Về công nghệ trong con DAC này thì các bác có thể dễ dàng tìm hiểu qua trang chủ theo link sau http://schiit.com/products/gungnir . Cá nhân em thì thấy chả cần quan tâm nhiều đến nó làm gì, cứ phải đánh giá bằng tai mình cái đã
- Vài lời trước khi review:
Thiết bị test:
- Nguồn phát: Streaming UPnP với server là máy tính PC, control point là Linn Kinsky trên smartphones, renderer point là Raspberry Pi 3 có sự hỗ trợ của Mutec MC-1.2 USB-SPDIF converter với dây BNC.
- Preamp kiêm headphones Amp: Schiit Valhalla 2 dùng bóng 6N6P và 6N23P Voskhod 1978.
- Thiết bị phát âm gồm bộ loa kiểm âm JBL LSR305s và tai nghe Sennheiser HD650
Lý do chọn thiết bị phát như trên là vì loa kiểm âm với đặc tính flat của frequency response sẽ dễ dàng đánh giá hơn loa hifi vốn có chất âm phụ thuộc rất nhiều vào gu thưởng thức của người phối ghép. Dĩ nhiên, loa kiểm âm rẻ tiền thì cũng có một số thứ không đảm bảo ví dụ như microdetails nên sẽ dùng headphones loại tương đối khủng là HD650 đã mod để test những cái đó
2. Đánh giá
Quan điểm của em khi đánh giá thiết bị digital như DAC hay transport là không bao giờ dùng chữ “hay” vì bản chất của các thiết bị digital như DAC nó rất chân phương, chỉ là biến đổi tín hiệu số ra tín hiệu analog còn về độ hay của bộ dàn thì là do phối ghép ampli với loa và dây quyết định. Do đó em chỉ dùng từ “tốt” để đánh giá theo các tiêu chí như tính không gian , tính chi tiết, độ động và độ analog của âm thanh.
2.1. Tính không gian của âm thanh (test bằng loa, hai loa đặt cách nhau 120cm, cách người 120cm)
Tính không gian được đánh giá qua âm trường và âm hình. Âm trường của Gungnir Multibit (GMB) có độ sâu rất tuyệt, được thể hiện khi test với các bản thu dàn nhạc cổ điển vốn có 3-4 lớp nhạc công. Độ rộng của âm trường cũng không hề thua kém các DAC khủng như PS Audio Perfectwave và chỉ hẹp hơn một chút so với một số DAC ngon dùng chip ES9018 như Auralic Vega hay Gustard X20. Tuy nhiên, GMB cũng có yếu điểm là độ cao âm trường không được cao nếu so với các DAC kể trên.
Tuy vậy, âm hình mới chính là điểm mạnh của GMB. Do âm trường sâu và khá rộng cho phép GMB có thể có một âm hình rất chính xác. Vị trí các nhạc công được phân bố chính xác trên các mặt phẳng khác nhau và quan trọng hơn rất ổn định, không bị tình trạng lệch đột ngột khi cả dàn nhạc cùng chơi. Riêng về âm hình thì GMB hoàn toàn tương đương với Auralic Vega và PS Audio Perfectwave
2.2 Tính chi tiết của âm thanh và độ động của âm thanh (test cả trên tai nghe và headphones)
Một trong những điểm mạnh nhất của GMB được thừa hưởng từ thiết kế cũ là độ động xuất sắc. Điều đầu tiên phải khen ngợi chính là macrodynamics (tạm dịch là độ động vĩ mô), nói nôm na chính là độ lớn của âm lượng khi chuyển từ những đoạn nhạc nhẹ nhàng có âm lượng sang những đoạn mạnh mẽ có âm lượng lớn. GMB thật sự là thuộc dạng trùm về điều này, với bài test là overture nổi tiếng “William Tell”, độ động giữa đoạn sáo cộng violin nhẹ nhàng sang đoạn cao trào kịch tính được chơi bởi cả dàn nhạc thật sự khiến người nghe như em phải nổi cả da gà.
