Ðề: Thông tin giải trí
Những điều thú vị về giải thưởng Oscar
Còn được biết đến với tên gọi Academy Awards (Giải thưởng của Viện Hàn lâm), Oscar là giải thưởng cao quý nhất mà gần như bất kỳ ai hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đều mong muốn nhận được.
Oscar được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 1929 tại Hollywood để tôn vinh những cống hiến điện ảnh xuất sắc trong năm. Bức tượng vàng có hình một chàng hiệp sĩ cầm thanh kiếm, cao khoảng 34 cm và nặng gần 4 kg, được làm bằng kim loại đồng mạ vàng 14 cara do nhà điêu khắc nổi tiếng Cedric Gobbons thiết kế vào năm 1928.
Tượng vàng Oscar là niềm mơ ước của bất kỳ ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy.
Nguồn gốc cái tên Oscar đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Một trong các giai thoại là thư ký của Viện Hàn lâm - Margaret Herrick - lần đầu tiên nhìn thấy bức tượng này vào năm 1931 đã cho rằng nó giống y như ông chú có tên Oscar của bà. Một nhà báo có mặt vào lúc đó đã lấy ngay cái tên này làm tiêu đề cho một bài báo.
Nữ diễn viên Bette Davis lại cho rằng cái tên này bắt nguồn từ người chồng đầu tiên của bà, người chỉ huy dàn nhạc Harmon - Oscar Nelson. Dù thế nào đi nữa, Oscar vẫn là cái tên phổ biến và quen thuộc nhất mỗi khi nhắc đến giải thưởng điện ảnh danh giá của Viện Hàn lâm.
Giải thưởng Oscar được trao vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 hàng năm và được truyền hình trực tiếp. Theo quy định, một bộ phim muốn tranh giải Oscar phải được trình chiếu trong thời gian từ 1/1 đến 31/12 của năm trước đó tại Los Angeles, Hollywood và có độ dài ít nhất là 40 phút, trừ phim ngắn.
Nhà hát Kodak ở Los Angeles (Mỹ), nơi diễn ra đêm trao giải Oscar thường niên từ năm 2002.
Ở vòng bỏ phiếu đầu tiên, các thành viên của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh (AMPAS) được chọn ra từ Hội đồng quản trị (Board of Governors) sẽ bỏ phiếu cho các nội dung thuộc ngành của họ (những thành viên làm diễn viên sẽ bỏ phiếu cho các giải diễn viên, đạo diễn sẽ bỏ phiếu cho giải đạo diễn). Ở vòng 2 sẽ xác định được người thắng cuộc.
Những nhân vật từng giành Oscar ở các năm trước thường được mời tham gia bầu chọn vào các năm sau, nhưng điều này không nằm trong quy định của Viện Hàn lâm. Việc đề cử các thành viên mới được tiến hành hàng năm. Hoa đán Chương Tử Di từng vinh dự được Viện Hàn lâm mời tham gia bầu chọn Oscar hai lần, vào năm 2005 và năm nay.
Thông thường, Viện Hàn lâm không công bố danh tính các thành viên của từng năm, nhưng giới truyền thông vẫn đưa ra tên tuổi của họ và trung bình mỗi năm có trên dưới 6.000 thành viên tham gia quá trình chấm giải.
Poster quảng bá cho giải thưởng Oscar lần thứ 84 sắp diễn ra vào tối 26/2.
Lễ trao giải đầu tiên diễn ra tại khách sạn Roosevelt ở Hollywood, Mỹ vào cuối thập niên 1920. Những năm 1990, Oscar được trao tại Trung tâm âm nhạc và thính phòng Shrine Auditorium. Từ năm 2002, Nhà hát Kodak trở thành nơi tổ chức của giải thưởng này. Lần đầu tiên đêm trao giải được ghi hình là vào năm 1953 bởi hãng NBC, nhưng đến năm 1960 thì quyền truyền hình lại lọt vào tay hãng ABC.
