Ðề: Những nụ hôn rực rỡ : phim Tết từ 29/1/2010
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng "làm phim không vì nhà báo"
Tiếp tục cuộc tranh luận về chân dung nhà báo trên phim, đạo diễn Dũng "khùng" nhấn: Tôi không có ý định tạo ra sóng gió gì với nhà báo, nó chỉ là cái “cù lét”… Không ngờ có một số ít nhà báo phản ứng như bị “trúng huyệt hiểm”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, người “châm ngòi” cho những tranh luận về chuyện phong bì của nhà báo và chân dung nhà báo văn nghệ trên phim thẳng thắn: Tôi làm phim cho tôi, vì nhà sản xuất, vì khán giả chứ không vì nhà báo.
- Đến lúc này, khi mùa Tết đã hết và “tuần trăng mật” của phim “Những nụ hôn rực rỡ” cũng đã hết, anh có hài lòng về bộ phim của mình? Cả về nghệ thuật, doanh thu và dư luận?
- Tôi hài lòng nhất trong các phim mình đã làm. Cảm giác ngồi xem chung với khán giả họ sướng thì mình càng sướng . Khi ra khỏi rạp họ có niềm tin về phim Việt Nam hơn thì mình càng sướng. Về doanh thu phim mỗi ngày khán giả tăng dần và có nhiều người xem lại lần 2, lần 3 làm tôi tự tin lắm. về mặt dư luận rõ ràng số đông kể cả về khán giả và người chuyên môn họ đều công nhận đây là phim tốt nhất và đáng xem nhất Tết năm nay. Và tôi không thấy mắc cỡ về nhận xét đó và tôi cũng tin như vậy từ khi tôi quyết định năm nay phải làm gì mới mẽ và tốt hơn những gì đã làm.
- Bộ phim của anh được nhận định vui là… “đỡ nhảm” nhất trong 4 phim Tết năm nay. Riêng tôi thì thấy đây là phim có hình ảnh đẹp và nội dung rõ ràng, dễ hiểu, câu chuyện vui vẻ. Anh có thấy tự hào khi phim của nhận được những lời khen so với những phim khác?
- Tôi tự hào vì mình đã đem đến một món mới, một cuộc phiêu lưu và được người ta cộng nhận. Còn nói thật tôi không có thói quen so sánh với các phim khác. Những lời khen làm tôi vui, tôi biết mình phải cố gắng và trách nhiệm hơn với khán giả ở dự án tiếp theo.
- Có ý kiến cho rằng, anh đã sao chép một số phim ca nhạc, như “Mama Mia” chẳng hạn. Thậm chí, đoạn kết có người nói nó khá giống cái kết của… “Gái nhảy”, với những tuyên ngôn về tình yêu và cuộc sống. Anh nghĩ thế nào về những điều này?
- Tôi chỉ thấy nó giống “Mama Mia” ở chỗ là phim ca nhạc và bối cảnh là một cái resort thôi. Nếu cố tìm những điểm giống nhau của phim này với phim kia thì có cả ngàn phim giống nhau. Ngay cả “Avatar” mà người ta còn nói giống nhiều phim khác nữa mà. Cuộc sống và phim ảnh luôn có những diểm chung và có những điểm riêng. Cái chung nhất định để đồng cảm và có những điểm riêng để nhận dạng và để nhớ.
Cảnh trong phim “Những nụ hôn rực rỡ”.
- Có một “sóng gió” nho nhỏ liên quan đến các nhà báo trong phim. Nhiều nhà báo tỏ ra phẫn nộ vì anh đã “chọc tức” họ. Anh cảm thấy bức xúc với các nhà báo văn nghệ chăng?
- Tôi nghĩ có nhiều nhà báo còn bức xúc với nhà báo nữa là… những đạo diễn như tôi, thường xuyên được báo chí mổ xẻ. Tôi không bức xúc đến nỗi làm phim ra chỉ để nói về bức xúc với nhà báo. Những cảnh nhà báo trong phim nó chỉ là hoa lá cành cho phim thú vị hơn, vui hơn và có chuyện để bàn vậy thôi. Với những cảnh nhà báo trong phim tôi không có ý định tạo ra sóng gió gì với nhà báo, nó chỉ là cái “cù lét”… Không ngờ có một số ít họ lại cảm giác như “trúng huyệt hiểm” nên họ giật mình phản ứng. Chứ đa phần mọi người chỉ thấy vui.
- Một thông tin trong hậu trường cho rằng, nhà sản xuất đã muốn cắt chi tiết nhà báo đòi phong bì nhưng anh kiên quyết đòi giữ lại? Và cũng nhiều nhà báo cho rằng, chi tiết đó là không cần thiết, không liên quan đến đường dây câu chuyện trong phim?
- Có nhiều nhà báo thấy chi tiết đó không cần thiết và không liên quan đến phim nhưng có nhiều người hơn thích chi tiết đó và tôi với nhà sản xuất trong số đông đó, nên cảnh đó vẫn còn trong phim. Tôi làm phim vì bản thân, vì nhà sản xuất, vì khán giả, chứ không vì nhà báo. Nói thật là vậy.
- Ca khúc “Em là ai” của nhạc sỹ Huy Tuấn là phần đối thoại duy nhất trong phần âm nhạc, và nó lại là cuộc cãi vã giữa nhà báo “lá cải” và ngôi sao ca nhạc của nhóm 4U. Nhiều người cũng phản ứng dữ dội về chi tiết này, cho rằng anh cố tình bôi xấu báo chí. Anh nghĩ sao?
- Thật ra có những cái xấu chúng ta không cần bôi ra, mà chỉ cần đừng giấu diếm thì nó cũng rất mạnh mẽ rồi. Năm tôi làm “Nụ hôn thần chết” cũng có một câu nói về ngành công an, có vẻ báo chí rất thích và ủng hộ. Năm nay tôi nói về nghề báo chí… có lẽ sẽ có nhiều người cũng thích thú. Nghề nào cũng có mặt trái, chỉ có điều người ta không quen người khác nói về mặt trái của mình. Có vẻ người ta thích nhìn mặt trái của người khác hơn.
- Nhạc sỹ Huy Tuấn có chia sẻ rằng, có nhiều nhà báo nghe nhạc bằng tai người khác, xem phim bằng mắt người khác, nhưng lại phán xét như thánh thần. Thực tế này thì chúng ta đã từng nghe đây đó. Còn trong mắt anh, các nhà báo văn hóa văn nghệ như thế nào?
- Nhà báo trong mắt tôi à? Khi đọc báo không làm tôi quá lạc quan, cũng không làm tôi quá bi quan nhưng vẫn thường làm tôi hoang mang. Trong xã hội hay ngành nghề của tôi làm không thể nào thiếu báo chí được. Nhưng báo chỉ cũng không phải là quyết định trong mọi vấn đề. Báo chí có khả năng “hướng dư luận” nhưng họ phải có trách nhiệm tạo niềm tin cho người đọc nữa. Đặc điểm của mảng văn hóa văn nghệ là khi nhà báo viết không đúng thì nó cũng chỉ là cái sai kiểu “văn nghệ” chứ không như chính trị, kinh tế… họ thấy ít hậu quả của cái không đúng, hoặc những hậu quả ấy không trực tiếp, không nhãn tiền, nên nhiều lúc họ tự do và sa đà hơn.
- Phim Tết lại qua đi một mùa. Nhìn lại thì thấy nó đã có… trật tự hơn và người xem cũng công bằng hơn. Báo chí cũng cố gắng… im lặng để không ảnh hưởng tới doanh thu của nhà sản xuất. Anh đánh giá thế nào về mùa phim này?
- Báo chí im lặng thì không còn là báo chí nữa. Nhưng khi họ nói thì họ xác định được họ là nhà báo như thế nào? Có một số người không muốn nói vì họ không muốn ảnh hưởng đến người khác, có một số người họ không nói vì họ sợ mình nói sai. Khi tôi làm phim điều tôi mong muốn nhất là phim phải có lời để nhà sản xuất không phá sản, tôi làm được điều mình thích để mình không tự thấy mắc cỡ, khán giả càng ngày có niềm tin với phim Việt Nam để họ còn muốn đến rạp nhiều lần sau. Với năm nay tôi nghĩ mình đã làm tốt những điều đó hơn những gì tôi làm trước đây. Với tôi thì qua mùa phim này tôi tự thấy yêu mình hơn.
- Xin anh chia sẻ những dự định trong năm 2010?
- Năm sau tôi lại làm một “dự án đôi” phim hành động kiểu Dũng “khùng”, mục đích năm sau của tôi là cố gắng kéo khán giả đến rạp vào mùa hè
H.P. (thực hiện)
http://www.cand.com.vn/vi-VN/vanhoa/2010/2/126548.cand