pegasus3390
Well-Known Member
Một trong những lý do khiến cho bộ đôi Samsung Galaxy S8/S8+ trở nên rất đáng mong đợi bên cạnh màn hình vô cực cũng như cấu hình mạnh mẽ chính là khả năng kết nối với bộ Dex Station mới cho phép tận dụng phần cứng mạnh mẽ của những chiếc flagship mới để tạo ra giao diện desktop và có thể thay thế phần nào một chiếc máy tính để bàn thực sự. Mặc dù được giới thiệu cùng lúc với chiếc S8 cũng đã vài tháng nhưng đến hôm nay mình mới được trên tay thiết bị này và thực sự có khá nhiều thứ bất ngờ.
Thiết kế vỏ hộp cũng khá đơn giản với màu đen toàn bộ và chiếc Dex Station
Kích thước thực tế của chiếc Dex cũng không lớn lắm khi có thể nằm gọn gàng trong lòng bàn tay
Phía sau chiếc Dex là loạt các cổng kết nối với cổng Ethernet đặt ở giữa
Bên trái là 2 cổng USB 2.0 tiêu chuẩn
Bên phải là cổng USB-C cho kết nối sạc và cổng HDMI
Chiếc Dex sử dụng cơ chế trượt để làm giấu phần jack kết nối đồng thời khi trượt lên thì phần phía trên chiếc Dex cũng đóng vai trò giá đỡ cho chiếc Galaxy S8/S8+ bên cạnh kết nối USB-C.
Phần giá đỡ này cũng kiêm luôn một chiếc loa cỡ nhỏ, có thể phát âm thanh tương đối lớn nếu màn hình được kết nối không được tích hợp sẵn loa. Việc tích hợp này mặc dù với nhiều bạn có vẻ thừa nhưng màn hình của mình không có tích hợp sẵn loa nên thực sự tiện hơn phải cắm ra tai nghe ngoài.
Khi trượt lên phía sau là hệ thống tản nhiệt cho thiết bị. Các lỗ thoát khí khá nhiều và nhìn khá hiện đại.
Chân đế cũng được Samsung chăm chút khá kỹ khi trang bị một tấm cao su lớn giúp chiếc Dex khó trượt đi khi đặt trên bàn.
Việc sử dụng chiếc Dex Station cũng khá thuận tiện. Chúng ta sử dụng luôn sạc và cáp tặng kèm theo chiếc S8 để cấp nguồn cho thiết bị, cắm cổng HDMI để kết nối với màn hình và chọn chế độ Desktop thì chúng ta đã có thể sử dụng giao diện như máy tính thông thường.
Với các phương thức nhập liệu thì cũng khá đơn giản. Chúng ta có hai lựa chọn sử dụng các thiết bị chuột và bàn phím kết nối qua Bluetooth hoặc sử dụng cổng USB thông thường được trang bị sẵn trên chiếc Dex mà không gặp vấn đề về tương thích phần cứng.
Giao diện sử dụng về cơ bản là giống với Windows với một chút khác biệt, chúng ta vẫn có các biểu tượng ứng dụng được đặt theo dạng lưới ở màn hình desktop, một thanh taskbar với 3 nút điều hướng cơ bản của Android nhằm gọi ứng dụng cũng như chuyển đổi ứng dụng tương tự như trên điện thoại. Bên cạnh nút điều hướng sẽ là các ứng dụng đang chạy, đồng thời bên trái là các tính năng phụ cũng như hiển thị thông tin cơ bản như thời gian, tình trạng Wi-Fi, ngày giờ,… tương tự như trên máy tính. Bất cứ ai đang dùng máy tính dạng destop với giao diện GUI đều có thể làm quen giao diện này trong 5 phút.
Samsung cũng cung cấp một trải nghiệm quen thuộc dạng cửa sổ và cho phép chúng ta mở rất nhiều cửa sổ cùng lúc.
Hệ thống quản lý đa nhiệm cũng cho phép thu gọn và theo dõi tất cả các ứng dụng đang chạy ở dạng thu gọn.
Tất nhiên chúng ta không có nhiều phần mềm và tinh chỉnh phức tạp như trong Windows tuy nhiên hệ thống vẫn có giao diện chọn ứng dụng khá đơn giản và trực quan. Các thiết lập hoặc tùy chỉnh sẽ được hiển thị giống như trên giao diện điện thoại. Rất đơn giản và trực quan.
Thử nghiệm cho thấy việc chạy các video độ phân giải Full HD vẫn hoàn toàn mượt mà và không xảy ra hiện tượng giật lag hình. Việc sử dụng phần mềm cũng rất nhịp nhàng gần như việc sử dụng trực tiếp trên S8 nhưng không gian rộng hơn khá nhiều. Các ứng dụng văn phòng như Word, Excel vẫn có thể được sử dụng, tuy nhiên chúng ta cần thêm tài khoản Office 365 nữa.
Một điểm đáng chú ý khác đó là trong thời gian mình sử dụng khoảng 30 phút, mặt dù không ở trong phòng máy lạnh nhưng chiếc S8 mình dùng chạy rất mát, không có dấu hiệu bị nóng lên như mình vẫn nghĩ khi sử dụng. Điều này cho thấy có thể Samsung đã tối ưu hệ thống rất tốt hoặc cũng có thể phần tựa cho S8 trên Dex đồng thời cũng đóng vai trò tản nhiệt hệ thống. Dù vậy điều này cũng hứa hẹn khả năng hoạt động lâu dài mà không gây quá nhiệt cho thiết bị.
Những trải nghiệm ban đầu cho thấy chiếc Dex Station của Samsung khá gọn gàng, được gia công chắc chắn và thiết kế tỉ mỉ. Khi kết hợp với S8 chúng ta có được một hệ thống có thể đáp ứng được nhu cầu khá cơ bản để làm việc cũng như giải trí cơ bản hằng ngày. Mặc dù chiếc Dex Station và Samsung Galaxy S8 không thể thay thế một bộ máy tính thực thụ, nhưng nó cũng sẽ làm hài lòng không ít người chỉ có nhu cầu cơ bản về giải trí, email hoặc đọc tài liệu (và tất nhiên là đã mua sẵn Galaxy S8/S8+ ^^)