Tieubaocaca
Active Member
Ðề: Tập hợp những bài viết hay, bổ ích về HD
Các kinh nghiệm do bác HDCP sưu tập nhân dịp đầu xuân mới 2011. Thanks bác:
Các kinh nghiệm do bác HDCP sưu tập nhân dịp đầu xuân mới 2011. Thanks bác:
Vài kinh nghiệm mua dây dẫn
Dây dẫn có rất nhiều loại, do nhiều hãng chế tạo ra. Tìm được những cặp dây có chất lượng cao mà lại hợp túi tiền thật không dễ dàng gì với dân chơi âm thanh ở Việt Nam hiện nay.
Khi mua dây dẫn, bạn cần xác định dây dẫn sẽ dùng làm gì, từ đó chọn cho đúng loại và yêu cầu kỹ thuật đối với từng loại dây. Nếu bạn tìm dây tín hiệu (interconnect) cần xác định khoảng cách cần thiết khi sắp xếp bộ dàn giữa đầu CD, preampli và power trước, rồi mới chọn dây để tránh mua quá dài (tốn tiền), hoặc quá ngắn (khó dùng) khi phối hợp với bộ dàn. Dây tín hiệu cho đường digital (từ CD transport xuống DAC) là một loại dây đặc biệt được chế tạo riêng, nên chọn mua đúng loại đó thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Nếu hệ thống của bạn có đầu ra/ đầu vào balance, nhưng bạn sắp sếp thiết bị gần nhau, thì vẫn có thể dùng dây thường (đầu RCA) mà không cần dùng dây balance (vì dây balance cùng đẳng cấp đắt hơn dây thường). Theo kinh nghiệm của một số người, với hệ thống ampli bán dẫn, nên dùng dây đồng, còn ampli đèn thì nên dùng dây dẫn đồng hoặc bạt. Đây là một nhận xét cơ bản là đúng, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phù hợp, bạn cần thử nghiệm trước khi quyết định mua.
Vì mỗi loại dây tín hiệu, dây loa lại có một “chất âm” riêng, nên trong điều kiện có thể, hãy thử phối hợp nhiều loại dây khác nhau cho một bộ dàn nhằm thu được kết quả tốt nhất. Nhiều người chơi âm thanh có kinh nghiệm sử dụng đặc tính âm thanh của dây dẫn để bù trừ, cân bằng lại âm sắc cho bộ dàn, ví dụ dùng dây bạc cho các bộ phận có âm thanh hơi tối và hơi thiếu chi tiết, dùng dây đồng OFC cho các bộ dàn có âm thanh thiên sáng để cân bằng lại dải âm, từ đó thu được kết quả mỹ mãn nhất.
Nguồn: st
“Vệ sinh” hệ thống máy để tìm lại chất âm nguyên thuỷ
Sau một thời gian sử dụng hệ thống âm thanh, bạn cảm thấy chất âm có chiều hướng đi xuống, đôi lúc còn có cả tiếng chói. Có thể bạn sẽ băn khuăn: liệu mình có mua phải đồ rởm hay không? Thực ra không phải bạn mua phải đồ không tốt, mà đơn giản là vì quá trình oxy hoá diễn ra tại các đầu giắc nối của thiết bị đã làm hỏng chất âm ban đầu của hệ thống. Vì thế, để lấy lại được âm thanh ngày nào, bạn nên tiến hành vệ sinh hệ thống máy.
Vệ sinh hệ thống máy không chỉ đơn giản là làm mới bên ngoài thiết bị, mà quan trọng nhất là làm sạch đường truyền tín hiệu âm thanh. Các giắc nối thiết bị, đầu dây cáp, cọc loa, cầu chì là những bộ phận quan trọng cần được quan tâm và vệ sinh đúng cách. mặc dù chất lượng âm thanh không thay đổi nhiều, nhưng kết quả thu được sẽ làm bạn phải ngạc nhiên.
Tại sao cần phải “vệ sinh” hệ thống âm thanh?
