Các bạn cinephile thân mến, hôm nay Nhi sẽ phân tích về bộ phim
Source Code, một phim thú vị, thậm chí Nhi có thể khẳng định nó là phim hay nhất từ đầu năm 2011 đến nay.
Có nhiều dấu hiệu khiến bạn có thể lạc quan về giá trị bộ phim này trước khi quyết định đi xem, thứ nhất,
Duncan Jones là một đạo diễn mới nổi lên gần đây, và bộ phim Moon năm 2009 rất sáng tạo của ông khiến Nhi rất thích, nếu Duncan làm 1 phim giả tưởng nữa, tại sao ta không thử xem nó ?
Thứ hai, qua trailer bạn cũng thấy hứa hẹn ở đó một câu chuyện bí hiểm với nhiều cảnh đẹp mắt, và thứ ba, chủ đề của bộ phim:
Vòng lặp thời gian, là một trong những chủ đề mà Nhi thích nhất trong phim ảnh. Tất cả những phim có ý tưởng vòng lặp thời gian (Time Loop) đều làm Nhi bị mê hoặc, như
The groundhog day, Run Lola Run, Triangle, Deja Vu, Vantage Point... và lần này là Source Code.
Nhưng bộ phim Source Code đã mang lại cho Nhi nhiều hơn cả những gì Nhi hình dung, câu chuyện mà nó kể thực sự rất tuyệt, một kịch bản hoàn hảo về tất cả mọi mặt đã đẩy giá trị của loại phim Time Loop lên một tầm cao mới.
Vì đây là 1 bộ phim Vòng lặp thời gian, nên Nhi sẽ phân tích về khía cạnh này, các bạn đừng lo, vì những gì Nhi nói ở đây thì các bạn sẽ thấy ngay sau vài phút xem phim, nên sẽ không làm các bạn bị mất đi bất ngờ chút nào, Nhi cũng sẽ không hé lộ bí mật nào về kết thúc và các tình tiết then chốt trong diễn tiến câu chuyện, nhưng cũng như lần trước với phim inception, Nhi sẽ phân tích qui luật của phim và giúp bạn
giải mã Source Code.
Trước hết, Source Code thành công vì nó tạo ra một kiểu vòng lặp thời gian mới; với qui luật thông minh khéo léo hơn Vantage Point, và độc đáo hơn Deja Vu (3 phim này chia sẻ rất nhiều điểm chung; nhưng Source Code hay hơn), qui tắc lần này vừa đủ để kích thích tư duy logic và trí não của bạn nhưng lại không quá hoang tưởng và phức tạp như Inception đã làm. Nhưng để đảm bảo cho các bạn hiểu rõ hơn, Nhi vẫn sẽ giải thích cơ chê của vòng lặp trong Source Code như sau:
Qui luật:
Trong phim có
3 trục thời gian trộn lẫn: Một là
thời gian thực, tương ứng với thực tế đã, đang và sẽ diễn ra. Theo kịch bản, người ta
không thể thay đổi được quá khứ, mà chỉ có thể thay đổi được tương lai. Trục này có thể xem như cuộn băng gốc. Nó không thể xóa hay thay đổi, mà chỉ quay tới. Có thể so sánh với
1 dĩa DVD-ROMđang ghi hình trong máy tính (nếu bạn hiểu chút ít về tin học)
Trục thời gian thứ hai là ảo, vì nó được tạo ra trong hệ thống máy tính theo dự án mang tên là
Source Code, bản thân trục này chạy
song song với thời gian thực, nhưng nó chỉ chứa
1 đoạn ngắn của quá khứ (8 phút) và lặp lại vô số lần, đoạn thời gian này lấy ra từ trong não một người đã chết, có thể hiểu đây là 1 đoạn tín hiệu ghi trên cuộn băng gốc, hay 1 đoạn mã gốc (source code).
Trục thời gian thứ ba, rất độc đáo và có ý nghĩa quyết định trong phim, là
tâm trí của đại úy Colter Stevens, bộ não của anh ta được đồng bộ hóa với máy tính chạy source code và đóng vai trò như
1 bộ nhớ RAM, máy tính sẽ chép đoạn code 8 phút này và cho chạy n lần trong não của Stevens, anh ta có cảm giác sẽ sống n lần trong khung cảnh đó. Nhưng vấn đề ở đây, Steven là 1 con người có cảm xúc chứ không phải là 1 thanh RAM, nên mới có những chuyện kì diệu trong phim.
Bây giờ chúng ta sẽ vào câu chuyện:
Trong thời gian thực, có
1 vụ nổ bom trên 1 đoàn tàu, tất cả hành khách đều chết, người ta biết rằng bộ não người chết có thể giữ lại thông tin về
8 phút cuối cùng, hành khách đã chết này là
Sean Fentress và thông tin 8 phút gọi là source code, như Nhi đã nói ở trên.
Người ta nối
bộ não đại úy Stevens vào và bắt đầu
dự án Source code, nhằm sử dụng não anh như 1 thanh RAM đồng thời là vi xử lý tín hiệu, để tìm ra:
tên khủng bố là ai (vì họ nghi ngờ hắn đã trốn thoát và sẽ gây thêm 1 vụ nổ thứ hai nguy hiểm hơn).
Đại úy Stevens phảisống trong thân xác Sean Fentress, sống và chết trong toa tàu đó n lần, cho tới khi anh hoàn thành nhiệm vụ (đừng quên thời gian thực vẫn song song chạy với dự án Source code, nên tên khủng bố chưa bị bắt giờ nào thì nguy cơ về vụ nổ thứ hai vẫn lơ lửng).
Hình: Trục thời gian thực (màu xanh lơ), với tương lai chưa xác định, song song với trục thời gian của source code nạp vào não của steven (màu cam), là vòng lặp n lần (L1,2,3...n) của 1 đoạn source code 8 phút (màu đỏ). Steven phải tìm ra tên khủng bố bí mật trong số hành khách toa tàu, để ngăn chặn vụ nổ thứ 2.
Đó là những gì những người điều hành dự án nghĩ, nhưng Steven không phải là thanh RAm, mà là một sinh vật, từ đó mới có sự độc đáo của bộ phim.
Vì nếu phim chỉ dừng lại ở việc anh ta điều tra ra tên khủng bố thì quá tầm thường (Vantage Point và Deja Vu cũng có nội dung như vậy), nhưng phim Source Code đã cho thấy bộ não con người thực sự là một nguồn sức mạnh vô biên, không có gì nó không thể làm được, và Nhi thích ý tưởng này.
Hình: Stevens không hành động đơn điệu theo dự án, anh ta muốn THAY ĐỔi quá khứ, anh ta tạo ra những ngã rẽ và hướng đi khác (đường liên tục là ngã rẻ mới, đường chấm đứt đoạn là hướng đi mà lẽ ra mọi chuyện phải diễn ra).
Thứ nhất, Stevens không đi theo một đường thẳng đơn điệu, trong n lần lặp lại đó, anh ta liên tục chọn những giải pháp nhằm vô hiệu hóa quả bom và bắt giữ tên khủng bố (anh ta tin rằng mình có thể cứu tất cả mọi người - dù trên lý thuyết điều này vô ích, và vô nghĩa). Mỗi lần anh ta tạo ra một bước ngoặt, trục thời gian thứ 3 (do anh sáng tạo ra) bị lệch hướng khác, dù vẫn đi tới, anh thử mọi cách, thất bại, thử lại và thất bại. Và kì diệu thay, ở lần thử cuối cùng, anh ta đã thành công.
Sở dĩ Nhi gọi điều này là kì diệu, vì trong trục thời gian thực, và đối với dự án, Stevens chỉ là một cái xác sống thực vật và họ chỉ khai thác bộ não của anh ta, nhưng bằng ý chí và sức mạnh tư tưởng, stevens đã tạo ra một thế giới khác, một chiều không gian khác ngay trong chính bộ não mình.
Đây là lần đầu tiên điện ảnh nêu tuyên ngôn về vai trò của
TƯ Tưởng trong đời này. Quả thật tư tưởng, cũng như sức sáng tạo của con người là không có giới hạn, nó có thể tạo ra, thay đổi mọi thứ. Bộ phim dạy chúng ta có thể dùng tinh thần để thay đổi cuộc sống, vì cuộc đời thật có khi chỉ là vô nghĩa so với cuộc sống trong tâm tưởng, và biết đâu rằng, cuộc sống tư tưởng đó có thể thắng cả cái chết, ngay cả khi thân xác ta không còn nữa ?
Bài học thứ hai của bộ phim là dạy ta yêu quí mỗi giây, mội phút của cuộc sống, Nhi nhớ lại 1 câu mà hồi nhỏ Nhi từng ghi vào trang đầu quyển sổ tay của mình: Hãy sống như đây là ngày cuối cùng Nhi được sống.
Hồi tháng 10 năm 2006 Nhi từng làm 1 bài thơ có ý tương tự:
Nếu chỉ có một ngày để sống
Em phải làm gì đây anh hỡi ?
Trong những giờ phút cuối cuộc đời
Em tự hỏi mà chưa biết trả lời
Nếu em chỉ còn 1 ngày để sống...
Em không muốn rơi vào khoảng trống
Của cô đơn, tuyệt vọng, sầu lo
Dĩ vãng buồn em sẽ đốt thành tro
Để tận hưởng những phút giây hiện tại
Mà anh ạ, em không hề sợ hãi
Tránh làm sao, qui luật ngàn đời
Như hoa tàn, cây héo, lá rơi
Ai cũng biết một lần phải chết.
Khi em hiểu, bài ca này sắp hết
Giai điệu cuối cùng em phải viết ra sao?
Làm những gì mình vẫn khát khao?
Hay có được mọi điều em ao ước ?
Nhưng anh ơi, nếu nghĩ cho mình trước
Chuỗi ước mơ cứ dài mãi không ngừng
Bởi thế gian là một cánh rừng
Mà lòng tham: tên dẫn đường mù quáng
Lòng ích kỷ có bao giờ thoả mãn
Mà thời gian đâu còn đủ cho em...
Phải làm gì để không bị lãng quên !
Em chợt thầm nghe tiếng lòng nhắc nhở
Mỗi phút giây em còn hơi thở
Người thân, bạn bè, bao kẻ quanh em...
Yêu thật nhiều, em phải yêu thêm
Để mất nhau không còn gì hối hận
Đem niềm vui cho từng số phận
Mở vòng tay xoa dịu bớt đau thương
Bố thí cho kẻ lạ bên đường
Phải cho nhiều nhưng đừng mong nhận lại
Giữ bên mình làm chi của cải
Cho đường về nặng bước cõi hư vô
Rồi một chiều mắt lệ được lau khô
Thăm mẹ già chờ con miền viễn xứ...
Chữ khó học nhất đời: Tha thứ
Cho chính mình và mỗi tha nhân
Anh ơi, em muốn thử một lần
Quên oán giận, sống một ngày thanh thản
Vòng tay gia đình, tiếng cười bè bạn
Nghe tuổi xanh như sóng biển tràn về
Được nói cười cho thoả đam mê
Nếm cảm giác ngày vàng trôi quá vội
Mà anh ơi, còn bao điều chưa nói
Giữ mãi trong tim, thắm màu xanh
Phút cuối cùng, xin được ở bên anh
Khi em đã làm xong tất cả
Cho em được cầm tay anh vội vã
Nhịp sau cùng tim đập tiếng yêu thương
Trong mắt anh, em được thấy thiên đường
Trao nụ hôn ánh sao băng rực cháy
Rồi thật êm ái...
Em từ giã cuộc đời
Như chiếc lá rơi
Không một lời hối tiếc
Anh ơi, em đã biết
Ý nghĩa của 1 ngày
Như bao ngày
Em đã từng phung phí
Đẹp lắm cuộc đời những dòng nhật ký
Mà mỗi trang đều đầy ắp yêu thương
Đừng để khi anh ở cuối con đường
Mới tiếc thương cho những gì đã mất
Hãy tự hỏi, mỗi ngày anh thức giấc
Ta sẽ làm gì nếu phải chết ngày mai ?
Cuộc sống của Stevens chỉ có 8 phút, còn Nhi mơ ước cả 1 ngày...
Và bộ phim làm Nhi khóc khi nhớ lại tất cả những dòng chữ đó.
Để kết luận, Nhi muốn nhấn mạnh về 3 thành công của phim Source code:
1. tạo ra 1 lý thuyết vòng lặp thời gian mới lạ, độc đáo
2. Có giá trị nhân văn và triết lý sâu sắc
3. giá trị giải trí cao, với nhiều bất ngờ, kịch tính và hình ảnh đẹp.
Điểm: 8/10
P.S: Nhi cảm ơn tất cả các bạn đã dành cho Nhi những lời khen tặng và tình cảm tốt đẹp trong thời gian qua, nhưng thật lòng là Nhi không thích thiên hạ đọc những lời khen tặng (nhiều khi hơi quá mức bình thường) dành cho mình công khai như vậy, từ nhỏ Nhi quen sống khiêm tốn, nên Nhi cảm thấy rất khó xử vì điều này. Bản thân Nhi khen anh Poly thì đã có bạn cho là Nhi đang nịnh bợ anh ta, vậy đó, các bạn hiểu cho.
Vì vậy xin các bạn nếu thích những gì Nhi viết thì có thể viết bài mở rộng thêm, hay chỉ cần bấm thanks , phê điểm là đủ làm Nhi vui lắm rồi, thay vì khen Nhi. Nếu bạn nào muốn trao đổi có tính riêng tư, cá nhân, xin PM cho Nhi, đừng post bài ở đây chỉ để nói chuyện riêng với Nhi, vì trong này chỉ tập trung vào bàn luận phim ảnh thôi. Sau này Nhi buộc lòng phải dùng quyền Mod của mình để xóa bỏ tất cả những lời khen của các bạn dành cho cá nhân Nhi hay những gì không có liên quan tới bộ phim, xin các bạn thông cảm. Thân mến.