pegasus3390
Well-Known Member
Trong một thời gian dài, giá bán của những chiếc điện thoại nhanh và mạnh mẽ nhất trên thị trường dường như đã được cố đinh. Người dùng phải trả khoảng $600 - $700 dù là trả một lần hay trả theo gói với các nhà mạng. Tuy nhiên, ngày nay mọi thứ dần thay đổi. Mọi thứ đang chuyển biến để hình thành nên cái gọi là “flagship giá rẻ”, một chiếc điện thoại với cấu hình của một chiếc flagship hoặc rất gần về thông số với cái giá khoảng $400.
Cái chúng ta đang nói đến ở đây là những thiết bị như Xiaomi Mi 5 giá $305, LG Nexus 5X giá $380, Nextbit Robin giá $400, Moto X giá $400, OnePlus 2 $329 hay ngay cả chiếc iPhone SE cũng có giá $400. Tất cả những chiếc điện thoại này được bán ra với cấu hình (gần như) tốt nhất hiện nay với những con chip SoC mạnh nhất, màn hình đẹp nhất và những thông số ấn tượng nhất. Thậm chí nếu như bạn không biết nhiều lắm về các thông số thì cũng sẽ khá khó khăn cho người dùng khi chỉ ra điểm khác biệt giữa các thiết bị này và những chiếc Flagship giá đến $700. Những chiếc “flagship giá rẻ” này thực sự không thể sánh ngang được với những chiếc flagship thực sự nhưng mục tiêu của các nhà sản xuất là đửa ra các thiết bị “đủ tốt”.
Thông số ấn tượng (khi so về giá)
Nếu phải so sánh với những flagship hàng đầu từ các công ty như Samsung hoặc LG có giá lên đến $700 thì những “siêu phẩm” này đưa vào những tính năng khá thú vị và khác biệt nhưng đồng thời cũng đẩy cái giá lên cao một cách không cần thiết. Chúng sẽ luôn là những sản phẩm tốt nhất có thể có đánh bại chính những sản phẩm năm trước và thuyết phục người dùng thay thế mỗi năm. Samsung vẫn là hãng dẫn dầu với màn hình AMOLED cong ấn tượng, cảm biến nhịp tim, chống nước, Samsung Pay và màn hình có mật độ điểm ảnh lên đến trên 500 PPI trên chiếc Galaxy S7 Edge của mình. Hãng thậm chí còn cho người dùng trải nghiệm thực tế ảo trên điện thoại của mình. Trong khi đó LG G5 cũng không kém cạnh. Mặc dù có thiết kế không mấy hấp dẫn được như Samsung nhưng với 2 camera sau, cảm biến color spectrum hỗ trợ việc chụp hình, một màn hình ấn tượng 1440p và khả năng thay đổi các module.
Một trong những thiết bị đầu tiên có cấu hình cao với mức giá rẻ chính là dòng Nexus của Google. Năm 2012 thì Google bắt đầu bán ra những chiếc Galaxy Nexus trực tiếp từ Play Store với giá $400 không khóa và không hợp đồng. Và sau đó các mẫu Nexus tiếp theo (trừ Nexus 6) có giá dao động chỉ $300 - $400. Và việc rất nhanh chóng tung ra bản cập nhật Android mới, dòng Nexus chiếm được rất nhiều cảm tình của những người yêu thích Android. Từng có một khoảng thời gian người ta cho rằng Google đang trợ giá cho những thiết bị này, nhưng giờ chúng ta đã thấy rằng có rất nhiều nhà sản xuất có thể tạo ra sản phẩm tốt tương tự ở cùng mức giá như vậy để tạo ra những sản phẩm “đáng tiền”.
Trong cuộc đua này, khi người ta tạo ra một chiếc flagship giá rẻ không có nghĩa là họ đang cắt giảm chi phí, họ chỉ đang tìm cách cắt giảm những gì người dùng không cần thiết thôi. Những “giá trị cộng thêm” thường được cắt giảm nhưng vẫn giữ được trải nghiệm tốt cho người dùng. Màn hình thường được các hãng giữ ở mức 1080p, và ở mức này người dùng vẫn có mật độ điểm ảnh trên 400 ppi trên màn hình 5 inch (trên iPhone 6 chỉ là 325 ppi). Và khi các hãng đã tạo ra những chiếc “flagship vừa đủ tốt” họ lại đưa thêm những tính năng mới nhất mà người dùng đang quan tâm như nhận diện vân tay, NFC, USB Type-C.