Đường truyền tín hiệu âm thanh trong một hệ thống máy đi từ phần nguồn CD/LP/Tape qua các phần tiền khuếch đại, khuếch đại rồi đến điểm cuối cùng là loa. Trên quãng đường đi, tín hiệu qua các giắc nối, cọc loa là những điểm nhạy cảm mà môi trường ngoài có thể tác động và gây ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Sau một thời gian sử dụng, những điểm tiếp xúc này sẽ bị bám bụi bẩn, thậm chí có thể bị ăn mòn do sự ô nhiễm của phòng nghe. Nguyên nhân gây ô nhiễm phòng nghe thường là do khói thuốc, độ ẩm môi trường cao, mồ hôi tay (đặc biệt là mồ hôi muối) khi tiếp xúc trực tiếp với các đầu giắc và cọc loa. Tất cả những nguyên nhân này đều thúc đẩy những phản ứng hoá học xảy ra tại các trạm nối, đẩy nhanh quá trình oxy hoá và ăn mòn. Khi bề mặt tiếp xúc bị nhiễm bẩn, hiện tượng oxy hoá và ăn mòn sẽ làm ảnh hưởng đến sự trình diễn của cả hệ thống, gây ra những âm chói, gắt rất khó chịu. Ngoài ra, đối với các hệ thống âm thanh studio, do có rất nhiều giắc nối (ở loa, ampli, micro, mixer…), nên chỉ sau một thời gian ngắn, nếu không được vệ sinh đúng cách, chất lượng bản thu âm thanh sẽ giảm rõ rệt. Bên cạnh việc làm giảm chất lượng âm thanh, với các thiết bị video có kết nối qua giắc RCA, S-Video, component…, nếu không được vệ sinh, những phản ứng điện hoá tại nơi tiếp xúc cũng ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh thể hiện.
Vệ sinh hệ thống máy
Để vệ sinh hệ thộng máy, trước tiên bạn cần tháo rời tất cả các dây dẫn kết nối, kể cả dây điện nguồn. Hãy làm sạch các đầu dây và giắc cắm theo cách đơn giản là dùng vải lau thật sạch. Thông thường các bạn sẽ thấy những phần tiếp xúc sẽ bị oxy hoá và làm mờ bề mặt kim loại.
Đối với dây RCA cao cấp, đầu kim (pin) thường được xẻ rãnh và xung quanh giắc cũng được cắt nhiều rãnh, bạn hãy cắm đầu dây vào và xoay vài vòng quanh giắc nối RCA của thiết bị như vậy chúng ta đã phần nào loại được lớp oxy hoá ở cả phần tiếp xúc của đầu dây và cổng kết nối của các thiết bị. Với dây loa, ngoài việc làm sạch các đầu dây, nếu dùng loa có kết hai cầu trở lên, bạn nên tháo rời và vệ sinh những thanh kim loại (thường là đồng) bắt cầu, sau đó nối dây lại như cũ.
Sau cùng, bạn nên làm sạch cầu chì trong thiết bị, nơi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa kim loại với kim loại. Đôi khi cầu chì được nhà sản xuất để ngoài chassis với ký hiệu chữ FUSE, nhưng có khi bạn phải tháo nắp máy và quan sát kỹ mới thấy nó. Thao tác làm sạch cũng rất đơn giản, bạn tháo lấy cầu chì, rồi vệ sinh hai đầu và phần kim loại ở giữa.
Sử dụng dung dịch bảo vệ bề mặt kim loại
Sau khi vệ sinh toàn bộ các giắc nối, cọc loa, cầu chì, bạn sẽ thấy rõ chất lượng âm thanh đã được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ kéo dài được khoảng 3 tháng, vì sau đó hiện tượng oxy hoá ở các đầu nối lại xảy ra, nhất là ở một đất nước có khí hậu nhiệt đới như ở việt nam thì quá trình này còn diễn ra nhanh hơn. Như vậy, cứ vài tháng bạn lại phải hì hục tháo ra lắp vào. Với những hệ thống đơn giản thì chuyện này không quá phiền phức, nhưng nếu là hệ thống lớn gồm nhiều thiết bị, hay khi bạn sở hữu hai, ba hệ thống khác nhau thì việc vệ sinh từng đầu dây, tháo từng thiết bị sẽ mất rất nhiềư thời gian và thực sự trở thành một “gánh nặng”.
Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể sử dụng một loại dung dịch đặc biệt có khả năng bảo vệ bề mặt kim loại khỏi hiện tượng oxy hoá.
Hiện tại trên thị trường chỉ có dung dịch Solution của Van Den Hul. Solution là một dung dịch trơ hoàn toàn, dùng để phủ ngoài bề mặy kim loại. Lớp phủ này sẽ ngăn không cho các phản ứng hoá học xảy ra và giữ sạch bề mặt kim loại giúp dòng tín hiệu có thể chạy qua các nơi có sự tiếp xúc giữa kim loại với kim loại một cách trơn tru, không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân oxy hoá gây nhiễu âm ở tần số cao. Dung dịch Solution có khả năng bảo vệ hệ thống của bạn trong một thời gian rất dài.
Sau khi vệ sinh lại hệ thống âm thanh theo hướng dẫn rất đơn giản trên, chúng tôi tin rằng các bạn sẽ tìm lại được chất âm nguyên thuỷ của hệ thống, đặc biệt là không còn những âm chói, gắt gây nhiễu ở dải tần cao.
Đôi nét về âm học phòng nghe
Trong một căn phòng, âm thanh từ nguồn âm lan truyền tới người nghe theo 2 cách:
Thứ nhất, sóng âm đi trực tiếp từ loa tới tai người nghe, ta gọi đó là âm thanh trực tiếp hay trực âm.
Thứ hai, sóng âm đến tai người nghe qua sự phản xạ, va đập vào các bề mặt tường, trần, sàn của căn phòng và các đồ vật trong phòng… Ta gọi đó là âm thanh phản xạ hay phản âm.
Vì mỗi căn phòng có kích thước và đặc tính âm học riêng biệt nên âm thanh của mỗi phòng có thể khác nhau rất nhiều. Chất lượng âm thanh khi nghe trong phòng phụ thuộc vào kích thước, vật liệu làm phòng, kích thước và vị trí các đồ vật đặt trong căn phòng đó. Về mặt lý thuyết, một vật liệu hút âm hoàn hảo sẽ hấp thụ toàn bộ năng lượng âm thanh mà không gây ra hiện tượng phản xạ nào. Có thể miêu tả đặt tính hút âm như một ô cửa sổ mở toang trong một căn phòng: sóng âm đi qua đây và không bao giờ quay trở lại bên trong căn phòng và điều này và điều này tương đương với việc toàn bộ năng lượng âm thanh được “hút” vào khoảng trống trên bề mặt của cửa sổ. Như vậy, nếu như bất kỳ ai trong số chúng ta muốn hạn chế sự phản âm sẽ phải mở toang hết cả cửa sổ và cửa ra vào. Một điều khó mà xảy ra trong thực tế.
Nhưng một phòng nghe tạo ra âm thanh hấp dẫn, còn được gọi là âm thanh “đẹp”, không có nghĩa là phòng hút âm hoàn toàn. Ngược lại, âm thanh trong phòng vẫn phải có một độ vang âm nhất định, có như thế, người nghe mới có cảm nhận âm thanh thật hơn, tự nhiên hơn.
Nhận biết đặc điểm âm học phòng nghe của bạn
Cách đơn giản nhất để kiểm tra chất lượng phòng nghe là sử dụng phép thử sau:
- Nghe thử ở chế độ mono, cùng mức tín hiệu và âm thanh với cả hai loa.
- Đặt núm volume ở mức thích hợp, không quá lớn và cũng không quá nhỏ.
- Nghe một đoạn nhạc quen thuộc.
- Ngồi tại vị trí nghe tốt nhất (ngay chính giữa trục hai loa)
- Tập trung xác đạnh xem âm thanh rộng và vang bao xa
Trong một phòng có âm thanh tốt, âm nhạc sẽ chỉ tập trung như là đang ở thẳng phía trước bạn. Nếu âm thanh nghe thấy ở cả ngoài xa, nghĩa là phòng nghe của bạn bị phản xạ nhiều .
Cách thử độ vang của phòng nghe thông thường nhất là vỗ tay. Nếu tiếng vỗ tay nghe “khô” và tắt ngay lập tức chứng tỏ phòng nghe của bạn tiêu âm khá tốt. Nếu có tiếng dội, tiếng vang, bạn cần phải xử lý phòng nghe mới có thể nghe nhạc hay được.
Nói chuyện trong một căn phòng cũng biểu thị những đặc tính của trung âm. Đôi tai bạn rất nhạy cảm đối với các tần số của giọng nói. Nếu giọng nói bình thường trong một căn phòng mà đã bị vang thì chắc chắn khi nghe nhạc, giọng hát cũng không thể nào ngọt ngào, trầm ấm.
Âm thanh HI-END là gì?
Bộ dàn Hi-End tuy cũng dùng để thưởng thức âm nhạc trong gia đình nhưng nó hoàn toàn khác với các thiết bị âm thanh thông dụng. Các sản phẩm âm thanh Hi-End phối hợp với nhau và hình thành nên một hệ thống các thiết bị tái tạo âm thanh rất độc đáo. Chúng không giống những hệ thống stereo vẫn được bày bán rộng rãi trong các cửa hàng hay siêu thị điện tử.
Đặc trưng của âm thanh Hi-End thể hiện rất rõ qua các thiết bị âm thanh Hi-End. Chúng được thiết kế bằng tài nghệ và nhạc cảm của những kỹ sư, những nghệ nhân đam mê âm nhạc. Ở họ có những kỹ năng thuần thục để chế tạo ra các thiết bị âm thanh cùng đôi tai cảm nhận tinh tế những âm thanh do các sản phẩm của mình tạo ra, để từng bước đưa người nghe đến gần hơn với âm thanh thực sự.
Trong suy nghĩ của nhiều người, thiết bị âm thanh Hi-End luôn là những thiết bị phức tạp với nhiều tính năng cao siêu và giá cả trên trời và chúng chỉ hướng đến túi tiền của triệu phú. Thậm chí có người còn cho rằng âm thanh và thiết bị Hi-End rất phức tạp, chỉ dành cho những người trong nghề, hay những thính giả sành điệu, những người giàu có thích khoa trương mà không phải dành cho những người bình dân. Tất cả những điều trên không thuộc về âm thanh Hi-End vì:
Thứ nhất, thuật ngữ “Hi-End” là đề cập đến khả năng trình tấu của một sản phẩm, không liên quan đến giá cả của nó. Nhiều hệ thống thực sự là Hi-End nhưng giá tiền lại thấp hơn giá của các hệ thống “tất cả trong một” bán trong các cửa hàng, có các bộ dàn có giá vừa phải song đã thể hiện chất lượng xuất sắc. Đó là những bộ dàn nằm trong khả năng tài chính của nhiều người tiêu dùng bình dân. Tuy nhiều thiết bị Hi-End không rẻ tiền, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải đi vay tiền để mua trả góp một bộ dàn chất lượng. Thực ra, nhiều bộ dàn được coi là nghe tuyệt đỉnh đôi khi không đắt đỏ như bạn tưởng.
Thứ hai, âm thanh Hi-End thuộc về vấn đề cảm nhận âm nhạc. Trên thực tế, chính các hệ thống Hi-End thực thụ lại dễ sử dụng hơn các hệ thống âm thanh sản xuất hàng loạt đang bày bán trên thị trường với chất lượng âm thanh trung bình. Do đó, các thiết bị Hi-End thường rất giản dị, hoàn toàn không có những tính năng, chi tiết phức tạp, kho vận hành. Âm thanh Hi-End chỉ tập trung vào chất lượng âm nhạc không tập trung vào xử lý các hiệu ứng âm thanh giả tạo. Âm thanh Hi-End là âm thanh dành cho người yêu nhạc, chứ không phải những người mê các tính năng của đồ điện tử.
