Phàm con người ta ở đời cái gì cũng thích nhiều, nói chung càng nhiều càng tốt. Riêng đối với dữ liệu HD thì càng không phải là ngoại lệ. Có ổ 3 hoặc 4TB để chứa thì quá tốt rồi, nhưng ngay cả những cái ổ cứng vài ba trăm GB trong các máy tính cũ hư bỏ cũng ráng tháo ra giữ lại đặng sau này còn chứa phim nhạc. Bi nhiêu thì bi. Quan thề không hề để rơi rớt. Nhưng ngặt nỗi là bây giờ nhiều ổ quá mà mỗi ổ lại chứ nhiều thứ thì làm sao để quản lý hết chúng đây? Có ổ cứng chưa đầy 1TB mà chứa đủ thứ hầm bà lằng. Phim m720 vài bộ, phim full HD cũng có, rồi thì Bluray, rồi thì iso 3D movies cũng đòi góp mặt. Đó là chưa kể các loại nhạc hình từ Thuý Nga đến Vân Sơn hoặc Asia cho đến nhạc tiếng FLAC, WAV rồi còn cả đống mp3 nữa. Bằng lần muốn nghe hoặc xem cái gì đó phải ngồi lò mò trong cả đống ổ cứng nội chỉ nghĩ tới thôi cũng đủ ngán ngẩm.
Vậy tại sao ta không thử đi tìm cho mình một giải pháp nhằm gom tất cả nội dung dữ liệu HD đang nằm rải rác trên các ở cứng mới cũng như cũ về còn một ổ hay một thư mục thôi cho dễ quản lý?
Cũng vậy, nhà đông con thì 10 đứa khỏe cũng có đứa bịnh. Trong cả rừng HDD thì làm sao biết em nào khỏe em nào sắp về chầu Diêm vương đặng biết mà còn lo sửa hay thay cái khác trước khi dữ liệu nó chứa vĩnh viễn ra đi không hẹn ngày tái nạm?
Trong phần 3 – phần cuối trong loạt bài về hệ thống lưu trữ dữ liệu HD tại gia – tôi xin được phép chia xẻ đến các bạn một vài phương thức quản lý dữ liệu HD sao cho hiệu quả rồi thì còn tùy vào điều kiện thực tế của bạn mà có thể áp dụng chúng sao cho có lợi cho mình nhất.
I. Làm thế nào để có thể kết hợp nhiều ổ đĩa cứng vào chỉ một ổ đĩa nhằm tăng năng lực lưu trữ?
Hiện nay có 3 phương pháp chính nhằm kết hợp nhiều ổ cứng vật lý để tạo thành một ổ đĩa duy nhất mà ta thấy được trên máy.
1/ Tạo ổ mở rộng (spanned volume)
Cách tạo loại ổ này tôi nghĩ là quá quen thuộc với số đông bạn ở đây, hoặc ít ra cũng từng nhìn hoặc nghe tới nó một lần cho dù bạn đang sử dụng Windows, Mac OS, hay Linux.
Nếu bạn có rất nhiều tập tin phim/ nhac hoặc các thư mục chứa các loại phim nhạc mà lại nằm rải rác đó đây trên nhiều ổ đĩa cứng, bao giờ trong đầu bạn cũng sẽ nghĩ đến việc muốn cho tất cả chúng sẽ chỉ hiện diện tại một nơi nào đó trong máy của bạn, tại một ổ cứng logic nào đó chẳng hạn.
Khi tạo một ổ đĩa mở rộng có nghĩa là bạn đang dựng một ổ đĩa logic lớn dựa trên sự kết hợp của hai hoặc nhiều ổ cứng vật lý. Khởi đầu từ ổ cứng đầu tiên và kết thúc bằng ổ cứng cuối cùng. Vì nó mang một đặc điểm quan trọng của JBOD (just a bunch of Disk), nên ngày nay bạn có thể nghe lẫn lộn 2 tên này trên mạng là khá phổ biến.
Quá trình tạo một ổ mở rộng trong Windows
Còn cách tạo như thế nào thì các bạn có thể tham khảo tài liệu trên mạng cái này thì có rất nhiều, hoặc hỏi bạn bè.
