[Tản văn] Cảm xúc tết (Sưu tầm)

conghieu1978

Moderator
Nhớ trò nghịch chơi ngày Tết

topp1.jpg
Nguồn: vnexpress.net
Cắc tùng cheng. Hai con lân dũng mảnh vươn đầu, nhảy sụp, lắc bên này lắc bên kia, lên lên xuống xuống… Bất chợt tôi nghe mắt mình cay cay. Nửa thế kỷ, thời tưởng đã vĩnh viễn xa bỗng nhiên tái hiện trong tôi như đã tìm được một quãng đời đã mất… (Phan Bá Phi, Mỹ)

Hôm đó hai chúng tôi lái xe đi chợ, tình cờ vào ngày khai trương của một vài cửa hàng ở khu phố Việt Nam ở Seattle, thấy mấy đoàn lân và ngóng nhìn mấy đám khói nghe những tràng pháo đầu năm. Cũng thân quen như những năm trước đây. Tùng tùng cheng cheng. Đoàn lân chồm chồm múa múa, chúng tôi cưỡi ngựa xem hoa.

Lần này, vừa để xe xong đã thấy ông chủ tiệm Saigon Deli xua tay mời mang xe đi nơi khác… Tôi vui vẻ mang xe đậu chỗ khác vài chục mét xa hơn. Hai chúng tôi vừa bước vào cửa tiệm thì chú ý thấy đã có đoàn lân tập trung trước cửa với một giây pháo chắc cũng đến hơn năm mét treo trên cành cây trước tiệm.

Hai con lân, con bạc con vàng đang phục mình chờ pháo nổ. Một người đang cầm đầu pháo chuẩn bi đốt. Hai tôi dừng lại sau cánh cửa kính, chờ… Một phút sau, tràng pháo bắt đầu giòn giã reo vui… Cắc căc cắc. Tùng tùng tùng cheng cheng cheng….cắc cắc tùng tùng tùng cheng cheng…. cắc tùng cheng… Hai con lân dũng mảnh vươn đầu, nhảy sụp… lắc bên này lắc bên kia… lên lên xuống xuống…

Bất chợt tôi nghe mắt mình cay cay… Một khoảng đời tưởng đã vĩnh viễn xa với tuổi đời bỗng nhiên tái hiện trong tôi như đã tìm được một quãng đời đã mất… Những mùa Tết đó, lũ nhỏ chúng tôi cứ kéo nhau theo đoàn nhìn lân múa, leo cây để ăn lộc của chủ nhà mà từng lọn tiền cột chuỗi trên giây màu đỏ.

Hồi ấy bọn tôi thèm được có những lọn tiền cột ép giống như những chiếc nơ. Chúng tôi thèm nhưng bằng lòng tìm nhặt trong vũng xác pháo những chiết pháo tịt hay chưa kịp cháy. Bọn trẻ chúng tôi thách nhau cầm chiếc pháo trên tay và đốt.

Bọn trẻ chúng tôi, lắm khi có cả lũ con gái nhát gan nhưng ham vui và tò mò, thích nhìn pháo tống nổ. Mười đứa thì hết mười đứa đều hồi hộp chờ viên pháo tống từ trên dây rớt xuống. Lúc ấy mười đứa cũng như một chục liền đưa hai bàn tay lên bịt lỗ tai. Đùng một cái rõ to là cả bọn lại buông tay reo hò. Một trái pháo tống khác rớt xuống, lại bịt tai, đùng, lại reo hò. Nó như một trò chơi đã thành luật. Nhiều khi bọn nhỏ chúng tôi đốt một viên pháo, ụp lên một cái lon sữa bò. Pháo nổ tung cái lon lên cao. Lại reo hò, reo hò vì pháo đã nỗ, lon đã tung. Nhưng cũng lo lo là liệu cái lon co tung lên trúng kiếng nhà ai đó không?

Pháo chuột thảy vào bọn con gái nổ đẹt một cái nhỏ nhưng cũng đủ làm các nàng hét toáng lên. Tôi biết tỏng các vị sợ thì ít, làm dáng thì nhiều, kiểu như em đây nhát cáy lắm các anh đừng làm em sợ nha. Rồi mấy ngày chơi pháo cũng qua nhanh, bọn con trai lại quay về với đánh bi đá dế, bọn con gái với đánh thẻ nhảy dây…

Đã nữa thế kỷ, đây là lần đầu tiên hai con lân lạy bái trước mặt tôi cách không quá một mét, hai tôi tình cờ hưởng thay cho ông chủ. Con Lân, Ông Địa, tiếng trống chiêng, tiếng nổ, màu đỏ và khói hăng hăng của pháo. Đã lâu lắm rồi…

Tôi vừa tìm lại một quãng đời của tuổi nhóc… trong một khoảng khắc của cuộc đời đã vào tuổi xế chiều… Vui và nhiều cảm xúc.

Phan Bá Phi
 

conghieu1978

Moderator
Xuân đến, nhớ nàng thơ

mh1.jpg
Tôi không sao quên được những buổi sáng tan lễ nơi ngôi thánh đường thân thuộc, trên con đường làng mù sương có người con gái tóc xỏa ngang vai thả đôi gót hồng nhẹ nhàng thanh thản. Lòng kẻ si tình xốn xang rộn rã, đôi mắt dõi theo mà lòng mong ước sẽ được là kẻ đồng hành.

Khi những cơn mưa cuối mùa thưa dần và chấm dứt, bầu trời trong xanh, không khí se lạnh, những chiếc lá mai vàng được vặt bỏ và nơi nách lá trồi lên những chồi hoa nhọn hoắt cũng là lúc báo hiệu một lần nữa mùa xuân lại về. Lòng khách tha hương bỗng thấy lòng mình bồn chồn nhớ về quê hương nơi mà gần cả cuộc đời gắn bó với bao kỷ niệm vui buồn.

Quê hương tôi mỗi độ xuân về cũng là lúc mùa hoa cà phê nở rộ tỏa hương thơm ngào ngạt núi đồi. Trong màn sương mù giăng kín, những tia nắng ban mai đan xen chiếu lên tháp chuông giáo đường cổ kính. Sương phủ xuống núi đồi, sương tràn vào mọi con đường, mọi ngõ nghách. Trên những con đường mù sương mai lạnh lẽo đó, ẩn hiện những tà áo trắng với chiếc áo len màu tím hoa cà của những nữ sinh đang nhanh bước vội vã đến trường.

Quê hương đó cũng đã phủ ấm cuộc đời trai trẻ của tôi thuở nào, đã cho tôi một tình yêu đầu đời trinh trắng và thánh thiện để mỗi độ xuân về những hình ảnh thơ mộng đó lại trỗi dậy mạnh mẽ trong tôi. Tôi không sao quên được những buổi sáng tan lễ nơi ngôi thánh đường thân thuộc, trên con đường làng mù sương có người con gái tóc xỏa ngang vai thả đôi gót hồng nhẹ nhàng thanh thản. Lòng kẻ si tình xốn xang rộn rã, đôi mắt dõi theo mà lòng mong ước sẽ đươc là kẻ đồng hành. Nhưng mộng mơ chỉ là mơ mộng chứ không là hiện thực, mùa xuân tàn cũng là lúc tình tan… Nàng đã cất bước vu quy bởi vô tình chẳng biết mối tình đơn phương lặng lẽ…

Tôi thơ thẩn như kẻ mất hồn, đêm đêm trong căn phòng trọ một mình gặm nhấm nỗi đau tuyệt vọng và hồn mình nghẹn ngào những nỗi ghen, hờn, buồn, tủi.

Sáng xuân tan lễ đứng chờ,
Dáng em nho nhỏ bước mờ trong sương.
Hoa xuân lay, gió bên đường,
Hồn ta rung động chút hương mơ màng.

