Ðề: Nghệ sĩ Đức Trung phản đối K+, một đài TH địa phương chuẩn bị kiện K+
Nguyên văn thư phản đối của Nghệ sĩ Đức Trung
“Tôi là Đức Trung, nghệ sĩ đã nghỉ hưu, Chủ nhiệm lâm thời Hội CĐV Việt Nam. Sau khi tham khảo ý kiến của đồng nghiệp và người hâm mộ, tôi viết kiến nghị này gửi đến quý vị bày tỏ sự bức xúc, trăn trở của cá nhân tôi, cũng như của hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam trước việc phát sóng độc quyền của kênh truyền hình K+.
Kính thưa quý vị!
Là một CĐV nhiệt thành của bóng đá Việt Nam và thế giới, từ nhiều năm nay, chúng tôi coi các giải bóng đá Châu Âu phát trên truyền hình là một món ăn tinh thần không thể thiếu. Cách đây ít năm, khi truyền hình Việt Nam tách riêng các giải bóng đá hàng đầu Châu Âu để bán trong các kênh truyền hình cáp, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã phải chịu thiệt thòi. Rất nhiều khán giả ở các tỉnh xa, những khán giả nghèo đã không còn được xem các trận đấu đỉnh cao trên Đài truyền hình quốc gia nữa.
Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, khi TH cáp Việt Nam tham gia liên doanh với các đối tác nước ngoài, tiếp tục tách các trận đấu của các giải Ngoại hạng Anh (Premie League), giải Tây Ban Nha (La Liga)... để bán trong một kênh truyền hình riêng thì có lẽ sự việc đã quá sức chịu đựng, cả về khả năng tài chính cũng như sự kiên nhẫn của khán giả, người hâm mộ cả nước.
Thưa quý vị, những CĐV bóng đá như chúng tôi không thể hiểu được tại sao giá thuê bao cho tất cả các kênh Thể thao trước sự xuất hiện của K+ chỉ là 45 ngàn đồng mỗi tháng mà nay đã tăng lên tới 250 ngàn đồng, tức là gấp gần 6 lần so với mức cũ. Phải chăng là vì nắm trong tay bản quyền giải Ngoại hạng Anh nên liên doanh này đã lợi dụng việc độc quyền của mình cố tình áp đặt khách hàng của họ đứng trước sự lựa chọn hoặc phải trả rất nhiều tiền hoặc sẽ không được xem các trận ngày Chủ Nhật.
Từ mấy tháng nay, chúng tôi vẫn tự hỏi liệu 250 ngàn đồng mỗi tháng có phải là quá đắt cho các món hàng chưa rõ chất lượng? Đành rằng các trận ngày Chủ Nhật thường là những trận đỉnh cao, nhưng liệu có nên bắt khán giả phải bỏ 250 ngàn đồng mỗi tháng chỉ vì vài trận đấu mà chưa chắc đã là những trận đấu mà mọi người đều muốn xem.
Với một nghệ sĩ, một người dân sống ở Thủ đô có mức thu nhập ngót 4 triệu như cá nhân tôi, khoản tiền thuê bao 250 ngàn đồng mỗi tháng là một khoản phí quá cao (bên cạnh những chi phí dịch vụ khác của gia đình), vượt quá khả năng chi trả, chưa kể đến việc muốn bắt sóng kênh truyền hình này chúng tôi phải bỏ hết các thiết bị đã mua sắm để mua mới các thiết bị với số tiền lên đến hàng triệu đồng. Nếu như một người có mức thu nhập tương đối ổn định mà còn không chịu nổi mức thuê bao trên thì kênh truyền hình này sẽ dành cho ai? Liệu bao nhiêu trong số 70-80% dân số là những người có thu nhập trung bình, thậm chí nghèo, liệu có được xem bóng đá quốc tế nữa không?
Trên báo Thanh Niên cách đây ít lâu, đã có một bài báo với tựa đề “Bóng đá chỉ dành cho người giàu”, dường như điều đó đang đúng một cách chua chát trong trường hợp này.