Cách tạo ổ mở rộng tuy có khác nhau chút ít ở các HĐH, nhưng cho dù là bạn dùng Windows, Mac OS, hay Linux thì ổ cứng mở rộng đều có đặc tính như nhau. Sau đây là ưu và khuyết kiểm của nó:
Ưu điểm:
Có thế nói đây là thuộc dạng ổ dễ quản lý nhất. Thật vậy, vì một khi bạn đã tạo ra nó, bạn không còn phải quản lý bất cứ điều gì thêm. Tất cả mà bạn có thể thấy nó là một ổ đĩa lớn trên màn hình máy tính của bạn. Rồi trong quá trình vận hành, một khi nó sử dụng hết không gian trên ổ đĩa vật lý đầu tiên, nó sẽ tiếp tục di chuyển qua ổ cứng thứ hai mà bạn không hề biết mà cũng không cần phải biết về nó làm giề. Không giống như RAID, nó không quan tâm liệu các ổ đĩa được kết nối với nhau có cùng size, cùng tốc độ hay không.
Nhược điểm:
Cái vấn đề lớn nhất đối với ổ đĩa cứng mở rộng là khả năng toàn bộ ổ bị sụp là rất lớn. Giả sử bạn xây dựng một ổ cứng mở rộng gồm ba ổ đĩa vật lý rời, khi mà chỉ cẩn một ổ cứng vật lý bị tèo thì cả khối dữ liệu mà bạn đã chứa trong ổ cứng mở rộng hiện đang nằm trên các đĩa sẽ rủ nhau cùng toi một lúc.
Và do đó, tôi không khuyên bạn nên lựa chọn phương pháp này cho hầu hết các tình huống khi lưu trữ dữ liệu HD. Tuy nhiên, nếu bạn có rất nhiều dữ liệu không phải là đặc biệt quan trọng gì, hoặc giả là đã được sao lưu ở nơi khác (như đã burn ra đĩa DVD và Blu-Ray rồi) thì dùng phương pháp này có thể là một lựa chọn không tồi. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến việc nhận thức các nhược điểm và các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ dữ liệu của bạn mà thôi.
2/ Dùng đường dẫn Symbolic (symbolic links)
Phương pháp này cũng thuộc loại … dễ ẹt. Nó chẳng khác gì khi bạn tạo những shortcut vậy. Nhưng ở đây bạn đi dánh lừa OS để nó nghĩ là những cái link ảo của bạn chính là những thư mục thật. Điều này cho phép bạn có thể lưu trữ một thư mục trên ổ đĩa thứ hai trong khi tạo liên kết tượng trưng đến nó trên ổ đĩa thứ nhất của bạn. Và khi đó hệ thống của bạn sẽ cảm thấy như tất cả các tập tin ở trên ổ đĩa đầu tiên đó.
Không giống như các shortcut, những chương trình chạy trên máy tính của bạn cũng sẽ không biết rằng thư mục nó đang làm việc thật ra chỉ là ảo mà thôi. Nói về play movie thì hơi khó tưởng tượng, tôi lấy luôn việc play game cho dễ hình dung. Giả sử một trò chơi video game nào đó nó yêu cầu tất cả các màn trò chơi của bạn phải đều nằm trên cùng một ổ đĩa, nhưng rủi thay các màn trò chơi đó có dung lượng nhiều hơn khả năng có thể chứa trên ổ đĩa đó. Thế là bạn có thể chuyển một số trong số chúng sang một ổ đĩa thứ hai và thiết lập các liên kết tượng trưng symbolic links trên ổ đĩa đầu tiên để trò video game đó sử dụng mà chả biết cái quái gì đã xảy ra.
Tương tự như loại ổ cứng mở rộng ở trên, việc tạo symbolic links có thể được thực hiện ở nhiều HĐH khác nhau. Về cách tạo symbolic links như thế nào trong windows bạn nào nếu không biết nhưng muốn tìm hiểu làm thử thì có PM cho tôi. Software RAID SnapRaid cũng có thể dùng để tạo 1 ổ cứng từ các ổ cứng vật lý chỉ bằng một câu lệnh pool dễ ẹt luôn.
Ưu điểm:
Lợi thế lớn nhất của phương pháp này là nó rất dễ tạo và cho phép bạn kiểm soát vị trí cụ thể của mỗi tập tin hoặc thư mục trong máy của mình. Nó cho phép bạn tạo symbolic links với số lượng ổ không giới hạn, các ổ đĩa cứng có dung lượng và tốc độ khác nhau cũng không hề gì. Nếu một đĩa cứng bị hư hỏng, bạn chỉ mất dữ liệu trên ổ đĩa đó thôi còn các ổ đĩa khác vẫn nguyên vẹn và họat động bình thường.
Nhược điểm:
Nếu bạn sử dụng phương pháp này với rất rất nhiều tập tin hoặc thư mục, nó có thể gây cho bạn sự tẻ nhạt hoặc khó chịu. Nhìn mấy cái biểu tượng (ví dụ trong thư mục mount) nhiều quá mà đều đều giống nhau dễ gây nhầm lẫn và nhìn muốn buồn ngủ rồi.
3/ Cuối cùng là dựng RAID
RAID là viết tắt của Redundant Array of Independent Disks. Về phương pháp này thì tôi đã viết hẳn một bài dài về nó. Nếu bạn nào rủi xui quá chưa đọc thì cũng nên cố gắng đọc một cái cho biết với đời. Xin đọc
tại đây.
Có nhiều cách để dựng một RAID. Bạn có thể dùng software RAID cái hoặc là đi kèm với bo mạch chủ (motherboard hoặc card Sata rời), hoặc là mua hay lấy từ trên mạng xuống vì được cung cấp miễn phí. Bạn cũng có thể dùng hardware RAID nếu như túi của bạn rủng rỉnh tiền mà nếu đem đốt đi thì sợ người đời dị nghị, thôi thì lấy ra mua cái card RAID cho người ta tưởng mình trí tuệ. Mà là trí tuệ thật. Khi dựng hardware RAID nó cũng đòi hỏi bạn cũng phải có chút ít kiến thức về IT từ việc lựa chọn dựa trên tính tương thích, cho đến cách lắp đặt sao cho đúng, rồi cách setup, vận hành, bảo trì nữa.
Ưu điểm:
Tôi chỉ nói ngắn gọn ở đây là RAID cung cấp rất nhiều lợi ích từ việc nó có khả năng kết hợp nhiều ổ đĩa cứng vật lý khác nhau thành một ổ đĩa chung, cho đến việc giúp gia tăng tốc độ truy xuất dữ liệu, độ tin cậy cũng như bảo vệ dữ liệu chống lại các trường hợp ổ cứng vật lý bị hư hỏng đột xuất. Có nhiều loại khác nhau của RAID nhằm phục vụ cho các mục đích chuyên biệt.
Nhược điểm:
Dĩ nhiên RAID cũng phải có một số nhược điểm của riêng nó.
Hao tiền thêm. Mặc dù RAID không phải là backup, nhưng để tăng mức độ bảo vệ dữ liệu (hai ba ổ cứng chết một lúc chẳng hạn) thì nó cũng đòi hỏi phải gia tăng cung cấp số lượng các ổ cứng dự phòng (dĩ nhiên rồi phải không các bạn).
Nó đòi buộc các ổ cứng trong phải có cùng tốc độ quay, cùng dung lượng chứa. Còn nếu không thì bạn buộc phải hy sinh vậy.
Tôi lấy ví dụ khi dựng một RAID từ 10 ổ cứng trong đó có 9 ổ là 4TB còn 1 ổ còn lại là 1TB thì RAID sẽ coi như tất cả các ổ cứng đều có dung lượng đồng đều nhau là 1TB mà thôi. Tức cắn lưỡi chưa? Cũng vậy, nó sẽ sử dụng tốc độ của ổ cứng chạy chậm nhất có trong RAID.
Nói tóm lại, ngày nay việc kết hợp nhiều ổ đĩa cứng để trở thành 1 ổ logic duy nhất trên thực tế vẫn còn gây nhiều tranh cãi vì nó có thể làm tăng nguy cơ ổ cứng bị hỏng cũng như khả năng bảo vệ dữ liệu. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu rõ về chúng, nắm rõ từng điểm yếu, điểm mạnh của từng phương pháp kết hợp ổ cứng, chúng ta có thể gần như hoàn toàn khống chế các điểm yếu đồng biết kết hợp tài tình các ưu điểm nhằm hợp nhất các dữ liệu còn nằm rải rác ở các ổ cứng mà vẫn bảo vệ dữ liệu hữu hiệu trong giới hạn cho phép.
Đó cũng là lý do bạn nên đọc tiếp mục II của bài này để biết tôi đã lựa chọn phương pháp kết hợp ổ cứng nào cho hệ thống lưu trữ của tôi hiện nay.
II. Lựa chọn phương pháp kết hợp ổ cứng
Vào phút chót tôi có một thay đổi kế hoạch về việc lựa chọn phương thức quản lý dữ liệu HD. Trong suốt thời gian tôi post phần 1 và đặc biệt là phần 2, tôi nghiệm thấy đa số các bạn trẻ thích cái gì đó “mì ăn liền” hơn sự thấu hiểu và tư duy. Thích cái gì đó bốp xốp nóng hổi làm rẹt rẹt rồi xong, mặc dù tôi biết chắc các bạn ấy không phải do bận rộn thiếu thời gian (giống bọn già có gia đình như chúng tôi) để tìm hiểu.
Vì vậy tôi quyết định lựa chọn phương pháp software RAID có trả phí dùng GUI dễ hiểu trong phần quản lý dữ liệu HD thay vì loại miễn phí nhưng sử dụng câu lệnh (cho dù là đơn giản đi nữa).
Software RAID đó chính là
FlexRaid.
Tương tự như SnapRAID, FlexRAID là một phần mềm cũng khá nổi tiếng hiện nay trong giới giang hồ về lưu trữ khủng. Tính năng ên hệt như thằng SnapRAID và có một cái nổi bật mà tôi nghĩ ai ở trong diễn đàn này cũng thích. Đó là mọi cài đặt, cấu hình gì ở trên nó cũng dùng GUI hết. Tức không khác gì khi bạn thao tác các tác vụ của một phần mềm bình thường trên Windows.
Sơ lược một chút về FlexRaid
Nó Là một phần mềm cung cấp giải pháp RAID có trả tiền, nó có thể được cài đặt trên Windows và Linux. FlexRAID mang 2 chứng năng chính là bảo vệ và quản lý dữ liệu.
Ưu điểm:
- Các dữ liệu hiện có trên các ổ đĩa vẫn còn nguyên vẹn khi dựng RAID hoặc kết hợp quản lý (pool) các ổ cứng trong máy.
- Khi bạn mở rộng RAID hoặc vì lý do nào đó phải dựng lại RAID lần nữa thì dữ liệu vẫn tại đó không bị mất đi.
- Chỉ khi hoạt động thì đĩa mới quay còn không thì “ngủ” cho mập thây.
- Multiplatform
- Sử dụng filesystem NTFS, vì vậy nếu RAID có tiêu tùng hoặc sau này nghỉ chơi RAID ra thì vẫn còn đó các dữ liệu của bạn trên các ổ cứng.
- Toàn bộ tập tin của bạn luôn luôn được lưu trữ trên một đĩa đơn, không kéo lê thê một tập tin mà rê từ ổ này qua ổ khác.
Khuyết điểm:
- Tốc độ của FlexRAID chính là tốc độ của ổ cứng mà nó đang làm việc.
- Không có sự cân bằng giữa các ổ cứng (cái này tại mình chọn thôi).
Có 3 Phiên bản của FlexRAID dựa trên 2 tính năng chính của FlexRaid
1. Bảo vệ dữ liệu $40
2. Quản lý dữ liệu $30
3. Phiên bản gộp chung $60
III. Cài đặt và cấu hình
1/ Cài đặt:
Bạn
vào đây để download file cài đặt của FlexRaid. Nhớ chọn down RAID-F và loại cho Windows chứ đừng lạng quạng sờ soạng qua bên Linux thì kẹt lắm đó.
FlexRaid cho phép bạn dùng thử trong vòng 21 ngày trước khi quyết định có nên mua nó hay không. Chẳng phải quảng cáo gì, vì tôi không quen biết FlexRai hay được lợi lộc gì, trừ phi bạn chỉ muốn thử chơi chơi cho biết, nếu bạn thật sự cần một phần mềm nào đó để quản lý kho dữ liệu đồ sộ nhưng rất lung tung thì tôi chắc chắn bạn sẽ thích thú và ghiền nó hồi nào không biết.
Khi tiến hành cài đặt thì nó cũng dễ ẹt như phần lớn các phần mềm chạy trên Windows khác. Cứ nhắm mắt bấm nút “Next” cho đến khi nào gặp nút “Finish” thì bấm cái nữa là xong. Và cũng vì quá dễ nên tôi không muốn post hình từng bước cài đặt lên đây làm gì cho tốn đất.
2/ Cấu hình cho FlexRaid:
FlexRaid cùng Web UI (Web based User Interface) để giao tiếp với người dùng (cũng tương tợ như Synolgoy hay các software Raid khác). Nó tương thích với hầu hết các trình duyệt (browser) hiện nay. Nói thật, từ đây cho đến tương lai sắp tới, các nhà lập trình trên thế giới sẽ viết rất nhiều các ứng dụng Java chạy trên nền Web mà ta hay gọi là Web apps. Nếu bạn chưa từng nghe thì bắt đầu nghe từ bây giờ là vừa.
Có 2 cách để chạy chương trình FlexRaid. Hoặc là nhấp đôi chuột vào shortcut mà bạn vừa tạo trong quá trình cài đặt FlexRaid, hoặc bạn cứ mở trình duyệt bình thường xong gõ địa chỉ
http://localhost:8080
Ngoài ra bạn cũng có thể remote desktop từ một máy khác để có thể vào FlexRaid cũng được. Nhớ là gõ vào trình duyệt là
http://machine.name:8080/ hoặc
http://machine.ip.address:8080/
Tại màn hình đầu tiên FlexRaid cho bạn dùng thử trong 3 tuần (Request Trial License)
Còn nếu bạn đã mua key rồi thì nhập vào luôn. Lưu ý key này có giá trị và được trợ giúp vĩnh viễn chứ không hết hạn sau 1 hay vài năm như bọn phần mềm chống virus. Do đó bạn có thể an tâm cho dữ liệu quý của mình.
Khi vào tới màn hình đăng nhập (login screen), bạn có thể bỏ vào user name và password. Còn biết chắc máy này chỉ có mình ên mình sủ dụng thì cứ tảng lờ đi bằng cách nhấn nút
LOGIN là xong.
Bắt đầu từ đây bạn bây giờ có thể:
- Kết hợp tất cả các ổ cứng vật lý trong máy để tạo ra một ở cứng logic lớn duy nhất.
- Bạn cũng có thể tạo một snapshot RAID cho máy mình
- Hoặc Bạn cũng có thể tạo một realtime RAID cho máy mình
- Thiết lập hoặc chỉnh sửa các ứng dụng hữu ích được tích hợp kèm theo FlexRaid (có nhiều cái hay lém).
- Thêm hoặc chỉnh sửa các tác vụ chạy tự động của FlexRaid.
Do nội dung chính của phần 3 là quản lý dữ liệu (chứ không phải là bảo vệ dữ liệu nữa mặc dù FlexRaid cũng có chức năng này), nên tôi sẽ đánh trọng tâm vào việc quản lý nha.
a/ Thiết lập ổ cứng mở rộng
Đầu tiên, để tiến hành kết hợp nhiều ổ cứng vật lý lại, ta click vào “Add New Configuration” icon trong màn hình Desktop của FlexRaid. Một cửa sổ mới sẽ mở ra.
Trong phần Name, ta chọn cái tên gì đó cho gợi nhớ một chút.
Bạn chọn chế độ “Expert”
Chọn loại “Storage Pool Only”
Xong nhấn nút tạo
Create
Trong ô
Unique Volumes bây giờ ta bắt đầu tiến hành khai báo các ổ cứng vật lý trong máy. Nhớ là đưa đường dẫn cho đúng và mỗi một ổ chiếm một hàng (tức xuống hàng khi khai báo ổ khác). Tôi đang có 35 ổ chứa dữ liệu (data) nên có 35 hàng khai báo (xem hình).
Còn nếu chỉ có vài ổ và mỗi ổ cứng có tên là một chữ cái riêng thì có thể khai báo là
D:\
E:\
F:\
G:\
H:\
I:\
Còn
Restricted Volumes là những nơi nào đó trong máy của bạn mà bạn chỉ muốn xem thôi và hạn chế không cho FlexRAID ghi dữ liệu mới lên đó. Ví dụ bạn muốn nhìn thấy luôn ổ C:\ vào vào cái big drive mới này, nhưng bạn cũng muốn hạn chế ghi lên ổ C (vì không gian của nó thường bị hạn chế mà). Hoặc giả sử tôi muốn cái ổ cứng thứ 15 chỉ được xem thấy thôi chứ không cho ghi vào thì tôi điền cái hàng C:\mount\disk15 vào trong ô Restricted Volumes.
Threads: số phân luồng được sử dụng bởi FlexRAID. Hãy tưởng tượng đường quốc lộ thì cần nhiều làn xe trong khi ở ấp xã chỉ cần một là đủ cho thỉnh thoảng vài ba chiếc SH chạy. Chứ tạo ra quá nhiều làn chỉ lãng phí (lãng phí tài nguyên hệ thống). Giá trị mặc định là 5 đã được tính toán sẽ làm việc tốt cho hầu hết người dùng. Tôi chọn là 5 luôn.
I/O Buffer Size: Cài này khỏi giải thích ai cũng biết rồi. Hãy giữ giá trị mặc định là 1 MB trừ phi bạn chạy benchmarks của riêng mình và tìm ra được giá trị tối ưu hơn.
Cuối cùng là đừng quên nhấn nút
Save, không là coi như công toi.
Chúc mừng bạn. Bạn đã cơ bản cấu hình xong việc thành lập ổ cứng dùng chung trên máy bạn rồi đó.
Kế tiếp là ta tiếp tục đánh vào các cài đặt nâng cao.
Đã nói là nâng cao thì bạn muốn làm để qua đó biết thêm về FlexRaid cũng được. Còn lười thì bỏ phế đó cũng được.
Nhấn chuột vào hình tam giác nhỏ ở
Advanced Properties
Reserve: FlexRaid sẽ ghi vào các ổ cứng vật lý của bạn cho đến khi cái ổ đó đạt cái ngưỡng dung lượng còn trống nhất định thì sẽ không ghi nữa. Ở đây mặc định là 10GB. Bạn có thể tăng giảm dung lượng trống còn lại trong ổ tùy theo dung lượng trung bình của các file dữ liệu bạn có lớn hơn hay nhỏ hơn 10B. Tôi chọn là 10GB.
Removable: Khi bạn chọn là true, thì Windows OS sẽ xem cái ổ cứng dùng chung như là một là một ổ cứng động (movable drive). Điều này đồng nghĩa với việc nó sẽ disable Recycle Bin của từng ổ cứng vật lý trong máy, đồng thời nó cũng loại bò luôn thư mục System Volume Info. Windows Explorer sẽ xem nó như là “Devices with Removable Storage” hơn là “Hard Disk Drives”. Bắt đầu lùng bùng rồi phải không. Thôi cứ để true luôn cho khỏe.
Directory change date fixed: Nếu bạn đặt là true, khi một tập tin được sửa đổi, thì thư mục cha của nó cũng sẽ được cập nhật sửa đổi theo. Thiết lập này là hữu ích nếu bạn sử dụng phần mềm quét dựa trên ngày sửa đổi của thư mục để xác định liệu các tập tin trong thư mục ấy đã thay đổi. Thiết lập mặc định là false. Tôi đã chọn true.
File system: Cái này để dành đó chơi cho vui. Hiện nay người lập trình cho FlexRaid chưa có ý định thiết lập chức năng gì cho nó.
Xin đừng quên nhấn nút
Save.
Thiết lập chế độ kết hợp và chọn ký tự ổ đĩa mở rộng
Cuối cùng, bạn phải chọn chế độ kết hợp các ổ cứng vật lý dư lào và đừng quên chọn ra một ký tự cho ổ đĩa mở rộng.
Nhấp vào tab “Storage Pool Merge Configuration” để sửa đổi các thiết đặt tại đây.
Merge Mode cho phép bạn quyết định cái cách mà các dữ liệu của bạn được ghi lên các ổ cứng. Đăc điểm này hay lắm các bạn ơi.
