Tiếp theo là một vấn đề cũng thú vị: điều trị các cặp loa.
Như chúng ta biết thì mỗi cặp loa, do thiết kế phần linh kiện và cấu âm của nó, sẽ có một chất âm riêng. Có loa thì mạnh về dải này, loa khác lại mạnh dải khác, chất âm thiên sáng, tối, ấm...
Vì vậy, khi phối ghép, chúng ta phải lựa ampli có chất âm thế nào đó để khắc chế hay hỗ trợ cho mặt yếu mặt mạnh của loa.
Đối với ampli 2 kênh thì việc này khá khó khăn do nó chỉ có 2 nút chỉnh bass & treble. Hầu hết các kết quả phối ghép tốt đều dựa vào "thử và sai", học hỏi kinh nghiệm của người đi trước v.v.
Nhưng nếu có một AVR tầm khá khá, có Digital EQ, thì công việc sẽ dễ dàng hơn, vì có thể căn cứ vào mặt mạnh, mặt yếu của từng cặp loa mà thêm bớt chút ít dải trầm-trung-cao của tín hiệu ra loa đó.
VD trong AVR có EQ cho các dải 63Hz, 160Hz, 400Hz, 1kHz, 2.5kHz, 4kHz, 16kHz, và 20kHz cho mỗi kênh loa riêng biệt.
Chúng ta sẽ tăng giảm các dải này cho phù hợp với loa và với cách nghe nhạc của chúng ta.
Ai muốn tăng cường cho vocal, thì thêm dB cho các dải từ khoảng 160Hz đến khoảng hơn 1kHz là tần số phổ biến của giọng hát.
Ai muốn nghe treble lanh canh thì thêm dB vào những dải tần số cao.
Ai ghét tiếng bass của cặp front thì giảm kênh 63Hz và 160Hz của loa front xuống, ưu tiên chỉnh tăng cường tần trầm cho loa sub có tiếng bass hay hơn bass của loa front chẳng hạn... Thậm chí cắt luôn tần từ 100Hz trở xuống không cho ra loa front nữa mà để sub thể hiện hay hơn...
Như vậy, với nhiều khả năng tuỳ biến, và mất thêm một chút thời gian công sức hiệu chỉnh, AVR cho ra âm thanh hoàn toàn chấp nhận được... Với điều kiện là nguyên liệu đầu vào (tức là tín hiệu digital mà AVR nhận được) phải có chất lượng tương đối cao, bit-perfect càng tốt, thì nhào nặn mới ngon được.