Ðề: NHỮNG THIÊN THẦN ÁO TRẮNG : phim TH từ ngày 02/03/2010
NHỮNG THIÊN THẦN ÁO TRẮNG - Một bộ phim tuyệt vời !
Trong khi "khung giờ vàng" của VTV từ trước đến giờ vẫn luôn ưu tiên cho những bộ phim lấy đề tài tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa để phục vụ lớp khán giả đã "mãn teen" từ lâu thì việc quyết định cho phát sóng 40 tập phim Những Thiên Thần Áo Trắng của đạo diễn Lê Hoàng đã khiến các khán giả trẻ (mà đa phần là lứa tuổi teen) quan tâm và chú ý khá nhiều. Được lên khuôn và bấm máy từ cách đây đã gần một năm trời, Những Thiên Thần Áo Trắng đã thu hút dư luận bởi "đây là phim truyền hình đầu tiên của đạo diễn Lê Hoàng, với sự xuất hiện của một dàn hot boys, hot girls"... Thế nhưng mãi đến tận bây giờ, khán giả trẻ mới có dịp thưởng thức trọn vẹn bộ phim này. Do đã được "ngâm dấm" khá lâu cộng với sự kỳ vọng của người xem về mức độ "độc đáo" và "ngông nghênh" từ cái tên Lê Hoàng, nên ngay từ khi ra mắt, bộ phim đã bị dư luận nhanh chóng "mổ xẻ" và thu được đầy ắp những ý kiến trái chiều.
Những Thiên Thần Áo Trắng không có gì quá đột phá về nội dung: vẫn là đề tài "sân trường, lớp học" khá thân quen với dòng phim "học đường" từ trước tới nay. Lớp 12A trong phim được miêu tả là "lớp học của những người xuất sắc nhất, đến mức bất kể học sinh nào bước qua cửa lớp cũng như vừa mới được gắn huy chương vậy". Chính vì cái sự "xuất sắc" ấy mà khi cô nàng July Miu (Ánh Nhật) vừa mới chuyển từ Anh về Việt Nam mà đã được nhận vào lớp ngay lập tức đã khiến cả tập thể ngỡ ngàng. Ban đầu, gần như không ai (thèm) để ý tới cô bạn mới, nhưng do Miu cá tính mạnh mẽ, thích nghi rất nhanh và cực kỳ thông minh nên cuối cùng nhóm bạn bao gồm 3 nam, 3 nữ với Nam, Bắc, Tuyết, Mai, Ngọc đã chấp nhận "kết nạp" thêm thành viên mới. Kể từ đây, biết bao chuyện vui, buồn và lắm lúc cũng cực rắc rối đã xảy đến với nhóm bạn của Miu, trở thành những kỷ niệm tuổi học trò đầy hồn nhiên.
Có rất nhiều ý kiến đề cập đến "ngôi trường và những tiết học trong mơ" của Lê Hoàng như: "Sẽ chẳng bao giờ có một ngôi trường như vậy", "Tất cả những gì trên phim chỉ là huyễn hoặc, tưởng tượng"... Có lẽ do vậy mà chính Lê Hoàng cũng mới chỉ dám... mơ thôi. Vì thế, có nên quá "chi li" khi đạo diễn muốn xây dựng ước mơ như vậy cho cả một thế hệ học sinh. Một lớp học với những tiết học tự chủ, trong 45 phút đó, lần lượt những thành viên của tập thể lớp được đứng trên bục giảng và trở thành... giáo viên, được trình bày những chủ đề liên quan tới đời sống mà học sinh đó quan tâm và theo một cách... tự do nhất có thể. Đây là lần đầu tiên trên phim ảnh mà các học sinh được tạo điều kiện thuận lợi tối đa để nói lên chính kiến của bản thân, trong một lớp học mà cô giáo chủ nhiệm chưa một phút "cau mày" với học trò. Những ý kiến của các em học sinh mặc dù khá ngây ngô và có thể không liên quan tới câu hỏi mà cô đưa ra nhưng cô giáo chủ nhiệm vẫn luôn "hô biến" nó thành những câu nói hữu ích chứ không bao giờ nói cũng là "sai" cả. Mỹ Duyên (vai cô chủ nhiệm) đã diễn rất thành công một giáo viên tâm lí và cực yêu học trò của mình, luôn ủng hộ các em và là chiếc cầu nối đề các em bộc lộ được chính kiến và mạnh dạn hơn rất nhiều.
