Trung Quốc thử nghiệm khung xương robot cho người đi đền chùa đỡ mỏi chân: Đeo vào leo hơn 7.200 bậc thang, gấp rưỡi đường lên Yên Tử không thấy mệt

NhatTrungNguyen

Super Moderators
Thành viên BQT

Tập đoàn Du lịch Văn hóa Thái Sơn dự định sẽ triển khai 3.000 khung xương robot tại khu danh thắng của mình từ nay cho tới tháng 6. Dọc theo "con đường của Hoàng Đế", họ sẽ mở các trạm cũng cấp pin thay thế, dịch vụ bảo trì và giám sát GPS.​


Nếu từng có dịp đến Núi Thái Sơn, một trong "Ngũ Nhạc" hay 5 ngọn núi thiêng ở Trung Quốc, bạn sẽ thấy mặt hàng được bày bán nhiều nhất ở đây là những cây gậy. Đâu đâu cũng là gậy, đủ màu sắc, chủng loại, từ gậy gỗ, gậy tre, gậy trúc cho tới những chiếc gậy rút bằng hợp kim nhôm dành cho người leo núi chuyên nghiệp.

Đó là bởi để có thể tham quan hết 22 ngôi đền, 14 cổng vòm, và hàng ngàn di tích khác ở khu du lịch tâm linh này, bạn sẽ phải đi bộ hơn 8 km, leo qua hơn 7.200 bậc thang để tới đỉnh của ngọn núi cao hơn 1.545 mét, gấp rưỡi Chùa Đồng, ngôi chùa cao nhất Việt Nam được xây trên Đỉnh Yên Tử, Quảng Ninh, cao 1.068 mét.

Đầu năm, Trung Quốc thử nghiệm khung xương robot cho người đi đền chùa đỡ mỏi chân: Đeo vào leo hơn 7.200 bậc thang, gấp rưỡi đường lên Yên Tử không thấy mệt- Ảnh 1.
Đường lên đỉnh Thái Sơn, Trung Quốc.

Mặc dù về mặt lý thuyết, có tới 4 con đường để đi lên Núi Thái Sơn, hai trong số đó có xe bus và cáp treo, nhưng hầu hết du khách tới đây đều muốn chọn đi đường bộ.

Con đường linh thiêng này được mệnh danh là "đường của Hoàng Đế". Theo truyền thuyết, có tới 72 vị vua từ thời nhà Chu đã đích thân bộ hành trên chính con đường này, để viếng thăm đỉnh Ngọc Hoàng, nơi họ sẽ thực hiện các nghi lễ cúng tế và thiền định.

Không rõ thể lực của các vị vua Trung Quốc thời cổ đại tốt đến đâu, nhưng cuộc hành hương kéo dài từ 4-6 tiếng đồng hồ ngày nay là một thử thách đích thực đối với hàng trăm ngàn du khách tới núi Thái Sơn mỗi năm, đặc biệt là người cao tuổi hoặc các du khách có sức bền hạn chế.


Zhao Xiangcai, một sinh viên ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông cho biết leo núi Thái Sơn chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng, ngay cả đối với anh một thanh niên 23 tuổi.

Tuy nhiên, khi đến với khu danh thắng tâm linh vào dịp Tết Nguyên Đán năm nay, Zhao đã có một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Anh đã có thể leo bộ 7.200 bậc thang, liên tục mà không hề thấy mệt mỏi.

Trải nghiệm có được là do Zhao đã dùng thử một dịch vụ mới đang được triển khai bởi Tập đoàn Du lịch Thái Sơn: Những khung xương robot hỗ trợ người leo núi.

67a2353ea310a2ab87b63d97-1738827121057-17388271213951816586200-1738836503745-17388365039101155322213.jpeg


Thiết bị - được gọi là khung xương robot "Pi" - là sản phẩm được Kenqing Technology, một công ty công nghệ có trụ sở ở Thâm Quyến, phát triển trong hơn 10 năm qua.

Trong đó, họ đã nỗ lực tìm cách thu nhỏ các bộ khung xương robot trợ lực thế hệ cũ siêu lớn, với trọng lượng lên tới 20 kg, xuống chỉ còn một thiết bị gấp gọn, nặng 1,8 kg để có thể sử dụng đa mục đích và trong nhiều điều kiện đời sống hàng ngày.

Khi được mặc lên, khung xương này sẽ ôm sát eo và chân người dùng, tạo ra một lực đẩy khoảng 500W hỗ trợ mỗi bước chân người sử dụng. Được tích hợp hàng loạt cảm biến và trí tuệ nhân tạo AI, Pi còn có thể tự động phân tích địa hình, phản hồi từ chuyển động và công thái học của cơ thể người đeo để tính toán ra kịch bản hỗ trợ tốt nhất.

"Em cảm thấy như thể con robot đã làm hầu hết công việc cho em, và việc leo núi đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều", Zhao nói. "Em chỉ cần nhấn một vài nút dưới sự hướng dẫn của nhân viên, và thiết bị sẽ tự động điều chỉnh theo tốc độ đi bộ của em. Thật dễ dàng và tuyệt vời".


Không chỉ có Zhao, các khung xương robot Pi đang được triển khai tại khu danh thắng núi Thái Sơn đang đem lại trải nghiệm thú vị cho nhiều du khách.

Trong một video được lan truyền trên internet, một người đàn ông 70 tuổi đã thử đeo khung xương này chia sẻ: "Nó như nâng chân tôi lên từng bậc. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể lên đỉnh Thái Sơn lần thứ hai trong đời!".

Một người khác chia sẻ cảm giác: "Leo núi giờ trở nên nhẹ như không. Khi không bị mệt, tôi mới có thời gian để thưởng ngoạn cảnh đẹp".

Ông Vương Hậu Triết, Phó bí thư Đảng ủy Tập đoàn Du lịch Văn hóa Thái Sơn cho biết mỗi đầu năm, trong và sau dịp Tết Nguyên Đán, Núi Thái Sơn đón khoảng 400.000 khách du lịch. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đi hết hành trình hơn 7.200 bậc thang này.

Mặc dù khu du lịch đã ứng dụng nhiều công nghệ, bao gồm cả chó robot dẫn đường và robot hướng dẫn viên thông minh được trang bị GPS, nhưng bài toán thể lực đối với nhiều du khách vẫn chưa được giải.

Việc họ chỉ có sự hỗ trợ của những cây gậy, một công nghệ cổ xưa có tuổi đời hàng triệu năm trước, trong thời đại của robot là điều khó có thể chấp nhận được.

Đầu năm, Trung Quốc thử nghiệm khung xương robot cho người đi đền chùa đỡ mỏi chân: Đeo vào leo hơn 7.200 bậc thang, gấp rưỡi đường lên Yên Tử không thấy mệt- Ảnh 3.

Tập đoàn Du lịch Văn hóa Thái Sơn dự định sẽ triển khai 3.000 khung xương robot Pi tại khu danh thắng của mình từ nay cho tới tháng 6. Dọc theo "con đường của Hoàng Đế", họ sẽ mở các trạm cũng cấp pin thay thế, dịch vụ bảo trì và giám sát GPS.

Giá dịch vụ thuê khung xương robot sẽ giao động trong khoảng từ 60-80 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 200.000-280.000 VNĐ.

"Phản hồi là rất tích cực vượt quá mong đợi của chúng tôi. Khách tham quan tò mò và hào hứng với công nghệ này. Nhiều người thậm chí còn gọi điện để hỏi về việc mua thiết bị cho các thành viên lớn tuổi trong gia đình hoặc những người có khả năng vận động hạn chế", ông Vương cho biết.


Đầu năm, Trung Quốc thử nghiệm khung xương robot cho người đi đền chùa đỡ mỏi chân: Đeo vào leo hơn 7.200 bậc thang, gấp rưỡi đường lên Yên Tử không thấy mệt- Ảnh 4.

Nhưng đối với Kenqing Technology, công ty công nghệ đứng đằng sau thiết bị khung xương robot Pi, sự thành công của nó ở Núi Thái Sơn không phải là đích đến cuối cùng.

Kenqing đang nghiên cứu ứng dụng thiết bị của mình trong mọi điều kiện của đời sống hàng ngày. Nó có thể hỗ trợ những người tập vật lý trị liệu, giúp công nhân khuân vác, hỗ trợ người già tự đi lại, leo cầu thang, xách đồ đạc...

Theo thống kê, Trung Quốc hiện có hơn 280 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 19,8% dân số. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên 30% vào năm 2035. Sự già hóa khiến nhu cầu về giải pháp hỗ trợ vận động trở nên cấp thiết.

Theo báo cáo của Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, robot hình người đang chuẩn bị trở thành nền tảng công nghệ lớn tiếp theo sau máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và xe năng lượng mới.

Lĩnh vực này có khả năng hình thành nên một thị trường trị giá hàng nghìn tỷ nhân dân tệ. Báo cáo cho biết robot hình người sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và những thách thức do dân số già hóa gây ra, đặc biệt là trong sản xuất và nông nghiệp.

Đầu năm, Trung Quốc thử nghiệm khung xương robot cho người đi đền chùa đỡ mỏi chân: Đeo vào leo hơn 7.200 bậc thang, gấp rưỡi đường lên Yên Tử không thấy mệt- Ảnh 5.


Từ trải nghiệm với khung xương robot Pi trong chuyến leo núi Thái Sơn đầu năm của mình, Zhao, cậu sinh viên ở Thái An cho biết: "Em cũng muốn mua một chiếc cho ông bà em ở nhà, nếu giá cả hợp lý".

Kenqing cho biết họ đang có 2 phiên bản Pi và Pi Plus hướng đến thương mại hóa khung xương này, với giá dưới 10.000 Nhân dân tệ, hay không quá 35 triệu VNĐ/bộ. Mỗi bộ khung xương đi kèm 1-2 viên pin, mỗi viên hỗ trợ được 10.000 bước chân, đúng bằng khuyến cáo vận động hàng ngày dành cho mọi người.
 
Bên trên