Ðề: Slumdog Mafia sequel : The End of Destinies
Bài viết trên FB của Aventone
HÔM QUA TUI ĐI XEM PHIM CỦA CHÚ BA
Nắng sáng Chủ Nhật dù sao vẫn dịu dàng hơn các ngày trong tuần. Có lẽ vì đó là dịp hầu hết nhân loại được phép cảm nhận chút thư thả của cuộc sống. Và cũng có lẽ vì thế, thiên nhiên thường tranh thủ nhắc khéo họ về sự tồn tại kỳ vĩ của nó. Tuy nhiên đáng kể hơn hết, ít nhiều số đông con người chúng ta đã tận dụng ân sủng này, một cách vô tình hoặc có chủ đích, để kỷ niệm những sự kiện trọng đại từ qui mô nhỏ đến toàn cầu: một buổi tiệc sinh nhật, một buổi lễ nhà thờ, một cuộc chạy bộ vì từ thiện, một trận chung kết bóng đá,... một lễ trao giải điện ảnh mang tên Oscar.
Chủ Nhật hôm qua, nắng lại có phần rực rỡ hơn thường lệ. Có lẽ vì đó là ngày “Chú Ba” Phúc Đoàn lần đầu ra mắt bộ phim Slumdog Mafia: The End of Destines.
Quần áo chỉnh tề, tôi nổ máy xe và vi vu đến địa điểm họp mặt. Tôi không hồi hộp như lúc đến MegaStar để biết 3D là gì. Tôi không sung sướng như lúc chờ đến lượt soát vé trước cửa phòng chiếu Enchanted. Tôi thấy mình phấn khởi. Không phải vì bộ phim được các anh chị có uy tín lăng-xê từ trước mà vì tôi biết, mình sẽ không còn sợ sự thật thà của nó. Nhưng chỉ vài tiếng tới thôi, tôi hiểu mình đã sai.
09:33, có mặt tại hiện trường. Nền gạch mộc mạc chào đón bước chân tôi thay cho dải thảm đỏ kiêu sa. Tiếng bạn bè cười nói ôm ấp bờ vai tôi thay cho lời rỉ tai ngọt ngào của một nhà phát hành phim lạ lẫm. Chả lụa, bánh mì làm vị giác tôi thức giấc thay cho những khoanh sushi nhỏ được trình bày công phu trên mâm vàng đĩa bạc. Một xấp DVD giản dị sẽ theo tay tôi về thay cho bao quà cồng kềnh thông cáo. Bạn chẳng bao giờ cần tốn nhiều tiền và bóng bẩy hóa bề ngoài nếu khán giả của bạn là những người thưởng thức nghệ thuật thứ 7 bằng cả trái tim.
10:01, phim chiếu. Những con chiên trung thành của Điện Ảnh Giáo nhạnh nhẹn, gọn gàng, hòa nhã chọn cho mình một chỗ ngồi ấm cùng trong cụm rạp tại gia nhỏ bé. Ai nấy đều nô nức chờ đợi sự trở lại của Slumdog Mafia. Thật chẳng quá khi nói việc “nhà tổ chức” chiếu trailer nhằm lấy khí thế chỉ càng khiến khán giả thêm bức rức, khó chịu. Ừ, tôi muốn xem, muốn xem lắm rồi. Và tôi tin chắc vào lúc công chúng của bạn chống cằm, dũi chân, khép tay trước bụng, thậm chí cả chỉnh sửa quần áo chính là lúc họ muốn nói, “I'm ready. Amaze me!”
10:07, trailer kết thúc. Slumdog Mafia: The End of Destines khai màn 5 phút đầu của nó bằng việc nhắc lại đoạn cuối của phần 1. Đúng như lời cảnh báo của “nhà tổ chức”, nếu bạn chưa xem qua Slumdog Mafia 1, bạn sẽ thấy khó mà nắm bắt được khởi điểm ở phần 2. Phim sử dụng nhiều lối dẫn dắt bằng phụ đề và hiệu ứng chữ. Cách làm này khắc phục tốt hạn chế về mặt kỹ thuật âm thanh mà đoàn phim một người của Chú Ba dù không muốn cũng chẳng tránh được. Ngoài ra, nó còn phục vụ và hài hòa khá trơn tru với trường đoạn Phúc phiêu bạt sang Pháp. Với hoàn cảnh hiện tại, im lặng và quan sát là hai chi tiết song song chân thực nhất với cảm xúc của Phúc.