Và khi những chiếc flagship giá rẻ này mang lại sức mạnh tương đương cùng với những tính năng thời thượng thì các nhà sản xuất có thể “ăn” vào miếng bánh của những chiếc flagship đắt tiền. Hiện tại, khi mà các nhà sản xuất đang dần lấn hết thị phần có thể thì có vẻ như họ sẽ chẳng còn miếng bánh nào để phát triển. Bao gồm cả Motorola, trước đây của Google và nay đã dưới trướng Lenovo, các “tân binh” như Xiaomi, Nexbit và OnePlus…
Thị trường mới nổi và cái chết của việc mua điện thoại theo hợp đồng
Tại sao các công ty lại quá quan tâm đến những chiếc flagship giá rẻ? Một lý do thôi, đó là sự trỗi dậy của thị trường mới nổi. Những quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ đang trong giai đoạn mà mỗi người đều muốn có cho mình một chiếc smartphone. Với một dân số khổng lồ với tổng dân số hai quốc gia này lên đến 2.6 tỷ người, các nhà sản xuất điện thoại đang nhắm tới một thị trường khổng lồ. Về cơ bản thì những thị trường này khá nhạy cảm về giá hơn những quốc gia khác. Do đó với hầu hết các nhà sản xuất, để khai thác thị trường này, các hãng phải hạ giá xuống.
Theo như công ty nghiên cứu IDC thì Xiaomi hiện là nhà sản xuất điện thoại hàng đầu ở Trung Quốc trong năm 2015 và mức giá trung bình cho mỗi chiếc điện thoại của hãng là $141. Huawei có thị phần đứng thứ hai với giá bán trung bình là $213. Tuy nhiên khi Apple vẫn nhắm tới thị trường cao cấp thì hãng vẫn thành công rực rỡ với thị phần đứng thứ 3 và giá bán trung bình lên đến $718, một phần bởi giá trị thương hiệu đầy sức ảnh hưởng. Một trong những lý do chính là hệ điều hành iOS khiến nó thật sự khác biệt trong khi những kẻ khác chỉ cố gắng biến đổi những chiếc Android cho giống với iOS.
Ngay tại ở Mỹ, bốn nhà mạng lớn của có vẻ đang quay lưng với phương thức hợp đồng 2 năm. Kết quả là người dùng có hai lựa chọn, một là trả hàng tháng hoặc trả toàn bộ giá tiền và điều này thể hiện rõ giá tiền của những chiếc điện thoại. Các hợp đồng hai năm được dùng để giấu đi cái giá thật sự của thiết bị thông qua việc trả phí hàng tháng cao hơn và các khoảng phí kết thúc sớm hợp đồng, bạn mua điện thoại đắt tiền thì số tiền phải trả hằng tháng cũng cao theo.
Xiaomi là hãng thúc đẩy những chiếc điện thoại giá rẻ
Cho đến lúc này, Xiaomi đã trở thành “chuẩn mực” trong việc sản xuất những flagship giá rẻ. Chắc chắn là vậy, ít nhất ở nước mà công ty này hoạt động. Xiaomi chính là chuyên gia trong việc cắt giảm chi phí ở những tính năng mà người dùng hầu như không dùng đến trong khi vẫn giữ những tính năng hoàn toàn bắt kịp với cuộc đua cấu hình. Khi xem xét chiếc Xiaomi Mi 5 mới ra mắt, chỉ với $305, người dùng đã có thể có con chip SoC mạnh mẽ nhất hiện nay, Qualcomm Snapdragon 820. Tuy nhiên, Xiaomi sử dụng phiên bản hiệu năng thấp hơn của mẫu chip này. Dựa trên những thử nghiệp thì con chip Snapdragon 820 được sử dụng chạy ở xung nhịp 1.8GHz hay vì 2.15GHz như bình thường đồng thời, xung nhịp GPU cũng giảm từ 624MHz xuống còn 510MHz. Việc này không ảnh hưởng nhiều đến hiệu năng tổng thể nhưng vẫn có được cái tên Snapdragon 820 đồng thời Xiaomi cũng nhờ đó tiết kiệm tiền. Nếu người dùng không muốn dùng phiên bản thấp hơn thì Xiaomi cũng cung cấp chiếc Xiaomi Mi 5 Plus với chip Snapdragon 820 tốc độ tối đa. Tuy nhiên cái giá cũng chỉ $350. Việc cắt giảm chi phí của Xiaomi không chỉ ở phần cứng, công ty này còn tiết kiệm tiền thông qua việc né các chi phí về bản quyền. Họ không bán hàng ở tất cả quốc gia, hầu hết là ở quên nhà Trung Quốc và các quốc gia có dân số lớn như Ấn Độ, Indonesia và Brazil. Tránh xa các nước phương Tây nghĩa là họ tránh xa được trận chiến bản quyền trên điện thoại.
