Thế Lữ: Tác Giả
Nhà thơ Thế-Lữ tên thật là Nguyễn thứ Lễ, sinh tháng 10 năm Đinh- mùi (1907).
Trong quyển Thi Nhân Việt Nam có ghi sau đây: nơi sinh Thế Lữ lấy làm lạ, người nhà "Nói là Thái Hà, ấp Hà Nội, còn thi sĩ thì cứ tưởng là Lạng Sơn, nơi đã ở từ khi còn bé đến năm 11 tuổi. 11 tuổi xuống Hải Phòng học đến năm thứ 3 Thành chung thì bỏ.
Có chân trong Tự lực văn đoàn và các tòa soạn: Báo Phong hóa, Ngày nay, Tinh hoa.
Đã xuất bản: Mấy Vần Thơ, Vàng Và Máu, Bên Đường Thiên Lôi, Gió Trăng Ngàn, Trại Bồ Tùng Linh, Ba Hồi Kinh Dị, Con Quỷ Truyền Kiếp, Lê Phong Phóng Viên, Gói Thuốc Lá, Đòn Hẹn, Mấy Vần Thơ, tập mới (1962).
Hiện nay Thế Lữ ở miền Bắc. Văn nghệ ngoài ấy là thứ văn nghệ hiện thực, một chiều hướng với xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đứng trên bình điện thi ca, và thơ khác với những tính chất tuyên truyền, khác với những lý thuyết chính trị. Chúng ta không đề cập đến con người của Thế Lữ ngày nay mà chỉ nhớ đến Thế Lữ của thời vang bóng ngày xưa, thời: Thế Lữ của thi ca lãng mạn và Thế Lữ, một thi nhân có công trong phong trào thơ mới tiền chiến.
Giỗ giấc ngủ thanh bình ta tìm về Thế Lữ... hình ảnh nhà tiên thi đó hiện ra bổng lớn trên những dãy ngân hà của thế giới thần tiên.
Ô hay! cái thành công của cuộc đời nào đâu đã là chân lý, những vần thơ thực thế nào phải là thơ. Hoài Chân - Hoài Thanh bởi quá nặng tình với đời mà quên rằng... tâm hồn phiêu lưu về nẻo kỳ mộng của khách thơ không phải trong gió bụi. Có bao giờ người ta mới nhìn thấy được trong cái lạnh lùng tạnh vắng của hư không, của hắc ám, của hoan lạc, của trần ai bụi phủ. Nó hiện lên cảnh trí thanh bình. Ta hãy đi tìm trở về non nước chiêm bao... vì chiêm bao mới thực là lẽ sống của lòng người. Chúng ta cầu mong những linh hồn quá đau thương hãy về quần tụ cả trong thế giới thần tiên đó, với ngày tháng lung linh mộng, để mà lắng nghe giọng hót của một loài chim truyền kỳ chớp cánh giữa đảo quạnh mù sương, mang lại tiếng nói của mùa xuân vĩnh cửu.
Bao nhiêu lao khổ nhục nhằn, những thực tại bi thảm đó chưa vừa ư mà còn gọi nhau đá đấm! Bao nhiêu lương tâm bị xô xé chưa vừa ư, còn phanh phui toan mang gót giầy đinh mà dẫm lên... bao nhiêu điêu tàn đổ vỡ trên cõi đời chưa vừa ư mà cứ hiu hiu dở tuồng anh hùng tuấn sĩ... để tàn gục vì trò định mệnh. Một giòng thơ nhẹ nhàng có tác dụng đẹp và cao nhã hơn nghn trang lý thuyết khó cỗi.
Cái nụ cười mà bọn trưởng giả trí thức... các nhà tư tưởng lấy đôi mắt gọng kính mà nhìn bốn chân trời bát ngát của thơ thì thực có nhìn thấy gì đâu, chỉ thấy màu hoang tàn đổ xiêu trong cặp kính màu bệnh hoạn ấy thôi.