Hai hãng NBC và ABC tiếp tục tranh giành nhau bản quyền này trong suốt thập niên 70 của thế kỷ trước, nhưng từ năm 1976 đến nay, ABC đã trở thành đơn vị được phép phát sóng trực tiếp lễ trao giải. Bản hợp đồng giữa ABC với AMPAS kéo dài cho đến năm 2014.
Thảm đỏ Oscar là nơi để các minh tinh khoe sắc trong những bộ váy hàng hiệu rực rỡ.
Cũng giống như các lễ trao giải Quả cầu vàng hay Bafta, Oscar cũng là dịp các ngôi sao nổi tiếng gặp gỡ nhau và khoe sắc trong những bộ cánh đẹp và đắt tiền nhất. Đây cũng là nơi thể hiện đẳng cấp và vinh danh những tài năng điện ảnh thực thụ. Đêm trao giải Oscar lần thứ 84 sẽ diễn ra vào tối 26/2 tại nhà hát Kodak, Los Angeles, với sự tham gia hàng trăm minh tinh, tài tử và các nhà làm phim.
Năm nay, danh hài Billy Crystal tiếp tục là người dẫn chương trình chính của đêm trao giải. Đây là lần thứ tám ông nắm giữ vị trí được nhiều người mơ ước này. Christian Bale, Halle Berry, Natalie Portman, Tom Cruise, Tom Hanks, Angelina Jolie... sẽ là những minh tinh - tài tử lên trao các giải năm nay.
Một số kỷ lục trong lịch sử Oscar
- 3 bộ phim từng giành nhiều giải Oscar nhất trong lịch sử (11 giải) là Ben Hur (1959), Titanic (1997) và The Lord of The Rings : The Return of The King (2003).
- Katherine Hepburn là diễn viên giành nhiều giải Oscar nhất ở hạng mục diễn xuất. Bà đã sở hữu 4 tượng vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc.
- Bộ phim châu Á đầu tiên được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất là Ngọa Hổ Tàng Long (2000).
- Người sở hữu nhiều tượng Oscar nhất là Walt Disney với 59 đề cử và 22 lần giành giải chính thức ở nhiều hạng mục khác nhau.
- Diễn viên già nhất từng giành giải Oscar là Jessica Tandy. Bà đoạt giải khi đã 80 tuổi với vai diễn trong phim Driving Miss Daisy vào năm 1989. Nữ diễn viên Tatum O’Neal hiện vẫn nắm giữ kỷ lục người trẻ nhất giành giải Oscar về diễn xuất khi mới 10 tuổi.
- Beauty And The Beast và Toy Story 3 là hai bộ phim hoạt hình từng được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất.
- Tàu tử yểu mệnh Heath Ledger là diễn viên quá cố đầu tiên giành giải Oscar. Hơn một năm sau khi qua đời, anh được xướng tên nhận danh hiệu Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Oscar 2009 với vai Joker trong The Dark Knight.
- Meryl Streep là diễn viên từng được đề cử nhiều nhất với 16 lần nhưng mới 2 lần được vinh danh. Năm nay, bà tiếp tục có tên trong hạng mục tranh giải Nữ diễn viên chính xuất sắc với vai cựu thủ tướng Anh, Margaret Thatcher trong phim The Iron Lady.
- Năm 2000, 55 bức tượng vàng bị đánh cắp khi đang trên đường vận chuyển tới buổi lễ. Sau đó, 53 bức đã được tìm thấy.
- Mỗi năm, khoảng 50 - 60 bức tượng Oscar được sản xuất.
- Jennifer Hudson là nghệ sĩ đầu tiên giành cả giải Grammy lẫn Oscar với album và bộ phim đầu tiên của mình. Năm 2007, vai diễn đầu tay - Effie White - trong phim ca nhạc Dreamgirls đã đem lại cho Jennifer danh hiệu Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Hai năm sau đó, cô giành giải Grammy với album đầu tay mang chính tên mình.
- Tính đến giải Oscar lần thứ 83 vào năm ngoái, đã có khoảng gần 3.000 giải Oscar được trao và hơn 300 diễn viên được trao giải về diễn xuất.
- Người phụ nữ đầu tiên giành giải Đạo diễn xuất sắc là Kathryn Bigelow vào năm 2010 với bộ phim The Hurt Locker. Bà đã đánh bại chồng cũ là đạo diễn James Cameron để ghi dấu ấn nữ quyền trong lịch sử giải đạo diễn của Oscar.
- Từ năm 2010, số lượng đề cử hạng mục Phim hay nhất tăng lên con số 10. Tới năm nay, Viện Hàn lâm tiếp tục đổi luật thành số lượng các phim tranh giải ở hạng mục quan trọng nhất này có thể dao động từ 5 đến 10, tùy theo chất lượng phim từng năm. 2012 có 9 phim cạnh tranh tượng vàng.
Và đây là thông tin về
9 bộ phim hay nhất của Oscar 2012:
Tối 26/2, đêm hội điện ảnh lớn nhất hành tinh lần thứ 84 sẽ diễn ra tại nhà hát Kodak ở Los Angeles, Mỹ. Trước khi công bố kết quả, hãy cùng VnExpress nhìn lại 9 tác phẩm tranh giải 'Phim hay nhất' năm nay.
1. The Artist
Từng tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm ngoái, bộ phim Pháp gợi nhớ tới giai đoạn chuyển giao từ phim câm sang phim tiếng (talkies) cuối thập niên 1920 đang là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu Phim hay nhất. The Artist xoay quanh George, một ngôi sao sáng giá trong thời kỳ phim câm bỗng chốc bị lu mờ khi nền công nghiệp điện ảnh chuyển mình với sự xuất hiện của phim nói. Người hâm mộ mà anh từng đỡ đầu trở thành một ngôi sao nổi tiếng nhờ giọng hát đặc biệt, trong khi George rơi vào khủng hoảng, khó khăn.
"The Artist" gợi nhớ tới thời kỳ phim câm đen trắng vào thập niên 1920.
Làm sống lại cả một thời kỳ lịch sử của điện ảnh thế giới trong 100 phút, The Artist gây được sự chú ý mạnh mẽ tới hàng triệu người yêu bộ môn nghệ thuật thứ bẩy. Phim đã giành Quả cầu vàng cho Phim hài/ nhạc kịch xuất sắc hồi đầu năm, cùng 75 giải thưởng lớn nhỏ khác. Giữa xu thế bom tấn dựa vào sức mạnh công nghệ như hiện nay, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của The Artist nhiều khả năng sẽ đưa bộ phim lên bục vinh quang với giải thưởng quan trọng nhất tại Oscar.
2. Hugo
Bộ phim mới nhất của đạo diễn lừng danh Martin Scorsese được nhiều đề cử nhất tại Oscar năm nay với 11 hạng mục. Phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết The Invention of Hugo Cabret của nhà văn người Anh, Brian Selznick, và lấy bối cảnh nước Pháp vào những năm 1930. Nội dung Hugo nói về cuộc sống bí ẩn của một cậu bé mồ côi sống sau những bức tường của một nhà ga xe lửa. Thông qua câu chuyện phim, đạo diễn Martin Scorsese muốn tôn vinh giá trị và đề cao sự sáng tạo của điện ảnh.
"Hugo" nói về tình yêu của con người dành cho điện ảnh.
Nhiều nhà phê bình đã dùng bao mỹ từ dành cho Hugo. Quay phim, âm thanh, diễn xuất, ánh sáng, phục trang... của phim đều được đánh giá cao nhưng yếu tố quan trọng nhất mà tác phẩm này đem tới cho người xem chính là cảm xúc. Tại Oscar lần này, Hugo chính là đối thủ mạnh nhất của The Artist ở hai danh hiệu Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc.
3. The Descendants
Khác với Hugo và The Artist, The Descendants của đạo diễn Alexander Payne lại khai thác một câu chuyện rất gần gũi, đời thường. Sau khi người vợ gặp tai nạn và hôn mê, Matt (George Clooney đóng) - một người đàn ông vốn chỉ biết công việc bỗng chốc phải "đối mặt" và chăm sóc cho hai cô con gái nổi loạn. Khi con gái cả Alexandra trở về nhà từ trường nội trú, Matt biết được bí mật về vợ mình. Điều này làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và lối sống hiện tại của anh.