Thứ ba, bất kỳ ai thích nghe nhạc cũng có thể cảm nhận được ngay cái hay, cái đẹp của một màn trình diễn âm thanh hay. Không cần phải có “một đôi tai vàng” mới phân biệt được âm thanh nào là âm thanh đẹp. Sự khác nhau giữa việc thể hiện âm thanh tốt hay kém rất dễ nhận biết. Những phản ứng - thông thường là ngạc nhiên và thích thú - khi lần đầu tiên nghe một hệ thống âm thanh Hi-End thực thụ, có thể bắt gặp ở tất cả mọi người, nếu bạn yêu thích nhạc.
Vậy âm thanh Hi-End là gì ?
Đó là khi mà các thiết bị âm thanh bị quên lãng, chỉ có các nhạc công và ca sĩ hiện hữu trong phòng nghe của bạn. Đó là khi mà bạn cảm thấy tiếng nói của người sáng tác và người trình diễn vượt qua không gian và thời gian để đến với bạn, chuyện trò với bạn. Đó là khi bạn cảm thấy như đắm chìm trong những cơn sóng dạt dào của đại dương âm nhạc… Và đó là khi thế giới vật chất hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại tiềm thức của bạn với âm nhạc – đó chính là âm thanh Hi-End
Các rắc rối thường gặp của phòng nghe và cách xử lý
Bạn đã từng gặp rắc rối với phòng nghe nhạc chưa? Bạn đã xử lý như thế nào? Dưới đây là một số trường hợp rắc rối thường gặp của phòng nghe và cách xử lý chúng.
1. Chưa xử lý tốt vấn đề “ mặt phẳng song song”
Có lẽ rắc rối thường gặp và gây ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng âm thanh của phòng nhạc là do chúng ta chưa xử lý tốt vấn đề “mặt phẳng song song”. Vậy “mặt phẳng song song” là gì?
Khi đặt hai mặt phẳng có tính phản xạ âm đối diện với nhau trong phòng nhạc, sẽ xảy ra hiện tượng “Flutter Echo” hay còn gọi là “phản xạ âm”. Đây là một tiếng “ngân vang”, khi âm thanh chính đã “tắt” trong quá trình di chuyển, trong khi âm thanh phản xạ của nó vẫn còn tồn tại.
Có thể mô tả hiện tượng này tương tự như khi bạn vỗ tay trong một căn nhà trống, bạn sẽ nghe được một âm thanh “vọng lại” trong không khí sau khi đã ngưng hành động vỗ tay một lúc.
Tiếng “Flutter Echo” này có ảnh hưởng rất nhiều đến âm trung và âm treble. Tuy nhiên chúng ta vẫn có cách khắc phục chúng. Trước tiên phải tìm hiểu xem hai mặt phẳng song song nào đã tạo ra “phản xạ âm”, sau đó dùng những vật liệu có tính khuyếch tán âm hoặc hấp thu âm đặt lên trên mỗi mặt phẳng. Có thể dùng những vật liệu rẻ tiền và sẵn có như tấm màn treo cửa sổ hoặc tấm thảm trải sàn.
Như vậy điều tối kỵ cho phòng nghe nhạc là tồn tại 2 mặt phẳng có tính phản xạ âm song song với nhau. Ví dụ 2 tường bên nhẵn phẳng hoặc trần và nền cũng như tường phía trước và sau lưng chưa được xử lý.
2. Sàn và vách chưa được cách âm tốt
Thông thường chúng ta hay đặt loa cạnh các vách tường hay sàn phòng. Khi dàn âm thanh hoạt động, âm nhạc từ loa sẽ đi trực tiếp đến tai người nghe. Ngoài ra một phần năng lượng của chúng bị phản xạ trở lại do các vách tường, sàn và trần nhà. Các tín hiệu âm phản xạ này “đan xen” vào tín hiệu âm nhạc chính và “triệt tiêu” lẫn nhau làm cho chất lượng âm nhạc giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên hai tín hiệu âm thanh này có thời gian di chuyển khác nhau, vì vậy tín hiệu âm phản xạ cũng đến tai người nghe chậm hơn do quãng đường đi của nó dài hơn. Điều này làm cho người nghe có cảm giác chất lượng âm nhạc không đồng bộ và mất cân bằng về âm sắc.
Cùng một loại loa và cùng chất lượng như nhau, nhưng khi được đặt ở những phòng có diện tích khác nhau sẽ cho tín hiệu âm phản xạ khác nhau. Để khắc phục tình trạng “phản xạ âm” một cách đơn giản và ít tốn kém, người ta cũng sử dụng những vật liệu có tính hấp thu âm hay khuyếch tán âm có sẵn như các tấm màn hay thảm, treo chúng lên các vách tường ở vị trí giữa loa và người nghe.
Có vài cuộc tranh cãi giữa các “cư dân hi-end” về vấn đề: “âm phản xạ”- nên được hấp thu hay khuyếch tán? Nhóm ủng hộ “khuyếch tán” cho rằng, các sóng âm phản xạ có biên độ thấp sẽ dễ dàng lan truyền rộng khắp trong không gian, tạo điều kiện tốt cho âm nhạc “bay bổng” hơn. Nhóm ủng hộ “hấp thu” thì giải thích như sau: Tín hiệu âm phản xạ khi đi lẫn lộn với âm thanh chính được phát ra trực tiếp từ loa, chúng có thể làm suy yếu âm thanh này, dẫn đến chất lượng âm nhạc cũng giảm đi đáng kể.
Lưu ý rằng, chúng ta không nhất thiết phải xử lý toàn bộ phòng âm để giải quyết vấn đề “phản xạ âm”. Thực ra tín hiệu “âm phản xạ” này chỉ xuất hiện ở một vài vị trí trên tường mà thôi.
Ở tần số trung và cao, tín hiệu âm thanh hoạt động tương tự như các tia ánh sáng vậy, do đó chúng ta chỉ cần tìm đúng các “điểm phản xạ” trên tường và xử lý chúng.
3. Âm Bass quá dày và cứng
Âm bass quá “dày” và “cứng” là nỗi phiền phức đối với những người chơi nhạc. Quá trình cộng hưởng âm của phòng, vị trí đặt loa không đúng, hay chất lượng của loa quá xấu là nguyên nhân chính gây ra “vấn nạn” trên.
Một thiết bị đơn giản, rẻ tiền nhưng hoạt động rất hiệu quả có tên là “ tấm tiêu âm” sẽ giải quyết được tình trạng này.
“Tấm tiêu âm” có thể đứng riêng biệt một mình hoặc treo trên tường, sao cho mặt phẳng của nó tiếp xúc với vách tường. Trên bề mặt của thiết bị này có khoét nhiều lỗ nhỏ, có tác dụng “thu hút” những sóng âm có tần số thấp. Đặc biệt các nút điều chỉnh được thiết kế sẵn, cho phép chúng ta chọn lọc tần số, băng tần của sóng âm cần xử lý.
Ngoài ra chúng ta cũng không nên bỏ qua “vị trí đặt loa”. Nếu đã điều chỉnh vị trí của loa rồi mà chất lượng âm bass vẫn chưa cải thiện, lúc này hãy nghĩ đến việc thay thế một bộ loa khác.
4. Chất lượng âm thanh xấu do đặt những vật có tính” phản xạ âm” gần loa
Các thiết bị ngoại vi hay vật dụng có kích thước lớn đặt trong phòng cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng âm thanh của loa. Một cửa sổ nằm phía sau loa, những loa sub…hay thậm chí là bộ khuyếch đại công suất được đặt nằm trên sàn nhà đều có khả năng làm giảm chất lượng âm thanh của phòng nhạc.
Chúng ta nên thay đổi vị trí các vật này hoặc hạn chế ảnh hưởng của chúng đến chất lượng âm thanh. Chẳng hạn như đối với cửa sổ nằm phía sau loa, ta có thể treo một tấm màn hoặc drap mỏng nhằm hạn chế mức độ “phản xạ âm” của nó.