Như đã nói ban đầu, nhân vật được "zoom" nhiều nhất chính là July Miu. Không phải vô tình mà đạo diễn để xuất xứ của Miu là từ Anh (mặc dù bố mẹ Miu đều là người Việt Nam), một học sinh đến từ một nền giáo dục của nước ngoài. Chính vì được tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến từ nhỏ mà Miu khá tự tin và độc lập: cô nàng tự mình ứng cử để được làm lớp trưởng trong khi cả lớp không ai dám "lên tiếng", cô không hề "ngán" trước trò quậy của tụi nam sinh, thậm chí còn yêu thích môn võ Karatedo nữa... Cô nàng nghiễm nhiên trở thành mảnh ghép nổi bật nhất tập thể 12A, luôn đưa ra những lời khuyên táo bạo và bổ ích cho cả lớp. Ngay cả việc đọc sách thế nào cho hiệu quả, Miu cũng là người giới thiệu "văn hóa đọc sách trên xe bus, tàu điện ngầm" của học sinh Anh quốc, để mà cô bạn Ngọc đã có một bài thuyết trình cực kỳ thuyết phục. Qua July Miu, đạo diễn dường như muốn gián tiếp truyền một "làn gió mới" về phương pháp học tập từ xứ xở sương mù (và các nước có nền giáo dục tiên tiến nói chung) tới toàn bộ lớp 12A. Và cứ thử tưởng tượng xem, nếu trong một lớp học mà tất cả học sinh đều tự tin, thông minh và cá tính như July Miu thì môi trường học tập sẽ phát triển thế nào nhỉ?
Các diễn viên còn lại thủ vai những người bạn trong nhóm của July Miu cũng đã rất cố gắng để làm tròn vai của mình. Như cô bạn Ngọc (Midu đóng) đích thực là một nàng "mọt sách" chính hiệu, bởi khi lúc nào rảnh là Ngọc có thể lôi ngay một cuốn từ sau lưng ra để nghiền ngẫm. Hùng (Thanh Hải) - "cựu" lớp trưởng cực kỳ gương mẫu, điềm đạm và luôn là chiếc cầu nối để hòa giải những xích mích của nhóm bạn mình. Hai cô bạn Tuyết (Nhã Phương) và Mai (Mai Phương) lúc nào cũng có "tầm hồn ăn uống",qua bộ phim, hai cô nàng này đã "quảng cáo thành công" đặc sản bò bía Nam Bộ tới các khán giả tuổi teens. Nam (Tùng Lâm) thì đôi lúc có hơi "tự cao" nhưng anh chàng cũng khá lém lỉnh và đặc biệt là chất giọng Bắc không thể quên được. Ca sĩ Nam Cường được giao cho vai Bắc, mặc dù đất diễn còn hạn hẹp nhưng anh cũng đã hoàn thành tốt mảnh ghép cuối cùng của nhóm. Tất cả cả diễn viên trẻ đều là những gương mặt còn rất mới với điện ảnh, chủ yếu diễn bằng cảm xúc tự nhiên và một chút... bản năng, mặc dù chưa lột tả được rõ ràng hình ảnh mà đạo diễn đã "gửi gắm" cho từng nhân vật, nhưng không vì thế mà khiến bộ phim trở nên "sống sượng".
Một điều mà nếu những ai để ý kỹ khi theo dõi Những Thiên Thần Áo Trắng phải công nhận, lời thoại của các nhân vật trong phim được trau chuốt khá kỹ lưỡng, rất thông minh, lém lỉnh như những bộ phim teen nước ngoài mà ít phim Việt Nam nào làm được. Nhưng cũng chính vì "ngôn ngữ của đạo diễn" được sử dụng hơi... quá đà trong phim vậy nên, ưu điểm nhiều khi cũng trở thành khuyết điểm. Rất nhiều teens sau khi xem vài tập phim đã "la ó" rằng, học sinh trong phim đôi lúc vấp phải những câu thoại khá "triết lý", không phù hợp lắm với lứa tuổi của các em. Thậm chí, nhân vật bảo vệ của một nhà sách, một cũng có những câu nói cực kỳ "sách vở", đặt vào khung cảnh đó khiến phim bị phô và "khó nuốt". Cũng trong tập phim đó, nhóm bạn của Miu bị "vu oan" tội ăn cắp sách và phải chôn chân trong phòng bảo vệ, chỉ riêng đoạn "đấu khẩu" về luật pháp giữa 2 bên cũng ngốn gần 30 phút, khiến mạch phim rườm rà và gây ngán.
