Ðề: Nhiều khả năng VTV không đồng ý mua K+ , và rất có thể K+ sẽ bị xóa sổ !!
Bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh: Show diễn độc quyền lỗi
thời!
23/06/2013 - 00:00
Ở đời, để tồn tại được, thông thường người ta vụng cắt thì phải khéo may. Nhưng điều đó đã không xảy ra cho việc ai sẽ được phát độc quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh, một giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.
K+ độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng đã từ vài năm nay. Ảnh: Tuổi trẻ.
Câu chuyện bắt đầu từ đầu năm nay khi nguy cơ bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh (EPL) sẽ được K+, một liên doanh giữa VTV và Canal Plus độc chiếm, và các nhà đài khác không được dự phần. Điều đáng nói là giá của gói độc quyền này sẽ cao hơn rất nhiều so với mức mà Việt Nam mong muốn: không cao hơn 15-20% so với giá bản quyền 3 mùa trước, trong khi nhiều khán giả lại có thể không có cơ hội được xem vì đài truyền hình họ đang sử dụng không được phép tiếp sóng vì độc quyền. Lúc đó, ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký Hiệp hội truyền hình trả tiền (VNPayTV) đã cao giọng tuyên bố rằng nếu Canal Plus cứ chuyển độc quyền EPL cho K+, VTV sẽ dùng quyền của người có 51% cổ phần tại K+ phủ quyết việc đó, như đã khẳng định tại cuộc họp ngày 27/2 giữa VTV với các công ty liên quan.
Nay thì mọi việc đã diễn ra đúng như kịch bản của K+: gói độc quyền đó đã thuộc về họ và các đài truyền hình khác như VTC, AVG, SCTV, HTVC-Trung tâm truyền hình cáp đài Truyền hình TP. HCM, Truyền hình Viettel còn làm gì hơn được. Vì thế, ngày 13/6, các đài này đã cùng ký công văn gửi đến Hiệp hội truyền hình trả tiền yêu cầu Hiệp hội có ý kiến với VTV và Bộ TTTT xóa bỏ độc quyền phát sóng của K+,để giải quyết vụ độc quyền này.
Để hiểu rõ vấn đề, nên biết rằng trong xã hội hiện đại có ba khu vực: khu vực công, khu vực tư nhân và khu vực xã hội dân sự. Khu vực thứ nhất đảm bảo những hoạt động cần cho cả quốc gia, khu vực thứ hai là hoạt động phục vụ cho các lợi ích tư nhân còn khu vực thứ ba là hoạt động phục vụ cho các nhóm có các lợi ích khác nhau. K+ và công ty điều hành nó là liên doanh nên hành xử theo nguyên tắc thủ lợi nhất cho mình. Bộ TTTT, mà trực tiếp là Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình Việt Nam, dựng lên luật chơi và cầm chịch cuộc chơi truyền hình trả tiền. Còn về nguyên tắc, VNPay TV là người đại diện cho các đài truyền hình trả tiền để bảo vệ lợi ích của nhóm các đài truyền hình trả tiền. Tương tác giữa ba bên sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Vì lợi ích của mình, K+ muốn được độc quyền chương trình bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh. Họ làm được điều đó vì có thế của VTV, đài truyền hình nhà nước có số lượng người xem lớn nhất nước và cơ sở vật chất do nhà nước đầu tư lớn nhất nước, đang làm chủ 51% K+. Và tất nhiên, VTV sẽ được chia cái lãi khủng đó. Nhưng điều hài hước nhất là VTV lại cầm đầu nhóm đàm phán về việc mua bản quyền EPL ba mùa bóng 2013-2018 cho tất cả các đài Việt Nam. Tức là chủ trì cuộc đàm phán để loại bỏ cái lãi khủng mà họ sẽ có nhờ sự độc quyền của K+, một doanh nghiệp liên doanh của mình.
Và đương nhiên là họ đàm phán thất bại để cho K+ của họ giành được cái độc quyền truyền hình béo bở đó, cũng là bắt người xem Việt trả giá cho VTV một cách gián tiếp. VTV vẫn giữ được tiếng là một doanh nghiệp nhà nước, hết lòng vì dân, làm hết trách nhiệm một cách rất vô trách nhiệm. Cũng rất sốt sắng phục vụ lợi ích nhân dân, chống độc quyền, nên hồi đầu tháng 6 Cục Quản lý phát thanh-truyền hình Việt Nam phát công văn số 517 đến VTV đề nghị buộc phải ép đối tác của mình, K+, không được nhận chuyển nhượng bản quyền từ Canal Plus, mà phải để Ban điều hành do Bộ TTTT lập ra, đàm phán lại việc mua bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Việt Nam. Có điều đề nghị này rất phi lý vì VTV là cổ đông lớn của công ty, nhưng công ty còn có các cổ đông khác nữa và mục tiêu của công ty liên doanh không nhất thiết trùng hợp với mục tiêu của VTV. Vì thế, VTV chẳng có quyền gì để chặn một hợp đồng kinh tế hợp pháp giữa K+, Canal Plus với IMG, đơn vị nắm giữ bản quyền EPL. Nếu sự việc xảy ra họ có thể kiện ra toà án quốc tê vì sự vi phạm hợp đồng.
Còn VNPayTV là một hiệp hội xem ra còn ngơ ngác hơn nữa với trọng trách xã hội của mình: chỉ toàn thấy phát biểu và phát biểu. Ngày 17/6, họ đã có công văn gửi Bộ TTTT đề nghị có ý kiến để VTV dùng quyền phủ quyết với vấn đề độc quyền giải ngoại hạng Anh của K+. Hiệp hội xem ra cũng không có ý định tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường. Hơn thế, việc cần làm là phải buộc VTV, đầu mối thương thảo bản quyền, làm việc với IMG từ vài tháng trước theo hướng chia sẻ bản quyền không độc quyền đã được hội dóng lên một cách ồn ào . Nhưng đã chẳng có gì như thế diễn ra, vì suy cho cùng, VNPayTV chỉ là một thực thể không có quyền và cũng chẳng có trách nhiệm.
Kết quả là ngay sau đó IMG đã chính thức yêu cầu Canal+ phải làm đúng hợp đồng. Tức là không cấp phép quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh cho bất kỳ đài nào ngoài K+ trong gói 1 và gói 2 (gồm quyền phát sóng tất cả các trận đấu ngày chủ nhật, các trận đấu sớm ngày thứ bảy bắt đầu vào 12g45). Chuyện này chỉ một lần nữa cho thấy bản chất của độc quyền là vô trách nhiệm với mọi lợi ích, chỉ trừ lợi ích của bản thân mình. Đó đã là quy luật và ở Việt Nam ta có lẽ cũng khó ai hành xử ngoài quy luật này, dù rằng chúng ta mới chỉ ở lúc bình minh của công cuộc hiện đại hoá. Vì lẽ đó, ở các nước phát triển, người ta đã phải kiên trì chiến đấu với độc quyền của các công ty lớn hàng nhiều trăm năm cho đến ngày nay. Và một trong những chức năng chính của các cơ quan quản lý nhà nước là luôn thận trọng theo dõi hành động của các công ty lớn để sẵn sàng phản ứng ngăn các hành động độc quyền. Nhiều đạo luật và quy định đã được đặt ra và luôn luôn được cập nhật. Vậy mà các nước đã phát triển cũng đã nhận thấy rằng, trong cuộc đấu tranh chống độc quyền của các công ty lớn, các cơ quan nhà nước thường...thua! Vì các công ty thường quá mạnh, về tiền bạc cũng như về nhiều thứ khác mà con người lại thường quá yếu đuối, trong đủ mọi thứ. Nên sự việc các cơ quan quản lý nhà nước nhượng bộ trước áp lực của các công ty độc quyền, các nhóm lợi ích vẫn thường xảy ra. Nên mới phải có sự vào cuộc của các tổ chức xã hội dân sự, những tổ chức bảo vệ cho lợi ích của các nhóm dân cư hoặc các nhóm yếu thế: hiệp hội truyền hình trả tiền là một tổ chức như thế, để bảo vệ lợi ích của các đài kém thế hơn so với ông VTV độc quyền nhà nước. Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng là một tổ chức như thế để bảo vệ lợi ích người xem bóng đá Việt Nam.
Có như vậy thì mới có thể ngăn được sự quá đà của các công ty độc quyền. Và may ra người yêu bóng đá Việt Nam mới có cơ hội xem truyền hình bóng đá Anh có chất lượng với giá rẻ. Hơn thế, sự tham gia của xã hội dân sự sẽ góp phần làm cho cuộc cạnh tranh trên thương trường công bằng hơn, điều đem lại sự vững bền cho xã hội và cũng đem lại lợi ích sống còn cho các công ty bằng cách buộc họ phải tự đổi mới để tồn tại, chứ không phải cố giành độc quyền để tồn tại.
Kết cục tranh chấp bản quyền EPL đang đi đến hồi kết vì xem ra chẳng có ai trong bộ ba nói trên đủ muốn và đủ sức ngăn chặn độc quyền trong truyền hình giải bóng đá ngoại hạng Anh. Kết quả này chẳng có gì lạ nếu chúng ta hiểu được độc quyền là gì và độc quyền nhân danh lợi ích chung của xã hội có thể đi xa đến đâu. Và mọi sự liên quan đến độc quyền EPL ở nước ta cứ rối beng lên vì một màn diễn vụng về của ông VTV: muốn giành độc quyền nhưng lại muốn giữ tiếng là doanh nghiệp độc quyền nhà nước nên rất hữu ích cho người xem bóng đá. Và người xem bóng đá phải biết ơn ông VTV, ông độc quyền K+.Và còn phải cám ơn dài dài nữa mỗi khi đến mùa World Cup và EURO Cup.
Vĩ thanh
Xin kể các bạn nghe một chuyện vui trong vô vàn chuyện tranh luận về chống độc quyền của các công ty nhà nước.
Churchill, Thủ tướng nước Anh, vào toa let. Ở đó có thủ lĩnh công đảng vào trước và choán hết chỗ vì quá to.
Chào ông Churchill, hôm nay chúng ta lại bất đồng ý kiến với nhau...
Đúng thế, tôi không thể hiểu nổi tại sao ông cứ quyết quốc hữu hoá bất cứ cái gì to
Ngày ấy, ở nước Anh người ta quốc hữu hóa các doanh nghiệp lớn để chúng khỏi độc quyền và thay vào đó là doanh nghiệp nhà nước với hy vọng rằng sau khi quốc hữu hóa trở thành công ty nhà nước, các công ty sẽ có trách nhiệm hơn với lợi ích của xã hội. Để rồi khoảng 30 năm sau cuộc đối thoại nổi tiếng trong toa let đó, nước Anh dưới thời Thatcher lại phải tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.