Ðề: Tôi đã xây dựng, bảo vệ và quản lý kho dữ liệu HD của mình như thế nào
4/ Bo mạch chủ và các loại card dùng cho hệ thống lưu trữ
Nói về thị trường bo mạch chủ (motherboard hay tắt là mobo) ngày nay ta có cả một rừng, đủ các dòng loại thượng vàng hạ cám. Trừ phi bạn tận dụng lại máy cũ, còn nếu bạn không cẩn thận tính toán ngay từ đầu, nhiều phần ta sẽ lựa chọn sai mobo cho hệ thống lưu trữ mà việc khắc phục hậu quả sau này sẽ khó khăn, tốn kém và nhất là rất mất thời gian.
Có hai mục tiêu chính mà ta cần bám lấy ‘thắt lưng nó’ mà đánh tới tấp. Thứ nhất, mobo tính toán làm sao không biết, phải có đủ cổng để cắm các ổ cứng. Ví dụ, tôi sẽ lắp 40 ổ cứng, vậy mobo có bao nhiêu cổng Sata onboard rồi? Cần phải mua bao nhiêu card sata nữa? Mỗi card bao nhiêu cổng? (tương tự như phần hard drive, bạn không cần quan tâm là Sata II hay Sata III). Mobo sẽ đủ khe PCI để cắm các card này không? PCI loại gì? Express x 1, x 4 hay thường (màu trắng)? Thứ hai, hổng lẽ setup cái máy xong rồi ngồi ngắm? Vì nó sẽ đóng vai trò là máy cái của các loại máy trong nhà nên hệ thống lưu trữ này không những cần phải có đường nối với home network mà còn phải bảo đảm sao cho đường truyền có đủ băng thông (bandwidth) và ổn định cho vài máy trong nhà stream đồng thời cùng lúc mà không bị ‘cà giựt’.
Từ kinh nghiệm, bạn còn nhớ tôi đã hướng đẫn các bạn chọn case và CPU trước. Tại sao?
Từ việc chọn ra một cái case, bạn sẽ biết được mình có quyền mua được loại factor nào của mobo: ATX, micro ATX, mini ITX,… Cũng vậy qua cái case sẽ chứa được bao nhiêu HDD là tối đa, bạn cũng sẽ biết được mình sẽ mua mobo có khả năng (sau khi cộng hết tứ phương tám hướng gồm cổng onboard, sata cards qua slot PCI,…) cắm được bao nhiêu HDD. Cũng vậy, sau khi chọn xong CPU, bạn sẽ biết mobo của mình dùng cho AMD hay Intel, socket loại nào (cái này quan trọng lắm),… Lúc này công việc sẽ dễ dàng hơn một chút phải không các bạn?
OK, bây giờ để thực hiện mục tiêu số 1 ở trên, ta cứ đu đeo thằng chipset mà chọn mobo. Thật vậy, từ chipset bạn có thể biết được khả năng mở tối đa mà một mobo mang chipset đó có thể thực hiện được. Từ số cổng Sata 6Gg/s, số slot PCI express (cái này quan trọng để tính toán khi mua thêm card sata cắm HDD), cho tới số cổng USB 3.0, khả năng OC, khả năng đấu SLI/Crossfire, v.v…
Và cũng từ chipset, nguyên tắc chọn là chúng ta cũng cứ lần lần chọn mobo từ thấp đến cao (cái này cũng thích hợp khi áp dụng chọn bo mạch chủ cho HTPC). Ví dụ như chipset Intel Haswell hiện nay (từ thấp đến cao) là H81, H87 và Z87. Nếu như loại H81 không đáp ứng yêu cầu của mình thì mới bắt đầu nâng lên H87. Theo cá nhân tôi thấy, trong khi loại chipset H87 được cho là lý tưởng đối với phần lớn người dùng hiện nay, thì các bo mạch chủ với chipset Z87 hầu như luôn luôn là một sự phù hợp tốt hơn dành cho các loại server lưu trữ HD gia đình. Bởi vì do Z87 là chipset hàng đầu, nên các nhà sản xuất bo mạch chủ có xu hướng cung cấp thêm các cổng mà chúng ta sẽ không thấy trên các mobo của H87. Thật vậy, chỉ là thêm vài cổng Sata onboard là đỡ cho chúng ta rất nhiều. Đồng ý là các bạn cũng có thể mua về card sata rời, nhưng ngoài sự mất thêm tiền mua card (không rẻ), vì xác xuất lỗi của card cũng cao, nên vô hình trung các bạn đang làm cho hệ thống gia tăng khả năng mất ổn định. Hy vọng không ai bị ‘bơi’ khi đọc tới đây
Đối với phần network - mục tiêu số 2 – tức bảo đảm đường truyền network phải nhanh và ổn định. Lý ra tôi muốn dành hẳn một phần để chỉ nói riêng về nó do tính chất quan trọng trong việc stream content trong mạng gia đình nhưng phần vì nó có dính dáng đến bo mạch chủ phần vì bài nói về hardware đã quá dài nên tôi cũng muốn rút gọn lại.
