Truyền hình cáp: bao giờ vì “thượng đế”? Bài 2: HDTV giả?
Link: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=308029&ChannelID=16
Kênh ESPN có trong các mạng HDTV nhưng theo công bố của kênh này thì logo các kênh HD của họ đều có chữ HD phía sau như ESPNHD, ESPN2HD, ESPNNEWSHD - Ảnh: Đức Thiện
Xem ra HDvietnam vẫn là number #1 các pác nhỉ \m/
Link: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=308029&ChannelID=16
Kênh ESPN có trong các mạng HDTV nhưng theo công bố của kênh này thì logo các kênh HD của họ đều có chữ HD phía sau như ESPNHD, ESPN2HD, ESPNNEWSHD - Ảnh: Đức Thiện
TT - Dù được quảng cáo là “Full HD 1080”, độ rõ nét cao nhất nhưng nhiều kênh, nhiều chương trình chỉ là... hàng giả.
Tại TP.HCM hiện có ba nhà cung cấp dịch vụ HDTV (high definition television - truyền hình độ nét cao): hai qua đường cáp là HTVC, SCTV và một qua vệ tinh là VTC. Số lượng các kênh HDTV của mỗi dịch vụ có khác biệt (6, 8, 9 kênh) và các nhà cung cấp đều quảng cáo kênh HDTV của mình là “Full HD 1080”, độ rõ nét cao nhất hiện nay (các cấp độ HDTV ở cấp cao hơn mới được triển khai trong phòng thí nghiệm). Việc quảng cáo này khiến khán giả đổ xô tìm mua TV LCD hay Plasma hỗ trợ “Full HD”, và hệ quả là đẩy giá tivi có chuẩn “Full HD” cùng kích cỡ tăng.
Vàng thau lẫn lộn!
Ngày 6-8-2008, Trung tâm Truyền hình cáp TP.HCM (HTVC) là đơn vị đầu tiên đưa vào hoạt động HDTV tại VN với tám kênh: HTV7, HTV9, HTVC-HD, CCTV, Star Movies, Disney, Fashion TV và Luxe HD. Sau đó đầu tháng 9-2008, SCTV tiếp bước với sáu kênh gồm HBO, CCTV, Disney, ESPN và hai kênh thử nghiệm. Đầu năm 2009, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cũng nhảy vào phát sóng chín kênh HDTV gồm: HD1, HD2, HD3, ESPN HD, National Geographic HD, CCTV-HD, Fashion TV HD, Luxe TV HD và kênh thử nghiệm HD9.
Vì khái niệm HDTV còn khá mới mẻ tại VN nên hầu hết người dùng đều không phân biệt được đâu là kênh HD thật, đâu là giả, nhưng giới sành điệu và có chuyên môn rất rành.
Việt Anh - admin diễn đàn HDVietNam - cho biết: “Tôi có xem qua các kênh HDTV, chỉ có vài kênh là đúng chất lượng HD, các kênh còn lại đều được nâng từ kênh SDTV. Tôi đã xem rất nhiều phim HD nên nhìn thì nhận ra ngay kênh nào là chất lượng HD giả. Các kênh SDTV được nâng lên cho chất lượng thậm chí còn chưa bằng DVD, nhìn là nhận ra ngay”.
Theo kỹ sư Đặng Tấn Mầu - nguyên trưởng phòng kỹ thuật Đài truyền hình TP.HCM, thật ra trong giới chuyên môn, các cấp độ HDTV tuy có được chú ý nhưng không quan trọng bằng kênh chương trình có phải là HD thật (True HD) hay không. Ở Mỹ, nước triển khai HDTV đầu tiên và có tốc độ phát triển cao nhất, chuẩn HDTV 720p (tivi có gắn nhãn HD Ready là xem được) được một số đáng kể đài truyền hình sử dụng và đông đảo khán giả chấp nhận.
Ngược lại ở TP.HCM, cấp độ HDTV được quan trọng quá mức cần thiết (do quảng cáo) trong khi khán giả không biết mình được xem HDTV giả. Các kênh này đều có mặt trong số kênh của cả ba nhà cung cấp dịch vụ HDTV có mặt ở TP.HCM. Kênh HDTV giả thực chất là kênh SDTV như các kênh chúng ta thu được từ trước đến nay bằng ăngten xương cá qua bộ thu sóng tivi. Sau đó dùng phần mềm để nâng cấp chất lượng của nó và quảng cáo là HDTV. Kênh HDTV thật phải là kênh được thu bằng camera HD, dựng hình, làm hậu kỳ bằng thiết bị HD, lưu trữ trên phương tiện và phát sóng theo tiêu chuẩn HDTV.
Vậy tại sao phải làm kênh HDTV giả?
Vì chi phí sản xuất chương trình HDTV thật tốn kém hơn rất nhiều so với SDTV. Và do vậy, giá bán bản quyền chương trình HDTV thật sẽ cao hơn rất nhiều. Để vốn ít lời nhiều, các nhà cung cấp dịch vụ đã mua (hoặc sản xuất) kênh SDTV rồi nâng cấp thành HDTV giả, để lẫn chung với các kênh HDTV thật rồi cùng quảng cáo chung là “Full HD 1080”.
Kỹ sư Đặng Tấn Mầu cho biết thêm HDTV giả không chỉ có ở cấp độ kênh mà còn ở cấp độ chương trình lẻ. Trong một kênh HDTV, có lúc sẽ là chất lượng HDTV thật sự nhưng cũng có lúc chỉ là HDTV giả. Ví dụ trong chương trình phim truyện, nếu tín hiệu lấy từ đĩa Blu-ray thì khán giả sẽ được xem với chất lượng thật. Còn nếu tín hiệu được lấy từ DVD rồi nâng cấp thì khán giả chỉ được xem HDTV giả.
