"VTV có đủ quyền từ chối nhận bản quyền Ngoại hạng Anh từ Canal+"
ICTnews – Luật sư Nguyễn Hoàn Thành (Văn phòng Luật sư Thành và cộng sự) cho rằng, VTV có đủ quyền phủ quyết, từ chối tiếp nhận bản quyền Giải Ngoại hạng Anh do Canal+ chuyển giao. Nhà nước cần nhanh chóng xóa bỏ độc quyền truyền hình để đảm bảo lợi ích của người xem và doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ TT&TT và 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đã chính thức có văn bản đề nghị VTV dùng quyền sở hữu 51% trong Liên doanh VSTV (K+) để từ chối tiếp nhận bản quyền phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2013 – 2016 từ đối tác góp vốn là Canal+. Vậy VTV có đủ quyền để phủ quyết nhận bản quyền phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh hay không?
Tôi chưa nắm rõ được thỏa thuận Canal+ sẽ chuyển giao bản quyền phát sóng Giải Ngoại hạng Anh nói trên bằng hình thức nào (góp vốn hay là cho không). Tuy nhiên Canal+ là đối tác trong liên doanh với VTV (VSTV- PV) thì dù bản quyền Giải Ngoại hạng Anh được Canal+ chuyển giao dưới bất cứ hình thức nào thì cũng phải tuân theo những quy định quản lý về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Và khi liên doanh VSTV tiếp nhận một khoản vốn lớn (theo thông tin trên truyền thông là lên đến 40 triệu USD) thì phải có phê duyệt của cơ quan nhà nước của Việt Nam, khi chuyển giao và tiếp nhận phải có thỏa thuận của đôi bên và cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giám sát việc chuyển giao khoản góp vốn này.
Hơn nữa VTV lại có lợi thế rất lớn, là vừa sở hữu 51% trong liên doanh và vừa sở hữu giấy phép sản xuất các kênh chương trình (là điều kiện để K+ kinh doanh) cho nên VTV hoàn toàn có quyền nhận hoặc từ chối không nhận chuyển giao bản quyền Giải Ngoại hạng Anh mùa giải 2013 – 2016 từ đối tác.
Tôi cho rằng, mấu chốt của sự việc này nằm ở việc VTV có thực sự muốn thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT hay không. Cũng như VTV có thể hiện trách nhiệm với một số lượng rất đông người xem truyền hình, trách nhiệm với các doanh nghiệp trong Ban điều hành đàm phán hay không mà thôi.
Ông đánh giá thế nào về những điểm mâu thuẫn trong "cuộc chiến" bản quyền Ngoại hạng Anh đang kéo dài trong nhiều tháng qua?
Bản quyền thể thao luôn đi ngược lại với quyền được phổ biến rộng rãi các giải đấu thể thao. Từ mấy năm nay, K+ độc quyền các trận đấu hay nên chỉ có rất ít các thuê bao của K+ (khoảng 400.000 thuê bao – PV) được xem với giá đắt nhất trên thị trường truyền hình hiện nay. Còn rất đông người dân khác là nạn nhân của sự độc quyền này vì không có điều kiện tiếp cận.
Do đó, nếu Nhà nước chỉ đạo về việc mua bản quyền và phân chia quyền phát sóng truyền hình một cách công bằng thì một số lượng rất đông người dân sẽ được xem. Với nhiều nước (đặc biệt là những nước đông dân), vì quyền lợi của công chúng, Nhà nước của họ thường đứng ra thỏa thuận trực tiếp với các Ban tổ chức Giải (mà không cần qua các công ty trung gian) để thỏa thuận về giá, hoặc thậm chí họ còn đòi quyền được giấy phép cưỡng bức bằng cách ấn định quyền được phát sóng một mức giá phù hợp. Sau đó, Nhà nước sẽ cấp quyền phát sóng cho các đài để đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi của công chúng và quyền lợi của doanh nghiệp.
Đối với các Ban tổ chức Giải thể thao quốc tế, khi xem xét cấp hoặc bán bản quyền tại một quốc gia, bên cạnh yếu tố lợi nhuận, bao giờ họ cũng hướng đến lựa chọn một tổ chức có khả năng truyền sóng một cách rộng rãi nhất, phổ biến đến đông người xem nhất giải đấu của họ.
Chính vì vậy, ở Việt Nam, tôi thấy có mấy việc rất khó hiểu và đi ngược lại với quy luật nói trên. Đó là việc VTV - Đài Truyền hình Trung ương (là đại diện đi đàm phán mua bản quyền) lại bị thua cuộc. Bên cạnh đó, K+ không tham gia trong Ban điều hành đàm phán, sau đó lại được chuyển nhượng quyền sử dụng bản quyền từ Canal+ là điều khó hiểu thứ hai. Đồng thời, nếu Canal+ khi mua bản quyền mà chưa biết chắc có phát sóng được ở Việt Nam hay không sẽ không bao giờ bỏ một số tiền rất lớn để mua. Những câu hỏi này khiến dư luận dấy lên một nghi ngờ việc đàm phán bản quyền mà VTV "cầm chịch" là một cuộc chơi không minh bạch.
Hiện nay, có 5 doanh nghiệp truyền hình trả tiền đang "bắt tay" chống độc quyền bằng cách sẽ không phát sóng Ngoại hạng Anh nếu K+ tiếp tục giữ độc quyền các trận đấu hay. Để chấm dứt những tranh cãi về bản quyền Ngoại hạng Anh nói riêng và các giải đấu thể thao nói chung thì Nhà nước cần phải có biện pháp gì?
Các đài đã đoàn kết trong việc chống độc quyền, nhưng nếu các đài không phát sóng hoặc tiếp sóng thì người xem sẽ chịu thiệt thòi nhất. Và nếu xảy ra việc này, Ban Tổ chức Giải Ngoại hạng Anh cũng sẽ xem xét lại vấn đề bản quyền phát sóng tại Việt Nam trong mùa giải tiếp theo.
Theo tôi, để chấm dứt những tranh cãi này, Nhà nước nên dùng quyền để đưa ra quyết định và không nên đứng ngoài cuộc. Đồng thời, Nhà nước cần nhanh chóng xem xét việc xóa bỏ độc quyền truyền hình, cũng như xem xét lại việc đầu tư nước ngoài trong dịch vụ truyền hình. Nhà nước nên tham gia điều tiết về bản quyền truyền hình để đảm bảo quyền lợi giữa công chúng và quyền lợi chủ sở hữu của Nhà nước.
Trong trường hợp Nhà nước chỉ đạo, các đài cùng góp tiền mua bản quyền (có thể cao hơn giá Canal+ mua chẳng hạn) nhưng nếu số lượng người xem đông hơn thì phí thuê bao vẫn có thể thấp hơn giá hiện nay của K+.
Xin cảm ơn ông!
Minh Quyên (thực hiện)
"VTV có đủ quyền từ chối nhận bản quyền Ngoại hạng Anh từ Canal+" | ICTNews