Không những thế, khác với một số DAC chip ES9018 có chất âm ấm như Matrix X-Sabre, Ressonessence Labs Invicta Mirus hay con DAC cũ của em Geek Pulse SFi, GMB cực mạnh microdynamics (đô động vi mô) . Microdynamics được xuất hiện rõ nhất khi nghe tiếng đàn dây như Guitar hay Violin, Cello. Lấy ví dụ violin có một kĩ thuật rất phổ biến là kĩ thuật rung (vibrato). Ở những DAC có microdynamics không tốt như hai DAC vừa kể trên, tiếng vibrato của dàn dây rất một màu, hầu như không có sự thay đổi volume giữa các lần rung. Trong khi đó, với GMB, các lần rung có âm lượng lẫn tốc độ khác nhau, dù chỉ là khá nhỏ nhưng cũng khiến cảm giác âm thanh nhạc cụ chân thực và sống động hơn hẳn.
Về vấn đề chi tiết, cũng có hai loại chi tiết là macrodetails và microdetails. Macrodetails là những chi tiết có âm lượng lớn được phô bày ra, lấy ví dụ như một bản nhạc có ca sĩ và nhạc cụ đệm chẳng hạn, thì thiết bị âm thanh cho macrodetails tốt là thiết bị có thể phô bày các dòng âm thanh của cả ca sĩ lẫn nhạc cụ đệm cùng một lúc một cách rõ ràng tách bạch nhất. Trên thực tế, macrodetails chính là điểm mạnh nhất của dòng DAC ES9018, chi tiết được bóc tách lớp lang tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau. Về điểm này, GMB dù khá mạnh nhưng vẫn kém đôi chút so với các DAC như Ressonessence Invicta Mirus, Gustard X20, Chord Hugo và chỉ hơn Matrix X-Sabre, NAD M51.
Nói đến đây, mọi người sẽ nghĩ là Gungnir Multibit không mạnh về tính chi tiết. Thực tế là hoàn toàn không vì ngoài macrodetails là những thứ mọi người dễ nhận thấy còn một đặc điểm chi tiết rất quan trong là microdetails. Microdetails là những chi tiết về âm sắc có âm lượng rất nhỏ, chúng vô cùng quan trọng trong việc thể hiện đúng âm sắc của các nhạc cụ khác nhau, ví dụ âm sắc của violin và flute hoàn toàn khác nhau dù chơi cùng nốt. Microdetails chính là một trong những tiêu chí quan trọng nhất cùng với microdynamics để làm nên độ trung thực của âm sắc nhạc cụ. Về điểm này thì Gungnir Multibit làm rất tốt. Khi test bằng 3 phút cuối của chương cuối của giao hưởng số 41 “Jupiter” của Mozart vốn được coi là đỉnh cao về hòa âm thời cổ điển với 5 bè nhạc từ các nhạc cụ khác nhau, nếu như những DAC như Gustard X20 hay Auralic Vega dù làm nổi rõ giai điệu của cả 5 bè nhưng vấn đề là hầu như 5 bè đó ngoài cao độ (pitch) khác nhau hoàn toàn không có âm sắc riêng biệt để phân biệt các nhạc cụ với nhau thì GMB lại thể hiện rất rõ tiếng sắc của violin, tiếng hơi bí của viola, tiếng cao và hơi rung của flute,...
Chốt lại, Gungnir Multibit cực mạnh ở macrodynamics, microdynamics, microdetails và khá ổn ở macrodetails.
2.3 Độ analog của âm thanh.
