Nhà văn Băng Sơn: 'Xem phố hoa, vui ít buồn nhiều'
"Để ngăn người ta vào phá hoa, Ban tổ chức đã phải rào chắn bằng những cây tre. Cái này rất phản cảm nhưng không thể không làm, phải trách người dân ở Hà Nội ý thức kém", nhà văn Băng Sơn chia sẻ cảm xúc sau lễ hội hoa.
Tôi đang bị bệnh tim, sức khỏe khá yếu, hằng ngày vẫn phải ngồi nhà, song khi nghe tin Hà Nội tổ chức lễ hội hoa, tôi vẫn háo hức. Khi biết tôi muốn xem phố hoa, mấy đứa con đi mua một chiếc xe đẩy và đưa tôi ngồi xe dạo một vòng phố hoa.
Năm nay, Hà Nội tổ chức công phu hơn năm trước và có nhiều tiểu cảnh đẹp hơn. Có 2 con rồng ở tư thế động, vẩy vây vươn cao như đang bay, khác với những con rồng ở các lễ hội khác như hóa đá. Biểu tượng cầu Long Biên, 2 toa xe điện đã khiến tôi nao lòng nhớ về một Hà Nội xa xưa.
Nhà văn Băng Sơn. Ảnh: Đoàn Loan.
Song giá mà lễ hội có nhiều công trình mang hình ảnh Hà Nội cổ xưa. Thay vào Khuê Văn Các là chùa Một Cột, bên dưới là ao sen thì có ý nghĩa hơn, hoặc mô phỏng hồ Hoàn Kiếm thay vì hình ảnh ao làng, ở giữa có người chèo thuyền rồng, bên trên là rồng bay sẽ làm nhiều người nhớ tích vua Lê trả gươm cho rùa thần. Các công trình khác như Cột cờ, đường Thanh Niên... cũng nên đưa vào vì là những hình ảnh đặc trưng của thủ đô. Những công trình trong lễ hội lần này gợi nhớ Hà Nội trong 100 năm hơn là thời kỳ 1.000 năm trước.
Năm nay, các cảnh trang trí đẹp hơn song số lượng hoa quá ít. Đi phố hoa, người ta hình dung sẽ được vào vườn hoa song thực sự không phải. Rất ít hoa đào, quất, hồng - những loài hoa đặc trưng của Hà Nội, thay vào đó là cúc, trạng nguyên... những loài mà người dân Hà Nội không chơi. Có một ít địa lan và hoa tulip không hợp với dáng vóc của một phố hoa. Người ta còn để chum vại giữa đường mà đáng lẽ phải nổi bật bằng hoa.
Đi một vòng phố hoa mà tôi không thấy khác cảnh đời thường, nếu lên vườn đào Nhật Tân sẽ thấy thích hơn vì mình ở giữa bạt ngàn hoa. Nhớ vườn hoa Ngọc Hà xưa, mình bị vây giữa hàng trăm loại hoa thược dược, hồng, chân chim... Còn ở phố hoa này thì rất ít hoa, chỉ có các tiểu cảnh. Cả tuyến phố Đinh Tiên Hoàng là một không gian rộng, có thể đủ trưng bày rất nhiều hoa. Tôi thấy, nếu làm thế này nhiều lần thì sẽ phí tiền.
Vào tối khai mạc lễ hội, con trai tôi đưa cháu đi xem phố hoa nhưng Ban tổ chức không cho ai vào xem. Trong khi người dân chỉ muốn vào xem hoa, không chắc là thích xem phần hội. Như vậy, phần khai mạc này chỉ phục vụ quan chức hơn là người dân là không ổn.
Để ngăn người ta vào phá hoa, Ban tổ chức đã phải rào chắn bằng những cây tre. Cái này rất phản cảm nhưng không thể không làm. Phải trách người dân ở Hà Nội ý thức kém nên Ban tổ chức phải dùng cách này. Quả thật, chỉ các hôm đầu là giữ được hoa, các hôm sau gần kết thúc là có tình trạng ngắt hoa, phần lớn là thanh niên có ý thức kém. Tôi cũng không lý giải được tại sao ở TP HCM, Đà Lạt đã tổ chức nhiều lễ hội hoa mà không có tình trạng này, khi mà việc bảo vệ không ngặt nghèo. Nói thật, đi xem phố hoa, tôi thấy vui ít, buồn nhiều.
Nguyên nhân là tầng văn hóa của một bộ phận dân chúng không cao, hiện 90% người dân sống ở thủ đô là người các tỉnh về làm ăn, dân Hà Nội gốc rất ít nên khó có được nét thanh lịch của "người Tràng An" xưa. Nét hào hoa của người Hà Nội đã mất đi, thay vào đó là tình trạng chen lấn trên đường, nói bậy, say rượu, cãi nhau... nên việc phá hoa không phải quá ngạc nhiên.
Nâng cao ý thức của người dân là quá trình lâu dài. Chúng ta phải đưa giáo dục ý thức vào trường học, qua các đoàn thể, phải giáo dục trong vài chục năm thì mới thay đổi được ý thức của các thế hệ.
Nguồn
Xem thêm
Chỉnh sửa lần cuối: