Ðề: Những người yêu Tuấn Ngọc
Một vài cảm nhận về CD Tuấn Ngọc: Giọt Lệ Cho Ngàn Sau - Tình khúc Từ Công Phụng (1994)
Giọt lệ cho ngàn sau, Những chuyện tình buồn viết bằng âm nhạc
Rốt cuộc, các fan lâu năm của Tuấn Ngọc cũng đã thốt ra được tiếng reo mừng khi có thể “đường hoàng” mua một trong những album hay nhất của giọng ca lão làng này ở ngay tại Việt Nam. Giọt lệ cho ngàn sau – Tuấn Ngọc hát tình khúc Từ Công Phụng đã được Công ty văn hóa Phương Nam mua lại bản quyền và phát hành, với chất lượng thu âm rất tốt, không kém gì bản hải ngoại ra mắt từ năm 1994.
Điều đáng tiếc là Giọt lệ cho ngàn sau ra thị trường trong im lặng, gần như không có hình thức quảng bá nào, và nó thực sự chìm nghỉm vào thị trường vốn bộn bề hàng V-pop kém chất lượng. Sự kết hợp giữa hai tài năng đỉnh cao đã biến album này thành một kiệt tác nhạc Việt đuơng đại, cũng là mục tiêu săn lùng từ nhiều năm qua của nhiều audiophile Việt. Không ít người, dù đã sở hữu bản ghi hải ngoại vẫn mua thêm CD mới này làm đồ “dự phòng”, chứng tỏ nó được yêu thích đến mức nào. Nhưng cũng phải nói rằng, Giọt lệ cho ngàn sau không phải album dành cho số đông, nó đòi hỏi sự nghiêm túc trong việc thưởng thức cũng như khả năng cảm thụ phải ở một trình độ nhất định, mới có thể thấy được hết vẻ đẹp của các tác phẩm trong đó.
Với những người mê dòng nhạc tình Việt Nam, nhạc sĩ Từ Công Phụng chẳng hề xa lạ. Những ca khúc nổi tiếng của ông như Tuổi xa người, Trên ngọn tình sầu, Mắt lệ cho người, Bây giờ tháng mấy, Ơn em, Như chiếc que diêm, Mùa xuân trên đỉnh bình yên, Mùa thu mây ngàn… dù dã có hàng chục năm tuổi vẫn được tìm nghe, được không biết bao thế hệ ca sĩ hát lại. Bắt đầu vào nghiệp sáng tác từ năm 19 tuổi, Từ Công Phụng sớm trở nên nổi tiếng với chất nhạc mang phong cách ballad êm dịu, chậm buồn mà không sến, không ủy mị, nét giai điệu uyển chuyển, để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người nghe. Tác phẩm của ông khá kén người hát, phải là những tài năng thực thụ mới có thể truyền tải được dòng cảm xúc đong đầy trong từng nốt nhạc. Những cái tên đã góp phần làm nên “danh phận” cho nhạc Từ Công Phụng từ trước đến nay không nhiều, lớp gạo cội có Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Sỹ Phú, Duy Quang, Khánh Hà, Thái Hiền, lớp trẻ có Bằng Kiều, Trần Thái Hòa, Ngọc Hạ… Trong đó, Tuấn Ngọc vẫn được coi là người hát Từ Công Phụng thành công nhất, được ưa chuộng nhất, và Giọt lệ cho ngàn sau chính là album xuất sắc nhất.
Những năm 90 thế kỷ trước chính là quãng thời gian giọng ca của Tuấn Ngọc đứng trên đỉnh cao, dầy dặn, trầm ổn, cách xử lý thì ở đẳng cấp thượng thừa. Chính vì thế, ông làm chủ các sáng tác của nhạc sĩ Từ Công Phụng chẳng mấy khó khăn, cứ thong thả, nhẹ nhàng như đi dạo vậy, nhưng những niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn, dằn vặt, khổ đau trong từng ca khúc vẫn được thể hiện thật rõ nét, ấn tượng. Mở màn bằng Mắt lệ cho người, ngay lập tức Tuấn Ngọc đã làm người nghe điêu đứng bằng những nốt cao ở ngay đoạn đầu, để rồi sau đó lắng dịu dần theo “cánh chim khuất ngàn” và “những dấu chân người đã bụi mờ”. Giọng hát của ông bay bổng trên tiếng piano rơi rụng, trên tiếng đàn dây lả lướt, khắc khoải về một chuyện tình buồn. Không thể không nhắc đến phần hòa âm đầy ấn tượng của nhạc sĩ Duy Cường. Bên cạnh những âm thanh mô phỏng tự nhiên được “cài cắm” khéo léo, sự góp mặt của bè dây ở một chừng mực rất vừa phải còn làm các tác phẩm trở nên sang trọng hơn mà vẫn không hề mất đi nét mộc mạc vốn có.
Trên tháng ngày đã qua là một ca khúc đặc biệt của nhạc sĩ Từ Công Phụng, từ nét nhạc đến ca từ, và “phù thủy hòa âm Duy Cường” đã khoác lên ca khúc này một chút phóng túng của jazz, gửi thêm nét tung tẩy của bossa-nova dù lời hát rất buồn. Cũng có nhiều ca sĩ “thử sức” với Trên tháng ngày đã qua, nhưng chỉ Tuấn Ngọc mới tạo ra cảm giác trầm tư, suy ngẫm với những câu ca đầy ẩn ức: “Em nhìn thấy được gì/Có phải chăng rạn vỡ trong tâm hồn chúng ta…” Sự tiếc nuối dường như cứ đeo đẳng theo người nghe rất lâu sau khi tiếng nhạc dứt hẳn.
Nếu được hỏi ca khúc nào hay nhất album, chắc chắn nhiều người sẽ chọn Mùa xuân trên đỉnh bình yên. Còn phảng phất ở đó nét buồn man mác, nhưng nét giai điệu thật đẹp đậm chất tiền chiến đã mang lại cho người nghe sự thư thái, nhẹ nhàng, với bầu không khí êm ái của tiết xuân tươi, của cây cối đâm chồi. Vẫn biết trong hầu hết ca khúc của Từ Công Phụng, hạnh phúc chỉ như lời nói dối, tình yêu là thứ không thật, và trong Mùa xuân trên đỉnh bình yên, hạnh phúc, tình yêu đã gần như là cơn mơ sắp trở thành hiện thực, với cả nỗi sợ hãi mơ hồ chúng sẽ trôi tuột khỏi tầm tay, để tác giả phải thốt lên “đỉnh bình yên trên cao, xin em giữ kín cho lâu dài…”. Một ca khúc rất giàu hình ảnh, với mây trời, nắng ấm, chim muông, tưởng xa mà hóa gần. Giọng hát của Tuấn Ngọc, với một chút gai góc càng làm cho Mùa xuân trên đỉnh bình yên trở nên lôi cuốn hơn bội phần.
Nghe những Đêm không cùng, Như ngọn buồn rơi, rồi Mùa thu mây ngàn, người nghe sẽ càng hiểu sâu thêm về thế giới trong tình ca Từ Công Phụng. Đó là bầu trời u ám trong cơn mưa, là quá khứ mặn chát, là tương lai thất lạc. Đâu đó là biển xanh vỗ về, gió bước chân đi vào rừng sâu rét mướt. Sang đến Như chiếc que diêm, còn thấy cả thềm xưa rữa nát trong phố cũ ngu ngơ. Những kỷ niệm buồn bã chông chênh đi vào lòng người thưởng thức, rồi ẩn sâu trong vô thức, như một vết hằn không bao giờ xóa nổi, chẳng khác gì ca từ ngút ngàn cay đắng: “vì lời em sớm muộn gì cũng một lần gian dối. Tình anh sớm muộn gì cũng đưa vào tăm tối…” Như chiếc que diêm cũng là một ca khúc cực kỳ nổi tiếng của Từ Công Phụng, và phiên bản do Bằng Kiều thể hiện cũng được yêu thích chẳng kém phiên bản Tuấn Ngọc. Nếu Bằng Kiều dữ dội, tuôn trào, rực cháy như que diêm mới bén lửa thì sự nhọc mệt, thoáng chút buông xuôi của Tuấn Ngọc chẳng khác nào que diêm đã gần tàn, chỉ còn tia sáng nhỏ trước khi vụt tắt. Cảm xúc của cả hai đều ngút ngàn, nhưng để ngấm sâu hơn thì đàn anh Tuấn Ngọc vẫn nhỉnh hơn chút ít. Ca khúc chủ đề, Giọt lệ cho ngàn sau quả thực là bức tranh tuyệt vời, quyến rũ người thưởng thức từ giai điệu đến ca từ. Bè dây chơi dìu dặt đằng sau giọng hát đầy phong sương của Tuấn Ngọc càng làm tăng thêm vẻ đẹp của bài hát, với phần lời như một bài thơ, giàu tính văn chương, và dù đang nói tới một mối tình đổ vỡ vẫn ẩn chứa nhân sinh quan đầy cam chịu và độ lượng – cũng chính là nhân sinh quan của tác giả.
Nhạc sĩ Từ Công Phụng
Đối với nhiều người mê các sáng tác của Từ Công Phụng và giọng ca Tuấn Ngọc, 10 ca khúc trong Giọt lệ cho ngàn sau có vẻ còn hơi ít, nhưng dù sao cũng đã đủ làm nên một tác phẩm để đời. Một trong không nhiều album nhạc tình xứng đáng nhận hai từ “đỉnh cao” và có một vị trí trang trọng trên mọi kệ đĩa, cũng như trong tâm hồn người yêu nhạc Việt.
Nguồn
Album “Giọt lệ cho ngàn sau”
Tuấn Ngọc "kể chuyện tình buồn" của Từ Công Phụng
“Giọt lệ cho ngàn sau” là album của danh ca Tuấn Ngọc, tập hợp 10 tình khúc của nhạc sĩ Từ Công Phụng, do Phương Nam phim phát hành. Nhạc Từ Công Phụng với nét buồn man mác, đầy chất tự sự qua tiếng hát Tuấn Ngọc càng làm người nghe thêm lắng lòng.
Trong 10 tình khúc của nhạc sĩ Từ Công Phụng trong album, có những ca khúc từng được nhiều người yêu thích như: “Giọt lệ cho ngàn sau”, “Mắt lệ cho người”, “Mùa thu ngàn bay”, “Mùa xuân trên đỉnh bình yên” nhưng cũng có những bài hát ít phổ biến như: “Trên tháng ngày đã qua”, “Như ngọn buồn rơi”, “Tình tự mùa xuân”, “Đêm không cùng”... Hầu như các bài hát có ca từ đẹp, giàu chất thơ trữ tình khiến người nghe dễ cảm nhận.
Trong album, Tuấn Ngọc hát nhẹ nhàng, thoải mái và đong đầy cảm xúc đúng “người kể chuyện tình buồn bằng âm nhạc” mà người mộ điệu vẫn thường gọi. Tôi đã nghe nhiều người hát nhạc Từ Công Phụng nhưng đối với tôi có lẽ chỉ giọng hát của Tuấn Ngọc là “đỉnh” hơn cả. Ông hát không ủy mị, bi thương mà đầy tự sự như có người nói về giọng hát của ông: “Giọng hát gần như chẳng cần biết buồn, biết cô đơn, biết đau khổ nhưng lại nói được hết những cái buồn nhất, cô đơn nhất và đau khổ nhất”.
Những bài hát trong album này là những chuyện tình buồn của Từ Công Phụng: “Rung một cánh nhạc buồn. Phím có hay người khóc trên cung đàn lẻ loi. Rơi một ngấn lệ sầu. Có ai hay người khóc cho duyên tình bẽ bàng” (“Trên tháng ngày đã qua”). Nỗi buồn trong nhạc Từ Công Phụng dẫu có những mối tình đổ vỡ, ngang trái nhưng không hề có trách móc, giằng xé mà luôn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp nhất: “Lối rêu xưa sẽ mờ dấu chân người. Người buồn cho mai sau, cuộc tình ta tan mau. Thoáng như chiếc là vàng bay. Mùa thu qua, mùa thu qua hững hờ. Nhìn nhau cho thêm đau, nhìn nhau cho mưa mau. Mưa trên nụ cười, mưa trên tình người...” (“Giọt lệ cho ngàn sau”).
Album được nhạc sĩ Duy Cường hòa âm, phối khí với nhiều hiệu ứng, đặc biệt là phần chêm xen những âm thanh thiên nhiên làm tăng sức hấp dẫn và cảm thụ.
Ở tuổi 65, ca sĩ Tuấn Ngọc vẫn kể những chuyện tình bằng âm nhạc một cách đầy quyến rũ. “Giọt lệ cho ngàn sau” như một lần gặp gỡ đầy duyên nợ của Tuấn Ngọc – người kể chuyện tình buồn và Từ Công Phụng – thế hệ vàng son của tân nhạc Việt Nam.
Nguồn[/LEFT]