Lọc gió không được vệ sinh, thay thế định kỳ sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của động cơ ô tô, tuy nhiên ô tô sử dụng bao lâu nên thay lọc gió động cơ là điều không phải ai sử dụng ô tô cũng biết.
Cùng với bộ lọc xăng, lọc gió được ví như lá phổi của động cơ. Bộ phận này được chế tạo để lọc bụi và các tạp chất khác nhau, không để nó lọt vào buồng đốt của động cơ. Chính vì vậy, nếu lọc gió động cơ không được kiểm tra, thay thế định kỳ sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của động cơ và có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau.Thực tế với thói quen phó mặc việc kiểm tra, bảo dưỡng ô tô cho các xưởng dịch vụ đã có không ít trường hợp sử dụng xe lâu ngày quên lịch bảo dưỡng, lọc gió động cơ theo đó cũng không được thay thế. Thậm chí, với những ô tô đã hết hạn bảo hành, nhiều chủ xe cũng lơ là vấn đề bảo dưỡng, khiến một số chi tiết, bộ phận như lọc gió nhiễm bẩn, xuống cấp và không còn phát huy tác dụng. Những trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của động cơ ô tô.
Lọc gió động cơ không được kiểm tra, thay thế định kỳ sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của động cơ và có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau.
Điều gì xảy ra nếu lọc gió động cơ ô tô không được thay thế định kỳ?
Nếu trong quá trình sử dụng ô tô, chủ xe không thay lọc gió sẽ khiến động cơ hoạt động kém hiệu quả và phát sinh rất nhiều vấn đề.
Đầu tiên, động cơ phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo cho việc đốt cháy nhiên liệu. Mức tiêu hao nhiên liệu của xe theo đó cũng sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, lọc gió quá bẩn sẽ làm giảm luồng không khí đưa vào buồng đốt, ảnh hưởng đến quá trình đốt cháy và làm cho động cơ hoạt động chậm hơn, thậm chí động cơ rung khi chạy tải. Theo thời gian sẽ khiến các chi tiết động cơ như van, bu-gi hoặc cả động cơ bị hỏng.
Lọc gió quá bẩn sẽ làm giảm luồng không khí đưa vào buồng đốt.
Ngoài ra, khi lọc gió động cơ bẩn, luồng không khí đưa vào động cơ sẽ nhiễm bụi bẩn, gây mài mòn các bề mặt kim loại và chi tiết chuyển động. Dần dần, bụi bẩn sẽ làm giảm chất lượng dầu bôi trơn, khiến khả năng bôi trơn và làm mát các chi tiết bên trong động cơ giảm, tăng tốc độ hao mòn và gây hỏng hóc sớm.