Nói đến trận chiến bản quyền ở phương Tây thì đây là trận chiến kéo dài dai dẵn. Apple đã có cuộc “thánh chiến” với Android hay vấn đề về thiết kế với Samsung trong vấn đề thiết kế từ thời cố CEO Steve Jobs. Microsoft cũng có chiến lượng bản quyền trên các thiết bị điện toán và trong năm 2012 hãng cũng đã thu được tiền bản quyền từ 70% các thiết bị chạy Android. Kodak cũng thoát khỏi được việc phá sản nhờ bán đi các bản quyền về camera cho 12 công ty công nghệ. Những công ty già cỗi như Nokia, RIM, và Motorola “sống” đủ lâu để bản quyền của họ có mặt trên tất cả các điện thoại. Gần đây nhất là Oracle muốn kiện Google để nhận 10 tỷ USD vì việc sử dụng Java không hợp pháp trên Android.
Việc kiện tụng sẽ là vấn đề cực kỳ dai dẳn và kéo dài dù thắng, thua hay dàn xếp. Tránh xa được vấn đề đau đầu này Xiaomi mới có thể tiến xa được. Tuy nhiên với việc mở ra cửa hàng phụ kiện của mình tại Mỹ, có vẻ như Xiaomi vẫn đang muốn xâm nhập thị trường này và xem xét nghiêm túc các vấn đề về luật.
Apple đang muốn chống lại thị trường điện thoại giá rẻ
Apple có vẻ như đã thấy được xu hướng điện thoại giá rẻ dần lớn mạnh. Tháng vừa rồi hãng đã tung ra chiếc iPhone SE với giá chỉ $400, một phiên bản của chiếc iPhone 5S với cấu hình bên trong tương đương với chiếc iPhone 6S. Sản phẩm của Apple vẫn giữ được một chút khác biệt so với phần còn lại của những chiếc flagship giá rẻ. Trong khi các hãng khác tập trung vào câu hỏi tại sao người dùng phải trả đến $700 cho một chiếc điện thoại xa xỉ thì Apple lại cho khách hàng một thiết bị mạnh mẽ nhưng lại có màn hình “chật chội” hơn. Việc này cũng giúp hãng tận dụng được thiết kế cũ từ thời iPhone 5 làm cho nó “không bằng” những mẫu điện thoại mới hơn. Việc sử dụng màn hình 4 inch thay vì 5 inch như các điện thoại khác còn giúp Apple có thêm lợi nhuận và việc giảm $50 so với chiếc iPhone 5S khiến nó trở nên rất hấp dẫn.
Những chiếc iPhone SE chính là hướng đến thị trường mới nổi. Thực tế là người ta phân tích lưu lượng tìm kiếm thì phần lớn người dùng tìm hiểu sản phẩm mới này trên trang web của Apple là từ Trung Quốc và Ấn Độ. Những chiếc iPhone SE sẽ khó bán hơn ở Mỹ hoặc một số nước khác bởi vì Apple tính thêm một số khoản phí nữa. Giá bán chính thức của iPhone SE ở Trung Quốc là khoảng $508 trong khi ở Ấn Độ giá bán lên đến $588. CNBC cho biết lượng đặt của iPhone SE tại Trung Quốc là 3.4 triệu chiếc nhưng không “ăn nhằm” gì với Xiaomi Mi 5 với lượng đặt hàng lên đến 16 triệu đơn vị.
