Đây là review của Facebooker Phan Xinê :
THOR: RAGNAROK (2017) - NÓI VỀ TAIKA WAITITI
Thor có lẽ là một trong những tuyến nhân vật tẻ nhạt nhất trong Marvel Cinematic Universe - nghĩ tới Thor 2 thôi cũng có thể khiến mình ngáp ngay tức thì hahaha. Một trong những nhân vật tẻ nhạt nhất trong tuyến phim này là Jane, cô bạn gái Trái đất của Thor do Natalie Portman thủ vai, và dù mình thì rất thích Natalie Portman nhưng mình hầu như không thấy có chemistry nào giữa cô và Chris Hemsworth hay năng lượng nào từ vai diễn này - có một cảm giác là Natalie nhận lời đóng phim vì tiền chứ không ham mê gì cho mấy. Có lẽ vì thế mà khán giả xem phim toàn đi ship chuyện tình cảm của Thor với Loki
Nên mình cũng chẳng phải quá háo hức gì với Thor Ragnarok, nếu không phải vì anh đạo diễn Taika Waititi. Anh này làm hai cái phim trước đó là What we do in the shadows, một phim "nhái tài liệu" theo chân một nhóm ma cà rồng sống ở Wellington, và Hunt for Wilderpeople, một phim hành trình về một thằng nhóc mồ côi cà chớn và người ông không muốn nhận nuôi nó mà bị mắc kẹt với nó. Cả hai phim này cho thấy Taika, xuất thân là người Maoi ở New Zealand, là một đạo diễn hài hước bá đạo, có cái gì đó làm bạn dễ liên tưởng đến Châu Tinh Trì. Mình nhớ hồi xem Hunt for Wilderpeople, mình đã cười to thành tiếng bởi sự duyên dáng đầy bất ngờ trong cách xử lý các tình huống của phim, và bởi sự độc đáo duyên dáng của từng nhân vật trong bộ phim.
Taika được mời làm Thor, như cách mà Hollywood đang làm với nhiều đạo diễn trẻ tài năng làm phim độc lập khác. Có người thành công giữ được bản sắc, nhưng cũng có người thất bại sập mặt, như Josh Trank, đạo diễn trẻ nhất có phim dẫn đầu doanh thu phòng vé ở Mỹ với Chronicle và "cơm không lành canh không ngọt" với Fantastic Four.
May quá, anh Taika đem đến cho Thor, không chỉ bộ phim, mà cho cả đoàn phim của anh, một trải nghiệm khác: vui tươi thoải mái hơn hẳn. Taika chưa từng nghĩ anh sẽ làm một phim siêu phẩm như Thor, nhưng anh không giấu diếm ước mơ đó, cũng như anh thấy hứng thú nếu được làm việc với Chris Hemsworth và "tôi cảm thấy Thor là chuỗi phim nhiều tiềm năng để trở thành một cái gì đó khác. Vì những phim khác đã được thiết lập và có giọng điệu riêng rõ ràng của riêng nó". Taika có lý riêng, anh dĩ nhiên không thể làm cái đoạn "thuồng luồng" của Hulk "in vào não" của Thor trong một phim Captain America
Với Thor 3, Taika thật sự làm một cuộc cách mạng - như chú Korg mà anh lồng tiếng trong phim. Mark Ruffalo còn bảo, khi họ đang quay, Mark lo lắng chuyện cả hai sẽ bị tống cổ khỏi phim trường vì "chúng ta đang phá vỡ mọi quy tắc". Có thể nói, Thor: Ragnarok là một trong những phim thuần tuý hài đầu tiên của Marvel. Thuần tuý hài, với một giọng điệu rất riêng đầy cá tính. Ngoại trừ Deadpool, thì chưa có phim siêu anh hùng nào làm cho mình cười nhiều như phim này.