"The Descendants" khai thác một bi kịch gia đình rất gần gũi và đời thường.
Tình huống trong The Descendants rất đời thường, quen thuộc nhưng cách kể của đạo diễn Alexander Payne và diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên khiến khán giả đồng cảm. Qua bộ phim, người xem có thể thấy một thiên đường đôi khi cũng có thể trở thành địa ngục chỉ trong nháy mắt. Tại Quả cầu vàng, The Descendants đã giành giải Phim tâm lý xuất sắc nhưng ở Oscar, tác phẩm này sẽ phải đối đầu với hai ứng cử viên sáng giá là Hugo và The Artist.
4. The Help
Khai thác đề tài phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ những năm 1960, The Help là bộ phim gây nhiều bất ngờ nhất của năm ngoái. Kinh phí chỉ 25 triệu USD và cũng không được chú ý mấy trước lúc trình chiếu nhưng phim đã thu về hơn 170 triệu USD. The Help nói về thân phận những người phụ nữ da màu làm bảo mẫu trong các gia đình người da trắng, trong giai đoạn nạn kỳ thị chủng tộc làm xã hội Mỹ phân hóa rõ nét nhất.
"The Help" tái hiện xã hội Mỹ những năm 1960 khi nạn phân biệt chủng tộc ở giai đoạn mạnh mẽ.
Lối kể chuyện chân thực, tinh tế với ngôn ngữ điện ảnh rất riêng của đạo diễn Tate Taylor đã gây xúc động cho người xem. Dàn diễn viên của The Help được đánh giá là đồng đều và hiếm có, góp phần tạo nên những điểm nhấn quan trọng cho bộ phim. Việc giành chiến thắng ở nhiều giải thưởng tiền Oscar cũng tạo nhiều cơ hội cho The Help đến gần bức tượng vàng cho Phim hay nhất.
5. Midnight in Paris
Oscar năm nay quy tụ rất nhiều tác phẩm của những đạo diễn gạo cội, trong số đó không thể không nhắc đến Midnight in Paris của Woody Allen. Lần này, ông đem tới cho điện ảnh câu chuyện về một chàng trai người Mỹ ưa sự lãng mạn, thích đi dạo giữa trời mưa trên các con phố Paris vô tình lên chiếc ôtô cổ du hành về thập niên 1920. Thông điệp nhẹ nhàng, ý nghĩa cùng những hình ảnh tuyệt đẹp ở thủ đô nước Pháp trong Midnight in Paris đã khiến bao khán giả phải đắm say trong năm qua.
"Midnight in Paris" là bộ phim dành cho những tâm hồn lãng mạn.
Midnight in Paris là bộ phim dành cho những tâm hồn lãng mạn và mang chút hoài cổ, hướng về một thời đã xa. Sự giao thoa giữa nghệ thuật và con người, giữa vẻ đẹp hiện đại pha lẫn cổ điển của Paris, giữa quá khứ và thực tại đã làm nên sức hấp dẫn mãnh liệt của Midnight in Paris. Với bộ phim này, người hâm mộ kỳ vọng Woody Allen sẽ nhận được tượng vàng Oscar thứ tư trong sự nghiệp.
6. The Tree of Life
The Tree of Life là bộ phim từng tạo nên hai luồng ý kiến tranh cãi trong khán giả và giới phê bình khi chiến thắng Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm ngoái. Phim đi theo những ký ức của Jack, người đàn ông tuổi trung niên đang lạc lõng, chênh vênh giữa những tòa nhà chọc trời và lạc lối trong những câu hỏi về chính cuộc đời mình. Đạo diễn Terrence Malick đã đem tới những lát cắt cảm xúc về cuộc sống, nhưng dưới góc độ nghệ thuật và một thứ ngôn ngữ điện ảnh trừu tượng.
"The Tree of Life" mang một góc nhìn nghệ thuật và trừu tượng về cuộc sống.