Thưa quý vị, ở ngoài sân cỏ, những trận thi đấu giao hữu quốc tế trên khán đài B, C, D, dành cho dân chúng luôn đầy ắp không khí của các CĐV, đa số là những người lao động có mức thu nhập thấp. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ chính là những người yêu bóng đá nhất. Thậm chí các cháu học sinh, sinh viên không hề có thu nhập mới là những người cổ súy cho bóng đá nước nhà đi lên, là tương lai của nền Thể thao Việt Nam. Việc tách riêng các trận đấu ngày Chủ Nhật để bán trên kênh K+ của Truyền hình cáp Việt Nam phải chăng đang bớt xén món ăn tinh thần dù rất đỗi giản dị của các CĐV, của dân chúng? Và khi nhu cầu và tình yêu bóng đá của họ bị bớt xén thì liệu họ còn sự nhiệt thành và tình yêu với bóng đá Việt Nam? Với Thể thao Việt Nam?
Kính thưa quý vị!
Là một người hoạt động trong ngành nghệ thuật, tôi biết rằng từ khi được thành lập hơn 40 năm trước, Truyền hình Việt Nam đến nay vẫn luôn là một đài Truyền hình quốc gia được Đảng, Nhà nước và Chính phủ chăm sóc nhưng hoạt động bằng tiền đóng thuế của nhân dân. Thậm chí, đó là thành quả, mồ hôi, xương máu của nhiều lớp thế hệ đã ngã xuống. Vậy thì ưu tiên của một Đài quốc gia phải là quyền lợi vì nhân dân trước tiên, vì những người lính đã và đang chiến đấu, phụng sự Tổ quốc, những người dân lao động chân chính dù thu nhập thấp…
Nếu như hôm nay, Đài truyền hình quốc gia đó kinh doanh bóng đá bằng một kênh K+ thì liệu nay mai, họ sẽ kinh doanh tiếp các chương trình khác là nhu cầu thiết yếu của nhân dân như sân khấu, phim truyện, ca nhạc... bằng một kênh Z+ nào đó thì dân chúng một lần nữa lại phải trả tiền? Vậy còn gì là tiêu chí phục vụ nhân dân làm đầu?
Tất nhiên, kinh tế thị trường phải có kinh doanh, lấy thu bù chi nhưng phải có lộ trình từng bước, không nên áp đặt với cái giá đột ngột trong khi người dân còn nhiều dịch vụ phải chi tiêu hàng tháng. Trong khi đó, một số cơ quan truyền thông Nhà nước khác đang có những động thái hỗ trợ vì lợi ích của nhân dân. Miễn phí hoặc khuyến mại nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, sự kiện lớn của Thiên niên kỉ. Thiết nghĩ, K+ nên cân nhắc trước khi đưa ra phương án kinh doanh mang tính chất áp đặt như thế này.
Chưa kể rằng, với khách hàng Truyền hình cáp trước đây đã ký hợp đồng với nhà đài đã có những điều cam kết. Nay trước khi thay đổi nội dung trong bản hợp đồng, Truyền hình cáp không hề hỏi ý kiến đông đảo của khách hàng.
Là khán giả, không thể không so sánh khi K+ bán với giá quá đắt thì Đài Truyền hình Hà Nội, một cơ quan truyền thông có tính chất tương tự, dù chỉ là một đơn vị ở địa phương với ngân sách eo hẹp hơn rất nhiều vẫn bỏ tiền mua bản quyền để phát miễn phí phục vụ người dân Thủ đô. Vì sao cũng là những cơ quan hoạt động bằng tiền thuế của người dân, một đài thì đề cao chuyện kinh doanh, áp đặt những mức thuê bao cao đến vô lý, một đài thì lại vẫn có thể phục vụ dân chúng?
Chúng tôi cùng nhau gửi bản kiến nghị này với lời tha thiết gửi đến cơ quan chức năng xin hãy kiểm tra xem xét lại sự việc để có phương án hợp lý hơn, không phụ tấm lòng của người hâm mộ Thể thao cả nước, coi bóng đá là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Đừng để quyền lợi của những người dân đóng thuế phải gánh nặng trên vai quá nhiều dịch vụ văn hóa, xã hội cũng như giải trí mà họ có quyền được hưởng.
Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã dành thời gian đọc bản kiến nghị!”