Pháp? Ừ, Pháp. Nhưng Chú Ba có bao giờ sang Pháp đâu? Ừ, Pháp. Đùa đấy à? Không đùa, Pháp đấy. Mà còn là một Pháp rất đẹp nữa, từ vùng đồng quê bình yên cho đến ngày hội đồng tính náo nhiệt, sặc sỡ màu sắc một phương Tây phóng khoáng. Thế thì đã thấm thoát gì, hắn còn chơi OST của La Fabuleux Destin d'Amélie Poulain nữa. Ôi, nếu bạn biết tôi yêu Pháp và ngưỡng mộ Jean-Pierre Jeunet đến dường nào thì bạn sẽ hiểu được phản ứng của tôi lúc đó: cơ mặt bất động, lông mi chớp theo một tần số bất biến, hơi thở nhịp nhàng theo từng tiếng đập rạo rực của con tim. Tôi đã chìm ngập vào bộ phim dù cho cảnh quay hải ngoại ấy dường như chỉ mang tính chất gửi gắm bạn bè hơn là tô điểm cho câu chuyện.
Nhưng tại sao lại ở Pháp, tôi vẫn chưa trả lời bạn câu hỏi đó. Tất nhiên, Chú Ba chưa bao giờ được ai gọi là Oncle Trois, cũng chưa bao giờ được chạy lòng vòng quanh bảo tàng Louvre như Robert Langdon. Nhưng Chú Ba có một phần trái tim ở đó và người bạn này đã giúp chú ấy làm nên một mở bài vừa đặc biệt, vừa chân thành giống như tinh thần Slumdog Mafia. Để rồi liên tục suốt gần 60 phút phim (cả sau phần credit tự sướng), khán giả, hết lần này đến lần khác, được gặp gỡ với các cameo mà hầu hết ai trong số họ cũng yêu quí. Các cameo này, bao gồm cả anh chàng ở Pháp, đều xuất hiện qua sự sắp đặt dí dỏm, bất ngờ của đạo diễn.
10:20, nhân vật Phúc trở về Slumdog tìm tình yêu. Con đường không một hàng cây, ngôi trường vắng bóng sinh viên, khu công trình xây dở vẫn hoàn dở xây... những hình ảnh quen thuộc từ Slumdog Mafia 1 ùa về đều đặn đến nghiệt ngã. Nghiệt ngã cho số phận của nhân vật Phúc và nghiệt ngã cho sinh viên Thủ Đức (có lẽ chính phủ muốn tôn trọng cảnh trí trong Slumdog Mafia chăng?). Đến đây, cốt truyện chính mới thật sự vào đề. Và nó đan xen, chồng chéo, ẩn chứa nhiều bi kịch oái oăm hơn tôi tưởng.
10:42, những cảnh phim đơn sơ cứ thế chạy đều trên chiếc màn ảnh 50 inch. Không khí lúc này đã có phần lắng đọng. Mọi người đã thôi trầm trồ, đã thôi hò hét. Tất cả các đôi mắt đều dán về câu chuyện của chàng Phúc giang hồ đi tìm tình yêu. Tất cả, trừ tôi. Tận đáy lòng, tôi chỉ muốn bật tung cửa phòng chiếu và chạy một mạch về căn gác nhỏ bé nơi tôi vẫn thường nhìn trời nghĩ ngợi. Tôi không thể chịu nổi bộ phim này. Đúng, tôi kinh sợ nó. Tôi kinh sợ Slumdog Mafia: The End of Destines.
10:42 1/2, tôi thấy Chú Ba loay hoay chỉnh chiếc camera để thu lại phản ứng của khán giả. Tôi thấy một thanh niên trẻ vừa mừng vừa lo cho số phận đứa con tinh thần của mình. Tôi thấy một nhà làm phim tiềm năng với bộ óc đầy chất liệu điện ảnh đang dần xây đắp những bậc thêm đưa anh đến thành công cao nhất. Và... tôi thấy tôi. Nhưng không phải qua hình ảnh của Chú Ba. Tôi thấy mình nằm trong căn gác nhỏ bé ngắm trời suy tư. Tôi thấy mình tự hỏi, “Tại sao bầu trời lại xa thế? Đến khi nào mình mới thoát khỏi cái đáy này?” Và rồi tôi lại thấy vài ba giọt nước mắt chảy dài trên đôi má mình... Ôi, tôi đã muốn làm phim từ rất lâu.
10:42 48 giây, “Em có một kịch bản phim hay lắm! - Ừ, vậy em thực hiện ngay đi. Đã nói thì nên làm.” “Anh có muốn nghe về kịch bản của em không? - Không. Anh nghĩ, nếu em có ý tưởng gì đó thì hãy viết nó ra. Vì nói cho sướng miệng hết thì chẳng bao giờ viết nổi đâu.” “Trường sân khấu điện ảnh có thiếu gì các sinh viên với ý tưởng hay. Tụi nó kể cho anh nghe hoài mà mấy năm rồi vẫn chưa thấy gì cả.” “Cuối tháng này nhất quyết mình phải làm xong một phim.” “Trễ rồi, cuối mùa thu vậy.” “Cuối năm cũng không quá trễ nhỉ?” “Năm sau?” “Dừng lại đi! Đừng ám ảnh tôi nữa!”
10:43, tôi lại nhìn Chú Ba. Chú Ba đang chăm chú nhìn lên màn hình. Đến đoạn cao trào rồi. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Tôi cũng vỗ tay và quay đầu nhìn xung quanh... Bạn biết không, tôi kinh sợ Slumdog Mafia: The End of Destines chẳng phải vì nó là một bộ phim dở, cũng chẳng phải nó là một bộ phim quá xuất sắc đến ngộp thở mà nó là tiền ước mơ của một thằng nhóc muốn trở thành nhà làm phim chuyên nghiệp. Chú Ba nhỏ hơn tôi 1 tuổi, Chú Ba không làm phim vì nghề, vậy mà Chú Ba đã hoàn thành nó tốt đẹp, ấn tượng. Còn tôi thì sao? Mơ mộng đến 3 năm trời, thậm chí một video clip vài giây cũng chẳng có. Slumdog Mafia: The End of Destines là nhát dao đâm vào lòng tự trọng chẳng đáng thương hại của tôi. Nó càng khiến tôi ám ảnh bao nhiêu thì càng làm công sức của Chú Ba đáng để tự hào bấy nhiêu.
10:44, tôi đã thôi vỗ tay nhưng mắt thì vẫn nhìn quanh. Tôi thấy bên cạnh mình là những con người đầy nhiệt huyết cho điện ảnh. Tôi thấy hi vọng. Tôi thấy mình đã từ từ thoát ra khỏi vỏ sò nhút nhác khi xưa. Giờ đây, tôi đã là một phần của một đại gia đình. Một đại gia đình sẵn lòng hỗ trợ lẫn nhau vì tương lai điện ảnh Việt. Nỗi sợ thoảng qua đã bay biến đâu mất. “Phải rồi, mình đến đây là để từng bước thay đổi số phận. Không phải để đầu hàng trước nó. The End of Destines is the Beginning of New Destinies. Sau bộ phim này, có thể cuộc đời Chú Ba sẽ thay đổi. Tôi không chắc. Nhưng tôi chắc chắn, số phận của mình phải thay đổi vì chẳng có lý do gì để nó phải thảm hại như thế cả. Tôi có quá nhiều tình yêu để hiện thực hóa nó. Không có gì để sợ sự thật thà của mình cả.
Bộ phim kết thúc, Chú Ba hỏi tôi đánh giá thế nào về nó? Tôi nói với Chú Ba mình sẽ không viết review vì chú có làm tiếp phim nào nữa đâu. Tôi góp ý cũng chỉ để thừa thôi. Làm tiếp một phim khác đi, tôi sẽ cho chú đánh giá của mình.
Còn riêng về Slumdog Mafia: The End of Destines... cũng như bài học mà Chú Ba gửi gấm trong phim, nó là biểu trưng của tình yêu. Tình yêu của những con mọt phim thuần khiết, tình yêu của các cameo đối với Chú Ba, tình yêu của khán giả dành cho Chú Ba, cả tình yêu của “nhà tổ chức” Poly.
“Cảm ơn vì đã thực hiện bộ phim này. Chú đã gặt hái được nhiều thành công hơn mình tưởng đấy.”
*Tự sự của tác giả: Cái này là tui viết theo kiểu, nếu dùng ngôn ngữ điện ảnh, là kịch tính hóa và tạo twist. Cho nên nó không hẳn chính xác 100% đâu nghen. Tuy nhiên về cảm xúc và suy nghĩ của tui thì 10/10 đó. Mà tui cũng muốn dùng chữ “tui” lắm, cho nó thân thiện đó mà. Nhưng lỡ serious rồi nên dùng chữ “tôi” tới cuối cùng luôn. Ai không hiểu ý gì của tui thì hỏi nghen. Tui sợ mình viết lang mang quá không ai hiểu thì chết.
Tui không dùng tên các cameo không phải vì không biết các anh ấy mà vì tui không muốn spoil. Thế thôi