Tại Oscar lần này, The Tree of Life chỉ được ba đề cử, nhưng đều ở những hạng mục quan trọng nhất - Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc (Terrence Malick) và Quay phim đẹp nhất. Giới chuyên môn nhận định chiến thắng của The Tree of Life không cao vì có quá nhiều đối thủ mạnh như The Artist, Hugo. Tuy nhiên, Oscar từ trước đến nay vẫn luôn có yếu tố bất ngờ và biết đâu The Tree of Life có thể sẽ là cái tên gây ngạc nhiên tại đêm hội điện ảnh lớn nhất hành tinh năm nay.
7. Moneyball
Sau hai năm tạm rời xa màn ảnh từ Inglorious Basterds hồi năm 2009, Brad Pitt đã đạt được những thành công rực rỡ trong năm qua khi cả hai bộ phim anh tham gia là The Tree of Life và Moneyball đều được đề cử Oscar cho Phim hay nhất. Trong Moneyball, Brad vào vai Billy Beane, người quản lý của một đội bóng chày tìm cách xây dựng lại đội khi mất ba cầu thủ trụ cột vào tay đối thủ. Với nghị lực và niềm tin, Billy đã mang tới ánh hào quang rực rỡ cho đội bóng của mình.
"Moneyball" ẩn chứa nhiều triết lý nhân sinh.
Moneyball được chuyển thể từ một câu chuyện có thật. Không đơn thuần là một phim thể thao, tác phẩm này còn ẩn chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc, làm rung động người xem. Đây là tác phẩm thứ hai của đạo diễn Bennett Miller - tác giả của bộ phim nổi tiếng Capote từng được đề cử Oscar năm 2006. Moneyball là một phim hay nhưng cơ hội chiến thắng lại không cao nếu so với những tác phẩm khác tại Oscar lần này.
8. War Horse
War Horse đánh dấu sự trở lại của "vua khủng long" Steven Spielberg với vai trò đạo diễn. Với bộ phim này, ông tiếp tục nhận được đề cử Oscar lần thứ bẩy dành cho Phim hay nhất. Được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên dành cho thiếu nhi của tác giả Michael Morpurgo, War Horse thuộc thể loại phiêu lưu, lịch sử. Nội dung phim xoay quanh tình bạn giữa Albert và chú ngựa của anh ta có tên Joey. Cả hai chia tay khi Joey được bán cho các kỵ binh để gửi đến chiến trường Đức trong Thế chiến I.
"War Horse" là câu chuyện cảm động đầy tính nhân bản trong Thế chiến I.
Là một tác phẩm "đóng mác" Steven Spielberg, War Horse chỉn chu từ góc quay, hình ảnh, âm thanh, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc... Tuy nhiên, tác phẩm này lại không có gì đột phá so với những bộ phim trước của vị đạo diễn 66 tuổi. Trong năm qua, War Horse góp mặt trong rất nhiều giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ, nhưng đa phần đều chỉ dừng ở đề cử.
9. Extremely Loud & Incredibly Close
Việc Extremely Loud & Incredibly Close có tên trong 9 phim tranh giải Phim hay nhất được coi là một trong những bất ngờ của Oscar năm nay. Đây là bộ phim được đánh giá thấp nhất trong các đề cử, thậm chí nhiều người còn cho rằng những tác phẩm như Bridesmaids, The Girl With The Dragon Tattoo hay J. Edgar xứng đáng hơn. Nhưng các thành viên trong Viện Hàn lâm vẫn đánh giá cao bộ phim khai thác về sự kiện khủng bố 11/9/2001 ở nước Mỹ.
"Extremely Loud & Incredibly Close" nói về sự trưởng thành của con người từ những nỗi đau.
Phim xoay quanh hành trình của một cậu bé đi từ những mất mát đau thương khi cha chết trong vụ khủng bố 11/9 và những bí ẩn xoay quanh chiếc chìa khóa mà cha để lại. Phim mang tới thông điệp rằng kinh nghiệm sống lớn nhất là tình yêu. Trong khi mọi dự đoán cho danh hiệu Phim hay nhất đều đang hướng tới Hugo và The Artist, liệu Extremely Loud & Incredibly Close có làm nên một phép màu? Câu trả lời sẽ có vào ngày 26/2 tại nhà hát Kodak, Los Angeles, Mỹ.
Theo VNExpress.net