Thật ra nói về độ analog của âm thanh thì nhiều người sẽ cho rằng cứ âm dầy, ấm sẽ được coi là analog. Em thì quan niệm hơi khác một chút, độ analog là khả năng biểu hiện tốt đặc tính của âm thanh thực. Âm thanh thực nói chung bao gồm 3 pha. Lấy ví dụ như tiếng guitar khi bác đánh vào một giây. Pha đầu tiên chính là lúc ngón tay tạo lực lên dây đàn gọi là Pha động (attack phase), kế đến là pha lưu trữ (sustain phase) là âm thanh từ dây đàn sẽ được rung với âm lượng thay đổi rất ít trong tầm 1-2 giây, cuối cùng là pha nhả (decay phase) khi đó tiếng đàn sẽ nhỏ dần rồi tắt hẳn. Một DAC có chất âm analog là phải thể hiện 3 pha này rõ ràng. Một số DAC có tiếng dây và ấm như Luxman DA-6 theo em không hẳn là có chất âm analog vì 2 pha sau bị chồng lấn lên nhau. Trong khi đó những DAC trung tính hơn như Gungnir Multibit hay thậm chí có chất âm hơi thiên sáng như Metrum Musette (cũng là R2R) lại làm rất tốt điều này. Khi kết hợp với microdynamics và microdetails tốt thì chúng mang lại âm thanh thực hơn rất nhiều những DAC như Luxman DA-6
Bây giờ xét một chút về chất lượng từng quãng âm của Gungnir Multibit. Bass của GMB là tuyệt nhất, rất sâu nhưng đồng thời chi tiết lẫn biểu thị âm sắc của nhạc cụ bass cực tốt, có độ lan tỏa tuyệt vời. Mid của GMB trung tính và khá ngọt, dù không được như Luxman DA6, bù lại rất chi tiết. Riêng về treble thì vừa là điểm mạnh vừa là điểm chưa tốt của GMB. Nói về chất âm thì treble của GMB rất ngọt, không hề có một chút khô chói nào như các DAC Delta-Sigma, đồng thời lên đủ tới để thế hiện tốt nhạc cụ mộc. Tuy nhiên, do âm trường có độ cao không quá tốt dẫn đến với nhiều người treble sẽ không đủ độ bay “airy”, nghe không “fun”.
Một đặc điểm khá hay của Gungnir Multibit mà em phát hiện những ngày qua là Gungnir Multibit khá dễ tính với nguồn nhạc. Em đã test cả những bản thu từ năm 1960 nhưng nghe qua GMB vẫn dễ chịu hơn nghe qua các DAC khác kể cả đắt hơn và tốt hơn như Yggdrasil. Tuy nhiên, GMB không hề dễ chịu với các giọng hát dùng auto-tune. Em test 2 bài nhạc Việt đó là bài “Như một giấc mơ” của Mỹ Tâm, và bài nhạc trẻ nổi đình nổi đám 2 tháng nay là “Anh cứ đi đi” của hot girl Hoàng Yến Chibi, cả 2 file nhạc đều là FLAC. Trong khi với bài hát của Mỹ Tâm thì qua Gungnir Multibit chất giọng trở nên thực hơn nhất là những đoạn nhả chữ và lấy hơi, thì giọng hát của Hoàng Yến Chibi không khá hơn được tẹo nào. Giải thích chỉ có thể là giọng hát của bạn hot girl đã được chỉnh sửa auto tune quá nhiều thành một dạng giọng hát điện tử, thành thử đến Gungnir Multibit cũng không thể biến nó nghe giống giọng thật được
3. So sánh với một số DAC khác
Với người anh Schiit Yggdrasil : Schiit Yggdrasil có các thông số kĩ thuật như độ động và chi tiết tốt hơn Gungnir Multibit. Hơi ngạc nhiên là dù chiều cao của âm trường tốt hơn nhưng Yggdrasil lại kém hơn GMB về độ rộng của âm trường, nhưng cũng vì thế âm hình của Yggdrasil sắc nét hơn. GMB dễ tính hơn với nguồn nhạc và có chất âm ấm hơn một chút trong khi Yggdrasil trung tính hơn và có treble bay hơn. Cá nhân em thì thích Yggdrasil hơn nhưng nhiều người lại thích một chút ấm áp từ GMB.
Với Gustard X20: Gustard X20 hơn Gungnir Multibit ở 2 điểm là macrodetails và độ cao của âm trường, còn lại thì kém xa GMB, đặc biệt là ở macrodynamics và độ analog của chất âm, cũng như độ thực khi tái hiện âm sắc của các nhạc cụ. Treble của Gustard X20 vẫn có độ chói nhất định nhưng đồng thời cũng bay hơn.