Mình là một người xem phim vừa dễ tính vừa cực đoan, nên khi xem phim chỉ cần phim xem dễ chịu, giải trí đúng như tiêu chí của nó, làm mình thấy vui là mình thấy thích thôi
) (nói vậy thôi, chứ làm mình vui cũng không phải đơn giản, chẳng hạn xem Spiderman: Homecoming thấy ai cũng khen mà mình không cười được miếng nào, chỉ thấy chán ngán dù thích chú Spiderman mới trong Captain America: Civil War). Thor: Ragnarok là một trong những phim hiếm hoi của Marvel gần đây khiến mình thấy hứng thú. Phong cách hài hước rất "lầy", rất "tưng tửng" nhưng cũng rất tỉnh của Taika khá đậm đặc trong bộ phim này đã giúp bộ phim thật sự trở nên khác biệt. Đừng đùa nha, làm phim hài khiến người ta cười khó gấp trăm lần mấy phim giả bộ nghiêm túc serious vì thật ra không gì dễ hơn là làm một phim bày đặt tỏ ra nghiêm túc sâu sắc mà nhạt nhẽo (còn làm phim nghiêm túc sâu sắc thật sự thì mới khó
Mình cũng có lời khuyên là nếu bạn nào nghĩ là bạn sẽ thích phim này thì nên đi xem 4DX. Không phải phim nào cũng nên xem 4DX vì có nhiều phim 4DX xem rất chán, chủ yếu vô xem 4DX để ghế rung lên thì thức dậy
nhưng với Thor: Ragnarok thì xem 4DX cực vui, phù hợp với không khí của phim, khói bay, ghế rung, gió thổi và đặc biệt là mỗi khi anh Thor anh gọi sấm sét là ta nói sấm sét loá sáng cả phòng chiếu
Vấn đề của mình với Thor: Ragnarok nói riêng và vũ trụ Marvel nói chung, và rộng hơn, là các kiểu phim "vũ trụ điện ảnh" chính là chúng ta không còn được xem một bộ phim như một tác phẩm độc lập nữa. (mấy hôm nữa nếu có hứng mình sẽ bàn về cái xu hướng vũ trụ điện ảnh này đã ảnh hưởng thế nào đến điên ảnh thế giới, hay đúng hơn là bọn Hollywood, trong 10 năm trở lại đây).
Hành trình của nhân vật là thứ mình quan tâm nhất khi xem phim, thì với Thor, nếu nhìn tổng thể cả ba bộ phim sẽ thấy được sự thay đổi của nhân vật, nhưng với bản thân bộ phim này, mình không thấy sự thay đổi nội tâm, của cả Thor lẫn Loki; mình cũng thấy quá đáng tiếc cho một nhân vật được giới thiệu thật hoành tráng như Hela nhưng lại được giải quyết hơi dễ dãi vào phút cuối. Tiếc vậy thôi, nhưng mình nghĩ rằng, cũng chẳng nên quá đòi hỏi với những phim đơn thuần giải trí như Thor. Những cái để mình tự vấn, và yêu điện ảnh hơn, thật ra nằm ở những bộ phim mà công chúng số đông sẽ ít quan tâm hơn, như Blade Runner 2049 chẳng hạn. Và thật ra cũng cân bằng khi tuần trước xem một phim như Blade Runner 2049 để mình cứ chìm đắm trong những câu hỏi về sự tồn tại của linh hồn, thì tuần này mình được thức tỉnh, được giải trí, được khuấy động bởi Thor: Ragnarok
Với mình, thế là đủ rồi, vì xét cho cùng, điện ảnh cho mình một khoảnh khắc để thoát khỏi thực tại và sung sướng hạnh phúc trong thế giới khác.
"Vấn đề là nhiều người luôn nghĩ hài là một cái gì đó nhảm nhí còn nghệ thuật thì phải chậm và buồn tẻ và chán ngấy. Thật là một quan điểm ngớ ngẩn. Nếu Charlie Chaplin có thể sống lại, chắc ổng sẽ chết lại lần nữa vì mấy cái tư duy kiểu đó