Như nhà văn Lâm Ngữ Đường đã chỉ ra trong “Sống đẹp”:
[ Chỉ khi nào trong xã hội có hoàn cảnh an nhàn thì nghệ thuật đàm đạo mới phát triển, mà nghệ thuật đàm đạo có phát triển thì thể tiểu luận, tuỳ bút mới phát triển. Xét về đại thể thì cả hai nghệ thuật đó đều xuất hiện tương đối trễ trong lịch sử tiến bộ của văn minh vì chúng cần có điều kiện này: trí óc của ta phải đạt tới một trình độ mẫn tiệp, tế nhị nào đó đã, mà muốn vậy, phải có một đời sống thảnh thơi đã.
Ta thấy rõ điều đó trong tản văn Hi Lạp và Trung Hoa. Mấy thế kỉ sau Khổng Tử, tư tưởng Trung Hoa phát triển mãnh liệt, nguyên nhân chỉ là vì thời đó đã phát sinh được một giới học giả khá đông mà suốt đời chỉ có mỗi công việc là ăn rồi thì đàm đạo.
Tản văn Hi Lạp cũng phát triển trong một bối cảnh xã hội tương tự. Đọc nhan đề tập “Đàm thoại” (Dialogues) của Platon, ta cũng thấy ngay rằng tản văn Hi Lạp sở dĩ giản khiết, sáng sủa là do ảnh hưởng của nghệ thuật nhàn đàm. Trong thiên “Bữa tiệc” (Banquet), một nhóm văn nhân ngồi trên đất đàm đạo vui vẻ với nhau, chung quanh là rượu, trái cây và những thiếu niên thanh tú, vì họ luyện nghệ thuật nói cho nên tư tưởng của họ mới sáng sủa, văn của họ mới giản khiết, cho ta một cảm giác mát mẻ dịu dàng. ]
Bình luận phim cũng tương tự như nghệ thuật đàm đạo và tản văn: có liên hệ mật thiết với sự an nhàn.
Chỉ có nhàn hạ thì mới có thời gian xem được nhiều phim, từ đó mới có nguyên liệu phong phú để liên tưởng so sánh khi viết bài. Chỉ có thảnh thơi thì đầu óc mới sáng suốt để cảm nhận bộ phim trọn vẹn, khám phá nhiều tầng ý nghĩa ẩn khuất. Chỉ có an nhàn thì tâm hồn mới rộng mở để xem đa dạng các thể loại đề tài phim. Chỉ có không bị áp lực kiểu tới hạn nộp bài thì bài viết mới đầy ngẫu hứng không theo lối mòn...
Tiếc là trong xã hội hiện đại sự nhàn hạ chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nào đó rồi phải thay bằng sự bận rộn, nên những bài bình luận phim càng lúc càng ít. Tui có lẽ cũng không ngoại lệ.
Bài thơ của Jacques Prévert dưới đây cũng là một hướng dẫn lí tưởng để viết một bài bình luận phim nhưng lí tưởng thì luôn khó với tới.
ĐỂ VẼ CHÂN DUNG MỘT CON CHIM
Trước hết vẽ một cái lồng
với cánh cửa mở
sau đó vẽ
một cái gì xinh
một cái gì đơn sơ
một cái gì đẹp
một cái gì ích lợi
cho con chim.
Rồi đặt khung vải cạnh thân cây
trong vườn
trong rừng non
trong rừng già.
Nấp sau cây
không nói
không cử động…
Đôi khi chim đến nhanh
nhưng cũng có khi hàng năm đằng đẵng
mới quyết định đến.
Đừng nản.
Chờ.
Chờ hàng năm cũng không sao.
Chim đến nhanh hay chậm
chẳng liên hệ gì
với thành công của tác phẩm.
Khi chim đến
nếu nó đến
hãy im lặng thật sâu
chờ chim vào lồng
và khi chim vào rồi
nhè nhẹ đóng cửa lồng bằng bút vẽ.
Rồi
xóa hết nan lồng từng cái một
mà cố tránh đừng động đến lông chim.
Sau đó vẽ cây
chọn cành nào đẹp nhất để vẽ
cho chim.
Cũng vẽ lá cây xanh và hơi mát của gió
bụi mặt trời
tiếng con trùng tỉ tê trong cỏ nóng bỏng mùa hạ.
Rồi chờ chim quyết định hót.
Nếu chim không hót
thế là điềm chẳng lành
dấu hiệu bức tranh vẽ xấu.
Nhưng nếu chim hót thì đó là điềm tốt
dấu hiệu bạn có thể kí tên.
Khi đó bạn nhẹ nhàng rất nhẹ nhàng
nhổ một lông chim
và viết tên bạn trên tranh nơi góc.