Ðề: [Spam theo Cách Của Bạn] KV Đà Nẵng - Luôn Cầm Đá Cho Dù Bạn Đi Đâu
Các bác thư giãn nhé :
Trò chuyện cùng bác Ron Cornelius - McIntosh Laboratory Inc.
Bạn đang sử dụng phiên bản cũ của trình duyệt Internet Explorer. Trang Web này thích hợp với phiên bản Internet Explorer 8 hoặc cao hơn. Hãy cập nhật phiên bản mới của trình duyệt ở đây để duyệt site tốt hơn.
bởi Aries
Lời giới thiệu: Trong chuyến ghé thăm triển lãm và giới thiệu showroom mới của nhà phân phối thiết bị âm thanh Đông Thành – Hòa Phúc ngày 3/12/2011 vừa qua tại HCMC, ông Ron Cornelius – Giám đốc Kỹ thuật của hãng McIntosh Laboratory Inc. đã dành thời gian trả lời phỏng vấn với đại diện VNAV và gửi thư giải thích cụ thể những câu hỏi kỹ thuật của thành viên VNAV.
Chúng tôi lược dịch toàn bộ nội dung phỏng vấn cũng như bài trả lời của ông Ron Cornelius sang tiếng Việt theo văn phong VNAV để các bạn thưởng thức.
Nhóm thực hiện xin gửi lời cảm ơn tới công ty Đông Thành – Hòa Phúc và cá nhân ông Ron Cornelius, ông Huỳnh Tín Đỉnh (Vice Director – Hòa Phúc Audio) cùng toàn thể nhân viên đã nhiệt tình đón tiếp và hỗ trợ chúng tôi thực hiện thành công buổi phỏng vấn này.
Những người thực hiện:
- Lâm Nhựt Hùng (nhuthungfoto): điều phối chung, tin ảnh
- Hoàng (pc_chip): chuẩn bị câu hỏi
- Nguyễn Ngọc Thiện (Aries): phỏng vấn, biên dịch
VNAV: Chào bác Ron, chúng em biết McInstosh là hãng chế tạo thiết bị âm thanh cao cấp và gặt được nhiều thành công trên thị trường từ lâu lẩu lầu lâu rồi, bác có thể bật mí tí chút cho thành viên VNAV về lịch sử hãng của bác cũng như định hướng tương lai được không ?
Ron: Thưa các bác, McIntosh Laboratory thành lập môn phái từ năm 1949 (tính ra đã sáu mươi năm cuộc đời rồi các bác nhẩy ! ) với những sản phẩm khởi đầu là ampli công suất lớn, độ méo thấp mang mã số 50-W1. Đây là ampli đầu tiên đạt công suất 50W, băng thông đạt 20-20KHz và độ méo nhỏ hơn 1%. Nhà máy của chúng em đặt tại Binghamton, N. Y. từ năm 1956 và qui tập môn đệ khoảng 130 cô bác, làm tất cả mọi khâu từ thiết kế cho tới chế tạo và lắp ráp, từ sắt tấm, khung sườn, sơn phết, mạch điện cho đến kính ốp vỏ máy… chúng em đều tự làm trong nhà máy này. Cho nên bác sẽ thấy sản phẩm của chúng em rất đồng nhất và mang đặc trưng McIntosh.
Thưa các bác đang đọc những dòng này, khi nào các bác có dịp ghé qua Binghamton chơi thì nhớ kêu em nhá, chúc mừng các bác tới “Home of McIntosh” !
VNAV: Bác Ron, bên cạnh xu hướng trở về thưởng thức nguồn âm analog bằng máy quay đĩa và đĩa nhựa (LP) thì một số audiophile còn tìm tòi và thử nghiệm nguồn âm số với sự hỗ trợ của máy tính thông qua các giao tiếp USB/Firewire, SPDIF/AES DAC và USB/Firewire DAC… bác có nhĩ rằng kiểu chơi này sẽ phổ biến trong tương lai hay không ?
Ron: McIntosh sẽ cố gắng kết hợp và phát triển những tính năng thiết bị mà khách hàng sử dụng sản phẩm của chúng em yêu cầu. Tụi em đã ráp USB DACS trong 3 model sản phẩm, kể cả cho phần MC và MM phono trong các ampli tiền khuếch đại, thậm cho cả đường MM phono in/out của AV processors. Em nghĩ, Phono vẫn duy trì sự đại chúng đáng kể và chơi nhạc số kiểu USB-Computer music sẽ càng phổ cập và đại chúng.
VNAV: Hiện là một trong số các hãng hàng đầu về thiết bị âm thanh cao cấp, các bác có kế hoạch sản xuất máy chủ âm nhạc mới để thay thế cho model MS750 ra lò đã lâu không ?, nếu có thì các thiết bị này có thể hỗ trợ giao tiếp USB với ổ cứng gắn ngoài để tăng khả năng lưu trữ nhạc số hay không ?
Ron: Xu hướng của thị trường cho thấy có vẻ như máy chủ âm nhạc kém cạnh tranh so với PC, laptop và các thiết bị nghe di động. Việc tiếp cận và đổi mới công nghệ thì đương nhiên máy vi tính và các thiết bị nghe cá nhân có ưu thế hơn hẳn so với máy chủ âm nhạc, ngoài ra việc chia sẻ và tải nhạc trên mạng ngày một nhiều thành ra chúng em thấy sản xuất thêm các model máy chủ âm nhạc mới là hơi khó xơi.
VNAV: Một số hãng lớn về Hi-End Audio cũng đã bắt đầu sản xuất DAC hỗ trợ không đồng bộ hóa dữ liệu từ kết nối USB/Firewire để chơi nhạc số chất lượng cao từ máy tính, bác có kế hoạch trình làng những sản phẩm tương tự hay không ? hay bác có tuyệt chiêu gì khác ?
Ron: Tụi em đã thiết kế một phần mềm hỗ trợ nhiều định dạng âm thanh theo cơ chế số và đã hiện diện trong ampli tiền khuyếch đại C48/C50 và đầu CD MCD1100.
Nhiều bác audiophile Tây cà lồ khi cài đặt thành công máy tính của họ theo giải pháp USB của chúng em đã cho biết rằng chất lượng âm thanh một số CD album của họ khá hơn khi chơi trực tiếp trên CDP.
Điểm mấu chốt ở đây là phần mềm máy tính cho phép chỉnh sửa, cập nhật khi công nghệ và định dạng âm thanh thay đổi. Tụi em sẽ cho ra lò bản cập nhật mới cho USB 2.0 với khả năng hỗ trợ tối đa mức phân giải 32 bit 192 KHz trong khi vẫn hỗ trợ các dữ liệu âm thanh có độ phân giải thấp hơn. Để sử dụng USB 2.0 thì driver của nó phải được cài đặt đồng bộ trên máy tính. Hãng Apple đã kết hợp tính năng tương tự trong các sản phẩm của họ từ mấy năm qua, trong khi đó Windows 7 chả thấy động tĩnh gì cả. Thay vì sử dụng driver dùng chung, tụi em thiết kế riêng driver cho USB 2.0 để hỗ trợ khách hàng của mình cài đặt và cập nhật.
VNAV: Bác có thể cho tí thông tin sánh giữa hệ thống nghe nhạc cao cấp dựa trên nền tảng máy với mô hình Transport + DAC truyền thống, tỷ dụ bit hoàn hảo, nhiễu, jitter… vv và vv ?
