- Theo anh, phim truyền hình VN dở ở những điểm nào?
- Cái dở của phim teen nói riêng và phim truyền hình nói chung là thông điệp gửi đến người xem cực kỳ yếu. Tính tư tưởng của tác phẩm rất kém. Chúng ta chỉ tìm những câu chuyện vui vui, dễ thương, những mối quan hệ, trò chơi mà bọn trẻ con thích. Nhưng cái để người xem suy nghĩ thì không hề có. Một tác phẩm dành cho trẻ con về nguyên tắc là người lớn xem cũng được và khi xem xong, họ phải suy nghĩ. Điều đó làm cho phim teen của ta rất yếu, cùng lắm chỉ được chất trẻ trung.
Một cái khác nữa là thoại. Chỉ cần nghe thoại là tôi biết phim đó hay dở. Mà đặc biệt là thoại cho trẻ con. Đa phần, lời thoại hoặc sẽ bị quá ngớ ngẩn hoặc trở nên rất “ông cụ non”. Viết thoại cho trẻ con là cực kỳ khó.
- Liệu các điểm dở này có được khắc phục hết trong phim của anh?
- Không phải tôi nói người khác dở là tôi hay. Tôi có thể nói người khác dở và bản thân tôi vẫn cứ dở. Nhưng tôi thấy sao thì nói thế. Còn việc làm xong, hay dở thế nào thì tính sau.
Là đạo diễn, làm phim thành công hay thất bại là điều rất bình thường. Chúng tôi không đến mức thản nhiên và cũng cảm thấy đau trong lòng nếu phim dở và bị chê tới tấp. Việc mình nói nhiều rồi sau này, nó thất bại sẽ làm người ta cười mình gấp trăm, ngàn lần. Còn hôm nay mình im lặng như tờ, ngày mai phim dở thì có thể không ai chê. Tôi quá biết điều này. Nhưng đã đến giờ phút này, ở cái tuổi này, tôi thấy không còn gì phải sợ. Có gì thì cứ nói và không việc gì phải ngại. Tôi nghĩ là tôi làm hay rồi sau đó thành dở thì tôi phải chịu. Còn hơn ra vẻ kiểu cách, khiêm tốn và nhã nhặn. Tôi không có tính ấy.
- Anh dựa vào đâu để tin là phim dành cho tuổi teen của mình sẽ hay?
- Có người còn hỏi, anh già rồi thì làm sao viết kịch bản cho tuổi teen hay được. Xin nói ngay, không hề có chuyện ở tuổi teen mới viết được kịch bản teen. Nó phụ thuộc vào tính ngây thơ của người viết. Mà cái này có là có, chẳng thể học hay giả tạo được. Nhà văn Andersen 70 tuổi vẫn viết chuyện cho thiếu nhi. Tuổi già có cách thể hiện sự trong trẻo khác. Mà tôi luôn là một người rất nên thơ.
- "Những thiên thần áo trắng" khác các phim teen khác ở điểm nào?
- Đó là một thế giới học đường đáng ra phải có, chứ không phải đã có. Và đó là sản phẩm của tôi và chỉ tôi mà thôi. Thường khi làm phim, chúng ta quen đề cập đến những trò quậy phá, đánh lộn, yêu đương... và thường xảy ra trong cuộc sống chứ không phải ở lớp học. Nhưng làm phim học trò mà không gắn với trường lớp thì kỳ cục quá. Phim của tôi khai thác tối đa quan hệ giữa trẻ con và trường học, thậm chí không đề cập đến các nhân vật phụ huynh. Tôi muốn tập trung vào sự tranh luận giữa giáo viên và học sinh. Ưu điểm của học sinh là phải biết tranh luận, mới mong phát triển được. Lớp học của tôi không có chuyện thày, cô đọc bài cho chép hay nói là học trò phải chăm chú lắng nghe. Một thày giáo hoàn toàn có thể bị đuổi ra khỏi lớp vì học sinh.
Tôi còn nhớ một đoạn đối thoại giữa nhân vật chính và cha của cô (nhân vật phụ huynh duy nhất có mặt trong phim). Khi nghe con gái hỏi: “Cha ơi, quan hệ của thày giáo và học sinh nên như thế nào hả cha?”, ông ta chỉ nói thế này: “Ở Việt Nam thì cha không biết, nhưng cha nghĩ ở đâu cũng thế, muốn tốt thì quan hệ đó phải dựa trên cơ sở bình đẳng”.