Với Auralic Vega: Auralic Vega nhỉnh hơn Gungnir Multibit một chút như độ sắc nét của âm hình đồng thời trội hơn về độ cao của âm trường. Cả hai đều có độ động ngang nhau. Yếu điểm chết người của Vega là treble bị chói và độ thực khi tái hiện âm sắc nhạc cụ
Với PS Audio Perfectwave MKII: giống như các DAC trên thì Perfectwave DAC trội hơn về độ cao của âm trường. Còn lại hai DAC khá là cân bằng, cả về chi tiết, độ động. Bass của Perfectwave cũng rất tuyệt, mid cũng vậy dù treble do ảnh hưởng của chip Wolfson khá là khô cứng, không được mượt như GMB. GMB nhỉnh hơn một chút về đô analog của chất âm.
Với Metrum Musette: Xét về chất âm analog và microdynamics thì Metrum Musette nhỉnh hơn Gungnir Multibit. Còn lại âm trường, chi tiết, macrodynamics, chất bass thì Musette không đủ tuối so với Gungnir Multibit.
Với Mytek DSD192: Mytek DSD192 theo em gần giống như Auralic Vega trừ việc kém hơn ở nhiều mặt: chất âm khó chịu hơn (âm mỏng hơn, treble chói hơn), macrodetails cũng kém hơn,... Nên trừ việc có độ cao âm trường tốt hơn thì Mytek DSD192 xách dép cho GMB.
Với Chord Hugo: Công bằng mà nói Hugo nhỉnh hơn GMB ở kha khá thứ như độ cao và độ rộng của âm trường cũng như macrodetails. Một số thứ như microdetails, microdynamics, macrodynamics thì cũng ngang nhau, chất âm của Hugo cũng không đến nỗi gây khó chịu như Vega hay Mytek. Tuy nhiên, Chord Hugo có âm trường rất nông đồng thời chất tiếng khá mỏng nên gặp vấn đề rất lớn khi thể hiện tác phẩm khí nhạc lớn. Dĩ nhiên, nếu gu nhạc thiên về vocal thì Chord Hugo vẫn là lựa chọn tốt
Kết luận: Theo thiển ý của em thì Gungnir Multibit là DAC đáng giá tiền nhất dưới 2000 USD. Dù còn một số điểm chưa hoàn hảo như độ cao của âm trường, độ bay của treble hay macrodetails nhưng nó đã có được điều rất rất quan trọng mà chỉ có một số rất ít DAC (ở mọi tầm giá) có được đó là độ analog, độ thực của khi thể hiện âm sắc nhạc cụ, đồng thời cũng vẫn có được những ưu điểm kĩ thuật tốt, không như một số DAC R2R khác như Bifrost Multibit, Metrum Musette phải đánh đổi rất nhiều để có được chất âm analog.
Về phần mình, em rất hài lòng về nó và quyết định sẽ dừng công cuộc tìm kiếm đổi chác DAC ở đây, ít nhất là trong vòng 2 năm tới để tập trung hơn vào phần analog của bộ dàn (ampli và loa). Mong rằng những đánh giá của em sẽ giúp mọi người có thêm một sự lựa chọn khi tìm mua DAC.
P/S: Còn một tiêu chí nữa khá quan trọng em quên đánh giá là phần nhìn của GMB. Nói thật là GMB không hề bắt mắt. Vỏ nhôm dày, màu trắng nhìn khá là chán. Chỉ có 1 nút ở mặt trước để chọn một trong 4 kết nối (USB; SPDIF toslink, SPDIF coaxial, SPDIF BNC). Em thì không quan tâm đến vấn đề này lắm vì nếu phần nhìn của Gungnir Multibit mà được như đồ của Esoteric hay McIntosh thì giá của nó chắc phải thêm 400-500$, lúc đấy thì chưa chắc em đã có cơ hội sở hữu nó
Chỉnh sửa lần cuối: