tienlequoc
Well-Known Member
Lưu ý: Tác giả viết bài này đứng trên quan điểm người dùng và là một thành viên thông thường của HDVN, không phải Moderator, cũng không phải là một nhà kinh doanh. Bài viết chỉ có giá trị tham khảo và không có ý gạch đá ai cả.
Phần mở đầu: Tiếng gọi của lịch sử!
Phần này mình kể về thị trường cá tra khoảng hai năm về trước. Nghe có vẻ gàn dở, vì cá tra thì liên quan quái gì đến Android box nhỉ? Nhưng nhìn vào thị trường Android box trong 24 giờ qua, trong đầu mình tự nhiên xuất hiện một sợi dây vô hình gắn kết hai ngành nghề trông có vẻ chẳng dính dáng gì với nhau.
Nhìn lại thị trường cá tra năm 2011-2012: Từ trước năm 2011, Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nhu cầu tiêu thụ cá tra năm 2011 trên phạm vi thế giới sẽ tăng. Tuy nhiên, các dự đoán về sản lượng cá tra trong năm 2011 sẽ giảm so với năm 2010. Do đó, nhiều người đưa ra đáp số đầy lạc quan về bài toán lợi nhuận chắc chắn như đinh đóng cột: Giá thu mua cá tra sẽ tăng theo hướng có lợi cho người nuôi.
Do đó, phần lớn các ao hầm, các điểm nuôi quy mô vẫn được duy trì, thậm chí còn có dấu hiệu tăng thêm. Bên cạnh đó, một số Nhà máy chế biến xuất khẩu tăng cường quan tâm việc mở rộng vùng nguyên liệu thông qua việc đầu tư vốn cho ngư dân, hoặc thuê mướn ao hầm, điểm nuôi, đã xuất hiện thêm đối tượng nuôi cá tra mới: Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản.
Xu thế chuyển dịch chủ thể chăn nuôi có thể mang đến cho nghề nuôi cá tra lợi thế về tài chính, nguồn thức ăn chăn nuôi chất lượng, nhưng lại gia tăng nguy cơ bất ổn ngay bên trong. Do mỗi đối tượng đến với con cá tra với một mục đích khác nhau, nên đã đẩy nguy cơ tái phát căn bệnh rớt giá lên đôi vai ngư dân - vốn đang đuối sức chịu đựng sức cạnh tranh từ các đối thủ mạnh hơn họ rất nhiều. Các Nhà máy thức ăn thủy sản đầu tư nuôi cá tra chủ yếu là để chiếm giữ đất để khấu trừ dần khoản nợ mà ngư dân khó thanh toán, qua đó tiếp tục duy trì, phát triển tốc độ sản xuất của đơn vị. Vì vậy đến thời điểm thu hoạch, họ sẵn sàng bán cá với giá “mềm”, thậm chí ngang giá sàn mà vẫn có lãi (chủ yếu từ sản xuất thức ăn). Điều này sẽ trực tiếp đẩy mặt bằng giá cá tra nguyên liệu xuống mức thấp hơn thực tế. Tuy nhiên, cái đáng lo nhất chính là sự mở rộng diện tích nuôi của chính các Nhà máy chế biến xuất khẩu, bởi vùng nguyên liệu tự cung-tự cấp sẽ tăng cơ hội “cò kè” giá theo hướng bất lợi cho ngư dân: Nếu không đồng ý bán cá với giá do doanh nghiệp đưa ra, doanh nghiệp sẽ trở về khai thác cá tại vùng nguyên liệu. Nhất là theo dự báo, phần lớn lượng cá sẽ thu hoạch dồn vào thời điểm cuối năm. Khi đó, chắc chắn sẽ có nhiều ngư dân phải “cắn răng” bán bằng mọi giá, vì cá là sản phẩm càng để lâu càng tăng khả năng rủi ro, thua lỗ.
Những diễn biến này không chỉ tiếp tục làm “hao mòn” tài chính, suy giảm tinh thần, ý chí của người nuôi, mà còn đẩy sản phẩm cá tra VN vào thế bất lợi trên trường thế giới. “Với nhiều bất lợi về kỹ năng chăn nuôi, chăm sóc, phí quản lý... nên chắc chắn giá thành cá tra tại vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp sẽ cao hơn ngư dân. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của sản phẩm cá tra trong bối cảnh sức cạnh tranh của thị trường đang ngày càng trở nên gay gắt”
Việc quyền lợi của ngư dân và doanh nghiệp dẫm đạp lên nhau cộng thêm sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp làm cho giá cá tra VN ngày càng đi xuống, mất dần vị trí độc tôn trước một số nước đang đầu tư mạnh mẽ vào cá tra như Thái Lan, Indonesia, Philippines.
Vậy thị trường cá tra thì liên quan gì đến thị trường Android box hiện nay. Mời các bạn cùng đón xem phần 2.
Phần 2: Thị trường Android box – Sự điên loạn trong 24 giờ qua.
Ngày 24/8/2013, được sự nhờ vả của một thương gia trong việc đưa sản phẩm Android box Himedia Q5II lên HDVN với giá rẻ hơn cả thị trường chính quốc, mình nghĩ trong đầu:”Việc này là có lợi cho khách hàng vì mua được hàng hot giá rẻ, cũng như lợi cho thương gia vì bán được nhiều hàng “. Cả nhà cùng vui. Mình liền giúp anh này tạo một thread cùng mua sản phẩm này. Suy nghĩ của mình càng được củng cố khi trưa ngày hôm sau (15/8/2013), một thương gia khác đưa ra giá bán lẻ sản phẩm là 3tr5. Nghe tin này mà cảm giác mình lân lân khó tả. Cảm giác của mình lúc ấy là mình đã làm 1 việc tốt cho cả người tiêu dùng lẫn thương gia kia.
Vài tiếng sau, mình nhận được tin thương gia ra giá bán lẻ 3tr5 giảm giá còn 3tr3. Trong đầu mình nghĩ chắc thương gia này đã đọc được tin mình đăng nên mới có động thái giảm giá. Ok không sao cả, vì mức giá mình đưa ra ngày hôm qua vẫn rẻ hơn.
Nhưng hỡi ôi cái cảm giác đó kéo dài không được lâu thì ngay sau đó vài tiếng nghe được tin một thương gia khác đã đưa giá xuống 2tr3. Hic mình thực sự choáng ván khi nghe mức giá đó, làm thế quái nào mà họ làm được sản phẩm này với giá đó nhỉ, lợi nhuận chia ra cho rất nhiều bên: nhà phân phối, đại lý, shipping,…rồi tương lai còn bảo hành, hậu mãi nữa. Ngay lập tức mình móc điện thoại ra gọi cho anh thương gia nhờ mình đăng tin hỏi anh ấy xem cư xử thế nào? Anh ấy nói với mình với giọng rất ai oán:”Mình nhập có 50 con để thăm dò thị trường thôi mà họ làm như thế, thôi thì cứ kéo giá xuống cho bằng họ, xong chuyến này mình phải cẩn thận hơn trong việc kinh doanh mặt hàng nhạy cảm này”. Nói thật khi nghe giọng bác ấy buồn não nề như thế em cũng buồn lây. Vì từ một thằng tự cho rằng nó đã làm một việc tốt đã biến thành mang tiếng là mod mà đi kết hợp với thương gia đẩy giá thiết bị lên cao ngất trời. Lòng em buồn vô tận.
Chưa dừng lại ở đó, vài tiếng sau, lại thêm một thương gia khác mở một shop bán sản phẩm tương tự với giá 2tr. Điều này giống như cầm một gáo nước lạnh tạt vào mặt mình vậy đó. Lúc này, mình đã mất cái cảm giác tội lỗi khi thấy cái tin anh thương gia trước giảm giá thiết bị còn 2tr3, mà thay vào đó là cảm giác khác hoàn toàn: cảm giác tủi nhục khi là người Việt, người Việt chúng ta sẵn sàng xâu xé, dẫm đạp lên nhau để dành những cái lợi trước mắt mà không cần nghĩ đến những hậu quả mà họ phải gánh chịu trong tuong lai hay sao?
Các bạn độc giả có thể đọc một cách độc lập hai phần trên và tự suy ngẫm về mối quan hệ giữa 2 phần.
Phần 3: Ván bài lật ngửa
Thông tin thêm cho độc giả để có cái nhìn toàn cục: Sản phẩm Q5II nếu sẽ có mặt ở VN trong tháng 8 thì chắc chắn nó là bản dùng riêng cho thị trường Trung Quốc. Trong bản này có một số phần mềm độc quyền của Trung Quốc mà chỉ người Trung Quốc mới có nhu cầu (vì nó toàn tiếng Tàu) như: Xem truyền hình trực tuyến, xem phim trực tuyến, và rất nhiều tiện ích khác với chất lượng rất ok. Người tiêu dùng VN thường không biết rằng giá trị của sản phẩm là bao gồm việc mua các phần mềm này. Như thế có nghĩa là gì? Đó là nếu tháng sau có bản cho thị trường ngoài Trung Quốc, tức là không có các phần mềm đặc trưng Tàu này, tất nhiện giá sản phẩm sẽ phải giảm. Nhưng thực tế có phải vậy không? Hãy để thời gian trả lời cho các bạn nhé?
Thông điệp đối với các nhà phân phối, đại lý: Các bạn đã phá giá sản phẩm ngay cả khi sản phẩm chưa ra lò và chưa hoàn chỉnh để cạnh tranh, giẫm đạp lên nhau mà sống, các bạn nghĩ xem có cần thiết phải như vậy không? Và liệu ngày hôm nay bạn giẫm đạp lên người khác, bạn gây ra tâm lý đố kỵ, thù hằn đối với mọi đối thủ của bạn, thì bạn có vui không? Bạn có nghĩ rằng bạn có thể chọc gậy bánh xe người khác thì người khác cũng có thể làm vậy với bạn ko? Bạn có từng nghĩ xem người tiêu dùng sẽ đánh giá bạn như thế nào khi bạn làm thế không? Câu trả lời dành cho chính các bạn đấy.
Thông điệp với người tiêu dùng: Các bạn đã theo dõi cái thread Android box từ ngày 14/8/2013 đến ngày 15/8/2013, các bạn đã thấy cách làm việc của các thương gia, các bạn có thể nghĩ: Cạnh tranh để giảm giá sản phẩm xuống thấp nhất là tốt cho các bạn. Nhưng các bạn có nghĩ rằng: trong tương lai nếu tất cả các thương gia cạnh tranh tới mức chỉ còn một thương gia tồn tại ở thế độc quyền, lúc đó thị trường sẽ như thế nào không? Câu trả lời cũng dành cho chính các bạn.
Chỉnh sửa lần cuối: