Ðề: VTC gặp khó
- Nhìn lại chặng đường 25 năm hình thành và phát triển của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC- đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới, VTC được ghi nhận là đơn vị tiên phong và góp phần không nhỏ vào việc hình thành và phát triển truyền hình số tại Viêt nam
Truyền hình kỹ thuật số VTC đã mang đến thêm nhiều "món ăn tinh thần" cho người dân vùng sâu vùng xa.
Từ “cuộc cách mạng số”...
Ngay từ khi bước vào lĩnh vực kinh doanh truyền thông triết lý phát triển của các thế hệ lãnh đạo VTC truyền cho các cán bộ nhân viên của mình là “ý tưởng mới, hướng đi mới, con người mới và sản phẩm dịch vụ mới”. Chỉ những người biết làm mới mình, làm mới sản phẩm, dịch vụ của mình theo chiều hướng thay đổi, mới có thể nắm giữ được cơ hội cho sự tồn tại lâu dài.
Chính vì vậy mà ngay từ khi cái cảnh mỗi nhà một chiếc ăng ten trên nóc đã trở nên quen thuộc, khi mà giới truyền thông nước nhà ghi nhận sức mạnh và độ phổ biến của truyền hình analog và thậm chí ngay cả khi truyền hình cáp đang được ưa chuộng thì lãnh đạo VTC đã nhìn nhận: “Công nghệ analog sắp hoàn thành nhiệm vụ. Khoa học công nghệ phát triển không cho phép con người tiếp tục phải đặt niềm tin vào một hình thức truyền hình cho chất lượng hình ảnh âm thanh trung bình, lãng phí tài nguyên tần số, phụ thuộc nhiều vào thời tiết như analog nữa”.
Và từ đấy một cuộc cách mạng số hóa trong truyền hình được bắt đầu.
Đầu năm 2001 công nghệ phát hình kỹ thuật số mặt đất theo chuẩn DVB–T được VTC triển khai thành công tại Việt Nam. Đây là sự kiện làm sôn xao giới truyền thông lúc bấy giờ. Truyền hình số mặt đất như một làn gió mới lan tỏa khắp mọi miền của đất nước.
Về sự kiện này báo điện tử VietNamNet (ngày 28/04/2005) viết: “Điều khiến người dân yêu truyền hình tại TP.HCM xôn xao hơn tuần lễ nay không phải là chuyện truyền hình cáp (MMDS) mở đợt siêu khuyến mãi lắp đặt trọn gói và cho mượn bộ giải mã dài hạn. Họ xôn xao cũng không phải do truyền hình số vệ tinh (DTH) mở đợt khuyến mãi cho khách hàng với giá cực rẻ. Điều mà mọi người đặc biệt quan tâm là chuyện VTC được Chính phủ cho phép ứng dụng công nghệ truyền hình số mặt đất trên phạm vi toàn quốc. Thiết bị giải mã model T12 của VTC cho phép người xem thưởng thức tới… 42 kênh truyền hình trong và ngoài nước. Điều này đã làm cho “bàn tiệc kỹ thuật số” thêm bội phần hấp dẫn”.
Tuy nhiên để có được thành quả như vậy là điều không hề đơn giản. Cuộc “cách mạng số” ấy vấp phải không ít lực cản. “Phải mất rất nhiều công sức chúng tôi mới được cấp trên cho thử nghiệm làm truyền hình kỹ thuật số. Chúng tôi được Nhà nước cho phép thực hiện đề tài cấp nhà nước về truyền hình số. Ban đầu, Nhà nước chỉ cho phép tiếp phát lại nội dung của VTV. Dần dần, chúng tôi chứng minh được năng lực về truyền hình số. Ban đầu Truyền hình kỹ thuật số VTC chỉ là tổ biên tập, bây giờ VTC là Đài truyền hình. Cái được lớn nhất của chúng tôi là cả xã hội chấp nhận cho chúng tôi ra đời một đài truyền hình. Nếu không quyết tâm đổi mới, số hóa các khâu trong truyền hình, chúng tôi không thể có Đài truyền hình kỹ thuật số VTC như hiện nay được. Cần phải lưu ý rằng trong truyền hình, kỹ thuật là khâu đi trước rồi mới đến nội dung. Có kỹ thuật mới có truyền hình”- TS Thái Minh Tần, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc VTC nhớ lại.
Sau này, như nhiều người đã biết, tiếp theo việc phát sóng truyền hình số mặt đất, nhiều công nghệ mới trong lĩnh vực truyền hình đã được VTC ứng dụng thành công.
Ngày 20-12-2008, VTC bắt đầu chính thức phát tín hiệu sóng truyền hình lên vệ tinh VINASAT-1 từ trạm phát sóng đặt tại 65 Lạc Trung, Hà Nội, đồng thời cho ra đời bộ thu giải mã tín hiệu truyền hình vệ tinh độ nét cao- HDTV. Với bộ thu giải mã tín hiệu hiện đại này, hàng triệu khán giả của VTC có cơ hội trải nghiệm những giá trị mới từ công nghệ tiên tiến, thưởng thức các chương trình truyền hình có độ nét rất cao và âm thanh trung thực theo tiêu chuẩn HDTV.
Với việc đưa ra thị trưởng sản phẩm bộ thu giải mã HD và phát sóng qua vệ tinh, VTC đã đưa sóng truyền hình với chất lượng cao nhất tới mọi vùng đất của tổ quốc. Từ cao nguyên núi đá Đồng Văn tới mũi Cà Mau, từ Trường Sơn tới Hoàng Sa, Trường Sa. Các kênh truyền hình do VTC phát sóng qua vệ tinh đã thu hẹp khoảng cách thông tin và văn hóa giữa các vùng miền của đất nước, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng cao ở các đô thị lớn. Vừa đáp ứng mong muốn xem truyền hình từ nhiều năm nay của người dân vùng cao, biên giới và hải đảo.
Về sự kiện này Tạp chí “Truyền hình vệ tinh và dịch vụ băng rộng” của Trung Quốc (số 4 năm 2009) viết: “Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) cho ra đời các kênh truyền hình độ nét cao (HDTV) đã khiến cả thế giới ngạc nhiên. Mở ra kỷ nguyên của công nghệ truyền hình vệ tinh thế hệ thứ 2 (DVB-S2) không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Nam Á. Thành tựu này của VTC trong giai đoạn hiện nay đã đưa Việt Nam sánh ngang với những quốc gia mạnh về công nghệ truyền hình”.
VTC được ghi nhận là đơn vị tiên phong và góp phần không nhỏ trong việc hình thành và phát triển truyền hình số tại Việt Nam.
…Đến “cuộc cách mạng nội dung”
Ngay sau khi giải quyết được một bước về công nghệ, VTC bắt tập trung vào phát triển công nghiệp nội dung. Trước hết là xây dựng Đài THKTS. Ban đầu mới chỉ là một ban biên tập với hơn 30 cán bộ, phóng viên. Nhưng, với chính sách thu hút nhân tài và một kế hoạch phát triển hợp lý, rất nhiều cán bộ, phóng viên, biên tập viên, MC… trong đó không ít những “tên tuổi” đã thành danh trong làng báo chí coi VTC là “đất lành” để neo đậu. Bởi vậy, chỉ 3 năm sau khi thành lập, Đài THKTS đã trở thành Đài truyền hình mang tầm cỡ quốc gia, là thành viên của Hiệp hội PTTH châu Á – Thái Bình Dương (ABU) với một tập thể đông đảo cán bộ, phóng viên, nhiều kênh phát sóng 24/24h trên toàn quốc. Không chỉ có truyền hình, VTC còn phát triển phát thanh và truyền hình trên Internet, báo điện tử VTC News, Tạp chí Truyền hình số, báo Thể thao 24h. Chính vì thế VTC được coi là đơn vị xây dựng và phát triển đầy đủ loại hình truyền thông, từ truyền hình, phát thanh đến báo điện tử, báo in...
Một bước tiến thực sự quan trọng không thể không nói tới, đó là tháng 9-2008, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Thông tin và Truyền thông đặt hàng Tổng Công ty VTC về việc cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài.
Việc làm này mở ra giai đoạn mới trong việc tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước: khai thác công nghệ truyền thông hiện đại, chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các thông tin về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội và giải trí đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thông qua việc tận dụng tối ưu thế mạnh của mạng thông tin toàn cầu Internet, hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài đã có thể tiếp cận dễ dàng và thuận tiện tới các chương trình phát thanh truyền hình của Việt Nam. Chưa bao giờ, đồng bào ở xa tổ quốc lại được nghe và xem chương trình từ Việt Nam dễ dàng đến thế.
Trong bối cảnh hiện nay khi mà nền kinh tế nước ta đang gặp không ít khó khăn, thử thách. VTC cũng không nằm ngoài những khó khăn chung ấy. VTC đang tiến hành tái cơ cấu theo Đề án tái cơ cấu Tổng công ty VTC đã được Bộ TT&TT phê duyệt. Theo đó Đài THKTS VTC và các đơn vị báo chí khác vẫn được coi là cốt lõi của chiến lược phát triển. Đây là cơ sở để công cuộc số hóa của VTC phát triển lên một tầm cao mới.
Hải Nam