NẶNG NỀ. Mình phải nhắc lại cụm từ này nhiều lần vì thật sự nhiều lần xem film, có cảm giác mạch phim dẫn dắt khán giả, nặng nề tới nổi có cảm giác không thể thở, tới nổi mình quên cả thở, nín thờ theo dõi đặc biệt là trong các trường đoạn thể hiện tâm lý nhân vật.
NẶNG NỀ 1: Cảnh tiểu đội của Colonel hành quân vào rừng tìm hang ổ của Caesar. Đoàn quân NẶNG NỀ di chuyển, tâm trạng ai cũng lo sợ, căng thẳng. Khán giả như cùng nín thở hành quân . Có cảm giác như loài người cũng rất sợ loài khỉ, nhất là trong môi trường, địa thế như thế này. Loài khỉ dù không có khoa học công nghệ, kỹ thuật quân sự tiên tiến nhưng một khi “Khỉ đoàn kết sẽ rất mạnh”. Và tất nhiên sau cuộc hành quân phá hủy 1 căn cứ của Caesar quân khỉ thiệt hại 63 Khỉ, còn tiểu đội của Colonel…chết hết, trừ 4 nhân vật được tha mạng. Cảnh COMBAT này có thể nói là khá hay và đẹp, thể hiện đúng chất đánh du kích của bầy Khỉ với cách đánh quân sự của binh đoàn người. Các góc máy lia từ cao khiến ta bao quát được cuộc chiến rõ ràng.
NẶNG NỀ 2: Cảnh các con khỉ phản bội “Donkey” tiếp tế đạn dược cho người, có thể thấy đoạn này, mang nặng tính hình tượng khi Khỉ lại hợp tác với Người, phản bội loài Khỉ, tiêu diệt bao nhiêu là Khỉ, để bị Người xem như Lừa, như tay sai, sai vặt. Tuy nhiên, trong ánh mắt của “Donkey” ta có thể vừa cảm thấy sự không phục, sự sợ hãi, cũng như sự ăn năn cùng hòa lẫn, có thế đó là tiền đề cho “phát súng” sau này. Đoạn này, kết hợp với âm nhạc diễn tả nội tâm “Donkey” rất tốt.
Sau đó, Caesar cùng ban lãnh đạo Maurice, Luca xuất hiện, đúng chất lãnh đạo, được mọi Khỉ tỏ lòng tôn kính, thần phục, khiến mọi Khỉ vừa thần tượng, vừa nể phục, lẫn sợ hãi. Nhưng đâu đó trong thâm tâm Caesar vẫn là chú khỉ nhân hậu yêu hòa bình khi tha mạng cho 4 tên lính Người. Ở Caesar ta thấy chất lãnh đạo, mạnh mẽ, kiên cường, nhưng cũng nhân hậu và nồng ấm. Caesar cũng chỉ mong bầy khỉ được sống yên bình và hạnh phúc, nhưng chiến tranh là điều kho tránh khỏi khi sự sống của loài này lại là sự tận diệt của loài kia. Chua xót thay cho số phận này, không thể khác được. Caesar chỉ còn cách dẫn dắt bầy khỉ lẫn trốn và mong sự bình yên từ loài Người, nhưng khi cần bạo lực, anh cũng sẵn sàng đáp trả. Bộ Triology này xây dựng hình tượng lãnh đạo của Caesar rất tốt, có bạo lực, cũng có nhân tính, là tượng đại vĩ đại của bầy Khỉ.