Yêu từng bước nhỏ em mang,
Yêu từng ngọn cỏ quấn quàng chân chim.
Ta yêu sương sớm mi mềm,
Ta thương chớp nhẹ mắt em thêm buồn.

Đường xuân rợp trải nắng xuân,
Em vô tư bước ta quầng mắt trông.
Ta ghen ngọn gió xuân nồng,
Ghen hoa cỏ dại, ghen bông mai vàng.

Giữ trong ký ức mênh mang,
Thổi bay mái tóc thơm tràn hương xuân.
Em say đắm giấc mộng vàng.
Ta nghe hồn chợt lỡ làng xót xa.

Xuân Tân Mão 2011

Phan Văn Đức
 

conghieu1978

Moderator
Tết là gì hả mẹ?

top.jpg
Tết ở trong nước thì có thể hình dung và hiểu dễ dàng với một đứa trẻ Việt qua không khí, thông tin đại chúng xung quanh mình, thế nhưng là một câu hỏi xót xa cho cha mẹ tha hương. (Thy Nguyễn, Bỉ)

Không đơn giản để giải thích dễ dàng cho một đứa trẻ Việt hay lai ở hải ngoại để hiểu rõ Tết quan trọng thế nào đối với cha mẹ chúng.

Nơi đây, "Tết Trung Hoa" theo Tây thì họ chỉ nghĩ đơn giản chúng tôi giống như những người Trung Hoa, vì phân biệt Việt Nam hay Trung Hoa không phải dễ đối với họ. Cũng như Pháp, Bỉ, Hà Lan hay Đức cũng không dễ để nhận ra đối với chúng ta. Họ không nghĩ rằng Tết rất quan trọng đối với người Việt Nam thế nào, chỉ có vài người Tây có người thân là người Việt Nam may ra còn hiểu đôi chút. Thành phố vẫn nhộn nhịp như những ngày bình thường khác, mọi người tất bật với công việc của mình.

Tôi cũng vậy, khi đi sắm sửa vài thứ cho dịp Tết, từ sau lưng có tiếng gọi "Thy, Chúc mừng năm mới". Tôi giật mình quay lại, là một đồng nghiệp, nhưng cô nhớ đến "Tết Trung Hoa" thế là nghĩ giống như cái Tết của Việt Nam chúng ta. Sau vài lời thăm hỏi và giải thích về cái Tết Việt Nam, cô bạn đồng nghiệp của tôi hiểu ra, à nó quan trọng đến thế. Cũng như ngày Noel là ngày đoàn tụ, nên con cái phải trở về nhà cha mẹ như phong tục Tết của chúng ta.

Tôi chuẩn bị vài thứ trái cây thông thường mà mùa này có, đu đủ Brazil, xoài đỏ Thổ Nhĩ Kỳ, bưởi Thái Lan, tôm càng Việt Nam, bánh chưng, bánh tét... Về đến nhà trưng bày trên bàn thờ nhỏ của nhà tôi, mâm ngũ quả của tôi đấy, dọn dẹp lau chùi sạch sẽ như thường lệ, rồi chuẩn bị nấu ăn cúng ba mươi Tết. Sau màn cúng, chúng tôi dọn ra bàn ăn, hôm nay đồ ăn nhiều hơn thường lệ, vì ngày thường làm việc, chúng tôi có rất ít thời gian chuẩn bị linh đình, may thay năm nay là năm đầu tiên được nghỉ hai ngày ăn Tết Ta, sau nhiều năm ăn Tết nhạt nhẽo.

May mắn vậy, vì là ngày biểu tình tăng lương, công đoàn yêu cầu mọi người nghỉ việc để chống đối, con gái tôi cũng bị nghỉ học do việc này. Trên bàn ăn tương đối thịnh soạn, và tôi kể lại cho ông xã những chuyện vui ngày Tết ở Việt Nam. Con tôi nghe tôi nói đến Tết và hỏi "Tết là gì hả mẹ?". Sau khi giải thích cho con như cho đồng nghiệp của tôi, là quê hương là gia đình, đoàn tụ, sự giao hòa giữa cũ và mới... con tôi may ra hiểu đôi chút. Tôi bỗng chợt buồn man mác, giờ này ở tuổi của con tôi, tôi lại được tung tăng với quần áo mới rồi lại nhận những bao lì xì với tiền gấp nếp mới tinh.

Ngày mùng bốn Tết Ta nhưng theo dương lịch thì là ngày sáu tháng hai, chúng tôi lại được đoàn tụ gia đình nhỏ của anh tôi. Tuy xa hơn ba trăm cây số, hơn bốn giờ lái xe, chúng tôi gặp gỡ mọi người, những đứa cháu lai Tây thật xinh xắn, nhưng ăn mặc như thường lệ, vì chẳng có gì đặc biệt so với chúng những ngày này, chúng chờ ăn uống đơn giản và nhận lì xì. Lì xì hay chúc Tết thêm tuổi là gì? Chúng cũng chẳng hiểu hết, vì có tiền là được rồi, chúc thêm tuổi thì Tây họ không chúc thêm tuổi vào dịp Tết, chỉ vào sinh nhật mà thôi.

Còn không khí Tết làm gì có nơi đây, chúng tôi là bậc cha mẹ cũng cố gắng giải thích, để chúng hiểu rõ ràng, nhưng hưởng được cái ‘Tết’quê nhà thì không đơn giản, khi phải sống xa quê vạn dặm. Khi chúng tôi mở nhạc xuân nho nhỏ trong lúc nói chuyện, đủ cái bài hát về xuân, con tôi hỏi "Tiếng ồn gì vậy mẹ?" (C’est quoi du bruit?), vì chúng làm sao hiểu hết được lời hát diễn tả gì, vì xuân thì chưa đến theo chúng, bây giờ là cái đông lạnh buốt, Tết Tây thì qua rồi. Nỗi xót xa của bậc cha mẹ tha hương là thế, có giải thích thì cũng như là sự giáo dục bắt buộc khó khăn.

Sau đó, chúng tôi sang khu vực quận mười ba, khu vực của người châu Á nhưng phần đông là Trung Hoa, tôi sắm sửa ít đồ ăn Việt Nam mang về và đón phái đoàn Múa Lân Trung Hoa đến. Phải đến trước giờ biểu diễn hơn 3-4 tiếng may ra mới tìm được một góc quay hay chụp hình toàn cảnh, còn không thì đứng xa mà nhìn và nghe đốt pháo. Các cửa tiệm Trung Hoa đốt pháo nghe giòn tai, mùi pháo Tết lại gợi trong tôi những năm ở quê nhà, nhưng đoàn múa Lân Việt Nam chưa bao giờ xuất hiện xứ Tây này. Đoàn người tấp nập, Tây, Ta gì cũng có, hai hàng cây dọc theo con đường treo vài tấm liễn lủng lẳng, xung quanh chợ mọi người sắp hàng để được phát bong bóng, các cửa hiệu bán thức ăn toàn người là người đứng sắp hàng để đến lượt mình, những nhà hàng thì chật ních không còn chỗ trống cho chúng tôi chen chân vào. Đến sáu giờ chiều thì mọi người tản ra về, thế là hết một cái tết Ta ở xứ Tây.

Chuẩn bị làm đẹp đến đâu, có pháo Tết, có gần như đầy đủ, nhưng cũng chỉ là cái Tết trái mùa, xung quanh toàn Tây là Tây. Con cháu Tây làm gì đón và hiểu trọn vẹn được cái Tết ta. Tết ta ở xứ Tây thì làm gì mà vui, vì mọi người tất bật cho cuộc sống, đi làm đón và dạy con, nấu nướng, việc nhà... Tết chỉ vỏn vẹn một ngày tượng trưng cho khỏa lấp cái nỗi nhớ quê, chứ làm gì mà hưởng Tết trọn vẹn được ở xứ người.