Thời kỳ Thế Lữ là một thời mà người ta còn một niềm tin vào thi ngữ với vũ trụ thơ của mộng tình. Một thời pha màu sương khói của đường thi và tuyết mơ của văn học tây phương mười tám... thời kỳ mà trên tinh thần thi ca còn có một đền mộng của lịch sử nhân gian... còn có một niềm kính yêu với tạo vật... nhất là còn yên ổn để chơi thơ... thơ mà không chơi thì đếch có ra gì cả... Thơ mà làm như Tố Hữu sau này thì đếch phải thơ... không hiểu Nàng thơ quí phái như thế, bắt nàng thơ vùi trong hầm mỏ tro than thì nàng thơ sẽ chết gục ngay... xin đừng biện luận về thơ nữa các ngài duy vật ạ!
Cỏ cây giao tình, xuân sắc đượm ngát hương thơm... lòng người mơn trớn, trong hoa chim mách lẽo, gió mơn trớn hoa và hoa điểm tô cho vườn ngự của nhân gian thêm phần diễm ảo, cảnh nào bằng trong Mộng ảnh:
Người đẹp đứng bên nguồn
Óng ả như mình liễu
Mai tóc lả lơi buông
Mặc gió cành trêu ghẹo
Thơ đến kỳ tuyệt là điểm linh hồn trong mộng ảnh lung linh, ngôn ngữ rực sáng như ngọn hải đăng giữa mù sương đó là thơ không biện luận, không giải thích... Thơ có viễn tượng, nghệ thuật thơ siêu thực là nối được viễn tượng ngôn ngữ chứ không phải tạo những hình bóng quái dị, một tâm não loạn, một lương tri quê quặc, ghê khiếp... xin các ngài đừng nghĩ là người viết bài khinh hay oán cõi đời, muốn làm cho lẽ đời cao đẹp, không phải cựa quyậy ở trong cõi tù túng được:
Trèo lên trên đỉnh non cao
Nghe lời chim gọi, gió dào dạt thưa...
Để nhìn thấy:
Sóng rờn đôi mắt lung lay
Tình xuân nồng đượm đôi mày thanh thanh
Cười duyên đắm đuối trời tình
Lòng ta như muốn tan thành hư không
Để cảm biết được cái chân lý:
Ta ôm thiếu nữ trong lòng
Người yêu thoắt biến thành bông hoa rừng
Sự thật ở đâu, thoát ẩn thoát hiện cả cái nhan sắc của trần gian này cũng hồ nhu ảo, như chân... mộng và thực giao thoa, chỉ còn lại gì, thưa... còn lại:
Bông hoa nay vẫn còn hương
Lòng ta còn mối đau thương không cùng
Đính hoa ở một bên lòng
Ngàn năm tiếc giấc mơ màng khi xưa
Mộng ngàn năm... đó là viễn tượng, đó là tình thiên thu, đó là cái mà định mệnh ác liệt không làm tan nát được, còn tất cả xin thưa... chỉ là hư ảnh, chỉ là phù du thôi... đau lòng mà nhìn cái hiện hoạt cõi đời như thế; chỉ có những vần thơ nhẹ tuyệt mù sương mỏng mới tạo được cái nghĩa phù du mà vô cùng vĩnh viễn đó:
Hỏi xem mây có duyên gì,
Mà con chim én đi về lững lơ
Bởi vì trong cõi đời:
Cũng như em tâm hồn ta đã lạnh
Tự lâu rồi, từ cái thuở xa xăm
Niềm hoài vọng ý thiết tha, bám chặt mười ngón tay vào cõi đời, nhất mực yêu từng ngọn cây cuốn lá, từng bước xuôi ngược gian nan muốn nghe được cả nỗi sầu nhân thế trong tiếng hát cung đàn, giữa phường lầu xanh, giữa hồ trăng hay tận hoàng hôn ngất lạnh. Tình yêu nghệ thuật, say đắm vẻ đẹp, thông cảm khổ đau, và tìm về một chân trời mộng tưởng hào hoa đó là cái lẽ đẹp say đắm của nhà thi sĩ ở giữa Hà-nội mưa phùn... Và đó là giấc mộng vàng... mộng tưởng quá xa xôi, đầm thấm và trẻ trung của một thuở thanh bình ngày nọ...
* Trích Thi Ca Việt Nam Hiện Đại của Trần Tuấn Khải.