Trung Quốc nổi tiếng với tài sao chép suốt nhiều năm qua.
Sau nhiều thập kỷ thống trị thị trường xe Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô Đức đang phải chịu thua nhiều đối thủ ‘gà nhà’ vốn đang thay đổi định nghĩa về các dòng xe cấp cao, thông minh nhưng giá cả rất phải chăng.
Xiaomi SU7 cực kỳ phổ biến, bắt chước Taycan của Porsche, song lại có giá trị cạnh tranh về công suất và phanh. Điều tuyệt vời nhất: chiếc xe này được bán với giá chỉ bằng một nửa Taycan.
Kết quả là, các nhà sản xuất ô tô Đức vốn đã thống trị thị trường xe cao cấp của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ hiện đang chứng kiến doanh số giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó, Xiaomi — nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu của Trung Quốc — lại bán được hơn 100.000 mẫu SU7 vào năm ngoái.
Porsche, một trong những hãng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, báo cáo vào tháng trước rằng lượng xe giao tại Trung Quốc đã giảm 28% vào năm 2024. Doanh số một số khu vực khác trên thế giới vẫn tăng, song đà sụt giảm ở Trung Quốc đủ lớn để kéo lượng xe giao toàn cầu trong năm giảm 3%.

Trong nhiều năm, các nhà sản xuất ô tô Đức đã dựa vào thị trường Trung Quốc để bù đắp cho nhu cầu yếu kém ở phần còn lại của thế giới. Điều này vô hình chung khiến các hãng xe bỏ qua vấn đề cơ cấu sâu sắc để chinh phục thị trường trong nước.
“Các nhà sản xuất phương Tây lâu đời của Đức, Mỹ và Nhật Bản-Hàn Quốc đã đánh giá thấp động lực phát triển của các nhà sản xuất Trung Quốc, cụ thể là trong các lĩnh vực quan trọng là xe điện và xe công nghệ cao”, Stefan Bratzel, giám đốc Trung tâm Quản lý Ô tô tại Bergisch Gladbach, Đức cho biết.
Theo các chuyên gia, những tiến bộ trong phần mềm và các tính năng như lái tự động và điều khiển từ xa đã trở thành tiêu chuẩn trong xe điện Trung Quốc, từ đó gây áp lực buộc các nhà sản xuất ô tô châu Âu phải đẩy mạnh hoạt động.
“Tôi nghĩ rằng người tiêu dùng Trung Quốc hiện đã chấp nhận rằng các công ty trong nước cũng có thể sản xuất dòng xe cao cấp”, Gary Ng, một nhà kinh tế tại Natixis Corporate & Investment Banking cho biết.
Tháng này, Porsche thông báo sẽ chia tay giám đốc tài chính và một giám đốc bán hàng cấp cao. Cả hai đều chịu áp lực vì hiệu suất kém của Porsche, bao gồm cả ở thị trường Trung Quốc.
Thêm đó, Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo các cố vấn của mình đưa ra mức thuế quan mới cho các đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm Liên minh Châu Âu. Điều này có thể gây tổn hại cho Porsche, không giống như BMW, Mercedes-Benz hay các thương hiệu Volkswagen khác chỉ cung cấp cho thị trường Mỹ bằng hàng xuất khẩu từ Đức.
Tuần trước, Porsche cho biết sẽ cắt giảm tới 1.900 việc làm tại Đức trong những năm tới, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm. Doanh số bán xe điện Taycan giảm gần một nửa vào năm ngoái, xuống còn 20.836 xe được giao trong khi doanh số bán xe Panamera mới, một mẫu xe hybrid, giảm 13%.
Seaky He, một người sáng tạo nội dung sống tại Hồ Nam, đã mua chiếc xe coupe Mercedes-Benz CLA màu đỏ tươi vào năm 2017. Tuy nhiên, vào năm ngoái, cô quyết định đổi nó để lấy một chiếc Xiaomi SU7 với nhiều tính năng ‘đáng đồng tiền bát gạo’.
“Khi chọn chiếc xe mới, tôi thậm chí còn không nghĩ đến việc mua một chiếc xe Đức khác”, cô He cho biết.
Bất chấp những tranh cãi liên quan đến thiết kế giống Taycan của SU7, phần lớn chủ sở hữu và người hâm mộ đều đánh giá cao tính thẩm mỹ của nó. Một cuộc khảo sát do công ty truyền thông về mảng năng lượng mới Garage No. 42 thực hiện cho thấy 81% trong số 100 chủ sở hữu đặt trước Xiaomi SU7 coi “thiết kế ngoại thất” là yếu tố hàng đầu khi mua xe.
Theo Carscoops, việc Xiaomi SU7 bán “đắt như tôm tươi” xuất phát từ mức giá niêm yết khởi điểm 29.900 USD , nghĩa là thấp hơn 4.000 USD so với những chiếc Tesla Model 3 xuất xưởng từ Gigafactory Thượng Hải. Trước đó, Xiaomi từng ghi nhận tới 50.000 đơn đặt cọc chỉ trong vòng 27 phút kể từ khi mở bán SU7.
SU7 hiện vẫn chưa được xuất khẩu, song một số mẫu đã đến Mỹ. James D. Farley Jr., giám đốc điều hành của Ford Motor, cho biết ông cũng đã mua một chiếc từ Thượng Hải và rất hài lòng.
“Tôi không thích nói nhiều về đối thủ cạnh tranh và cuối cùng vẫn lái chiếc Xiaomi”, Farley nói khi trò chuyện với người dẫn chương trình Robert Llewellyn trên The Fully Charged Podcast. “Tôi đã lái nó trong 6 tháng nay và quả thật không muốn bỏ”.
Đây không phải lần đầu tiên CEO Farley nhận xét về quy mô hoặc tiến độ của ngành công nghiệp EV Trung Quốc. Sau khi đến thăm nước này vào tháng 5/2024, ông thừa nhận ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc là “mối đe dọa hiện hữu”. Bản thân ông và giám đốc tài chính John Lawler vô cùng ấn tượng trước chất lượng của những chiếc EV Made in China.
“Jim, điều này không giống bất kỳ điều gì trước đây”, Lawler nói với Farley, theo tờ Journal. “Họ đã đi trước chúng ta”.
Theo một báo cáo mới, 2025 sẽ là năm đầu tiên trong lịch sử doanh số bán xe điện tại Trung Quốc sẽ vượt doanh số bán xe truyền thống. Cột mốc này sẽ đưa Trung Quốc vượt lên dẫn trước phương Tây, trong một giai đoạn quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.
Tờ Fortune cũng nhận định, thị trường xe điện toàn cầu năm tới sẽ tăng trưởng chủ yếu nhờ Trung Quốc bởi đây vẫn là nơi có hoạt động kinh doanh ô tô lớn nhất thế giới. Chuyên gia Robert của Rho Motion cho rằng Trung Quốc chiếm 64% doanh số bán xe điện vào năm 2024 và sẽ không có dấu hiệu sẽ mất thị phần trong năm 2025.
“Trung Quốc sẽ tăng gần gấp đôi doanh số bán xe điện vào năm tới so với phần còn lại của thế giới cộng lại”, ông Robert cảnh báo.