Có về Việt Nam ăn Tết, thì cũng không thể suốt cuộc đời những đứa trẻ tha hương này, vì chúng xem đây là nơi chôn nhau cắt rốn của chúng. Nếu về thăm quê ngoại hay nội cũng chỉ là có dịp thuận tiện mà thôi, có thể vài lần trong cuộc đời của chúng. Càng lớn chúng còn có những kỳ thi quan trọng vào tháng này và tháng sáu và có đi tham gia "Tết" ở hội đoàn, cũng chỉ là ngày định sẵn cuối tuần, chớ làm gì biết tuần lễ Tết ở mọi nhà của chúng ta ở quê ta, rồi cháu chắt chúng ta sẽ giữ truyền thống này bao lâu?

Tết ở quê hương là Tết ở mọi nhà. Ai cũng chuẩn bị cho nhà mình đẹp đẽ và đầy đủ mọi thứ, trang hoàng, trưng bày cây mai với liễn đỏ vàng, với mấy bao lì xì treo lủng lẳng trông đẹp mắt. Ra đường thì mọi người ăn mặc đẹp, nhạc xuân thì rộn ràng ở các quán cà phê. Tụ điểm ca nhạc thì toàn nhạc xuân, kịch xuân vui nhộn, phim hay tư liệu trên truyền hình toàn nói về xuân, cải lương cũng thế... thì việc hiểu biết về "xuân ở quê nhà" phong phú cho mọi người ở trong nước chứ không riêng cho những đứa trẻ, còn nơi đây làm sao có được?

Thy Nguyen (Bruxelles)
 

conghieu1978

Moderator
Xuân trên xứ người

Đời tha phương có đôi lần mỏi mệt
Chuyện áo cơm cuốn hút một kiếp người
Xuân quê hương vẫn rực rỡ vàng tươi
Trong ký ức tôi thấy mình trẻ mãi! (Kim Loan, Canada)

Ở quê ta bây giờ trời đang nắng
Mùa xuân sang hoa cúc với hoa đào
Ở quê người tôi bỗng thấy buồn sao
Đón Xuân đến trong những ngày đông lạnh!

Bông tuyết rơi rơi cho lòng hiu quạnh
Màu trắng cô đơn phủ một góc trời
Tôi mơ về quê cũ, phố phường vui…
Xác pháo đỏ xôn xao mừng xuân mới.

Những em bé cười tươi chờ mừng tuổi
Mứt gừng cay cùng mứt bí ngọt ngào
Miếng bánh chưng xanh, thịt mỡ hôm nao
Xa xôi mấy vẫn còn thơm hương Tết!

Đời tha phương có đôi lần mỏi mệt
Chuyện áo cơm cuốn hút một kiếp người
Xuân quê hương vẫn rực rỡ vàng tươi
Trong ký ức tôi thấy mình trẻ mãi!

Đời tiếp nối xuân đi, xuân trở lại
Trong lòng người dân Việt sống xa quê
Ở đây mùa đông gió lạnh lê thê
Vẫn có người đón xuân về lặng lẽ!!!

Kim Loan (Edmonton, Canada)
 

conghieu1978

Moderator
Hương Tết

Tôi chưa lúc nào có được trên tay cùng một lúc cả nắm hương thơm Tết và cả thẻ hương trầm để có thể phân biêt khẳng định một cách chính xác, nhưng theo tôi thì hương thơm Tết không phải là loại hương trầm. (Mai Anh Nguyệt, Pháp)

Ở bên Pháp, trong những ngày Tết này tôi thường da diết nhớ và thèm được ngửi mùi hương thơm ngày Tết: Một mùi huơng ngan ngát,mênh mang rất đặc trưng trong không khí Tết Việt nam mình. Mà chỉ đặc biệt trong dịp Tết mới thấy bán loại hương thơm đó nên mãi tôi vẫn chưa mua mang sang bên đây được. Khi về cứ lấn bấn đi chơi đây đó rồi lại quên mua

Tôi cũng chưa lúc nào có được trên tay cùng một lúc cả nắm hương thơm tết đó và cả thẻ hương trầm để có thể phân biêt khẳng định một cách chính xác, nhưng theo tôi thì hương thơm tết không phải là loại hương trầm. Vì có lần tôi thực sự bị chinh phục trong mùi hương trầm vừa nồng nàn, ngất ngây lại vừa có vẻ thanh cao, quý phái. Song tôi vẫn nhận ra đó không phải mùi hương Tết mà tôi vẫn ưa thích.

