Bí ẩn ít biết về rắn thần 9 đầu khổng lồ ở chùa Khmer
Ít ai biết vì sao ở chùa của người Khmer lại có nhiều tượng rắn kỳ quái, kinh sợ như vậy .
Du khách lần đầu đến các ngôi chùa của người Khmer ở miền Tây, hoặc Campuchia, đều thích thú, thậm chí sợ hãi khi chiêm ngưỡng hai con rắn khổng lồ 9 đầu chầu vào cổng.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ở chùa của người Khmer, vì sao lại có nhiều tượng rắn kỳ quái, kinh sợ như vậy.
Theo sư phó Tú Linh (chùa Mahatup, còn gọi là chùa Dơi, hay chùa Mã Tộc, TP. Sóc Trăng), những tượng rắn đó được gọi là Naga.
Theo tiếng Phạn, Naga là rắn hổ mang, có cái đầu bạnh lớn, là chúa tể của loài rắn. Chúng là loài rắn lớn nhất, nọc độc khủng khiếp nhất, có khả năng giết 20 người hoặc một con voi lớn.
Trong truyền thuyết của người Khmer, thì rắn Naga tượng trưng cho vị thần Siva tối cao. Đây là vị thần nắm trong tay sự hủy diệt và tái sinh.
Vị vua đầu tiên lãnh đạo Vương quốc Chân Lạp, là Kampu, là người tài giỏi, có đức độ, được nhân dân yêu mến, sùng kính như vị thần.
Rắn thần Naga ở cổng chùa Dơi .
Hồi còn trai trẻ, chưa lập vương quốc, trong lần vượt biển sang đất nước của những hòn đảo, là vùng Indonesia bây giờ, ngài đã gặp con gái vua rắn Naga, một cô gái kiều diễm, thông minh, xinh đẹp, như nàng tiên giáng thế.
Khi đó, vua rắn Naga tổ chức lễ kén rể cho con gái. Kampu đã vượt qua tất cả các chàng trai trong các cuộc thi văn võ để làm chồng công chúa Naga.
Vợ chồng Kampu đã lãnh đạo nhân dân, kết nối các bộ lạc, lập nên Vương quốc Chân Lạp. Công chúa Naga đã trở thành hoàng hậu.
Biết ơn nàng công chúa, sau này, các vị vua thế hệ sau, khi xây dựng các cung điện, đền thờ, chùa chiền, các công trình tâm linh, đều đắp tượng rắn Naga để thờ, xem đó là vị thần canh giữ chốn linh thiêng.
Rắn Naga luôn xuất hiện trên cầu thang, lối đi, cổng vào với ý nghĩa xua đuổi tà ma, ám khí.
Rắn Naga còn là biểu tượng cho sự kết nối giữa cõi nhân gian và Niết Bàn.
Về sau, rắn Naga là biểu trưng cho sự thịnh vượng, là vị thần bảo vệ mùa màng, mang nước tưới tắm cho ruộng vườn, mang nước đầy ắp các dòng sông.
Rắn Naga còn là biểu tượng cho sự kết nối giữa cõi nhân gian và Niết Bàn.
Trong các công trình cổ, có các hình tượng rắn 3 đầu, 5 đầu, 6 đầu, 7 đầu và 9 đầu. Rắn 3 đầu tượng trưng cho thiên – địa – nhân; 5 đầu là kim – mộc – thủy – hỏa – thổ; 6 đầu biểu trưng cho nữ giới, trái đất, thể xác và sự chết chóc, 7 đầu tượng trưng cho sự đắc đạo trong tu hành và 9 đầu chính là con đường dẫn lên thiên đàng.
Rắn Naga 5 đầu là biểu tượng kim – mộc – thủy – hỏa – thổ. Ảnh Phạm Ngọc Dương
Trong những ngôi chùa ở xứ sở chùa tháp, rắn thần Naga xuất hiện khắp nơi, từ cổng chùa, đến nóc chùa, đầu đao, thậm chí trên những cánh cửa tủ đựng kinh sách… với ý nghĩa bảo vệ Phật khỏi tà ma ngoại đạo.
Trong dân gian, rắn Naga cũng xuất hiện ở nhiều nơi. Những chiếc xe tang luôn có hình ảnh rắn Naga, để đưa linh hồn người chết về cõi Niết Bàn.
Tuy nhiên, truyền thuyết về rắn thần Naga trên đây chỉ là của người Campuchia. Trong Phật giáo, rắn Naga là hình tượng khá đa dạng. Rắn thần Naga xuất hiện trong nhiều nền văn hóa.
Rắn Naga thường được đắp ở cổng chùa, mái chùa. Ảnh Phạm Ngọc Dương
Naga được tìm thấy đầu tiên trong truyền thống văn hóa Hindu. Từ đây, hình tường Naga phổ biến đi hầu hết các quốc gia châu Á.
Trong kinh Maha sát đầu, lúc Đức Phật hạ thế, có con rắn (một số truyền thuyết gọi là rồng) 9 đầu phun nước thơm tắm cho Đức Phật.
Vào tuần thứ 6, sau khi thành đạo, bỗng nhiên có trận mưa to, gió lớn, trời tối sầm sập, mây đen kéo đến, mãng xà vương Mucakinda từ ổ chui ra, uốn mình quấn quanh Đức Phật để bảo vệ cho Ngài. Đầu rắn bạnh ra che mưa cho Ngài. Vì thế, mưa gió không ảnh hưởng đến quá hình tu luyện của Đức Phật.
Ngày thứ 7, khi trời quang, mây tạnh, rắn thần rời bỏ Đức Phật, hóa thân thành một thanh niên tuấn tú, khai sáng cho Đức Phật.