Lại thêm 1 bài PR cho phim này với những mỹ từ như
Tây du ký Châu Tinh Trì: Hài nhảm đỉnh cao! - VTC News
Tuy nhiên, cái Monk quan tâm không phải là những lời khen cho phim, mà chủ yếu là câu này:
Trong vài năm gần đây, khán giả Việt đã dần quen với các bộ phim hài nhảm theo môtip Hồng Kông ngày trước do “công sức” của một vài đạo diễn. Thế nhưng, sự thiếu tinh tế đã khiến chúng trở thành thảm họa và bị dư luận lên tiếng vì sự thô tục, thiếu văn hóa của chúng.
Sự xuất hiện của Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện đã giúp nhiều khán giả và đạo diễn Việt hiểu thế nào là phim hài “nhảm” đỉnh cao đúng nghĩa.
Rất nhiều đạo diễn VN vỗ ngực tự xưng mình là fan hâm mộ Châu Tinh Trì và "phim của tôi là hài nhảm theo phong cách Châu Tinh Trì". Nhưng có lẽ họ chỉ biết nhìn ở khía cạnh hài nhảm, thành ra suốt bộ phim là những chi tiết nhảm thô tục, vô duyên xem mà gượng cười chứ không thể nuốt nổi.
Monk không xem nhiều phim của Châu Tinh Trì, mà chỉ xem đoạn được đoạn mất nên phân tích có thể không sâu sắc. Nhưng sau Tây Du Ký, và những phim như Kungfu Hustle, Đội bóng Thiếu Lâm, thì Monk mới thấy "hài nhảm Châu Tinh Trì" là thế nào.
Nói là hài nhảm, vì cái hài nó vô lý, khó tin, không theo logic thông thường, nhưng ẩn sau cái hài đó là vô vàn những thông điệp và ý nghĩa sâu sắc.
Chẳng hạn cái chàng Thế Lực Công Tử đẹp trai mà tưng tửng, thích làm nổi nhưng chẳng kiếm đâu ra dàn nô tì xinh đẹp đành phải tìm 4 bà xấu hoắc đi rải bông, tiếng là Công Tử, nhưng mỗi lần mở miệng là bị mấy bà troll cho đến chỉ biết câm nín.
Ngoài đời có ai tưng tửng như thế không? Có ai vô lý như thế không? Xin thưa là có. Có rất nhiều người vì quá cô đơn, không tìm được ai, muốn được nổi tiếng, muốn được chú ý nên phải thuê nào là vệ sĩ rầm rộ đi theo để thiên hạ nể phục mặc dù chẳng ai biết cô ca sĩ đó là ai, chứ đừng nói đến việc cô ấy là yếu nhân cần người bảo vệ. Nói đến đây chắc mấy bạn đoán được nhân vật nào trong showbiz Việt rồi.
Châu Tinh Trì tạo ra 1 nhân vật như thế để khán giả cười, nhưng nếu ngẫm kỹ sẽ thấy nhân vật đáng thương thế nào, khi mặt thì đẹp trai mà cái số FA đến nỗi chẳng có ai thèm quan tâm, cô đơn đến nỗi tìm 4 bà già để tạo danh tiếng, tán gái mà còn bị chê, đến mức phải... tán trai cho đỡ hiu quạnh. Khi bạn cười nhân vật này, có khi nào bạn tự ngẫm mình cũng có lúc cô đơn đến tội như nhân vật này không?
Đó chỉ là nói ở khía cạnh hài nhảm. Nhưng ngoài chọc cười, bác Châu còn biết cách để chen cái hài vào cái bi, đưa cái bi vào cái hài, khiến khán giả mới cười đã khóc, và mới khóc đã cười.
Tất nhiên, khi dùng chiêu này, bác Châu cũng đã dính vào cái sai lầm của rất nhiều diễn viên hài của VN gặp phải. Đó chính là việc khán giả quen cười rồi, nên khi đến cảnh bi, nhiều người bất giác... buộc miệng cười. Cảnh cảm động trong phim này là một minh chứng. Nếu trong khán phòng bạn xem có một ai đó bật cười trong cái cảnh mà lẽ ra phải khóc, đừng trách họ, bởi vì họ nghĩ "Lão Châu sắp tung ra chiêu hài nào trong cảnh bi này nè", do họ đã bị đạo diễn Châu "lừa" ở đoạn phim trước đó.
Thế nhưng, vẫn có nhiều người bị cuốn hút theo nhịp phim của bác Châu, và hầu như rất ít tiếng cười trong cảnh cảm động này dù ngay trước đó khán giả cười nôn ruột với mấy tình tiết hài. Điều đó cho thấy bác Châu rất biết cách để điều khiển cảm xúc khán giả theo ý đồ của mình.
Và một cái hay nữa mà Monk thấy sau phim Tây Du Ký này là cách xây dựng câu chuyện, tình tiết rất chặt chẽ, dù để chọc cười nhưng không phải chi tiết đó xem cười rồi thôi, mà chi tiết đó còn giúp kết nối tình tiết đi sau đó. Điều mà nhiều phim hài nhảm VN thường bỏ qua vì tham chi tiết hài, nên không biết khai thác, cái gì cũng nhét vào để chọc cười rồi vứt xó thành ra bộ phim trở nên lộn xộn với vô vàn tình tiết chẳng có chút liên quan đến nhau.
Đến khi nào các đạo diễn VN chịu nghiên cứu kỹ hơn phong cách của Châu Tinh Trì, họ sẽ hiểu làm phim "hài nhảm theo phong cách CTT" không hề đơn giản chỉ là đưa vào các tình tiết thô tục, bậy bạ, chọc lét khán giả. Vì làm phim hài đơn giản vậy thì nhiều người làm được chứ không cần phải bắt chước CTT làm gì. Mà cái "hài nhảm đỉnh cao" như mỹ từ của tờ báo mạng PR nó khó lắm.
Các phim sau này, Châu Tinh Trì đã biết tiết chế các màn hài thô tục, bẩn, mà chịu khó khai thác yếu tố hài nhảm nhưng có ý nghĩa hơn. Tất nhiên với fan lâu năm, xem như vậy nó không đã, nhưng nó khiến cho nhiều người quen nghĩ bác Châu làm phim nhảm vớ vẩn phải suy nghĩ lại.