Oh, jitter thì là vấn đề thường xuyên gây đau đầu. Chúng em phải phát triển một cơ chế gọi là “McIntosh digital engine”, nó sẽ chỉnh xung dữ liệu và giảm thiểu jitter của tín hiệu số ở đầu vào xuống mức rất thấp. Cơ chế này phù hợp với khá nhiều giao tiếp kết nối tín hiệu như USB, Co-ax và cổng quang. Dòng dữ liệu sau khi chỉnh xung sẽ được chuyển hóa ở mức 32bit/192 KHZ, trong các model máy tiền khuyếch đại (preamp) C48 và C50 của chúng em thì con chip DAC Burr Brown (xin lỗi cho em phạm húy vì nick của bác là pc-chip) sẽ hiển thị giá trị 32/192 này. Trong đầu CDP MCD1100 chúng em làm tương tự nhưng nhân lên bốn lần số lượng chip DAC cho mỗi kênh để hạn chế noise về gần tới mức giới hạn lý thuyết. Tính nhẩm cho 2 kênh (stereo) bác sẽ thấy có tới 8 con chip DAC trong đầu CDP MCD1100.
Ngoài ra, một cách lý tưởng nhất để hạn chế jitter là dữ liệu nhạc số được lưu ở ổ cứng thể rắn bác à. Nếu các bác dùng riêng một máy tính để chơi nhạc với vi xử lý 4 nhân trở lên, nhiều nhiều RAM thì theo em là trên cả tuyệt vời.
Còn về món bit hoàn hảo thì thực ra các phần mềm chơi nhạc của các hãng sẽ phải luôn bỏ qua (bypass) các cài đặt và thiết kế mặc định của phần xử lý âm thanh trong máy tính để có được dữ liệu âm thanh hoàn hảo chuyển tới DAC. Em khoái dùng JRiver Media và khuyến cáo các bác một món nữa là phần mềm DB Poweramp (giá khoảng 30 đồng Obama), gọi theo cách của các bác là ngon, bổ, rẻ .
VNAV: Quan điểm của bác về chuẩn CD ? Liệu CD có qui ẩn giang hồ hay không ? và nếu có thì các định dạng nhạc số mà đặc trưng là các chuẩn có độ phân giải cao sẽ bá chủ thương trường, lúc đó bác có ngán món bản quyền hay không ?
Ron: Ậy, bác không thấy hiện có ti tỷ CD đã ra lò và đang phục vụ đại chúng hay sao ? cho nên giang hồ cần chục niên nữa để xài và thưởng thức những album quí hiếm trên định dạng CD mà họ cất công sưu tầm. Chuyện copy không thành vấn đề nếu việc quản lý bản quyền số (DRM-Digital rights management) được tuân thủ, ý em nói rộng ra là giữa máy tính, việc tải nhạc cũng như chia sẻ âm nhạc giữa các thiết bị phải hỗ trợ việc thưởng thức âm nhạc của người dùng. Dữ liệu số nói chung và file nhạc số chất lượng cao nói riêng là không thể cấm cản người ta việc tải lên tải xuống, miễn sao nó tương thích với thiết bị nghe là ổn… cho nên em không ngán món bản quyền đâu bác.
VNAV: Cuối cùng, xin bác cho biết cảm nghĩ chung về VN, và về các Audiophile Việt Nam mà bác từng gặp gỡ.
Ron: Đây là chuyến đi thứ hai của em tới VN. Quê em ở tịn bên California, và vì thế em có rất nhiều bạn bè người Mỹ gốc Việt ở đó. Lần này tại Sì goòng em kết luận là món ăn Việt Nam thật tuyệt vời, ngoài ra rất dễ “tám” với người dân ở đây hoặc “phượt” lòng vòng trong thành phố…
Thương hiệu McIntosh của chúng em thì đa số những người yêu nhạc trên thế giới này đều biết, em trân trọng điều đó và mong sao âm nhạc có chất lượng cao ngày càng phổ cập và đại chúng. Từ 'audiophile' có lẽ chỉ mang nghĩa loa đài và đam mê thiết bị thuần túy, còn đối với em thì tận hưởng âm nhạc hay thưởng thức các bản ghi âm chất lượng cao qua giàn máy xịn mới là điều quan trọng.
Mặc dù các bác không hỏi nhưng tiện đây em cũng phải báo cáo là em choáng quá, vì thấy người Việt Nam các bác điều khiển phương tiện giao thông giỏi nhất thế giới !
Xin cảm ơn các bác VNAV !
( Nguồn : vnav.vn )
Ron Cornelius - McIntosh Laboratory Inc.