Ngược lại, trường đoạn cả nhóm rủ nhau tới rạp xem phim và 4 bạn trong nhóm đã bị mắc kẹt trong thang máy lại được khán giả đồng tình cho rằng đây là những cảnh hấp dẫn, ly kỳ và xúc động nhất từ những tập đầu tiên đến giờ. Thành công nhất phải nói đến công sức của ekip dựng phim, một cách dựng phim độc đáo và khá quen thuộc đối với phim nước ngoài (đặc biệt là phim kinh dị) đã được áp dụng vào Những Thiên Thần Áo Trắng. Việc nửa nhóm bạn của July Miu đang "co rúm" khi xem một cảnh kinh dị (được trích từ Final Destination 3) thì đồng thời ngay lúc đó, nửa còn lại đang cực kỳ hoảng hốt khi bước vào một cái thang máy hỏng và bị kẹt trong đó. Hai cảnh phim được lồng ghép rất khéo léo và thậm chí gần như không bị phô tẹo nào đã khiến đoạn này trở thành cao trào và đẩy cảm xúc người xem lên rất cao. Khi 4 người bạn bị kẹt trong thang máy đã gần hết oxy, khi họ bắt đầu kể những mẩu chuyện liên quan tới mình, thật sự, có những người xem xong cảnh này đã phải thốt lên rằng: "Mặc dù câu chuyện của nhóm bạn không hề đặc sắc, nhưng trong hoàn cảnh ấy, tôi cứ chăm chú nghe không bỏ một từ nào" - một sức hút lạ kỳ mà không phải đạo diễn nào cũng làm được. Đây cũng là một cách thể hiện táo bạo của Những Thiên Thần Áo Trắng, bởi từ trước tới nay, chưa có phim nào "dám" để các học sinh ngây thơ phải đối diện với tử thần bao giờ cả.
Tuyến nhân vật phụ cũng được chú ý không kém và thường là những nhân vật làm "giãn mạch phim" với những tình tiết hài hước và khiến phim "bớt ngột ngạt" hơn. Đó là cô hiệu trưởng ăn mặc cực kỳ "xì tai" do "người đẹp dao kéo" Phi Thanh Vân thủ vai, đó là nhóm "đàu gấu" mà diễn viên Lan Phương làm "chị cả" - một hình ảnh chưa từng thấy ở diễn viên này. Cùng với 2 đệ tử của mình, nhóm "đầu gấu" luôn xuất hiện và gây sởn da gà đối với nhóm bạn của Miu, thế nhưng thay vì dọa nạt, họ lại làm những hành động "lạ lùng" mà đến phút chót, khán giả mới biết được nguyên do.
Mỗi tập phim đề cập tới một vấn đề khác nhau, những điều tồn tại hàng ngày mà ai cũng không nói lên chính kiến mà chỉ chấp nhận, mô tả sự va chạm giữa cái mới và cái cũ, giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Một điều thú vị nữa của Những Thiên Thần Áo Trắng là việc đạo diễn luôn để kết thúc mỗi tập "lửng lơ" khi đang ở cao trào và hấp dẫn nhất, khiến khán giả cực kỳ tò mò và muốn xem ngay tập tiếp theo để coi diễn biến thế nào. Đó là một chiêu "câu khách" khá đắt và là một thành công không thể phủ nhận mà gần như chưa bộ phim truyền hình nào của Việt nam làm được điều này. Nhạc phim cũng khá dễ thương và nhẹ nhàng, được Lê Hoàng "gửi gắm" hết cho cô ca sĩ trẻ Minh Thư sáng tác và thể hiện.
Với những góc máy đẹp theo hướng "điện ảnh" rõ ràng, có thể ví Những Thiên Thần Áo Trắng như một bức tranh sống động sử dụng toàn những gam màu nổi bật, cũng như chính tiêu đề phim: Những Thiên Thần Áo Trắng mà luôn mặc đồng phục... hồng đậm. Họ là học trò đấy, trong sáng thơ ngây như chính màu áo trắng đấy, nhưng cái mà cả đạo diễn và rất nhiều người muốn hướng tới là cái tôi độc lập, cái tôi phá cách mà chính họ phải là người quyết định trong một môi trường học tập đáng mơ ước. Những Thiên Thần Áo Trắng là một bộ phim chưa thực sự xuất sắc nhưng rất đáng xem vì chính bạn sẽ phải "gật gù" với phần nội dung có tính giáo dục cực kỳ cao.