Và trong một ngày tự dưng thấy phảng phất một vị hương quen quen cảm thấy lòng xốn xang để phải thốt lên: "Sao mà giống ngày Tết vậy" rồi hít lấy hít để cái mùi hương chỉ riêng ngày Tết mới có.

Theo cảm nhận của tôi thì hương trầm có mùi hương thuần khiết, cao sang, làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm, thành kính của một khung cảnh linh thiêng. Còn mùi hương thơm quyện tỏa đây đó trong những ngày tết thì như có vị ngòn ngọt, dung dị, thân thiện hơn.

Khi tôi sơ tán về làng Chợ Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, gia đình nhà chủ tôi ở có nghề tay trái là nghề làm hương thơm Tết. Do đó tôi được biết có một hương liệu dùng để trộn làm bột hương cho hương ngày tết là rễ cây hương bài. Tôi nghĩ có thể rễ hương bài chính là thứ hương liệu tạo ra mùi hương ấn tượng nhiều người ưa thích đó. Và vì trầm hương không phải thứ hương liệu dễ kiếm.

Khai bút đầu xuân thời "a còng" bằng bàn phím, cao hứng đôi điều và phỏng đoán như vậy, chứ thú thực tôi cũng không rành lắm. Có gì không đúng thì xin mọi người bỏ qua cho. Nhưng tôi vẫn hứng khởi với một suy tư.

Như các bạn đã biết loại hương thơm Tết đó có hình dáng không giống như loại hương ta vẫn dùng thờ cúng, cầu khấn tâm linh. Nó thường có thân hương được làm to hơn, bột hương thô ráp hơn và được se kết vào que lõi nhiều hơn hoặc có thể là loại quấn giấy, (bột hương được giữ bao quanh que lõi bằng một lớp giấy cuốn mỏng).

Hồi còn ở nhà, trước năm 81, tôi thấy hình như năm nào đời sống dân tình có vẻ khó khăn hơn thì nhìn chung kích cỡ que hương thơm Tết năm đó cũng thanh mảnh hơn, độ dài có khi cũng ngắn hơn. Chắc đó là sáng suốt của người làm hương có nhã ý giúp người dùng dễ dàng mua với giá cả vừa phải, phù hợp với tình hình chung.

Bây giờ, một lần về Việt nam ăn Tết, tôi đã không khỏi cay cay hai mắt không phải vì khói hương trong lòng lâng lâng một cảm xúc khó tả khi thấy trên đường phô có bán tràn lan những cây hương thơm to tướng, có cây phần bột hương se to bằng ngón tay cái và dài,cao ngất ngưởng choc trời xanh.

Tôi đang nghĩ xem năm nay những cây hương thơm đó to lớn hơn đến cỡ nào rồi?Và hy vọng một ngày không xa sẽ được chiêm ngưỡng một cây hương thơm ngày tết khổng lồ đạt kỷ lục thế giới !

