Ðề: Kiến thức căn bản về nhiếp ảnh
Lên Kế Hoạch Mua Ống Kính Mới
Theo Eric Reichbaum
Không quan trọng bạn có bao nhiêu ống kính trong tay, bạn sẽ luôn luôn khao khát một chiếc ống kính mới. Có rất nhiều lựa chọn khác nhau khiến bạn rất khó đưa ra quyết định. Chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn ống kính tốt nhất, phù hợp nhất đối với nhu cầu của bạn.
Câu hỏi đầu tiên bạn cần phải tự hỏi là, “Tôi đang cần điều gì mà những ống kính hiện tại của tôi không thể mang lại được?”. Câu trả lời của bạn gần như sẽ rơi vào một trong hai trường hợp, đó là: ánh sáng và tiêu cự zoom. Hãy điểm qua vấn đề về tốc độ đầu tiên và tìm hiểu xem loại ống kính nào sẽ giúp bạn giải quyết được vấn đề của mình.
Ống kính tiêu cự cố định có khẩu độ lớn (fast prime lens)
Phần lớn ống kính theo máy có khẩu độ đa dạng từ khoảng f/3.5 đến f/5.6 tùy theo dải tiêu cự zoom của ống kính. Nếu như bạn chụp ảnh ngoài trời vào ngày trời nắng, hoặc trong nhà với đèn flash hoặc ánh sáng mạnh thì dải khẩu độ này có thể chấp nhận được, nhưng nó lại không phù hợp với điều kiện ánh sáng yếu. Để sử dụng trong điều kiện ánh sáng yếu bạn cần những ống kính cho ánh sáng đi qua nhiều hơn.
Vậy ống kính có độ mở lớn (fast) là gì? Ống kính Fast thường có khẩu độ ở mức f/2.8 hoặc độ mở lớn hơn. Khẩu độ mở càng lớn, ánh sáng đi vào ống kính nhiều, chính vì vậy ống kính “fast” rất phù hợp cho điều kiện ánh sáng yếu. Ống kính tiêu cự cố định (prime) là ống kính có tiêu cự không đổi, không thể phóng to bằng cách zoom được mà phải tiến hoặc lùi. Ống kính tiêu cự cố định thường có khẩu độ lớn hơn ống kính zoom, và rất phù hợp sử dụng cho quay phim trên DSLR.
Một trong những ống kính phụ thông dụng nhất là 50mm f/1.8. Ống kính này không đắt tiền và đủ rộng để chụp một nhóm người trong một phòng, và tiêu cự cũng đủ dài để chụp chân dung. Khẩu độ mở lớn đồng nghĩa với trường nét nông hơn, khiến cho các bức ảnh xóa phông (bokeh) đẹp hơn.
Ống kính 50mm sử dụng trên cảm biếp crop (1.5x, ví dụ như cảm biến APS-C) tương đương với tiêu cự 75mm trên máy có cảm biến full-frame, vì vậy nếu bạn nghĩ rằng ống kính 50mm chưa đủ rộng thì bạn có thể thử ống kính tiêu cự 35mm. Ống kính này rộng hơn một chút, tốt hơn khi sử dụng chụp chân dung một nhóm người trong khoảng không gian hẹp mà không bị biến dạng hình ảnh, méo hình. Ngoài ra còn có các ống kính có khẩu độ lớn có khoảng tiêu cự rộng hơn như 28mm và 24mm f/1.8.
Mặt khác, nếu bạn muốn có một ống kính có khẩu độ lớn với tiêu cự dài hơn, sử dụng cho chụp chân dung và các vật thể ở xa hơn, ống kính 85mm f/1.8 sẽ phù hợn với bạn. Ống kính có tiêu cự lớn hơn sẽ phù hợp hơn cho chụp chân dung vì hình ảnh ít bị biến dạng hơn và ống kính ở xa chủ thể hơn.
Ống kính Zoom tiêu cự dài (Tele)
Ống kính Tiêu cự dài rất phù hợp để chụp chim, thể thao, hòa nhạc hoặc các chủ thể ở xa. Nếu như bạn cảm thấy mình đang bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp chỉ vì bạn không thể zoom lại đủ gần so với chủ thể, bạn sẽ cần một ống kính te-le tiêu cự dài. Có thể bạn đã có sẵn một ống kit kèm theo máy có thể đạt tiêu cự 200mm nhưng khẩu độ f/5.6 lại quá chậm, rất khó để đóng băng chuyển động của chủ thể. Trong trường hợp này, bạn cần một ống kính tiêu cự dài nhanh hơn. Ống kính phổ biến nhất trong phân khúc này là 70-200mm f/2.8. Ống kính loại này đủ nhanh để đóng băng chuyển động và tạo độ xóa phông (bokeh) đẹp, mà vẫn giữ chủ thể sắc nét. Nếu bạn đang sử dụng máy ảnh có cảm biến crop, ống kính này tương đương khoảng tiêu cự 105–300mm trên máy full-frame.
Nếu bạn không cần tốc độ khẩu f/2.8 mang lại, một số lựa chọn khác cũng khá phù hợp như 70-200mm f/4, hoặc nếu bạn cần tiêu cự dài hơn nữa thì ống kính 18-300mm và 70-300 với khẩu độ thay đổi sẽ là câu trả lời phù hợp với bạn.
Một thành phần khác cần phải cân nhắc, đặc biệt là với các ống kính te-le tiêu cự dài, đó là hệ thống chống rung tích hợp. Nikon gọi tính năng này là VR (giảm thiểu rung động – vibration reduction), Canon gọi là IS (ổn định hình ảnh), Tamron gọi là VC (chống rung) và Sigma gọi là OS (ổn định quang học). Bất kể với tên gọi gì, ưu điểm khi sở hữu một ống kính với hệ thống ổn định hình ảnh là bạn có thể chụp với tốc độ màn trập chậm hơn mà không cần chân máy, mang lại hình ảnh sắc nét hơn mà giúp ống kính hoạt động hiệu quả hơn trong điều kiện ánh sáng yếu.
(Còn tiếp)
Theo Bhphotovideo
Dịch All Image