Ví dụ, nếu bạn chọn
Auto Space Priority (Tự động kết hợp với ưu tiên là cân bằng không gian giữa các ổ đĩa) thì chế độ sẽ kết hợp các dữ liệu của bạn giữa các ổ đĩa có sẵn để đảm bảo rằng các ổ đĩa được sử dụng đồng đều. Nếu bạn nào đã từng sử dụng qua và yêu thích tính năng Drive Extender của Windows Home Server version 1 sẽ thấy nó hoạt động tương tự như vậy.
Còn nếu bạn chọn
Auto Folder Priority (Tự động kết hợp dựa trên ưu tiên sự toàn vẹn của thư mục).Khác với trên, ở chế độ này thì nó cố gắng không chia cắt thư mục phim của bạn ra nhiều phân mảnh nằm trên nhiều ổ cứng. Mà ngược lại nó sẽ ghi đầy từng ổ cứng một theo thứ tự các ổ cứng mà bạn đã cấu hình (theo list) ở trên. Giả sử nếu bạn có một thư mục phim trên C:\mount\disk01 và cái đĩa cứng bắt đầu bị đầy, khi đó nó sẽ tự động vào C:\mount\disk02 ghi tiếp cho đến khi không gian còn lại trên Disk02 cạn hết, v..v… Điều này có thể làm cho bạn nghĩ là sẽ có ổ cứng chứa nhiều phim, còn ổ khác thì ít phim hơn. Nói chung là các ổ chứa phim không đều. Nhưng bù lại ổ nào ra ổ đó. Tức coi phim ở ổ nào thì chỉ có ổ đó quay mòng mòng mà thôi, còn mấy thằng khác (không dính dáng gì) nghỉ phẻ.
Tôi đã chọn chế độ này.
Cuối cùng là chế độ
Explicit. Ở chế độ này nó đòi hỏi sự cấu hình phức tạp hơn chủ yếu dành cho người dùng cao cấp, vì nó đòi hỏi thêm các bước cấu hình và bảo trì chứ không chạy tự động.
Bước sau cùng là bạn tự chọn cho mình ký tự cho ổ cứng mở rộng này. Ý kiến cá nhân thì tôi thích đặt là V hơn là Z vì nó có thể gây nhầm lẫn khi sau này bạn cắm thêm một vài ổ cứng ngoài vào và được Windows chọn ký tự ổ tự động.
Một lần nữa đừng quên nhấn nút Save, không là coi như công toi.
Bây giờ bạn đã chuẩn bị để nhấn nút khởi động chưa?
Trước khi nhấn nút, bạn có thể kiểm tra lại thêm một lần nữa xem liệu tất cả các ổ cứng bạn muốn thiết lập có nằm trong danh sách hay không. Nhấn nút “Preview” ở góc dưới bên phải.
Giờ là thời khắc giao thừa í quên...quan trọng đã tới. Bạn hãy nhấn nút Publish/(Re-)Start để bắt đầu lệnh cho FlexRaid thiết lập ổ cứng mở rộng trong máy bạn.
Sau khi ổ cứng mở rộng đã được FlexRaid thiết lập, bạn phải reboot lại máy để có thể bắt đầu khởi động cái ổ cứng mới này.
b/ Thiết lập việc quản lý dữ liệu
Sau khi reboot máy, bạn chạy FlexRaid và vào lại màn hình FlexRaid lúc trước để start ổ cứng mở rộng, nhấn nút Publish/(Re-)Start. Nếu mọi chiện êm đẹp như dự kiến, bạn sẽ thấy một ổ cứng mở rộng mới sẽ xuất hiện trong Windows Explorer như hình dưới trong máy của tôi.
a/ Cho FlexRaid tự động chạy (auto start):
Mặc định FlexRaid không tự nó khởi động mỗi khi chúng ta mở máy lên. Lý do cũng có thể vì có nhiều người dùng cho phép FlexRaid chạy chỉ khi họ muốn nó chạy để tiết kiệm tài nguyên chăng? Còn riêng tôi mỗi khi mở máy thì đều muốn cái ổ cứng mở rộng nó hiện diện ngay đó để có gì muốn là có ngay mà xài chứ. FlexRaid cho phép ta tăng giảm thời gian khởi động nó muộn hơn một chút để bảo đảm rằng sau khi cái server chính được bật lên và các ổ cứng cũng được nhận và chạy trơn tru hết, cũng như mạng network đã khởi động ổn định khi đó FlexRaid mới tự nó khởi động. Đơn vị thời gian ở đây được tính bằng milli giây.
Tôi đã cài đặt cho FlexRaid tự khởi động nó lên sau khi cái home media server (hoặc gọi data center cũng được) boot lên hoàn chỉnh là 15000 milli giây.
b/ Chia xẻ ổ cứng mở rộng cho mạng gia đình:
Bây giờ có một ổ cứng mở rộng (bao gồm tất cả các ổ vật lý trong máy), thì ta phải tính kế làm sao chia xẻ cho tất cả các máy trong nhà thấy và play nó được mới đúng ý đồ của mình phải không các bạn?
Bạn nhấn tab “Server Shares”.
-Nhấn nút “Select” để tiến hành chọn ổ cứng mở rộng (ở đây là ổ V).
-Đặt tên cho ổ share này – DataCenter
-Người dùng được phép nhìn thấy ổ V này là Everyone (mặc định)
-Permission thì nên chọn Read thôi.
Xong nhấn nút “Add/Save”
Lúc này ta sẽ thấy ổ V đã được share (chia xẻ) trên mạng gia đình.
Bạn có thể kiểm tra qua Windows xem có chắc là như vậy không. Thì quả nhiên nó đã được share ngon lành. Xem hình
c/ Các tính năng hữu dụng khác:
Nếu có bạn bạn nào đã dùng qua HD Tune Pro thì chắc biết. Vâng, FlexRaid cũng có chức năng kiểm tra tình trạng sức khỏe của từng hard drive mà mình đã giao cho nó quản lý. Nếu bạn muốn khám phá thì cứ down về cài đặt sẽ thấy rất thú vị. Tôi chỉ up lên đây một vài cái hình báo nhiệt độ cửa những ổ cứng mà tôi chọn ngẫu nhiên để các bạn xem chơi.
Ngoài ra nó còn một tính năng độc chiêu nữa là báo động cho chủ nhân biết qua email hoặc SMS khi có bất cứ ổ cứng nào trong máy có vấn đề. Vì sẽ có một số thông tin mang tính chất riêng tư cá nhân trong quá trình cài đặt, nên tôi không tiện up lên đây. Nếu ai đã cài chương trình này xong và quan tâm đến đặc tính này thì PM cho tôi, tôi sẽ hướng dẫn lại.
Phù... phù... phù... thế là xong cả 3 phần rồi nhé.
Lời tổng kết
Bây giờ thì phần nào tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đã hoàn tất một ước nguyện nhỏ của tôi là đóng góp một chút gì đó gọi là tài hèn sức mọn của mình cho diễn đàn HDVietnam.
Nếu có bạn nào đó vì chủ quan hay khách quan mà không thể tự build một cái kho lưu trữ dữ liệu cho mình theo ước muốn thì chí ít các bài viết của tôi trong những ngày qua hy vọng giúp ích cho các bạn những khái niệm, nhưng kiến thức đơn sơ nhưng cần thiết trong "sự nghiệp HD" của mình.
Trong những năm đeo đuổi cái "nghiệp" này, tôi có thể tự hào khẳng định - ít nhất là cho tới lúc này - những phương pháp mà tôi đang sử dụng cho hệ thống lưu trữ của mình là một trong những phương thức tốt nhất về tính hiệu quả dành cho người dùng gia đình. Điều này đúng ngay cả ở Mỹ và các nước châu Âu.
Nhắc lại hơi nhàm nhưng vẫn không thừa. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn gần xa trong diễn đàn bằng cách này hay cách khác đã nhiệt tình cổ võ và động viên tinh thần tôi rất nhiều. Đồng thời cũng xin cám ơn BQT diễn đàn đã tạo thuận lợi và cống hiến một sân chơi ảo thật thú vị nhằm giúp anh em chúng tôi có điều kiện chia xẻ cho nhau những kinh nghiệm kỹ thuật cũng như tình cảm bằng hữu.
Vâng, xin cám ơn tất cả mọi người
Thanksforsharing@HDVietnam