NẶNG NỀ 3: Cảnh Colonel giết chết vợ và con của Caesar. Khi hai ánh mắt của Caesar và Colonel chạm nhau, khán giả như nín thở. Nín thở trước cái đau đớn của Caesa khi mất đi vợ và con trai, nín thở trước cái ánh mắt giận dữ căm phẫn của anh, nín thở trước cái ánh mắt vô tình, không khoan nhượng của Colonel. Khán giả như bị nuốt chửng bởi thù hận của Caesar. Và khi hai ánh mắt ấy chạm nhau, khán giả như nghẹn lại với thù hận và bóng tối. Caesar như một con thú khát máu lao vào trả thù, lao vào bóng tối của sự giận dữ, của 1 một con đường tăm tối không lối thoát mà trước đây Koba đã đi vào. Koba tuy đã chết, nhưng sự thù hận, oán hận của anh cứ đeo bám, ám ảnh tất cả. Và lần này, Caesar lại chính là người đi theo con đường trả thù, vạn kiếp bất phục này.
Sau sự cố này, ta có thể thấy, sự thù hằn và giận dữ của Caesar đã bùng lên mãnh liệt như thế nào: Sẵn sàng bỏ cả bầy Khỉ, không dẫn dắt họ mà lao vào con đường báo thù Colonel; sẵn sàng nổ súng trước con người không thương tiếc; không chấp nhận dẫn theo cô bé Nova đang bệnh tật, cô đơn và lạnh lẽo; mạnh tay dẫn đến cái chết của Winter (kẻ phản bội mật báo căn cứ Caesar cho Colonel)... Có lẽ, phần Người, phần nhân tính duy nhất của anh đã chết theo vợ và con anh, chết vào cái đêm anh tận mắt chứng kiến vợ con anh bị thảm sát.
Nhưng, sự xuất hiện của cô bé Nova như làn gió mát cho tâm hồn khát khao trả thù của Caesar, chính sự thuần khiết trong sáng của cô bé đã khiến con tim ngập tràn thù hận của Caesar phần nào nguôi ngoai, thông qua chi tiết thỉnh thoảng khi đi cùng, Caesar lại liếc nhìn thật nhanh bé Nova, có lẽ anh đang mong được sự cứu rỗi, nhưng rồi hận thù lại nuốt lấy anh, khiến anh tiếp bước trên con đường báo thù mà mãi mãi không thể thoát ra.
Cũng có lúc ta thấy phần nào Caesar đã buông bỏ được thù hận, thông qua tiểu đoạn cô bé Nova xuất hiện giữa trại lính. Dáng đi khoan thai, chậm rãi như thiên thần giữa địa ngục, đầy súng ống, tù nhân trong không khí lạnh lẽo, u ám tuyết rơi làm nổi bật lên sự xuất hiện của bé. Bé Nova như chìa khóa hóa giải thù hận của Caesar, cho ông ấy uống nước, mang thức ăn cho ông ấy, động viên ông ấy thông qua thủ ngữ: “APE TOGETHER STRONG”. Chính tại thời điểm này, ta thấy trong mắt Caesar đã gạt bỏ thù hận, một lòng một dạ muốn giải phóng loài khỉ khỏi ách thống trị của loài người. Cái đầu lạnh và trái tim ấm của người lãnh đạo đã trờ lại.
Nhưng….
Chỉ có đúng phút giây ấy thôi, sau khi giải thoát bầy khỉ, thì sự thù hằn, giận dữ lại trờ lại khi Caesar thấy ánh đèn từ phòng của Colonel. Trong lúc đó, tất cả những hình ảnh về cái chết của vợ và con mình lại ùa về trong tâm trí anh, anh chợt nhận ra mình đã sa ngã vào bóng tối của thù hận sâu như thế nào rồi, anh đã thành Koba như thế nào rồi. Và anh quyết tâm đi tiêu diệt Colonel, một lần và mãi mãi.
