Ðề: Những nụ hôn rực rỡ : phim Tết từ 29/1/2010
Daniel vừa mới đi xem Những nụ hôn rực rỡ của Nguyễn Quang Dũng, đánh giá về phim này, nhất là trong tương quan với Khi yêu đừng quay đầu lại của Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng vừa xem hôm qua, thì phải nói là quá hay!
Lẽ ra, chỉ phán vậy là đủ. Tuy nhiên khi được biết vì một tình tiết trong phim mà cánh báo chí tẩy chay phim, nên Daniel muốn viết thêm để ủng hộ.
Có bạn nào trên này bảo xem phim Việt thì phải trừ ra Vũ Ngọc Đãng và Nguyễn Quang Dũng. Thế thì Daniel chẳng còn biết xem phim của ai nữa. Đành rằng hiện tại vẫn có nhiều đạo diễn giỏi, đem về được nhiều giải thưởng quốc tế. Nhưng ngay cả giải Oscar cũng không đảm bảo tất cả các phim họ trao đều hay, thì những giải thưởng chơi vơi ở những liên hoan đâu đó cũng chỉ có giá trị tham khảo. Quan niệm của Daniel, một bộ phim hay thì điều kiện trước tiên là nó phải thu hút được khán giả đến rạp, ít nhất phải đủ lấy thu bù chi, sau đó hẵng xét đến những tiêu chí khác. Từ quan niệm này, không thể không xét đến hai bạn Đãng và Dũng.
Bạn Đãng thì Daniel đã chấm từ rất lâu, khi xem phim Chuột của Đãng, phát triển lên từ phim tốt nghiệp của anh. Mặc dù không phải phim nào của Đãng thì Daniel cũng thích xem, nhưng rõ ràng phim của Đãng có nhiều chất tươi mới, tìm tòi vận dụng sáng tạo, nhất là trong hoàn cảnh điều kiện làm phim ở VN còn nhiều yếu tố hạn chế.
Bạn Dũng thì thoạt đầu Daniel chỉ biết anh là con của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả của Chiếc lược ngà trong sách văn học ở trung học. Thế nhưng với thể nghiệm mới của anh năm nay cho bộ phim nhạc kịch đầu tiên của VN, có thể nói anh đã xứng danh bước vào câu lạc bộ những đạo diễn tài năng của VN, một danh sách mà, xin lỗi các bạn, do chính Daniel to gan... tự bầu chọn.
Điện ảnh Việt hiện nay, có lẽ nên tự biết mình ở đâu để mà đừng làm phim đi tranh giải nữa. Điều Daniel cần khi xem một phim Việt với tất cả tình cảm của một người Việt, thực sự rất đơn giản. Đó là một bộ phim sạch sẽ, chỉn chu, cho thấy thái độ làm nghề nghiêm túc. Những nụ hôn rực rỡ đáp ứng được điều này, còn Khi yêu đừng quay đầu lại rất tiếc là không.
Nhiều phim, như Khi yêu đừng quay đầu lại chẳng hạn, thậm chí tính cách của nhân vật chính cũng được khắc họa chưa rõ ràng. Thế nhưng với Những nụ hôn rực rỡ thì các tuyến nhân vật đều rất rõ nét, và còn quan hệ giữa họ với nhau nữa. Mỗi nhân vật đều có chi tiết gì đó để nhớ, với một tính cách được khắc họa có chiều sâu, một số phận để khán giả phải quan tâm. Vâng, rất tội nghiệp cho Khi yêu đừng quay đầu lại khi tình cờ Daniel đã xem phim này ngay hôm trước, và thật quá thuận tiện khi mà sự tương phản giữa hai phim quá lớn để đem ra dẫn chứng. Ngay đầu phim, ta đã biết ai là người yêu cô chủ resort, chỉ bằng một phản ứng của nhân vật. Ở giữa phim, ta biết ngay ai vẫn một lòng với cô Chanh, thậm chí khi mà nhân vật chẳng cần bất kỳ cử chỉ nào, mà chỉ nhờ vào một cú trượt của máy quay. Đó mới là điện ảnh.
Công bằng mà nói thì Daniel không thích những bài hát trong phim, nhưng nghe thì cũng ổn. Cách dàn dựng bài hát với những vật dụng thường ngày của nhân viên. có thể không mới, nhưng vẫn rất hay. Chi tiết nấc cục của cô chủ được cài cắm từ đầu phim và đưa lên cao trào ở đoạn cuối, đã được gỡ nút hết sức hợp lý, thần tình, đầy chất âm nhạc tuyệt vời.
Tính trào lộng của phim được đóng góp từ nhiều nhân vật khác nhau, nhẹ nhàng và ý nhị, đem đến sự phong phú và giữ cho bộ phim được cân bằng, không bị thái quá như nhiều phim khác khi gánh nặng mua tiếng cười được dồn lên một hai nhân vật hề.
Phần quay phim của Những nụ hôn rực rỡ thì không thể chê vào đâu được. Những cú máy đẹp long lanh đã không chỉ hoàn tất nhiệm vụ của mình, mà còn tham gia vào mạch truyện của phim, như một dẫn chứng ở trên. Trong đó chi tiết giọt nước mắt của Minh Hằng bị gió cuốn đi, có thể nói là hình ảnh đầy chất thơ, mà cũng mang đầy tính triết lý đóng góp vào giá trị của bộ phim. Đây có thể là một đề cử cho hình ảnh sáng tạo nhà nghề nhất của điện ảnh Việt.
Rất tiếc vì phim đang chiếu nên Daniel không thể dẫn chứng bằng các tình tiết của phim. Tuy nhiên qua những nhận xét trên, hy vọng bạn nào chưa đi xem, có thể hãy tự trải nghiệm. Cá nhân bạn không xem, nhà sản xuất chỉ mất đi vài mươi nghìn đồng, nhưng chính bạn đã mất đi cơ hội lớn được thưởng thức một trong những bộ phim hay nhất của điện ảnh Việt đương đại.