Ðề: Ráp HTPC chiếu Full HD giá chỉ 3 triệu! Tại sao không?
PHẦN 5: CÁC VẤN ĐỀ KHÁC
1) Ước tính công suất tiêu thụ:
Vấn đề công suất tiêu thụ của PC có nhiều bác quan tâm nên em xin diễn giải thêm:
-
Câu hỏi thứ nhất là: Máy tính dùng PSU 500W có phải là hao điện hơn máy tính dùng PSU 400W không?
-
Câu trả lời là: Chưa chắc. Nó phụ thuộc vào bên trong máy tính có gì, và cả hiệu suất của PSU nữa.
Bộ nguồn PSU của máy tính là loại bộ nguồn switching, nó có một tính năng đặc biệt là
điều tiết được công suất theo nhu cầu của tải (chứ không phải lúc nào tiêu tốn năng lượng theo đúng cái nhãn danh định của nó).
Công thức tính đơn giản nhất là:
P = Tổng P các thành phần
chia cho hiệu suất bộ nguồn.
Ví dụ: Giả sử các linh kiện tiêu thụ hết 100W và bộ nguồn có dán nhãn 80plus (hiệu suất trên 80%) thì lượng điện tiêu thụ thực tế sẽ là 100 : 0,8 = 125W.
-
Câu hỏi thứ hai là: Nhìn vào biểu giá bậc thang ở trên hóa đơn tiền điện, ta thấy gì?
-
Câu trả lời là: Định mức dành cho các bậc thang giá thấp thì quá ít, chẳng bao giờ đủ cho nhu cầu tối thiểu nữa. Có nghĩa là: nếu ta tiết kiệm được bao nhiêu kW, thì chính là đã tiết kiệm ở phần bậc thang giá cao (trên 1700 đồng/kW).
-
Câu hỏi cuối cùng là: Vậy có cách nào tính được năng lượng tiêu thụ của PC (chỉ cần ước tính thôi)?
-
Câu trả lời là: Có 3 cách.
Cách 1: Tìm thông tin chính thức từ nhà sản xuất của từng linh kiện trong máy (về số Watt của nó), rồi cộng tất cả lại. Cách này chính xác nhất nhưng quá nhiêu khê.
Cách 2: Dùng một phần mềm nào đó có chức năng tính toán công suất. Ta chỉ việc kê khai trong PC đang sử dụng những linh kiện nào. Phần mềm sẽ cho biết kết quả. Dĩ nhiên, nó dựa vào các thông số chung chung, nên kết quả chỉ chính xác tương đối.
Em xin giới thiệu 1 phần mềm như vậy: Overlockulator 1.34
Cách 3: Tương tự cách 2, nhưng thay vì dùng phần mềm thì chỉ cần lên một website nào đó có tính năng tương tự. Thật là nhanh gọn.
Em xin giới thiệu 1 website như vậy:
http://www.antec.outervision.com/
Từ đó, em tính ra công suất tiêu thụ của hệ thống Atom 330 của em, trong trường hợp chạy 4 ổ đĩa cứng cùng lúc thì công suất tiêu thụ vào khoảng
90W.
Em chụp mình minh họa: 4 ổ cứng đang hoạt động gồm: 1 ổ Samsung IDE 160 GB; 1 ổ Samsung EcoGreen 1.5 TB; và 2 ổ WD Green 1TB. Ba ổ sau đều thuộc loại tiết kiệm năng lượng, chạy rất êm và mát, dù cả 4 đang cật lực chép dữ liệu phim HD!
Thí nghiệm trên đã giải tỏa nỗi băn khoăn: liệu bộ nguồn 200W có kéo nổi cả hệ thống + 4 ổ HDD không? Chỉ cần bộ nguồn nghiêm chỉnh là kéo tốt các bác ạ. Hệ thống Atom đúng là siêu tiết kiệm năng lượng!
Tính một cách khiêm tốn nhất, chỉ cần bộ máy Atom 330 của em tiết kiệm 100W so với một hệ thống bình thường nào đó. Một ngày em thường mở máy 10 tiếng. Một tháng em giảm được ít nhất 30 kW tương đương 50 ngàn đồng.
2) Đánh giá hiệu năng hệ thống:
(Đang thực hiện)
3) Cắm dây audio:
Các lỗ cắm audio (3.5 ly) ở phía sau thì không có gì phải bàn. Nhưng các chân cắm audio ở trên mainboard để đưa ra phía trước thì có chút vấn đề với cái case Jetek. Số là ngõ cắm audio ở mặt trước case Jetek thì theo chuẩn AC97 đã cũ, cho nên khi nối dây audio mặt trước vào main thì tất cả đều bị câm nín (Nhiều bác bị tình trạng này cứ tưởng phần audio phía trước bị hư). Cách giải quyết cũng đơn giản: vào Connector Settings chỉnh lại là xong. Nhưng như vậy thì mất đi 1 tính năng rất hay là: tự động ngắt loa cắm phía sau, mỗi khi cắm headphone vào phía trước. Sở dĩ có tính năng này vì chuẩn dây cắm audio mới có thêm các đường tín hiệu nhận biết đang có jack cắm vào hay không.
Việc thay panel audio ở phía trước không đơn giản vì mỗi case có một panel riêng, gắn sang case khác chưa chắc đã khớp (vì cái panel này là tùy hỉ nhà sản xuất case, không có chuẩn về kích thước). Do đó, khi mua case loại khác, các bác lưu ý cái vụ ngõ audio phía trước có support AC97 hay không, và dĩ nhiên đầu cắm trên mainboard cũng vậy. Mặc dù nếu kô khớp nhau thì cũng kô sao, lúc đó chỉ cần chỉnh lại Connector Settings, nhưng sẽ mất đi 1 tính năng nhỏ mà hữu dụng.
Trên mainboard của Atom 330 còn có 1 ngõ S/PDIF. Dù em chưa xài tới, nhưng thôi thì cũng gọi là có ngõ digital cho vui với người ta !
4) Sử dụng hệ thống loa 5.1:
Em đang xài hệ thống Atom 330 này với cặp loa tích hợp trong màn hình. Mỗi khi nghe nhạc Thúy Nga, cần tăng cường chất âm hơn, thì em chỉ đơn giản cắm 1 dây từ ngõ headphone ở phía trước vào dàn mini XB12 (em mua ở Nguyễn Kim hôm khuyến mãi chỉ 1.450k), nghe cũng ổn.
Thế nếu các bác muốn dùng loa 5.1 thì sao? Được các bác ạ. Chỉ cần vào Control Panel để chuyển qua hệ thống loa 5.1 là cả 3 đầu cắm 3.5 ly ở phía sau sẽ chuyển thành ngõ 5.1.
Dĩ nhiên phải nồi nào úp vung đó. Đầu HTPC này thì không nên đi với những dàn loa 5.1 tầm 5-7 triệu mà các bác đại ca hay xài. Em xin giới thiệu dàn loa 5.1 model mới ra của Genius (SW-N5.1 1000) chỉ hơn 900k thui. Bác nào thích, ra các cửa hàng lớn để nghe thử mẫu. Nếu hợp nhãn hợp nhĩ thì múc.
5) Các nền tảng mới (thay vì Atom 330):
Vào thời điểm hiện tại đã xuất hiện những hệ thống mới, ưu việt hơn hẳn Atom 330 nguyên bản trong việc trình chiếu HD và chơi game 3D. Em xin giới thiệu để các bác chưa biết tham khảo (bác nào biết thêm về các hệ thống khác, xin vui lòng thông tin cho anh em biết).
Lưu ý: Em chỉ đề cập đến các hệ thống nettop, không đề cập đến hệ thống dùng cho netbook (thế hệ mới cũng chơi được HD ngon lành).
1) Atom D510:
D510 là phiên bản “nâng cấp nhẹ” của Atom 330. Thoạt nhìn sự khác biệt của 2 phiên bản này cũng na ná như sự khác biệt giữa Atom N270 và N280 (xung nhịp 1.6 GHz tăng lên 1.66 GHz). Nhưng thực tế D510 còn có nhiều khác biệt hơn thế.
a) Điểm tương đồng giữa D510 và Atom 330:
- Có 2 nhân hỗ trợ HT, nói nôm na là “2 lõi 4 luồng”, nên được hệ điều hành nhận diện là 4 con CPU.
- Dùng công nghệ 45 nm. Có cache L2 1MB (2x512). Tốc độ xung nhịp CPU tương đương nhau (1.6 GHz và 1.66GHz).
- Hỗ trợ tập lệnh: MMX, SSE, SSE2, SSE3, SSSE3, Intel 64, XD bit.
- Đều là loại CPU tiêu thụ điện năng cực thấp (8 Watt và 13 Watt), thuộc loại CPU giá thấp, ngon bổ rẻ.
b) Điểm cải tiến của D510 so với Atom 330:
- Điểm khác biệt lớn nhất chính là chipset NM510 Express được dùng để thay thế cho chipset 945GC Express. CPU được tích hợp chíp điều khiển bộ nhớ và chíp xử lý đồ họa (GPU) GMA 3150 chạy ở 400 MHz. Có đồ họa này rồi thì phim HD trở thành chuyện nhỏ.
- Khác biệt đáng kể thứ 2 là D510 hỗ trợ bộ nhớ 667 và 800 MHz, so với Atom 330 chỉ hỗ trợ 533 MHz.
- Khác biệt đáng kể thứ 3 nằm ở mainboard. Do Atom 330 được chế tạo cho mục đích lướt web và các ứng dụng văn phòng nhẹ. Cho nên mainboard của Intel chỉ gồm những cổng phổ thông (các main của hãng khác có bổ sung thêm nhưng vẫn hạn chế). Trong khi đó, D510 được chế tạo nhằm nâng cấp thêm khả năng trình chiếu HD và chơi game 3D nên mainboard của nó thường có thêm các loại cổng “ăn chơi” như eSata, HDMI, DVI...
Đó chính là lý do mà em có nói trong phần trước là Atom 330 không hỗ trợ HD một cách “native”. Do đó, người sử dụng phải chế biến, config hệ thống Atom 330 một cách phù hợp thì mới có thể trình chiếu HD được.
Còn đối với D510, nó không chỉ nhắm vào phân khúc nettop, mà còn nhắm vào cả vào phân khúc low-end desktop nữa.
2) Atom 330 + nVidia ION:
Nếu như D510 là sự nâng cấp Atom 330 do chính hãng Intel thực hiện, thì các hãng khác cũng đã cải tiến Atom 330 theo một cách khác: dùng chính con Atom 330 kết hợp với GPU đồ họa thích hợp để tạo ra một nền tảng gọi là Atom 330 + nVidia ION.
Rõ ràng, các nhà cải tiến đã nhìn thấy rất rõ điểm mạnh của Atom 330 (tiết kiệm, công nghệ) và điểm yếu của nó (khả năng về multimedia), nên đã đưa ra nền tảng Atom 330 + nVidia ION.
Ngoài ra, nền tảng này do nhiều nhà sản xuất (không phải Intel) tiến hành, nên sự lựa chọn trên thị trường cũng phong phú và đa dạng hơn. Ví dụ ở VN em đã thấy rao bán mainboard ZOTAC như sau có giá khoảng 3 triệu:
- nVidia Geforce 9300 M 256MB onboard
- DVI, HDMI, VGA
- Mini PCI Express slot, 6x PCI Express slot
- Wifi onboard
Thông số cũng hấp dẫn, các bác nhỉ. Board này có cùng kích thước mini ITX như board Atom 330 trong con HTPC của em. Do đó, về cơ bản là không có gì thay đổi trong việc lắp ráp.
Nếu các bác không thích tự lắp ráp thì có thể search các mẫu Atom 330+nVidia ION (hàng nguyên bộ). Có rất nhiều mẫu lạ mắt, có mẫu nhỏ gọn đến không ngờ. Khi ráp con Atom 330 nguyên bản, em không thể ngờ hậu bối của nó là phong phú và đa dạng đến vậy. Chỉ tiếc là giá cao quá. Toàn tầm 5 triệu trở lên.
Các bác thử tham khảo mẫu nhỏ xíu mà bác nguyenhieu189 giới thiệu trên hdvietnam. Trên báo PC World số tháng 4 vừa ra cũng có giới thiệu con Eee Box của Asus “nhỏ thấy mà thương”.
3) So sánh 2 hệ thống trên:
Đọc xong 2 mục trên, chắc chắn các bác sẽ có nhu cầu muốn so sánh vậy thì giữa hệ thống D510 và hệ thống Atom 330 + nVidia ION, cái nào mạnh hơn?
Đã có một cuộc thử nghiệm về vấn đề này rồi, giữa 2 hệ thống có tên gọi như sau:
- Acer Aspire Revo R3610-U9012 (xài con Atom 330 + Nvidia ION).
- Whitebox D510 (xài con D510, dĩ nhiên với đồ họa tích hợp GMA 3150)
Kết quả như bảng sau:
- Hệ thống D510 thắng trong phép thử mã hóa Windows Media Encoder với thời gian hoàn tất 3:02 (so với 3:10 của Atom 330 + nVidia Ion).
- Hệ thống D510 thua trong phép thử PhotoShop CS4 với thời gian hoàn tất 8:16 (so với 8:03 của Atom 330 + nVidia Ion).
- Chung cuộc, D510 dành được 1830 điểm PCMark Vantage (so với 1921 điểm của Atom 330 + nVidia ION). Nghĩa là D510 yếu hơn một chút xíu. Nhưng gỡ gạc lại thì hệ thống dùng D510 lại tiêu thụ ít năng lượng hơn (Tổng cộng 19W so với 26W). Do đó, Whitebox D510 thậm chí còn không dùng cả quạt làm mát cho CPU và chipset, nên nó được gọi là hệ thống fanless (hoàn toàn im lặng!!!).
4) Kết luận:
Để cho khách quan, em xin mượn lời các chuyên gia và dịch lại kết luận của họ như sau:
“Nếu bạn đang có một hệ thống nettop Atom 330 và vẫn hài lòng về hiệu năng của nó, bạn không cần phải nâng cấp lên thế hệ Atom mới làm gì. Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng một hệ thống cũ kỹ hơn (netbook N270, nettop N230...) thì việc nâng cấp lên Atom D510 (hoặc Atom 330+nVidia ION) là đáng giá. Điều này sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng multimedia, lướt web và chơi game.
Ngoài ra, nếu bạn đang dùng các hệ thống cũ kỹ khác (như P3, P4...) thì việc chuyển sang dùng Atom D510 (hoặc Atom 330+nVidia) sẽ giúp bạn tiết kiệm được hóa đơn tiền điện một cách đáng kể.”
He...he... dĩ nhiên bác nào vừa muốn dùng công nghệ mới, vừa muốn tốn tiền điện (với các hệ thống đòi hỏi bộ nguồn từ 400W trở lên), thì cứ việc xài Core 2, i3, i5, i7. Xét cho cùng thì dòng họ nhà Atom sinh ra không phải là để dùng cho PC tầm cỡ mid-end hoặc hi-end.