu đánh giá tư pháp tác động của PAFACA.
Vậy việc đánh giá này được thực hiện như thế nào?
3. PHÁP LUẬT TRUNG LẬP VỀ NỘI DUNG BIỂU ĐẠT: “CONTENT-NEUTRAL LAW”
Bắt đầu bước phân tích của mình, Pháp viện cho rằng PAFACA vẫn là một đạo luật trung lập về nội dung biểu đạt, hay “content-neutral law” (trái ngược với pháp luật nhắm vào nội dung biểu đạt, “content-based law”).
Việc can thiệp vào Tiktok chủ yếu là vì các quan ngại an ninh quốc gia phát sinh từ bối cảnh chính trị cụ thể, khi mà Trung Quốc đã “đã tham gia vào những nỗ lực sâu rộng và kéo dài nhiều năm để thu thập các tập dữ liệu cấu trúc cụ thể, đặc biệt là về công dân Hoa Kỳ, nhằm hỗ trợ các hoạt động tình báo và phản gián của mình.” ByteDance Ltd, trong khi đó, lại là một công ty Trung Quốc chịu sự kiểm soát toàn diện của chính phủ Trung Quốc, cân nhắc của pháp luật quốc nội quốc gia này, biến họ trở thành một công cụ gián điệp (espionage tool) hơn là một công ty tư nhân thông thường.
Phán quyết cũng ghi nhận một số thông tin quan trọng, như việc Tiktok không chỉ thu nhập thông tin cá nhân cơ bản như tên họ, email, tin nhắn bên trong ứng dụng của riêng nó. Tiktok còn có thể thu thập các dữ liệu hành vi (behavorial data), thói quen dùng bàn phím, thông tin trong danh bạ điện thoại của một người, nghề nghiệp, ghi chú liên quan những người trong danh bạ của tài khoản… Tất cả những nguồn thông tin này có thể tìm ra và từ đó xây dựng ra kết nối của các chủ thể chính trị, nhân viên hay các nhà thầu liên bang, lập hồ sơ của họ và phục vụ các mục tiêu chính trị khác.
Hệ quả về ngôn luận và biểu đạt (nếu có) từ đó là hệ quả thứ cấp, chứ không phải là hệ quả được nhắm tới của đạo luật. Theo hệ thống án lệ về tự do ngôn luận của Hoa Kỳ, điều này đồng nghĩa với việc Pháp viện có thể cân nhắc tính phù hợp (appropriateness) giữa mục tiêu quản trị nhà nước đề ra so với chính sách can thiệp, chứ không nhất thiết phải áp dụng phép kiểm tra nghiêm ngặt (strict scrutiny).
Từ đó, Pháp viện khẳng định rằng việc yêu cầu ByteDance Ltd thoái vốn trong các hoạt động liên quan đến Hoa Kỳ là tương xứng với lợi ích nhà nước được nhắm tới, và không vi phạm đến quyền tự do ngôn luận đã được bảo vệ trong Tu chính án thứ nhất.
Nguồn: Bài viết gốc của bạn NQTT trên Facebook