Ðề: Vài cảm nhận về VTC HD
Dịch vụ truyền hình số VTC: Người dân phải... nắm dao đằng lưỡi
- Khi chưa có truyền hình cáp, các đầu thu kỹ thuật số của VTC (truyền hình số) lên ngôi với lời quảng cáo rằng người dân ở vùng sâu, vùng xa với đầu kỹ thuật số sẽ xem đủ các kênh với giá thành tương đối rẻ - trên hai triệu đồng - đã hút được khá đông khách hàng.
Sau khi truyền hình cáp ra đời, khách hàng lại đổ xô lắp đặt để được hưởng thụ nhiều kênh thông tin, nhưng chỉ sau một thời gian thì khách hàng bị rơi vào thế... nắm dao đằng lưỡi.
Với lợi thế sẵn có, VTC nhanh chóng chiếm được ưu thế của người dân bởi đầu kỹ thuật số với giá thành trên hai triệu đồng. Nhưng sau một thời gian nhiều kênh truyền hình hấp dẫn bị cắt, chủ yếu người dân chỉ được xem các kênh do chính VTC sản xuất.
Trong thời điểm này, VTC tung ra đầu kỹ thuật số loại mới (HDTV, SDTV) cũng với lời quảng cáo hấp dẫn, muốn xem các kênh hấp dẫn, người dân phải bỏ đầu thu cũ để mua đầu thu mới và trả tiền hàng tháng bằng thẻ. Do vậy, người dân đổ xô sang truyền hình cáp để mong được hưởng thụ đầy đủ các kênh truyền hình trên thế giới, với niềm tin không bị mất tiền để đổi hết đầu thu này sang đầu thu khác.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Diễn đàn Lao Động nhận được phản ánh của khách hàng về chất lượng truyền hình cáp, luôn bị mất tín hiệu, nhất là vào buổi đêm, vì vậy việc gọi nhân viên truyền hình cáp đến khắc phục sự cố là bất khả kháng.
Theo phản ánh của chị Ngô Mai Lan (Hà Nội), khi ký hợp đồng với Cty cổ phần quốc tế truyền hình cáp và viễn thông Việt Nam có trụ sở tại 118G6 Nguyên Hồng, phường Thành Công, TP.Hà Nội, chị Lan rất yên tâm khi trong bản hợp đồng phía Cty cổ phần quốc tế truyền hình cáp và viễn thông Việt Nam ghi rất rõ, nếu mất tín hiệu, tín hiệu không rõ thì gọi điện ngay đến số máy 04.62660913 hoặc 0953676767, chính vì thế mà gia đình chị đóng tiền thuê bao luôn cả năm.
Ban đầu tín hiệu khá tốt, nhưng chỉ sau một thời gian thì tín hiệu luôn bị mất, nhất là vào ban đêm, khách hàng không thể gọi điện đến Cty để được khắc phục sự cố. Thế là cả đêm hôm đó gia đình chị đành quên tivi trong nỗi bực bội.
Chưa hết, đến sáng hôm sau, cũng phải đợi đến hơn 9 giờ chị Lan mới dám gọi điện vào hai số máy của Cty, nhưng máy di động thì chuông đổ mà không có người nghe, gọi đi gọi lại vẫn chỉ là chuông đổ. Gọi vào máy cố định cũng tương tự.
Sau bốn lần gọi, chị mới được một nhân viên nữ tiếp chuyện và giải thích lòng vòng vì sao chuông đổ không có người nghe, vì sao lại mất tín hiệu... chị Lan yêu cầu nhân viên đó gọi lại cho chị, nhân viên này hứa rồi... quên luôn.
Tại sao người tiêu dùng ở nước ta cứ phải chịu thiệt thòi mãi như vậy? Ai bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng? Mặc dù luật pháp đã quy định về quyền của người tiêu dùng, nhưng xem chừng biện pháp chế tài vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền thực thi mạnh mẽ nên người tiêu dùng vẫn luôn phải... nắm dao đằng lưỡi.
Tiền mất, tật mang khi mua phải hàng kém chất lượng..., song trong việc này, chẳng ai chịu ngoài người tiêu dùng.
Nguồn: Lao Động số 143 Ngày 29/06/2009
http://www.laodong.com.vn/Home/Dich...n-phai-nam-dao-dang-luoi/20096/144917.laodong