Công nghệ "Giác quan thứ 6" - biến thế giới xung quanh thành PC!
Nghe như chỉ có trên phim viễn tưởng vậy! Mà đó là phim gì ấy nhỉ? À, phải rồi,
Minority Report có Tom Cruise thủ vai chính. Trong phim, Tom Cruise có đeo một thiết bị trên tay và dùng nó để tương tác, xử lý các hình ảnh với màn hình gương trước mặt thông qua các động tác tay của anh. Bộ phim ra mắt năm 2002 và vào thời điểm đó được xem thứ công nghệ như thế trên phim thì đúng là hoành tráng thật.
Ấy thế mà chuyện này có lẽ sẽ không còn là điều huyễn hoặc nữa nhờ có SixthSense - công nghệ "Giác quan thứ 6".
Thực ra, thông tin về SixthSense đã được đề cập khá nhiều từ 2 năm trước. Nếu bạn đã từng đọc qua rồi thì một lần nữa, bài này với những thông tin được trình bày một cách có hệ thống cùng các hình ảnh minh họa sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về công nghệ có hơi hướm màu sắc viễn tưởng nhưng đầy tính nhân bản này.
Mở đề
Loài người chúng ta khi muốn nắm bắt thông tin về những gì hiện hữu xung quanh thì theo lẽ tự nhiên, chúng ta đều phải nhờ vào 5 giác quan chính mà tạo hóa ban cho: thị giác, thính giác, khướu giác, vị giác và xúc giác. Trong cuộc sống, những thông tin đó giúp mỗi người chúng ta lĩnh hội, nhận thức về đối tượng mà tự có phương cách hành xử thích hợp.
Nhưng trong thời đại công nghệ thông tin, "lẽ tự nhiên" đó gần như không còn là tự nhiên nữa bởi các phương tiện đa truyền thông nay đã chi phối cuộc sống chúng ta. Đặc biệt với sự bùng nổ mãnh liệt của mạng Internet, mọi thông tin, kiến thức hữu ích mà loài người tích lũy sau hàng triệu năm tiến hóa nay đều được thể hiện dưới dạng kỹ thuật số - chỉ cần vào mạng và vài cú click là nắm bắt được ngay.
Vấn đề là, mặc dù các thiết bị điện toán đang ngày càng được gia giảm về kích thước, nhỏ đến mức có thể bỏ vào trong túi áo quần, giúp chúng ta dù ở đâu vẫn có thể kết nối được với thế giới kỹ thuật số, thế nhưng mối liên hệ giữa các thiết bị số đó cũng như sự tương tác của chúng ta với thế giới thực vẫn còn là điều không thể. Thông tin mà chúng ta nắm bắt vẫn đang còn hiện diện dưới 2 dạng: chữ trên giấy (báo) hoặc dạng số trên màn hình.
Đó là lý do để SixthSense ra đời. Công nghệ "Giác quan thứ 6" sẽ là chiếc cầu nối cho sự cách biệt này, giúp đưa dữ liệu số không-thể-sờ-mó-được đi vào thế giới hữu hình và cho phép chúng ta tương tác với nó thông qua các cử động tự nhiên của tay người. SixthSense giải phóng thông tin số một cách không ngừng và tích hợp nó vào cuộc sống thực tại, khiến cho môi trường xung quanh như thể là chiếc máy tính cá nhân của chúng ta vậy.
Xuất xứ của SixthSense
Trước khi tìm hiểu sâu hơn về SixthSense, tôi xin được nói sơ qua về lai lịch xuất xứ của nó một chút để bạn khỏi… bỡ ngỡ!
Đây là phát minh của Pranav Mistry, một nhà thiết kế dự án kiêm kỹ sư người Ấn Độ đến từ Phòng thí nghiệm
MIT Media Lab - nổi tiếng là nơi bắt nguồn các dự án công nghệ độc đáo và không tưởng phục vụ cho con người. Pranav Mistry là người hoạt động trong các lĩnh vực thiết kế vì công nghệ kết hợp nghệ thuật lẫn tâm lý, thế nên hầu như mọi dự án và công trình nghiên cứu của anh đều phản ảnh rõ một tầm nhìn: "Công nghệ phải được nhìn dưới góc độ thiết kế, và ngược lại". SixthSense là một trong những dự án như thế. Thông qua SixthSense, anh muốn hiện thực hóa ý tưởng về một công cụ liên kết ba nhân tố: Con người, Thế giới ảo và Cuộc sống hiện thực.
Thông tin chi tiết về "cha đẻ" của công nghệ này (lý lịch, các ấn phẩm xuất bản, các giải thưởng, thông cáo báo chí) sẽ được đề cập ở phần cuối bài, trường hợp bạn quan tâm muốn biết thêm về anh.
Vậy "Giác quan thứ 6" nhân tạo này cụ thể như thế nào, ứng dụng vào những việc gì cho cuộc sống chúng ta, xin mời bạn tiếp tục theo dõi.
SixthSense chính xác là gì?
Đó là một thiết bị đeo trên người cho phép chúng ta thiết lập các tương tác kiểu mới giữa thế giới thực với thế giới dữ liệu thông tin, thông qua một giao diện lấy từ bất kỳ bề mặt nào trong môi trường xung quanh. Bạn có thể làm công việc máy tính thường nhật của mình ở bất kỳ nơi nào trên thế giới mà không cần đụng đến máy tính hay bất kỳ thiết bị quen thuộc nào, như thể có giác quan thứ 6 vậy.
Sixthsense sử dụng phần cứng và phần mềm gì?
Chỉ mới ở dạng nguyên mẫu thử nghiệm, phần cứng mà SixthSense sử dụng bao gồm một máy chiếu nhỏ dạng bỏ túi, một cái gương và một camera. Các thành phần phần cứng này được liên kết với nhau trong một thiết kế sao cho để có thể treo trên người. Trong đó, máy chiếu và camera dùng để kết nối với thiết bị điện toán di động ở trong túi người dùng (như iPhone hay smartphone).
Máy chiếu sẽ phát ra thông tin thị giác (dạng hình ảnh) với chức năng cho phép chúng ta dùng các bề mặt, bức tường và các vật thể hữu hình xung quanh làm giao diện giao tiếp, còn camera sẽ nhận diện và dõi theo các cử động tay của người dùng cùng các vật thể hữu hình thông qua kỹ thuật thị giác máy tính (computer vision).
Một phần mềm chuyên dụng sẽ xử lý luồng dữ liệu hình ảnh (video stream) truyền từ camera và dõi theo các vị trí điểm đánh dấu màu (fiducial) từ các đầu ngón tay người dùng (cũng dựa vào kỹ thuật thị giác máy tính). Mọi chuyển động và sắp xếp của các fiducial này sẽ được phần mềm hiểu như là các cử chỉ đóng vai trò chỉ thị hướng dẫn tương tác cho bề mặt ứng dụng được chiếu lên. SixthSense còn hỗ trợ cả cảm ứng đa chạm và tương tác nhiều người dùng nhờ vào số lượng điểm dõi theo từ ngón tay vô cùng lớn.
Đó là thiết kế (nguyên mẫu) và cách thức hoạt động của SixthSense. Để dễ hình dung về nó hơn nữa, hãy cùng "chiêm nghiệm" các ứng dụng của nó cho cuộc sống… tất nhiên là qua các dòng chữ và hình ảnh trong phần tiếp theo dưới đây.