Mai Anh Nguyet
 

conghieu1978

Moderator
Hoài niệm Tết xưa

1322461825_75207049-271034_123.jpg
Đùng đùng...đoàng đoàng...tẹt tẹt...tẹt tẹt...
Mùi thuốc pháo pha lẫn ánh xẹt lửa liên hồi miên man khắp ngõ phố, những âm thanh đinh tai nhức óc của tiếng pháo . Tiếng cười nói hân hoan hạnh phúc vô bờ được reo hò trong làn khói mịt mù đặc kịt, trong hương thơm khói pháo nơi cổ họng có cái vị ngọt ngọt thơm thơm của cái thời khắc thiêng liêng nhất trong một năm, cảm xúc dâng trào đến tột độ người run bắn lên vì cái giá rét của thời tiết cuối năm, bầu trời đêm hôm nay trở lên rộn rã hối hả trong những điệp khúc của mùa Xuân. Ngoài trời mưa bay nhè nhẹ, những hạt mưa nhỏ bé đến mức hòa quyện vào trong gió bay xa bất tận nó đậu cả lên gương mặt hồng hào của lũ trẻ con đang đi cướp những quả Pháo xịt, chúng tranh nhau tràn ngập vào hang cùng ngõ hẻm, len lỏi vào tâm hồn của những Cụ già, những thanh niên...
Trên ban thờ Tổ tiên một mâm ngũ quả được bày biện giản đơn, hai cành đào Nhật Tân cắm trong hai chiếc lọ gốm để nơi góc ban được trang trí bằng bộ dây đèn nhấp nháy quả nhót đủ sắc màu, một chai rượu Chanh vàng cạnh hộp mứt Tết có đính nơ, đặc biệt nhất là banh pháo Trúc Bạch để dành ngày mùng 1 Tết, trên cặp bánh trưng xanh là hộp chè Mộc Châu và gói hạn sen cùng mấy dãy bánh cốm. Điều không thể thiếu được trên ban là những lá sớ cùng tiền vàng. Lá sớ sẽ được báo cáo Tổ tiên sẽ mang đến cho gia đình một năm no ấm, may mắn mưa thuận gió hòa...Thời khắc giao thừa đã điểm bên mâm cỗ, trên bát hương những nén hương trầm được thắp lên mùi thơm hòa cùng vạn vật, mọi người ôm chầm lấy nhau chúc Tết, có những giọt nước mắt được lau vội vã để những cảm xúc từ đâu xâm lấn con người, cảm động với tự nhiên với không khí gia đình ngày Tết...
Mâm cỗ ngày Tết được chuẩn bị hết sức kì công, măng khô lưỡi lợn phải được luộc nhiều lần, chân giò được làm sạch và không thể thiếu được miếng thịt lợn mông thái to như bao diêm, mộc nhĩ, hành củ...Món bóng cũng không thể không có trong mâm, giò lụa, xôi gấc, thịt gà rắc một ít lá chanh, sáu chén rượu, ba quả trứng luộc, ba bát cơm gạo ngon được bày biện trang trọng.
Trước Tết một tuần khong khí hối hả cập rập khắp mọi nơi. Trong vườn Đào từng gốc thế được bà con đánh lên bán, cánh buôn chậu cảnh cũng chở thuyền mang chậu cùng vô số lọ hoa từ Bát Tràng lên, nơi làng Quảng Bá có rất nhiều người đến đặt mua Quất, cây phải tứ quí mà phải mua sớm mới được, góc Hàng Lược chợ Hoa cũng đã được hình thành, những điểm bán lá dong đều đông người tranh nhau mua.
Mùng 1 lễ Chùa.
Ngày đầu tiên của một năm mới ai cũng ăn diện chải chuốt, đi Chùa đã rồi sang Ông Bà nội, ngoại sum vầy... Ở Chùa ngày Tết cũng được trang hoàng lộng lâỹ, hoa quả bày biện nhiều nhất trong năm, Sư thày cả năm bận bịu cũng chuẩn bị chu đáo cho những ngày Tết, cây cảnh lọ hoa nhiều vô kể.Tiếng Nam mô a di dà Phật đều đều của buổi cầu kinh đầu năm mới hoan hỉ vô biên!
1322461825_chuctetxua.gif

1322461826_XHNghitet.jpg

phc3a1o-te1babft-ve1bbaba-8.jpg
Trích: 24h Người viết: DoanHien2010
 

tusontay

Huyền Thoại
Ðề: Hoài niệm Tết xưa

Cảm xúc của conghieu1978 dạt dào nhỉ, phọt mãi mà không hết! :))
 
Bên trên