Cái gì quan trọng trước nói trước. Đầu tiên tôi không bao giờ dùng wifi để stream bluray movies over home network. Đó là một ý tưởng tồi và nó đốt của tôi vài tháng mày mò cũng như tiền bạc để khắc phục cái tật ‘cà giựt’ mà cuối cùng tôi cũng đành bỏ cuộc. Vì lẽ đó, kinh nghiệm của tôi là, không bao giờ cho phép mình mua cái mobo có tích hợp (built-in) wifi dùng cho hệ thống lưu trữ. Cái dại là mình ngoài việc phải bỏ tiền thêm mua cái ‘cục nợ bán kèm’ mà còn hao thêm tí điện, sinh thêm tí nhiệt trong khi lại không sử dụng được cho dù là chuẩn wifi n đi nữa. Riêng về chuẩn wifi AC mới hiện nay, tôi được khuyên phải ‘chơi hàng’ cho tới thì sẽ stream được. Nhưng ngồi nhẩm ra vừa sắm lại rounter vừa mua adapter mới bắt wifi cho ‘đúng điệu’ tôi phải bỏ ra trên $400 thì tôi cuối cùng đành phải bỏ của chạy lấy người! Thôi cứ đi dây CAT 6 trong nhà, đẹp thì không sure nhưng rẻ và bền là chắc rồi.
Kế tiếp là từ đây sắp tới nếu bạn nghĩ sẽ cặp kè vĩnh viễn với một hệ thống lưu trữ HD vài chục terabyte trở lên thì chơi Gigabit LAN là sự lựa chọn đúng đắn nhất. Cái này thì quá dễ rồi nên tôi không thể nói thêm được gì nữa.
Một câu hỏi đặt ra khi quyết định dùng wired cable cho network là các loại chip thì dùng Gigabit Ethernet LAN chip của thương hiệu nào? Realtek, Marvell, Broadcom hay Intel là những cái tên phổ biến hiện nay? Trừ phi bạn đang sử dụng cho một máy tính gia đình thông thường thì không quan tâm lắm, còn không khi bạn đang sử dụng máy tính của bạn với mục đích như là một máy chủ chuyên dụng share phim, nhạc, hình ảnh cho cả gia đình với kết nối siêu nhanh thì tôi chỉ có thể nói một câu: Hãy làm bạn với Intel, bạn sẽ không bao giờ thất vọng. Ngoài cái chuyện truyền tải nhanh, driver mạnh mẽ và thân thiện, ít hao điện hơn, nó còn cho ta sự ổn định cao là cái tôi rất cần.
Trở lại về đề tài bo mạch chủ, ta nên mua loại NIC onboard hay mua NIC card rời? Dĩ nhiên là nếu có thêm tí tiền rủng rỉnh thì nên mua card rời. Điều thì dân rành tí về hardware ai cũng có thể trả lời được. Lý do là vì, tương tợ như video card rời, khi hoạt động card rời sẽ làm giảm tải hệ thống. Tôi có thể giới thiệu cho bạn, nếu có thể được thì mua cái NIC card Intel này. Nó mang đúng nghĩa rẻ, nhanh, bền.
