Tổng thống Mỹ cho biết thỏa thuận mua lại TikTok đã suýt thành. Song, phía Trung Quốc đột ngột dừng đàm phán thỏa thuận chỉ vài giờ sau tuyên bố áp thuế toàn cầu của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký một sắc lệnh hành pháp cho phép TikTok tiếp tục hoạt động thêm 75 ngày tại Mỹ. Mục tiêu là kéo dài thời gian đàm phán để hoàn tất thỏa thuận chuyển giao quyền sở hữu mạng xã hội đình đám này sang tay các nhà đầu tư Mỹ.
Sắc lệnh được đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng tin rằng họ đã gần đạt được một thỏa thuận. Trong đó, hoạt động của TikTok sẽ được tách ra thành một công ty mới đặt trụ sở tại Mỹ, do đa số nhà đầu tư Mỹ sở hữu và điều hành. Còn công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc chỉ giữ một phần cổ phần thiểu số. Tuy nhiên, một diễn biến đột ngột đã khiến toàn bộ tiến trình đảo chiều.
"Chúng ta gần như đã đạt thỏa thuận với TikTok - không hẳn là thỏa thuận nhưng đã rất gần rồi - nhưng sau đó Trung Quốc thay đổi vì thuế quan", ông Trump nói với phóng viên trên chuyên cơ Air Force One quay về Washington D.C. hôm 6/4.
"Nếu tôi giảm bớt thuế quan một chút, họ sẽ thông qua thỏa thuận đó chỉ trong 15 phút, điều đó cho thấy sức mạnh của thuế quan", Bloomberg dẫn lời tổng thống Mỹ.
Theo một nguồn tin nội bộ nói với AP, chính quyền Trung Quốc đã đột ngột dừng cân nhắc thông qua thỏa thuận vào ngày 3/4, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump công bố một loạt mức thuế mới áp dụng trên toàn cầu, bao gồm cả Trung Quốc.
Ngay sau đó, đại diện của ByteDance đã gọi điện cho Nhà Trắng để thông báo Bắc Kinh sẽ không phê chuẩn bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến TikTok cho đến khi có các cuộc đàm phán chính thức về vấn đề thương mại và thuế quan.
Sự rút lui đột ngột từ phía Trung Quốc khiến cho TikTok rơi vào thế khó. Công ty không thể phát đi tín hiệu rõ ràng về nội dung thỏa thuận đã đạt được, do lo ngại việc tiết lộ sớm sẽ ảnh hưởng đến các cuộc thương thảo đang rất nhạy cảm với các cơ quan quản lý Trung Quốc, theo AP.
Dự thảo thỏa thuận chuyển giao quyền sở hữu TikTok đã được thiết kế trong nhiều tháng, có sự tham gia trực tiếp của Phó Tổng thống JD Vance và nhóm của ông trong các cuộc đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng cùng giới chức của ByteDance. Kế hoạch này bao gồm thời gian hoàn tất thủ tục và tài chính kéo dài 120 ngày. Dự thảo đã nhận được sự chấp thuận từ các nhà đầu tư hiện tại, nhà đầu tư mới, ByteDance và cả chính quyền Trump.
Trước khi các biện pháp áp thuế được công bố, phía Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ đồng thuận với thỏa thuận. Tổng thống Trump vẫn tỏ ra lạc quan. Ông cho rằng 75 ngày bổ sung này sẽ đủ để "cứu TikTok".
Phát ngôn viên của ByteDance xác nhận rằng công ty đang đàm phán với chính phủ Mỹ về một “giải pháp tiềm năng”. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định “chưa có thỏa thuận nào được ký kết”. “Vẫn còn nhiều vấn đề then chốt cần được giải quyết. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc”, người phát ngôn nói.
TikTok hiện có 2 trụ sở chính tại Singapore và Los Angeles. Nền tảng này luôn tuyên bố đặt ưu tiên hàng đầu vào sự an toàn của người dùng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định chính phủ nước này “chưa từng và sẽ không bao giờ yêu cầu các công ty thu thập hay cung cấp dữ liệu, thông tin hoặc tình báo từ các quốc gia khác”.
Trước đó, hồi tháng 1, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật yêu cầu TikTok phải tách hoàn toàn khỏi quyền sở hữu Trung Quốc trước ngày 19/1, nếu không sẽ bị cấm tại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Đạo luật này nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng và đã được Tòa án Tối cao Mỹ phê chuẩn với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối. Tuy nhiên, ông Trump đã 2 lần ký sắc lệnh để trì hoãn yêu cầu này.