worldvision
Huyền Thoại
Vì sao Mỹ là nơi Internet được khai sinh nhưng Hàn Quốc lại là quốc gia có mạng Internet có tốc độ cao nhất thế giới và cước phí rẻ hơn nhiều lần? Giới IT Mỹ đã mất rất nhiều công sức để đi tìm câu trả lời.
Theo hãng Akamai, tốc độ Internet của nước Mỹ hiện nay chỉ bằng ¼ so với Hàn Quốc và một sự so sánh khác cũng “xát thêm muối” vào vết thương của người Mỹ khi trung bình họ phải trả tới 45,5 USD/tháng tiền cước còn ở Hàn Quốc, một đường truyền tốc độ cao gấp nhiều lần cũng chỉ tốn khoảng 17 USD/tháng (số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD).
Có lẽ những sự so sánh này đã trở thành động lực để Chính phủ Mỹ đẩy nhanh tiến trình thông qua “Kế hoạch phát triển băng rộng quốc gia” nhằm nâng cao tốc độ và giảm mức cước phí cho người dùng Internet tại nước này. “Nhưng chúng ta sẽ chẳng thể nào trở thành Hàn Quốc”, Robert Faris, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Internet và Xã hội Berkman thuộc trường đại học Harvard đã “dội gáo nước lạnh” vào những tham vọng này.
Theo giới CNTT Mỹ, có 5 lý do chính giúp cho Hàn Quốc trở thành quốc gia có tốc độ Internet nhanh nhất thế giới mà nước Mỹ rất khó có thể “học tập”.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng ở những quốc gia có tốc độ Internet cao và cước phí rẻ, sự cạnh tranh luôn diễn ra quyết liệt giữa các ISP.
Ở Mỹ, người dùng Internet không có nhiều sự lựa chọn khi muốn kết nối Internet. Hoặc là họ chọn các nhà cung cấp dịch vụ cáp quang hoặc lựa chọn dịch vụ của các hãng viễn thông. “Sự thật là hầu hết các quốc gia khác đều có nhiều sự cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ Internet hơn Mỹ”, ông Faris khẳng định.
Đây cũng chính là một trong những vấn đề mà giới CNTT đang kịch liệt chỉ trích trong bản “Kế hoạch phát triển băng rộng” của Chính phủ Mỹ. Theo họ, điểm còn thiếu của bản kế hoạch này là không tạo ra một môi trường cạnh tranh cao giữa các ISP để làm lợi cho người dùng.
Cũng theo số liệu của OECD, tỷ lệ thâm nhập Internet băng rộng ở Hàn Quốc là 94% trong khi Mỹ chỉ là 65%. Chính phủ Hàn Quốc đã thành công trong việc tạo ra một nền “văn hóa băng rộng” cho người dân bằng cách liên tục khuyến khích họ mua máy tính và kết nối Internet thông qua các chương trình trợ giá đối với người thu nhập thấp hoặc người dân ở những vùng có tỷ lệ sử dụng Internet chưa cao. Thậm chí, trên truyền hình người ta còn có một chương trình hướng dẫn cách ứng dụng Internet vào cuộc sống hàng ngày dành riêng cho những người nội trợ. Các bậc cha mẹ ở Hàn Quốc cũng tin rằng Internet sẽ giúp con cái họ học hành tiến bộ hơn. “Đáng tiếc là chúng ta chưa thấy có một chương trình tương tự nào như thế ở nước Mỹ”, Rob Atkinson - Chủ tịch Quỹ sáng tạo và CNTT Mỹ phát biểu.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác ở châu Âu đã thử nghiệm thành công chính sách bắt buộc các nhà mạng phải chia sẻ hạ tầng với nhau để đưa Internet băng rộng đến từng hộ gia đình. “Đây là giải pháp tốt nhất để các công ty mới tham gia vào thị trường có thể phục vụ khách hàng tốt hơn mà không phải đầu tư quá nhiều vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng từ đó mở đường cho sự cạnh tranh lành mạnh”, chuyên gia Faris nói.
Cũng có một số ý kiến chuyên gia cho rằng, lý do chính giúp cho cước phí Internet ở Hàn Quốc rẻ hơn Mỹ là nhờ mật độ dân cư của họ rất lớn. Tại Hàn Quốc, mật độ trung bình là khoảng 1.200 người mỗi dặm vuông trong khi ở Mỹ chỉ là 88 người. Mật độ dân số cao giúp cho các ISP tiết kiệm được một khoản khá lớn trong việc lắp đặt thêm các đường cáp, các cơ sở hạ tầng.
Ngay từ đầu những năm 90, Chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu ưu tiên phát triển Internet băng rộng và thực thi các chương trình “xóa mù Internet” trong khi nhiều quốc gia khác vẫn đang vật lộn với đường truyền Internet dial-up.
“10 năm trước họ đã bắt đầu và giờ đây họ vẫn đi trước nước Mỹ từ 4-5 năm bất chấp chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để thu hẹp khoảng cách”, ông Atkinson nói, “Đáng chú ý là giờ này họ đã thực thi chương trình Internet cáp quang đến từng hộ gia đình”.
Theo CNN
http://www.ictnews.vn/Home/internet...h-nhat-the-gioi/2010/04/2MSVC7726257/View.htm