Chuyên gia tư vấn về truyền hình Hồ Phước Vinh giải thích thêm: “HDTV thật còn hiếm và đắt ở chỗ chi phí truyền dẫn quá cao. Hiện nay, một kênh truyền hình mặt đất analog nếu chuyển sang phát kỹ thuật số SDTV có thể phát được 8-13 kênh, nhưng nếu phát HDTV thì chỉ được vỏn vẹn 1-2 kênh HDTV. Qua vệ tinh cũng tương tự, một bộ phát đáp thông thường có thể phát 16-20 kênh truyền hình số SDTV (chuẩn DVB-S) nhưng cũng chỉ phát được một kênh HDTV (chuẩn MPEG-2). Trong khi đó chi phí truyền dẫn qua vệ tinh cũng rất đắt, dẫn đến giá thành kênh HDTV thật rất cao”.
Trong khi đó, nhiều nước lại có cái nhìn khác, chính vì chi phí truyền dẫn HDTV quá cao, nên quan điểm một số đài truyền hình trên thế giới là đã phát HDTV thì phải là HD thật, không xen vào một chương trình giả nào, trừ một số tư liệu đặc biệt. Bởi vì phát HD giả là lãng phí và gây thiệt hại cho quyền lợi người xem. Cho nên quảng cáo “Full HD 1080” rồi phát HDTV giả thì chỉ làm lợi cho nhà sản xuất tivi, đồng thời làm khán giả truyền hình lẫn lộn, rối rắm và tốn tiền.
Người dùng phải tự bảo vệ mình
Thực tế, những người dùng bình thường sẽ rất khó nhận biết kênh HDTV giả vì đã quá quen thuộc với chất lượng hình ảnh các kênh analog hiện nay. Việt Anh cho biết: “Ở các kênh HDTV giả, tín hiệu nhận được vẫn là Full HD nhưng chất lượng hình ảnh chưa đạt đến chuẩn đó, tín hiệu nhận được khác với chất lượng hình ảnh”.
Theo chuyên gia Hồ Phước Vinh, nếu để ý sẽ thấy gói dịch vụ HDTV của nhà cung cấp chương trình nào ở VN cũng đều có kênh CCTV-HD của Trung Quốc. Đây là kênh HDTV thật 100% của Trung Quốc để phát quảng bá (không thu tiền), nên được các nhà đài chú ý khai thác lại. Có thể lấy hình ảnh kênh HD này làm chuẩn để so sánh chất lượng với các kênh HDTV thật hay giả khác. Chú ý so sánh những khuôn hình đặc tả với các chi tiết như sợi tóc, lông mi ở khuôn mặt người, đường gân trên lá cây...
Nhưng điều đặc biệt để nhận dạng là hình ảnh HDTV giả trên các tivi LCD, Plasma bị lùn, người xem sẽ có cảm giác như hình bị kéo giãn, giống như khi xem SDTV khung ảnh 3:4 trên tivi HD khung ảnh 16:9 vậy. HDTV giả vẫn là SDTV ở điểm then chốt: khuôn hình. Một yếu tố nữa là khi các kênh HDTV giả phát bảng chuẩn thì vòng tròn lớn giữa màn hình sẽ bị bẹp dẹp như một cái trứng nằm ngang.
Các cách chọn dịch vụ HDTV
Chuyên gia Hồ Phước Vinh nhấn mạnh ba điểm sau:
1. Khi chọn nhà cung cấp dịch vụ HDTV thì không nên chỉ tin vào quảng cáo “Full HD 1080” mà cần trực tiếp quan sát và so sánh các kênh trong các gói dịch vụ. Chỉ nên tin và chọn theo chính đôi mắt của mình sau khi so sánh tất cả dịch vụ trên.
2. HDTV càng phát huy tác dụng khi màn hình tivi càng lớn. Chênh lệch giữa chuẩn HDTV 720p với chuẩn 1080i... không thể hiện rõ ở những tivi 22-26 inch cho dù là tivi chuẩn HD. Và nếu tivi 32 inch chuẩn Full HD đắt hơn hoặc xấp xỉ giá tivi HD Ready 42 inch thì theo kinh nghiệm quan sát bằng mắt thường, nên chọn tivi 42 inch cho dù không có Full HD.
3. Với tư cách là người tiêu dùng đang mua dịch vụ, khán giả có quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ thông báo rõ dịch vụ HDTV của họ đâu là thật, đâu là giả.
Hiện nay, các công nghệ truyền hình phổ biến như truyền hình analog, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình kỹ thuật số qua vệ tinh tuy có khác biệt lớn về chất lượng giữa analog và số nhưng đều được gọi chung là SDTV (standard definition television - truyền hình độ nét tiêu chuẩn). Độ phân giải hình ảnh của SDTV chỉ khoảng 720x576, tức hình ảnh ở chuẩn này khi phát lên sẽ có chiều ngang 720 pixel (điểm ảnh) và chiều dọc 576 pixel. Còn với HDTV, nếu là chuẩn HD Ready 720p thì độ phân giải là 1.280x720, còn chuẩn Full HD mới đạt đến độ phân giải 1.920x1.080.
Xem ra HDvietnam vẫn là number #1 các pác nhỉ \m/