Là một người trẻ tuổi, sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đổi mới của đất nước, tôi hiểu được giá trị của sự hi sinh, của xương máu, và cũng giống như rất nhiều bạn trẻ khác, tôi yêu mến nhạc đỏ. Nhưng có một câu hỏi được đặt ra, liệu những người trẻ tuổi như tôi sẽ nghe nhạc đỏ đến bao giờ? Liệu những đứa con của tôi, chúng có sẽ tiếp tục truyền thống này không? Liệu nhạc đỏ sẽ tắt, hay là nó sẽ cháy mãi? Đó không hẳn là một câu hỏi, mà là sự trăn trở của rất nhiều người yêu nhạc. Bởi trong giai đoạn hiện nay, với sự lên ngôi của văn hóa Phương Tây và văn hóa Trung-Hàn-Nhật, những giá trị truyền thống - mà âm nhạc là một trong số đó - đang dần bị mai một và có thể biến mất trong tương lai không xa. Nhạc đỏ là gì? Nhiều người cho rằng nhạc đỏ là thể loại nhạc được sáng tác và phổ biến trong thời kỳ đất nước đang ở trong giai đoạn chiến tranh. Đây là một câu trả lời đúng, nhưng chưa đủ. Một số bài hát, ví dụ như “Vết chân tròn trên cát” của Trần Tiến được sáng tác năm 1981, khi mà chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng giai điệu và âm hưởng của nó vẫn là nhạc đỏ đích thực. Thật khó để trả lời. Nhạc đỏ là gì? Có lẽ âm nhạc là một thế giới đầy màu sắc, do đó người ta phân ra nhạc vàng và nhạc đỏ. Nếu như nhạc vàng là mang một màu sắc dịu dàng, tha thiết và khiến cho không ít người phải yếu lòng thì ngược lại, nhạc đỏ lại là màu sắc tượng trưng cho sự can đảm, cái đẹp (mà âm nhạc nào chả đẹp chứ!), nó có thể dịu dàng, tha thiết nhưng không khiến cho người nghe cảm thấy chùn bước. Không thể phủ nhận rằng bất cứ bài hát nào của nhạc đỏ lại không có hơi hướm của chiến tranh, của tinh thần người chiến sĩ, đặc biệt là lòng yêu nước, yêu chính nghĩa (và cả chủ nghĩa) một cách vô điều kiện. Vâng, có một thứ nhạc đỏ sẽ tắt và đã tắt Không biết nên buồn hay nên vui, bởi có rất nhiều tác phẩm của dòng nhạc đỏ gần như đã biến mất. Lý do ư? Tinh thần của bài hát đã không còn phù hợp với xu thế chung của đất nước. Xét cho cùng, giá trị của một tác phẩm âm nhạc chính là hàm lượng nghệ thuật chứa đựng ở trong đó. Một số bài hát của nhạc đỏ chỉ là thứ vũ khí trong chiến tranh, hàm lượng nghệ thuật rất ít và vị trí xứng đáng của chúng hiện nay, có lẽ chỉ là bảo tàng và các tài liệu lịch sử. Ví dụ như “Diệt Phát Xít” của Nguyễn Đình Thi, những ca từ quá mạnh mẽ và đầy căm phẫn như “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than. Dưới ách quân tham tan đé quốc sài lang... Đã đến ngày trả mối thù chung. Diệt phát xít giết bầy chó đê hèn của chúng...” đã không còn giá trị trong hiện tại. Âm nhạc và người nghe nhạc luôn nằm trong quy luật chọn lọc và đào thải, do đó, có lẽ chúng ta cũng không nên buồn hay vui, mà hãy xem sự ra đi của những tác phẩm đó là tất yếu (theo kiểu tất yếu của triết học). Có rất nhiều bài hát trong chiến tranh gần như không phải là âm nhạc, chúng là vũ khí thì đúng hơn. Mà đã là vũ khí thì người ta chỉ dùng trong chiến tranh, còn hòa bình thì sẽ được lau chùi bóng loáng hoặc sẽ bị rỉ sét ở trong một kho đạn nào đó. Vâng, có một thứ nhạc đỏ sẽ cháy mãi Như đã nói, giá trị trường tồn của âm nhạc chính là hàm lượng nghệ thuật và tinh thần của bài hát. Xét về điểm này, rất nhiều tác phẩm thuộc dòng nhạc đỏ vẫn sẽ trường tồn mãi mãi. Hầu hết các “bài hát đỏ” vẫn tồn tại đến giai đoạn hiện nay đều là những tác phẩm âm nhạc đích thực (mặc dù chúng cũng là một thứ vũ khí sinh ra bởi chiến tranh trong giai đoạn trước). Rất nhiều bài hát - đối với tôi - là một tác phẩm giao hưởng thực sự. Mỗi khi giai điệu của “Cô gái vót chông”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”... cất lên là tôi có thể mường tượng được ra cảnh tượng hào hùng của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Hay như giai điệu “Tình ca”, “Lá đỏ”, “Vàm cỏ đông”... lại vẽ nên một tình yêu da diết trong cuộc chiến đầy bi tráng. Có lẽ chỉ những tác phẩm giao hưởng mới có thể làm được điều đó! Có một thứ nhạc đỏ gần như hoàn hảo, nó thường được đưa ra như là thước đo tài năng của các ca sĩ trong nhiều cuộc thi âm nhạc chính thống của quốc gia. Có lẽ lý do ở chỗ nhạc đỏ là thứ nhạc hàn lâm gần gũi nhất với người dân Việt Nam, được nhiều người biết đến nhất, và đặc biệt là không phân biệt trình độ thưởng thức của người nghe. Có rất nhiều lý do mà chúng ta yêu mến nhạc đỏ, nhưng - ít nhất là đối với tôi - lý do chính đó là tinh thần của người sáng tác, không nhuốm một chút yếu tố vật chất nào trong đó, các tác phẩm của họ quá thanh khiết - từ giai điệu cho đến ca từ. [video=youtube;IpZiAYHnOtI]http://www.youtube.com/watch?v=IpZiAYHnOtI[/video] |