Samsung, kẻ khổng lồ đang say ngủ
Thực ra công ty có khả năng và làm tốt nhất để tạo ra những chiếc điện thoại flagship giá rẻ vẫn chưa hề đếm xỉa đến thị trường này. Samsung dường như không ngó ngàng đến thị trường này khi mà hãng tập trung vào thị trường cao cấp với nhiều lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thương hiệu này dường như đang thua thế trong cuộc chiến thị phần cao cấp với Apple.
Ở thị trường Trung Quốc, mặt kinh doanh của Samsung không tốt lắm. Hãng sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới không hề có tên trong danh sách top 5 các nhà sản xuất tại Trung Quốc năm 2015, thậm chí còn ở dưới cả OPPO và Vivo. Ở Ấn Độ thì tình hình có vẻ khá hơn khi Samsung thường xuyên chiến thị phần cao. Tuy nhiên cuộc chiến ở Ấn độ chỉ mới bắt đầu nóng lên thôi, Xiaomi chỉ mới tiến vào Ấn Độ từ năm 2014 và chỉ vài tháng trước đây công ty này đã có được thỏa thuận sản xuất điện thoại ngay tại quốc gia này. Apple hiện vẫn đang tập trung vào Trung Quốc với sức mua mạnh hơn. Mặc dù vậy công ty này đang bắt đầu mở những cửa hàng đầu tiên tại quốc gia này và bán những chiếc điện thoại refurbished. Hiện nay trận chiến tại thị trường Ấn độ chỉ vỏn vẹn giữa Samsung, Lenovo và vài công ty địa phương như Micromax, Intex, và Lava.
Ở Mỹ, Samsung thậm chí còn không tung ra các sản phẩm mới ở nhiều phân khúc giá. Chỉ có chiếc flagship mới nhất, và flagship năm trước và những mẫu tương tự. Mặc dù ra mắt đến 45 mẫu điện thoại khác nhau vào năm ngoái nhưng chỉ có 4 mẫu được đưa đến thị trường Mỹ và tất cả đều có mức giá $650 trở lên. Nếu nhu so sánh giữa sản phẩm ở Mỹ và Ấn Độ, nếu như ở Mỹ chúng ta chỉ có Galaxy S7 giá $670 và Galaxy Note 5, nhưng ở Ấn Độ lại có Galaxy A5 $430, Galaxy A7 $490, Galaxy On7 $150, Galaxy J2 $120, và rất nhiều mẫu khác. Hãng thậm chí cũng không bán hàng trực tiếp ở Mỹ, chỉ bán qua nhà mạng.
Cho dù là hãng tung ra rất nhiều sản phẩm ở nhiều phân khúc tại các quốc gia, nhưng không có chiếc nào trong số đó có thể gọi là một chiếc flagship giá rẻ đúng nghĩa. Chiếc gần với mốc $400 nhất là Galaxy A5 với giá $430. Về thiết kế bên ngoài thì chiếc điện thoại này cũng không đến nỗi tệ. Thân máy kim loại với cảm biến vân tay, màn hình 5.2 inch 1080p, Tuy nhiên cấu hình bên trong lại khá gây thất vọng với con chip tầm trung Snapdragon 615 và chỉ chạy có Android 5.1. Nếu phải so sánh thì chỉ với $305 chúng ta có được con chip Snapdragon 820. Xiaomi cũng bán ra chiếc Redmi 3 của mình với chip Snapdragon 616 và giá cũng chỉ $100 và việc bỏ ra đến $430 cho con chip như vậy là không hợp lý.
Samsung đang tập trung vào các flagship cao cấp, nhưng thực sự nếu hãng quyết định thay đổi và làm ra một chiếc điện thoại “đáng đồng tiền bát gạo” thì hãng có khả năng làm tốt hơn bất cứ ai. Bản thân Samsung cũng là một nhà sản xuất điện thoại OEM và là OEM duy nhất có khả năng sản xuất ra tất cả thành phần quan trọng nhất của chiếc điện thoại. Nếu như các OEM khác tạo ra những chiếc điện thoại bằng cách mua các linh kiện từ rất nhiều các công ty khác nhau ví dụ như màn hình từ LG hặc Samsung, SoC từ Qualcomm (thực ra cũng được sản xuất bởi TSMC hoặc Samsung) và MediaTek, camera từ Sony hoặc Samsung, pin của Samsung, LG hoặc Sony và được lắp ghép bởi Foxconn hoặc Inventec. Mỗi thành phần đều có phần lợi nhuận của riêng nó. Nhưng bạn sẽ thấy đều có tên của Samsung trong các thành phần.