Chính trong lúc sắp nổ súng kết liễu Colonel, anh lại nhớ tới những thù hận của anh, về cái chết của con Colonel, về cái sự “no mercy” của Colonel khi nổ phát súng kết liễu chính con trai của ổng(Trường đoạn tâm lý này mình sẽ phân tích sau), về số phận và tương lai của hai giống loài: Khỉ và Người, về thù hận, về Koba, Caesar đã không bóp cò mà để tự Colonel kết thúc. Đoạn đấu tranh tư tưởng này thật sự nặng nề, nó làm cho khán giả như cuốn sâu vào trong tâm lý nhân vật. Thử hỏi, một người cha mất đi tất cả, vợ và con trai, thì thù hận sao không nhiều, sao không chất chồng (là mình, mất tất cả sau 1 đêm như vậy, mình nổ cả băng đạn vào thằng đó, sống chết với nó luôn chứ) nhưng lại phải kết liễu một người cha thằng tay giết cả con mình thì điều đó dường như không cần thiết nữa. Có giết hay không thì hắn cũng chỉ 1 cái xác chết biết thở thôi. Nếu bóp cò súng thì Caesar cùng phần nhân tính cuối cùng của anh cũng đi theo vết đạn đó. Việc cần làm bây giờ là tiếp tục đưa dân tộc mình tới “ngôi nhà thực sự”.
Xem đoạn này mình thật sự rợn người, dường như trong nội tâm Caesar đang đấu tranh dữ dội lắm, những thù hận cứ cào xé từng phần nhân tính còn sót lại cuối cùng của anh, anh khổ sở sống trong giận dữ, và cái chết chính là giải thoát cho anh.
NẶNG NỀ 4:
Đoạn đấu tranh tâm lý này mình yêu thích nhất, đó là đoạn Caesar bị giải vào phòng của Colonel, Caesar sau khi nhìn quanh 1 vòng thì đã có cái nhìn rõ hơn về tính cách của Colonel (thông qua hình ảnh bàn cờ, bức tranh con trai ổng nằm leo lét nơi góc phòng). Colonel thật sự ấn tượng với tài trí của Caesar. Cho tới khi Caesar nói: “You have no mercy -Mày không có lòng nhân từ”
Colonel quay lại, không khí bắt đầu cực nặng nề khiến khán giả dường như không thở nổi
Colonel: “Mày nói tới lòng nhân hậu, liệu khi mày tới đây giết tao, mày có thể hiện lòng nhân hậu với tao không?”
Đúng chất tàn ác của chiến tranh, chính trong lúc này Colonel hiện rõ là 1 con quỷ độc ác, mất hết nhân tính. Ông sẵn sàng giết tất cả những ai mắc dịch cúm Khỉ (khi nó đã đột biến, biến con người thành câm, không nói được và dần dần thành Khỉ) cho dù người đó là con trai mình.
Colonel: “Con trai tao bị cúm Khỉ khi tham gia một nhiệm vụ. Nó dần dần không nói được, mắt đờ đẫn, tinh thần không ổn định, càng lúc càng giống loài khỉ. Thế nên tao quyết định kết thúc giúp nó. Mày biết không, khi cầm súng chỉa vào đầu nó. Tao thấy tình cảm trong ánh mắt nó, ánh mắt đang dần trờ nên ngây dại…miệng nó ú ớ nói vài câu, có thể là câu yêu thương dành cho tao. Tâm trí nó dần trở nên không ổn định…. And I push the trigger (Và tao kéo cò súng)”.
Thật nhẫn tâm và lạnh lùng. Sau đó, nhân tính của Colonel cũng mất đi. Hắn sẵn sàng giết bất kì ai nhiễm bệnh; hủy hết đồ dùng của họ; sẵn sàng nổ súng bắn chết bất kì ai không nghe lời; chặt đầu cả một đoàn binh quân giải phóng. Hắn tàn nhẫn đến lạnh lùng.
Không khí lúc này đẩy đến cao độ xung đột giữa Colonel và Caesar, khán giả như bị nuốt chửng vào bầu không khí ngột ngạt này.
Colonel: “ Đêm đó, tao giết ai của gia đình mày thế nhỉ?”
Caesar: “Mày giết con trai tao…vợ tao”
Colonel: “ Vậy à. Tao rất lấy làm tiếc. Nhưng có khi con trai mày lại cảm ơn tao vì đã giải thoát nó khỏi cái đế chế tàn bạo của mày”
Xung đột xảy ra, Caesar không kiềm chế được, đập đầu Colonel một phát chí mạng. Thế nhưng, Colonel vẫn bình tĩnh đứng dậy: “Tao có thể thấy mày đã không suy nghĩ thấu đáo rồi. Mày có nghĩ binh đoàn của tao sẽ làm gì bầy khỉ của mày khi mày giết tao ở đây không?”
Tới lúc này Caesar ngã gục xuống. Colonel nói đúng, mình đã làm gì thế này, tại sao mình lại để cảm xúc cá nhân lấn áp lí trí và vận mệnh của toàn dân tộc Khỉ như vậy. Thế mới thấy, Koba mới là nhân vật ảnh hưởng nhất phim, Koba dù chết nhưng lòng căm thù bất diệt của hắn vẫn ám ảnh mọi người, con Người, bầy Khỉ, Caesar, Colonel. Biến Caesar từ 1 lãnh đạo tài ba, nhân hậu, quyết đoán thành một cá nhân chỉ chăm chăm trả thù. Hận thù đã nuốt chửng anh lúc nào không hay.
Đoạn này, đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng làm rất tốt, từ màu phim u ám, leo lét, cho tới những đoạn nhạc căng thẳng. Làm nổi bật trường đoạn nặng nề này.
Do quá thiên về nặng nề như vậy, nên “Bad Apes”, Nova và Maurice xuất hiện như 1 làn gió thổi sự nhẹ nhàng lại cho WFPOTA, xua tan không khí u ám nặng nề của phim.
Nếu ở “Bad Apes” ta thấy sự hài hước dí dỏm, nhẹ nhàng, linh động; ở Maurice ta thấy sự tinh tế, nhẹ nhàng, bác ái, từ tốn, nhân hậu và tình cảm thì ta thấy sự ngây thơ, trong sáng và đáng yêu của Nova nó tinh tế đến nhẹ nhàng.
Không cần những hình tượng quá trù tượng, xa vời, phi thực tế, chỉ cần những chi tiết như nhẹ nhàng đơn giản như: “THIRSTY”; cành hoa cài trên tóc; nghịch món đồ chơi của “Bad Apes” rồi thích thú hồn nhiên như trẻ con khi nhận được; khóc thương trước cái chết của Luca; ánh mắt xót thương khi thấy Caesar bị phơi thân giữa trời lạnh lẽo, dẫn đến hành động không màng nguy hiểm, tiến lại chuồng của Caesar cho anh ấy uống nước, cho anh ấy thức ăn, động viên “APE TOGETHER STRONG”; hay hình ảnh cô hồn nhiên vui đùa bên bầy Khỉ nhỏ. Tất cả tạo nên 1 Nova đáng yêu, ngây thơ, trong sáng pha lẫn dũng cảm, mạnh mẽ đến lạ thường.
Theo cá nhân mình, WFPOTA này như tập trung về chuỗi hậu quả và trả giá.
- Caesar vì mù quáng, thù hận và trả thù nên cuối cùng cũng phải đền mạng.
- Colonel vì độc đoán, tàn ác, máu lạnh nên cũng phải chết, đền tội bằng chính phát súng oan nghiệt và bệnh cúm Khỉ.
- “DONKEY” vì phản bội loài Khỉ, gây ra cái chết cho nhiều con Khỉ, dù cho phút chót có quặng lòng trước thương vong của bầy Khỉ con, cũng như thấy sự chiến đấu không mệt mỏi của Caesar cho bầy khỉ nên đã cảm đồng, nã nguyên trái RPG vào “Preacher-Giáo sỹ”. Cái chết coi như sự hướng thiện, sự vùng lên cũng như sự nể phục dành cho Caesar.
- Precher-Giáo sỹ vì đã tấn công, muốn hạ sát Caesar-người đã tha cho mình 1 mạng mà chết không toàn thây.
- “Winter” phản bội bầy khỉ, tiết lộ căn cứ Caesar cũng nhận lấy cái chết để đền tội.