Em nó là Intel EXPI9301CTBLK Network Adapter 1000Mbps PCI-Expressx1
Tuy nhiên được cái này thì mất cái khác, dùng card rời đồng nghĩa với việc mobo sẽ mất đi một khe cắm PCIe. Ngoài ra bình quân cứ 1 card rời được gắn vào hệ thống, nó sẽ tiêu tốn khoảng 10W/h. Vì vậy quyết định là tùy tình hình và tùy ý thích của các bạn thôi. Riêng cái media server của tôi thì chọn NIC Intel onboard. Xem hình.
Cuối cùng nên chọn thương hiệu bo mạch chủ nào? Vì hệ thống cần sự ổn định nên 2 cái tên tôi ưa thích xưa nay là Asus và Gigabyte. Sau này có thêm AsRock, tuy Bios và cài đặt hơi rối nhưng được cái giá mềm cộng thêm với một vài tính năng đáng giá khác nên cũng được đưa vào danh sách lựa chọn.
Túm (cái váy) lại, một số điểm cần chú ý khi lựa chọn motherboard:
- Thông thường các hệ thống lưu trữ sẽ có nhiều HDD, kiếm loại mobo nào có càng nhiếu cổng SATA onboar càng tốt (thường là 8 còn cao hơn thường khó kiếm và có giá trên trời).
- Có thế sau này sẽ nâng cấp lắp thêm nhiều HDD, kiếm loại mobo nào có càng nhiếu slot PCI (express) càng tốt (để gắn thêm SATA controller card).
- Sau này rất có thể sử dụng ổ USB gắn ngoài, do đó nên kiếm loại mobo được trang bị cổng USB 3.0 giúp tăng tốc độ truyền tải dữ liệu. Chứ các loại phim Bluray vài chục GB mà gắn USB 2.0 chắc copy tới thiên thu.
- Tôi khuyên các bạn nên mua loại mobo ATX dùng cho các loại máy lưu trữ dữ liệu. Các cổng có nhiều mà không gian cũng thoải mái để cài cắm. Có nhiều lựa chọn hơn đặc biệt so với loại bo mạch chủ miniITX.
- Nếu cái túi cho phép nên chọn thương hiệu được nhiều người tin cậy để có gì tối ngủ đỡ hồi hộp.
Sata Controller Card
Card Sata rời là loại card cho phép người dùng có thể gắn thêm HDD (thường là 2, 4, hoặc 8 ổ cứng) ngoài cổng Sata onboard. Loại khá phổ biến do giá cả bình dân và đặc biệt là độ bền cũng như tính ổn định của nó là card 8 cổng Sata Supermicro AOC-SASLP-MV8 8-Port SAS/SATA. Một vài bạn ở box lưu trữ khủng theo tôi biết cũng đang xài nó. Tôi có 3 em này hiện đang chạy trong server lưu trữ của tôi mấy năm nay mà xem ra cũng chưa thấy em nào tỏ ra mệt mỏi.
Ngoài trong giới giang hồ lưu trữ hồi đầu năm 2013 bắt đầu tán tụng loại sata card của IBM đó là IBM M1015 SAS/SATA Controlle (cũng là loại 8 port). Xem hình.
Mua trôi nổi trên eBay rồi về flash Rom lại nghe nói cũng tốt chán. Tôi chưa có dịp thử, hay chính xác hơn là không cần nên chỉ biết để đó. Nếu bạn nào đã có dùng qua loại này rồi thì có thể qua topic này nêu lên kinh nghiệm và cảm nhận của mình. Xin cám ơn.
Và sau đây là chi tiết về cái bo mạch chủ mà tôi đã trang bị cho hệ thống của mình. Tôi đã chọn cho cái mobo là ASUS P8Z77-V LGA 1155 Intel Z77 HDMI SATA 6Gb/s USB 3.0 ATX Intel Motherboard với 8 cổng Sata onboard.
Với 3 cái slot PCIe (2x8 và 1x4) dùng để cắm 3 em Supermicro AOC-SASLP-MV8. Ngoài ra tôi còn sử thêm 2 card Sata rời nữa (mỗi card có 4 cổng Sata – 1 PCIex1 và 1 PCI). Tổng cộng là 40 cổng Sata cho đúng 40 ổ cứng.
5/ Phần cuối - RAM và PSU
(còn tiếp)