Nếu Samsung muốn, hãng có thể cắt giảm các phần lợi nhuận. Trong khi các công ty đều phải outsource các linh kiện silicon thì Samsung sở hữu gần như toàn bộ các mảng trong ngành này và con chip Exynos SoC cũng là sản phẩm cây nhà lá vườn. Màn hình, RAM, bộ nhớ flash, camera và pin, còn ai qua được Samsung. Nếu kết hợp toàn bộ lại thì chuỗi cung ứng của hãng sẽ gần như là 100% mang mác Samsung và chỉ tập trung vào lợi nhuận ở sản phẩm cuối thì chắc chắn công ty sẽ đánh bật toàn bộ thị trường về vấn đề giá.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Samsung có muốn thực hiện điều này hay không. Hiện nay công ty đang là hãng điện thoại lớn nhất thế giới cũng như nhà sản xuất linh kiện lớn nhất nhưng cả hai mảng này đều coi mảng còn lại như đối tác. Phía linh kiện sẽ bán cho mảng điện thoại với cùng mức giá khi với các hãng khác, còn mảng điện thoại thì cũng không ràng buộc phải sử dụng sản phẩm từ phía linh kiện. Đó là lý do chúng ta thấy Samsung có thể sử dụng chip SoC của Qualcomm song song với Exynos hay camera Sony trên chiếc S6 và S7 trong nhiều năm gần đây.
Việc đối xử ngang bằng cho phép mảng linh kiện của Samsung thống thị thị trường. Ngày nay, dù bạn dùng điện thoại của hãng này thì cực kỳ khó để chiếc điện thoại đó không dùng linh kiện từ Samsung dù ít hay nhiều. Samsung cũng là một đối tác sản xuất lớn của Apple với con chip A9 SoC trên chiếc iPhone 6 và những con chip trước đây của của Apple trong nhiều năm.
Dù Samsung có thể tạo ra những chiếc điện thoại rẻ hơn và tốt hơn bằng cách sử dụng hoàn toàn các sản phẩm của bộ phận linh kiện đồng thời bỏ qua việc đối xử ngang bằng về giá với các hãng khác nhưng việc thay đổi này sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến mảng kinh doanh linh kiện của hãng. Việc này sẽ làm các đối tác lo ngại và chuyển sang dùng linh kiện từ hãng khác và làm ảnh hưởng để doanh thu chung của toàn tập đoàn đặc biệt là khi thị trường đã bão hòa.
Chờ đợi sự giảm giá
Khi mà thị trường điện thoại di động đã đủ độ chín và trở nên bão hòa thì mức giá của những chiếc smartphone sẽ còn thấp hơn nữa. Chúng cũng thấy thị trường máy tính cũng đã phải hạ giá rất nhiều trong những năm vừa qua, nhưng những mẫu điện thoại cao cấp vẫn chưa có nhiều tín hiệu sẽ thay đổi. Nhưng khi thị trường ngày càng nhiều các hãng điện thoại như Xiaomi, Nextbit, OnePlus,… thì các hãng điện thoại lớn khó có khả năng bán các sản phẩm của mình với giá trên $400.
Xiaomi đang ở vị thế lớn trong xu hướng này, Apple vẫn là một thương hiệu đầy mạnh mẽ với hệ điều hành độc nhất cũng như hệ sinh thái ứng dụng mạnh mẽ đủ sức giúp cho hãng vượt qua cơn sóng giá rẻ. Còn lại là các nhà sản xuất dù lớn như Samsung vẫn phải đối mặt với nguy cơ mất dần thị phần. Với người tiêu dùng, giá rẻ là lựa chọn của họ, việc này gây ra áp lực cho các nhà sản xuất làm sao để giữ vững vị thế của mình.