Ðề: Hot boy nổi loạn(2011)-Lost In Paradise (2011): khởi chiếu 14/10
Hôm đi xem cũng thấy bức xúc vụ này, cứ mỗi lần đến cảnh "tình cảm" của 2 nhân vật nam là mấy em teen girl lại rú lên, rồi thì "tởm quá", "muốn ói"....
Link
Hot Boy Nổi Loạn và những thất bại không thuộc về nhà sản xuất — Góc Suy Ngẫm
Hot Boy Nổi Loạn và những thất bại không thuộc về nhà sản xuất
Hot boy nổi loạn, bộ mặt đích thực của tình yêu và định kiến tàn nhẫn của xã hội
Nếu hỏi, tôi sẽ chấm bao nhiêu điểm cho Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt, tôi sẽ rất đắn đo! Đắn đo không phải vì cân nhắc giữa ưu và khuyết của bộ phim, mà chỉ bởi đơn giản đây không phải là một bộ phim có thể đem ra đánh giá bằng những con số vô hồn từ 1 đến 10.
Bạn tìm kiếm điều gì khi đến rạp mua vé xem bộ phim này? Những trận cười, những giọt nước mắt, sự cảm thông, cái nhìn giễu cợt, cảnh nóng hay chỉ vì tò mò? Dù bạn đến rạp vì bất cứ lý do gì đi nữa, thì bạn cũng đã vô tình đóng trọn một vai trong rạp chiếu phim rồi, vai của bạn chính là “Xã Hội”.
Chưa có bộ phim Việt nào khiến tôi phải ngổn ngang trăm mối như bộ phim này. Ở những bộ phim khác, dù thành công hay thất bại, dù hay hay dở, thương mại hay không thương mại, bạn vẫn có thể xác định rõ ràng ranh giới giữa màn ảnh và đời thực! Còn khi đến với “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt”, nếu bạn đủ tinh ý để cảm nhận không khí xung quanh, bạn sẽ thấy phim không còn là phim, mà đích xác là đang diễn ra ngay trước mắt bạn, với những con người bằng xương bằng thịt. Đừng quên vai trò của những người ngồi xem phim cùng bạn trong rạp, tôi đã bảo là họ đang đóng trọn vai diễn của mình đấy thôi!
Một nhóm bạn gái trẻ tuổi, ăn mặc thanh lịch, ngoại hình sáng sủa, ngồi cười hô hố khi hai nhân vật nam chính khóc lóc thổ lộ tình cảm với nhau.
Trong khi đó, một chàng trai lặng lẽ trước màn hình, không bạn bè, không người thân, đơn độc trong rạp chiếu phim tấp nập người với người.
Một đôi tình nhân thích thú chỉ trỏ lên màn ảnh mỗi khi phim xoay đến những cảnh khoe da thịt nóng bỏng mắt.
Vài tiếng cười lại rộ lên khi đến cảnh ngã giá của những người hành nghề mại dâm đồng tính…
Và đâu đó, tôi có thể nghe thấy tiếng thút thít rất nhỏ của một vài bạn ngồi rải rác trong rạp! Là tiếng khóc vô hình, âm thanh mà bạn chỉ có thể nghe thấy bằng thị giác khi ánh đèn từ màn hình vô tình làm long lanh những giọt nước chảy dài trên gương mặt đầy góc cạnh của họ.
Phải nói rằng, một trong những thành công tuyệt vời nhất của bộ phim, là đã không có bất kì một phân cảnh nào diễn tả cái nhìn của những con người bình thường trước các nhân vật được xem là dị biệt. Bởi lẽ, hàng trăm khán giả trong phòng chiếu đã hoàn thành quá xuất sắc vai diễn này rồi!
Bộ phim, vô tình hay hữu ý, đã trở nên cực kì sống động, ngay trong phòng chiếu đông đúc những bạn trẻ thậm chí còn không biết rằng mình đang hóa thân vào một vai diễn rất quan trọng trong phim!
Và vai diễn mang tên “Xã Hội” của chính những người đi xem phim đã khiến cho tôi phải khóc nhiều hơn, đau nhiều hơn!
Khi mà xã hội vẫn còn đó quá nhiều con người dám cười thẳng vào tình yêu chân chính chỉ vì hai người yêu nhau là đồng tính, cười trên màn ngã giá, đốt phông lông của một cô gái đứng đường, thì thành công của bộ phim, doanh thu của bộ phim, rốt cuộc sẽ là đáng mừng hay đáng lo?
Tôi sẽ không bàn đến nội dung phim ở đây, vì có lẽ chỉ chính bạn mới biết mình sẽ tìm được gì từ bộ phim. Một cái kết dang dở, khán giả thì kẻ cười, người khóc, phần đông xem xong lại đứng bật dậy than vãn: “Kết thúc vô duyên quá vậy!”, khiến tôi vừa mừng mà cũng vừa buồn thay cho đạo diễn Vũ Ngọc Đãng!
Mừng vì, anh đã thực sự bỏ rất nhiều tâm huyết để làm phim, thực sự có một cái nhìn vừa chân thực, vừa cảm thông, vừa tiến bộ và mang tính thời đại với những con người vốn được xem là dị biệt, là lệch lạc. Ở một chừng mực nào đó, anh đã xóa đi định kiến trong tâm khảm của một số người trước những vấn đề xã hội nhức nhối, tạo niềm tin và hi vọng cho chính những người thuộc thế giới thứ ba, và quan trọng nhất, đã thành công trong việc làm ấm lòng những trái tim bị xã hội tổn thương của những con người bị gán hai chữ “dị biệt” vào số phận.
Nhưng, mặt khác, khi mà tiếng cười trong rạp lấn át hẳn tiếng khóc, thì xem ra, đó đã là một thất bại. Thất bại hiển nhiên không thuộc về nhà sản xuất phim, mà thuộc về nhận thức của giới trẻ hiện nay, vô hình trung khiến cho không khí rạp phim trở nên kệch cỡm, ảnh hưởng không ít đến thông điệp nhân văn của bộ phim.
Câu chuyện về văn hóa ứng xử
Những bạn trẻ đã vô tư cười đùa khi xem phim, vô tư giễu cợt trước tình cảm chân thành của hai nhân vật nam chính trong phim, có lẽ đã quá ngây thơ, hoặc vô tâm, khi không nhận ra rằng, những người khát khao yêu thương như trên màn ảnh kia lại đang hiện diện xung quanh các bạn. Một nụ cười của các bạn, chứng tỏ các bạn đã không tiếc tiền khi mua vé xem phim, một nụ cười của các bạn, chứng tỏ các bạn vẫn còn cảm xúc, nhưng cũng chính nụ cười của các bạn, đã dập tắt hi vọng của những người đồng tính đang lặng lẽ ngồi trong rạp (niềm hi vọng mà Vũ Ngọc Đãng và dàn diễn viên đã cố gắng lắm mới có thể truyền tải thông qua bộ phim của họ). Các bạn cười và cảm thấy sảng khoái, nhưng người tìm thấy tiếng nói chung với thông điệp của bộ phim lại cảm thấy như bị các bạn tát vào mặt vậy.
Thế nên, tôi thành thật khuyên những ai đến rạp chỉ vì tò mò, chỉ vì cảnh nóng, chỉ vì cái mác “cấm trẻ em dưới 16”, các bạn xin đừng vào rạp làm gì, kẻo lại tổn thương đến những khán giả chân chính khác, phá hỏng mục đích cao đẹp của bộ phim. Nếu các bạn không đến để tìm sự cảm thông, không đến vì muốn nhìn nhận nghiêm túc về nạn mại dâm nam và nữ đang diễn ra trong lòng Sài Gòn nhộn nhịp, thì có lẽ bạn sẽ chẳng nhận được bất cứ điều gì khác bạn mong đợi từ bộ phim đâu! Hãy cứ ở nhà, search cảnh nóng mà xem một mình đi, đừng làm tổn thương đến người khác nữa, đừng làm mất giá trị văn hóa của rạp chiếu phim nữa, các bạn nhé!
Mộc Hân