Bài viết này không phải của mình nhé. Bài viết gốc ở đây, mình chỉ trích về thôi:
https://spiderum.com/bai-dang/Helms-Deep-vs-Battle-Of-Winterfell-fwu
Helm's Deep vs Battle Of Winterfell
Trận Helm's Deep ở phần hai Chúa tể những chiếc Nhẫn là trận công thành kinh điển bậc nhất lịch sử điện ảnh. Bản thân đạo diễn tập 3 vừa rồi - Miguel Sapochnik, cũng cho biết đây là nguồn cảm hứng cho ông tạo nên trận đánh thành Winterfell. Bài viết dưới đây sẽ so sánh hai trận đại chiến này dựa trên sự tương đồng ở nhiều phương diện như lực lượng hai bên, kiểu đánh.
Cả hai trận Helm’s Deep và Winterfell đều là những cuộc tấn công vây thành, điều này khiến chúng có cách dàn dựng tương đối giống nhau khi lấy điểm nhìn từ trên cao. Uruk-hai và White Walkers, mỗi binh đoàn ác quỷ tấn công một thành trì được trấn giữ bởi đội quân chính nghĩa từ một hướng duy nhất. Khi quỷ dữ tấn công, quân đội triển khai một loạt các tuyến phòng thủ nhằm chặn chúng khỏi thành trì và những người không có sức chiến đấu bên trong.
Trong mỗi trận đánh, phía quân đội đều giấu những người không có sức chiến đấu trong hầm dưới lòng đất và quỷ dữ sẽ phải vượt qua tường thành nếu muốn giành chiến thắng. Ý tưởng vây thành tương đối đơn giản, tạo ra nền tảng vững chắc để có thể kể câu chuyện bằng hình ảnh một cách rõ ràng.
Nhưng khi bàn cờ giống nhau, GoT lại triển khai nhiều quân cờ hơn. Trong LotR, khi mà toàn bộ quân lực đều tập trung trên tường thành Hornbug, quân đội của Winterfell lại dàn thành rất nhiều lớp trong và ngoài thành. Đội kỵ binh Dothraki là đội quân tiên phong. Đằng sau họ là một dàn máy bắn đá, tiếp đến là bộ binh Unsullied, chiến hào và tường thành được lấp đầy bởi cung thủ. Các chiến lược gia có thể nhìn thấy một vài vấn đề ở đây, nhưng cái ta cần quan tâm là việc dàn dựng phức tạp của GoT ảnh hưởng tới câu chuyện theo chiều hướng trái ngược với trận Helm’s Deep.
Trong LotR, thung lũng Helm’s Deep tạo ra một chốt chặn tự nhiên mà quân Uruk-hai buộc phải vượt qua nếu muốn tiếp cận pháo đài Hornbug, nơi đặt toàn bộ quân đội chủ lực. Điều này giúp các cung thủ trong thành bắn tên tiêu diệt quân địch hung hãn một cách hiệu quả. Màn đầu tiên của Helm’s Deep diễn ra rất đơn giản – một trận mưa tên của các cung thủ trong thành – đây không chỉ là chiến thuật chuẩn xác, nó còn tạo cho các nhân vật một khoảng không gian để cảm nhận sự chết chóc của binh đoàn Uruk đang dần tiến tới. Đây chính là thời điểm mà vua Theoden sợ hãi thu mình trong nội điện Hornbug. Leoglas và Gimli tự mình tham gia trận chiến và Aragorn dần cảm nhận được trọng trách lãnh đạo của mình trên bức tường thành.
Sự đơn giản ở đây đã tạo điều kiện cho việc phát triển nhân vật. Các biên kịch vừa tạo không khí căng thẳng khủng bố của binh đoàn quỷ vừa xây dựng tâm lý của các chiến binh một cách hết sức tự nhiên.
Sự phức tạp của trận Winterfell được dùng để tạo nên khung cảnh ấn tượng nhiều hơn là phát triển nhân vật. Đội kỵ binh Dothraki cưỡi ngựa lao vào bóng đêm để chạm chán đội White Walkers còn chưa thấy bóng dáng đâu, họ bị đánh gục trong chớp mắt. Cảnh phim này hết sức tinh tế về mặt thị giác. Từ góc nhìn của quân bộ binh, người xem sẽ chứng kiến cảnh tượng dàn kiếm lửa dần tắt ngúm từng chiếc một, nhưng nó không có bất cứ tác dụng nào ngoài việc chứng tỏ White Walkers là một đối thủ ghê gớm, điều mà GoT đã dành nhiều season trước đó để khắc họa.
Có vẻ như các biên kịch đang nắm quá nhiều đồ chơi trong tay, nên họ đã quyết định buông bỏ đội quân Dothraki. Điều tương tự xảy ra với dàn máy bắn đá, bộ binh Unsullied và chiến hào. Những cảnh quay rộng của trận Winterfell chắc chắn không thua kém Helm’s Deep, tầng tầng lớp lớp phòng thủ phía ngoài thành Winterfell để phục vụ cho mặt thị giác thì vô cùng ấn tượng, nhưng đã minh chứng là một thất bại về mặt chiến thuật. Những sơ suất này thường được biện minh là từ quyết định sai lầm của các nhân vật. Chúng là quyết định của nhà sản xuất, và trong màn đầu tiên của Winterfell, chúng không hề phục vụ gì cho cho việc kể chuyện.
Màn thứ hai của Helm’s Deep bắt đầu khi quân Uruk-hai tiếp cận được tường thành và bắt đầu sử dụng các công cụ vây thành: thang, bom, trục phá thành. Đây là khi mà những góc quay rộng từ màn đầu tiên phát huy tác dụng, nó cho người xem một sự cảm nhận về mặt không gian: Từ cảnh quân Uruk-hai leo tường, cảnh đội quỷ mang trục đến phá tường thành, hay cảnh kẻ cảm tử đánh bom tại khu vực đường ống nước, người xem cảm nhận rõ ràng vị trí của mọi diễn biến và sự liên kết giữa chúng.
Giống GoT, LotR phải đảo qua đảo lại giữa rất nhiều nhân vật khác nhau, nhưng chúng ta luôn biết chính xác mọi người đang ở đâu. Có thể thấy rõ các phương án tác chiến của từng cá nhân trong trận đại chiến tổng thể, như khi Aragorn rời đội hình để giáp chiến với binh đoàn quỷ vừa tràn vào sân hay Haldir lập phòng tuyến vững chắc cuối cùng trên tường thành.
Màn thứ hai của Winterfell khác biệt hoàn toàn. Hai chú rồng của Jon và Danny (đến lúc này vẫn chưa phát huy hết tầm sức mạnh) lao vào cuộc chiến trên không với rồng của Night King, trong khi ở dưới đất, đội quân Bóng trắng đã vượt qua chiến hào rực lửa và bắt đầu leo tường. Mặc dù cảnh rồng chiến được biên đạo chưa thực sự xuất sắc, việc cô lập Jon và Danny là một bước đi thông minh, nếu so sánh với những người khác tại Winterfell. Các nhân vật xuất hiện và biến mất hết sức ngẫu nhiên. Bối cảnh xung quanh các nhân vật được xây dựng kém, không tạo được điều kiện cho họ có một trận đánh ra trò cho riêng mình. Brienne, Jaime, Grey Worm và Jorah cứ thấy rồi lại mất y như thông báo trong các ứng dụng nhắc nhở. Họ đơn giản là xuất hiện để nhắc mọi người nhớ họ chưa chết.
GoT tự tạo cho mình độ khó cao hơn khi chia cuộc chiến ra làm rất nhiều mặt trận khác nhau, mặc dù nó không hề khéo léo trong việc đặc tả sự liên kết và tác động lẫn nhau giữa các mặt trận.
Trong trận Helm’s Deep, các cảnh trên mặt trận chính chiếm phần lớn thời gian, nhưng các cảnh ngoài nó lại quan trọng hơn nhiều. Vua Theoden co rúm trong cung điện của mình cho tới tận màn thứ ba của trận đánh, khi Aragorn thúc giục ông ta cưỡi ngựa ra ngoài và tham chiến với binh đoàn quỷ. Cảnh phim này ảnh hưởng tới cả hai nhân vật – Aragorn trở thành thống lãnh quân đội còn Theoden trở thành thủ lĩnh tinh thần của toàn quân. Ngoài ra, nó còn là dấu hiệu cho một màn tươi sáng hơn của trận chiến. Nó mang đến cho quân đội loài người đủ sinh khí để chờ màn cuối trận đánh.
Cầu nối giữa màn hai và màn ba của trận Winterfell là khi Night King hồi sinh tất cả xác chết tại Winterfell. Khoảnh khắc này đỉnh hơn nhiều so với phân cảnh đánh bom trong LotR, nhưng nó lại không buộc các nhân vật phải bộc lộ bản chất bên trong của mình, như cảnh đánh bom đã làm với Aragorn và Theoden. Đúng là xác sống một lần nữa trỗi dậy, điều tồi tệ nhất đã xảy đến, nhưng việc chuyển thế trận không hề ảnh hưởng gì đến các nhân vật ngoài việc khiến họ vung kiếm thêm 20 phút nữa.
Nhân vật duy nhất có một trận đánh trọn vẹn là Arya, và những người đi cùng cô, đặc biệt là The Hound và Milesandre. Những phân cảnh của họ là những cảnh đáng xem nhất. Cả nhóm phải đối đầu với những Bóng trắng đã lọt vào trong lâu đài, sự hy sinh càng lúc càng hiển hiện rõ trước mắt. Cho mãi đến khi có cơ hội để bình tĩnh, mối quan hệ giữa họ đã thay đổi thay đổi, tất cả được trao sức mạnh để hoàn thành nốt sứ mệnh của mình trong khoảnh khắc cuối cùng này. Đó là cảnh kể chuyện thuần túy và hay nhất trong 80 phút phim, vì nó chứng minh được sức nặng của mình lên cả kịch bản và nhân vật.
Về tổng thể, trận Winterfell thua kém trận Helm’s Deep. Về mặt dàn trận thì Helm’s Deep không bằng, nhưng kém ở đây lại hóa hơn. Về phần nhìn cả hai đều xuất sắc như nhau nhưng hình ảnh trận Winterfell nặng sức gợi hơn. Ngoài ra, những kĩ thuật điện ảnh tuyệt vời trong trận Helm’s Deep được sử dụng để phục vụ cốt truyện, còn trong trận Winterfell nó chỉ dùng để tăng thêm chút màu mè cho phim. Trận chiến trong LotR là một trong những trận đánh có kết cấu chặt chẽ bậc nhất. Nó tuyệt vời không bởi nó là một trận đánh lớn, mà bởi sự liên kết mạch lạc khiến quy mô bị lu mờ. Trong khi đó, trận Winterfell lại không cân bằng đủ tốt giữa các nhân vật, các tình tiết phụ chỉ làm xao lãng chứ không phải những bổ sung cần thiết cho một trận chiến với kịch bản hạng A.
Lược dịch từ tạp chí Relevant.
Bài viết gốc:
https://spiderum.com/bai-dang/Helms-Deep-vs-Battle-Of-Winterfell-fwu