Ðề: TV nào xem HD vô địch
LCD, Plasma hay 3D-HD: Đâu là thiết bị chiếm lĩnh tương lai?
Tivi LCD đang tạm thời thắng thế (Ảnh minh hoạ)
Không phải LCD, không phải Plasma, càng không phải CRT hay DLP, nhưng cũng chưa chắc là OLED.. tương lai sẽ thuộc về công nghệ truyền hình nào, đó vẫn còn là một câu hỏi ngỏ khi mà sự đào thải khắc nghiệt của công nghệ vẫn đang tiếp diễn từng ngày, từng giờ..
Tạm biệt CRT, DLP, LCD và Plasma?
Phải công bằng mà thừa nhận rằng, phải đến mãi gần đây, khi bỗng nhiên nhận ra rằng những chiếc tivi CRT 'ngốn' điện khủng khiếp thế nào, chúng ta mới bắt đầu nghĩ đến chuyện từ biệt nó. Sự thay thế tuyệt vời của những dòng tivi công nghệ mới như LCD hay Plasma hay LCD - HDTV với màn hình 50 inch cũng khiến nhiều người trong chúng ta thỏa mãn đến mức, nghĩ rằng mình sẽ không còn cần bất cứ một loại công nghệ nào cao cấp hơn nữa. Nhưng lịch sử đã chứng minh rất nhiều lần rằng trong lĩnh vực công nghệ, sự thay thế diễn ra ngay từ khi 'thế hệ công nghệ' mới nhất, hiện đại nhất vừa bắt đầu trở thành chuẩn công nghệ của hiện tại.
Tại sao đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ này, sự đào thải lại khắc nghiệt đến vậy? Hãy bắt đầu với công nghệ DLP (Digital Light Processing - công nghệ ánh sáng số). Vài năm gần đây, công nghệ này thực sự rất được chú ý và kỳ vọng với tiềm năng trở thành 'một điều gì đó thực sự đặc biệt'. Hiện đại với vi mạch điện tử - DMD chip, bên trong là các gương cực nhỏ, mỗi gương tạo nên một điểm ảnh trong vị trí xác định của màn hình, và đặc biệt có độ tương phản cao, hình ảnh trung thực, độ sáng cao, hình ảnh sắc nét nhờ có 1 đến 3 chip DMD.. các tivi dùng công nghệ DLP cũng rất đáng để người ta kỳ vọng vào một sự thành công mang tính bước ngoặt.
Nhưng, đúng vào lúc người tiêu dùng bắt đầu rút ví ra để thay thế các tivi CRT cũ kỹ và nặng nề thì dòng tivi DLP này lại phải cạnh tranh với chiến lược giảm giá mạnh mẽ dòng LCD của các nhà máy sản xuất thiết bị này.. Nhất là khi người ta nhận ra rằng rõ ràng tivi DLP không bao giờ có thể mỏng, thanh thoát, có khả năng chống rung.. như các công nghệ khác thì sự cạnh tranh và đào thải lại càng trở nên khốc liệt hơn. Bạn có thể thấy điều này ở rất nhiều cửa hàng bán tivi hiện nay: vắng bóng các tivi DLP.
Plasma, từng một thời ở ngôi vương trong lĩnh vực này, rất có thể cũng sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của quá trình đào thải. Bằng chứng ư? Bạn có thể thấy nó ở khắp mọi nơi. Pioneer, tập đoàn điện tử của Nhật - thủ lĩnh tiên phong khởi xướng dòng tivi công nghệ plasma, vừa tuyên bố kế hoạch chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất màn hình plasma trong nỗ lực giảm bớt tối đa thua lỗ trong lĩnh vực này. Trong khi đó, gã khổng lồ plasma khác - LG, có lời đồn rằng, cũng đang có kế hoạch tương tự. Dù lời đồn đúng hay sai đi chăng nữa thì sự thật là Plasma cũng đang phải chịu chung số phận với rất nhiều công nghệ đi trước nó.
Một nguyên nhân được nhiều người bàn đến chính là giá cả của loại thiết bị này. Tivi plasma tốn rất nhiều chi phí để sản xuất nên tạo ra một mức giá khá 'chát' với cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng - một thực tế khá khắt nghiệt trong hoàn cảnh kinh tế thế giới đang khủng hoảng hiện nay, đặc biệt là khi xem xét giữa mức giá này tương quan với mức giá của dòng LCD đang được giảm hết cỡ để thu hút sự chú ý của công chúng. Những thống kê gần đây đã chứng tỏ công chúng đang quyết định sự thắng bại của cuộc chiến này: LCD đang thắng thế Plasma trên toàn cầu..
Kỷ nguyên vàng của màn hình tinh thể lỏng LCD?
Còn lại một mình LCD với vị trí tạm thời thắng thế. Tương tự như trong cuộc chiến dai dẳng giữa HD DVD và Blu-ray, LCD đã trở thành người chiến thắng giữa hàng loạt các công nghệ khác không hẳn bởi vì LCD là công nghệ tối ưu nhất, hoàn hảo nhất, ưu việt nhất mà đơn giản là vì số lượng nhà sản xuất tham gia vào cộng đồng này nhiều hơn hẳn so với Plasma và DLP. Nhưng LCD thắng cũng không hẳn chỉ nhờ vào sự may mắn. Công bằng mà nói, LCD có tiềm năng để trở thành một thiết bị tiết kiệm điện năng, có khả năng sẽ còn mỏng hơn nữa và chất lượng hình ảnh của các tivi dòng này, dưới con mắt không chuyên của người tiêu dùng, nhìn khá ổn.
Nhưng cũng đừng quá trông chờ vào LCD. Triều đại của LCD chắc cũng chỉ kéo dài thêm 5 năm nữa là cùng. Hơn nữa, chất lượng hình ảnh của LCD cũng không hoàn hảo. Với những hình ảnh động, tốc độ cao (chẳng hạn như các trận đấu thể thao) thì các tivi LCD được làm hiện nay thường có hiện tượng 'trễ hình' và có vết mờ. Dù có rất nhiều cải tiến thời gian gần đây nhưng phải thú thực rằng còn lâu, LCD mới trở thành công nghệ tốt nhất.
.. OLED sẽ nắm tương lai?
Quay trở lại với cái gọi là 'công nghệ thế hệ mới' mà chúng ta vừa đề cập ở phần đầu. Đó chính là công nghệ OLED (Organic Light Emitting Diode - tạm dịch: công nghệ diode phát sáng hữu cơ). Khi Sony giới thiệu chiếc tivi sử dụng công nghệ này năm 2008, nó đã tạo nên một cơn sốt trong thế giới công nghệ truyền hình. Phá vỡ tất cả các giới hạn về độ mỏng của màn hình TV trước đó, nhắm tới thị trường điện tử tiêu dùng cao cấp, chiếc TV mang mã hiệu XEL-1 của Sony sở hữu một màn hình OLED 11 inch dày chỉ 3 mm - mỏng hơn bất kỳ một chiếc TV LCD hay Plasma nào. Hơn thế nó còn có khả năng hiển thị những tín hiệu hình ảnh 1080p, dẫu cho màn hình 11 inch của nó chỉ có độ phân giải 960 x 540 pixel.
Điều ấn tượng nhất về OLED chính là những chiếc tivi công nghệ này không yêu cầu hệ thống đèn nền chiếu sáng lưng. Thay vào đó, chính chất liệu đi-ốt phát quang hữu cơ OLED, với thành phần chủ yếu là carbon, sẽ tự động phát sáng mỗi khi có dòng điện chạy qua. Sự khác biệt này đặc biệt quan trọng bởi nó cho phép các màn hình OLED tiết kiệm được nhiều điện năng so với các công nghệ khác - một ưu điểm rất lớn trong thời điểm vấn đề tiết kiệm năng lượng đang cấp thiết như hiện nay.
Thêm vào đó, các sản phẩm OLED này chất lượng hình ảnh cũng trung thực hơn và độ tương phản cũng sắc sảo hơn: sáng thì cực kỳ sáng và tối thì cũng cực kỳ tối. Sự vắng bóng của hệ thống đèn nền chiếu sáng lưng cũng là nguyên nhân của khả năng 'phá vỡ mọi giới hạn về độ mỏng' của màn hình OLED. Một số sản phẩm mỏng và linh hoạt đến mức bạn có thể cuộn chúng lại như một tấm thảm và không cần bất cứ một thiết bị đặc biệt nào để giữ được chúng trên tường như các tivi plasma hay LCD khác..
Có vẻ như tương lai đang thuộc về công nghệ ưu việt này..
(Còn tiếp..)
Nhóm Thương hiệu - PR (Ban TKBT)
Nguồn: Digitaltrends
Nguồn=VTV.net . Link:
http://vtv.net/vn/index.asp?menuid=742&parent_menuid=672&fuseaction=3&articleid=7625