Ðề: Ngày 13-1, K+ sẽ gặp gỡ Hội CĐV bóng đá VN.
K+ gặp gỡ Hội CĐV: Những hiểu lầm đáng tiếc
“Rõ ràng là hai bên chưa thật sự hiểu nhau. Giá như hai bên có được những cuộc gặp gỡ tương tự như thế này sớm hơn thì đã không xảy ra những hiểu lầm đáng tiếc từ phía người hâm mộ bóng đá cả nước cũng như từ các đơn vị truyền thông”. Đây là ý kiến chung của các đại biểu tham gia cuộc gặp sáng nay, 26/1, giữa K+ và Hội CĐV VN, tại Đài Truyền hình VN.
K+ gặp gỡ Hội CĐV: Những hiểu lầm đáng tiếc
Sáng nay, 26/1, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Đài Truyền hình VN đã đứng ra chủ trì cuộc gặp gỡ giữa công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh VN (VSTV - đơn vị sở hữu kênh K+) và Hội CĐV VN. Tham dự buổi gặp, về phía VTV có ông Nguyễn Thành Lương, Phó TGĐ, bà Vũ Thị Thanh Tâm, Trưởng ban Kiểm tra. Phía VSTV có ông Cao Văn Liết, TGĐ, ông Arnaud de Villeneuve, Phó TGĐ. Hội CĐV có NSƯT Đức Trung đại diện tham dự. Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và ông Chu Hóa, Cục phó Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng có mặt tham dự buổi gặp này.
Phát biểu đầu buổi gặp, Phó TGĐ Nguyễn Thành Lương khẳng định: Đài THVN luôn nỗ lực hết mình để đảm bảo quyền lợi cho khán giả truyền hình cả nước. Bản thân VSTV gần đây cũng thường xuyên có những động thái tích cực để thỏa mãn được yêu cầu của khán giả và “những gì VSTV làm tuân thủ đúng pháp luật, không trái với các vấn đề pháp lý quốc tế cũng như VN”. Phó TGĐ cho rằng, bức xúc của các CĐV thời gian qua xuất phát từ việc: “Các năm trước khán giả có thể xem miễn phí hoặc xem giá rẻ nhưng năm nay lại không được xem hoặc muốn xem thì phải mua đầu thu với giá cao hơn”. Do đó tất cả sẽ cùng bàn bạc từ đây và tất cả sẽ cùng làm việc trên tinh thần đối thoại thẳng thắn, cùng tháo gỡ vướng mắc giữa hai bên.
VSTV: VTV từ lâu đã không phát quảng bá giải Ngoại hạng
Để làm rõ câu chuyện bản quyền phát sóng giải ngoại hạng, ông Liết cho biết: Nhiều năm trước, giải Ngoại hạng Anh vẫn được phát miễn phí trên sóng quảng bá của VTV (VTV3). Ở vào thời điểm đó, bản quyền phát sóng rất rẻ nên VTV có thể thu từ quảng cáo để bù chi cho tiền bản quyền và phát được miễn phí.
Tuy nhiên, cách đây 4 năm, tức là mùa giải trước, vì chi phí bản quyền quá cao, VTV đã không thể đàm phán và mua được nên không có bản quyền phát sóng quảng bá. VTC có bản quyền này. Ngoài ra, trên lãnh thổ VN, ESPN và Star Sports cũng có được bản quyền phát nên khán giả của VCTV (Truyền hình cáp, Đài THVN - hệ thống có phát hai kênh này) cũng có thể xem được. Như vậy, ngay từ thời điểm này, khán giả đã phải bỏ tiền mới có thể xem giải Ngoại hạng: hoặc trả tiền thuê bao VCTV (để xem ESPN và Star Sports trên đó) hoặc mua đầu thu của VTC.
Mùa giải này, VTV vẫn tiếp tục không mua được bản quyền giải Ngoại hạng do chi phí quá lớn. Tương tự như vậy, tất cả các đơn vị truyền hình trong nước đều không có được bản quyền. Lúc này, công ty MP & Silva (có trụ sở tại Singapore) thắng thầu và có được bản quyền phát tại VN. Theo bản quyền này, kể cả ESPN và Star Sports cũng không được phát giải đấu này trên lãnh thổ VN (dù thông qua VCTV).
Theo ông Liết, nếu VSTV không mua bản quyền, người hâm mộ bóng đá VN nghiễm nhiên không được xem giải đấu này trên bất kỳ hình thức nào. K+ đã chấp nhận rủi ro khi tham gia vào vụ mua bản quyền với giá cao ngất của MP & Silva. Bản thân VSTV cũng đã lường trước được phản ứng của người hâm mộ khi không được xem các giải đấu nên mới nỗ lực hết sức để có được bản quyền phát sóng này.
Tiếp lời ông Liết, ông Arnaud de Villeneuve cũng cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến đối tác của VSTV, Canal (+). Theo đó, hiện tại đơn vị đã có hơn 60 triệu thuê bao trên toàn cầu và rất nhiều trong số này đến với kênh vì tình yêu với bóng đá. Ông cũng nhìn thấy được tình yêu đặc biệt với môn thể thao này ở CĐV VN nói riêng và khu vực châu Á nói chung. Tuy nhiên, ông cho rằng, NHM bóng đá của châu Á và cả VN thời gian qua chưa quen với việc phải trả tiền để có thể xem được bóng đá hoặc chưa bao giờ phải trả số tiền đúng với số tiền đáng lẽ họ phải bỏ ra. Nên khi quyết định mua bản quyền của giải Ngoại hạng để phát ở VN với giá cao như vậy, bản thân K+ cũng rất mạo hiểm…
Ông Arnaud bày tỏ mong muốn bóng đá trẻ ở VN có thể phát triển mạnh hơn nữa, tương xứng với tiềm năng của người Việt. Ông mong rằng Hội CĐV, K+ và các đơn vị liên quan có thể ngồi lại cùng nhau để làm tốt được việc này. “Chúng tôi đang phải chịu rủi ro rất lớn để có thể mang đến những trận đấu hay, góp phần phát triển bóng đá Việt, rất mong khán giả hiểu được”.
Với kinh nghiệm 50 trong ngành, lăn lộn ở nhiều nơi trên thế giới, ông khẳng định: Không có một đài truyền hình công nào lại có thể chi trả cho những giải thể thao xa xỉ như Ngoại hạng mà chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản, với các giải đấu chính thôi.
Hội CĐV: Nên có lộ trình, đừng để NHM sốc…
Đồng ý về cơ bản đề nghị của Phó TGĐ VTV cũng như những trình bày của ông Liết, ông Arnaud, nghệ sỹ Đức Trung cho rằng, cuộc gặp ngày hôm nay không phải xác định ai thắng thua mà là để hai bên cùng lắng nghe nhau. K+ lắng nghe ý kiến của khán giả, người hâm mộ bóng đá và ngược lại khán giả có thể hiểu sâu sắc hơn vấn đề của VSTV.
NS Đức Trung khẳng định, quan điểm của ông trước sau như một. Để chuẩn bị cho buổi gặp này, ông cũng đã soạn một bài phát biểu ngắn, đại diện cho những người yêu bóng đá, đại ý: …Chúng tôi hiểu rằng, trong xu thế hội nhập ngày nay, không thể có thứ gì đó miễn phí mãi. Mọi thứ đều phải thanh toán chi phí. Nhưng trong thời buổi thứ gì cũng đắt đỏ, hóa đơn tiền điện tiền nước, tiền điện thoại… tất cả đều tăng chóng mặt như hiện nay, thêm một thứ gì đó cũng là quá sức với người dân. Chúng tôi không đòi miễn phí mãi mãi nhưng thêm một chút ở thời điểm này cũng là quá tải. Vì thế, VSTV cần phải có một lộ trình chứ không thể đưa ra những mức giá gây sốc như trong thời gian vừa qua.
Hơn nữa, người hâm mộ nhiều năm nay đã được xem giải ngoại hạng, vốn đã quen miễn phí, nay bỗng dưng lại bị cắt. Giống như ngày ăn hai bát cơm, bỗng dưng bị cắt một bát. Muốn ăn thêm phải trả thêm tiền. Nhưng bỏ ít thì được chứ bỏ nhiều quá thì không thể. Giá cao vậy khác gì bóng đã không dành cho người nghèo?
Ông Trung cũng ghi nhận những thay đổi tích cực của K+ trong thời gian qua như việc tặng đầu thu cho các vùng xa xôi hẻo lánh, mở thêm kênh với mức thuê bao phù hợp với nhiều người…Tuy nhiên vẫn cần có nhiều nỗ lực hơn nữa.
Ông khẳng định: Giá như cuộc họp này được tổ chức sớm hơn thì đã không có những tranh cãi, hiểu lầm không đáng có như thế này.
Cục Quản lý cạnh tranh: K+ không vi phạm luật cạnh tranh
Về vấn đề K+ có độc quyền hay không, ông Mừng, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương khẳng định: Sau khi khảo sát, nghiên cứu kỹ các văn bản trong và ngoài nước, bộ khẳng định K+ không vi phạm luật cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông cho rằng, ở đây có sự thiếu khôn khéo trong vấn đề truyền thông dẫn đến gây hiểu lầm cho khán giả của VTV và VSTV. Cùng lúc VSTV đưa ra mức giá cao ngất ngưởng thì VTV tuyên bố không có sóng. Điều này dễ làm cho người ta liên tưởng rằng VTV cố tình làm vậy để “đá” giải Ngoại hạng ra “sân sau” của mình là VSTV (vì VTV chiếm 51% cổ phần đơn vị này). Vấn đề của VTV là phải giải thích được cho khán giả hiểu một điều đơn giản: Đã lâu VTV không có sóng giải Ngoại hạng. Việc khán giả vẫn xem được giải trên VCTV là xem trên ESPN và Star Sports. Mùa giải này họ không mua được thì VCTV cũng không có.
Với kinh nghiệm làm kinh doanh 20 năm, ông nghĩ rằng VSTV nên điều chỉnh cách tiếp cận, hiểu rõ hơn văn hóa kinh doanh của VN để từ đó khôn khéo tiếp cận khách hàng. Người tiêu dùng bây giờ đã có nhiều lựa chọn hơn, nếu không làm tốt, họ sẽ quay lưng với sản phẩm ngay lập tức.
Bộ Thông tin Truyền thông: Báo chí đã có sự hiểu nhầm
Thừa nhận mình cũng là một fan ruột của bóng đá và đến giờ vẫn chưa được xem giải đấu vào ngày Chủ nhật, ông Hóa cho rằng thời gian qua, báo chí đã có sự hiểu nhầm dẫn đến truyền thông gây nhầm lẫn cho khán giả. Chẳng hạn, có báo đưa ra quan điểm: Cần có một cơ quan nhà nước đứng ra giải quyết triệt để vấn đề này? Rõ ràng báo chí không hiểu vấn đề. Mà báo chí không hiểu thì tuyên truyền gây nhầm lẫn là điều khó tránh khỏi. Điều này cũng có phần lỗi từ phía VTV và VSTV đã không cung cấp thông tin đầy đủ.
Quan điểm của Bộ TTTT từ trước đến nay vẫn không đổi: K+ không vi phạm luật cạnh tranh và Bộ ủng hộ tất cả các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh.
Ông Hóa cho biết thêm, hiện tại Cục đã trình lên Thủ tướng Quy chế Truyền hình trả tiền, chỉ chờ ký duyệt. Một trong những vấn đề được nêu ra trong Quy chế này là tất cả các đài truyền hình trả tiền khi cung cấp các gói dịch vụ đều phải có gói dịch vụ cơ bản, phục vụ các nhu cầu cơ bản của người dân. Sau đó mới tính đến các gói cao cấp, phục vụ các đối tượng chuyên biệt. Ngoài ra, Quy chế cũng đề nghị cho phép thành lập Hiệp hội Phát thanh Truyền hình trả tiền. Sau này khi có bất kỳ vấn đề gì về bản quyền, Hiệp hội sẽ đứng ra thương thảo và chuyển lại cho các đơn vị trong hiệp hội. Ông Hóa cũng ghi nhận và đánh giá cao những động thái mới nhất, rất tích cực từ K+.
VTV: Từ 2001, VTV đã tự chủ về tài chính
Nhằm làm rõ thêm một số vấn đề dư luận tranh cãi, đặc biệt quan tâm như việc VTV sống bằng tiền thuế của dân, tại sao lại kinh doanh? Hay liên doanh giữa VTV và Canal (+) thực chất là như thế nào?... Phó TGĐ Nguyễn Thành Lương đã cung cấp thêm một số thông tin:
Trước hết, VTV đúng là cơ quan ngôn luận của nhà nước và VTV vẫn đã và đang làm tốt việc này. VTV cũng hiểu sâu sắc rằng mình đang sống trong thời đại cạnh tranh gay gắt, không phải một mình một sân mà muốn làm gì, muốn đưa lên sóng thứ gì thì đưa mà cũng luôn lắng nghe dư luận để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khán giả.
Tuy nhiên có chỗ nhiều người hiểu lầm. VTV từ năm 2001 đã không sống bằng tiền trợ cấp của nhà nước, tiền thuế của dân mà đã tự chủ về tài chính. Toàn bộ tiền chi thường xuyên như lương, đầu tư vật chất… đều do VTV tự chi trả. Số tiền này đến từ quảng cáo là chính. Trong khi đó, quảng cáo VTV chỉ bán chủ yếu trên một số kênh như VTV1, VTV3.. còn lại phải lấy thu từ các kênh này bù cho rất nhiều kênh phục vụ cộng đồng, không có nguồn thu như VTV4, VTV5…
Theo ông Lương, gần 10 năm nay, VTV không hoạt động bằng tiền thuế của dân mà bằng tiền kinh doanh quảng cáo. Thậm chí, không những không lấy tiền thuế hoạt động mà bản thân VTV còn nộp thuế nhà nước. Thực tế 2010, VTV đã nộp thuế 400 tỷ đồng!
Về việc phát giải Ngoại hạng, ông Lương cho rằng, bóng đá – đặc biệt là bóng đá quốc tế - thực chất là một thứ xa xỉ so với các nhu cầu thiết yếu về giáo dục, y tế… Bản quyền của những giải đấu như thế đôi khi tốn đến cả trăm tỷ đồng VN (Bản quyền World Cup 2010 là 10 triệu đô, xấp xỉ 200 tỷ VN đồng). Vì vậy quan điểm của VTV là sẽ phục vụ những nhu cầu cơ bản, những trận đấu cơ bản, các giải đấu cơ bản không thể bỏ qua nhưng không thể gánh vác tất cả các giải đấu xa xỉ.
Nói thêm về chuyện liên doanh giữa VTV và Canal (+), bà Tâm, Ban Kiểm tra VTV cho hay: các đơn vị đã hiểu sai về vấn đề liên doanh này. Không có chuyện sân trước, sau sau gì ở đây. Thực tế phía VN thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, không có khả năng mua bản quyền nên phải bắt tay hợp tác với một đối tác có đầy đủ các yếu tố đó. Mục đích cuối cùng là mang được các trận đấu hay, các chương trình tốt phục vụ khán giả truyền hình. Tuy nhiên có thể kỹ thuật kinh doanh của một đơn vị non trẻ như VSTV chưa tốt, truyền thông chưa rõ ràng nên gây bức xúc trong dư luận, điều này các bên sẽ rút kinh nghiệm.
Kết thúc buổi gặp, ông Trung, đại diện Hội CĐV tiếp tục đề nghị phía K+ “làm gì thì làm đừng để khán giả sốc. Các anh có thể đưa ra giá thấp, rồi tăng dần dần. Lấy số lượng lớn để bù lại thì chắc chắn mọi chuyện sẽ êm hơn”. Ông cũng tin tưởng kênh mới K+ phong cách của VSTV với thuê bao vừa phải sẽ gần gũi hơn với người dân. Ông đề xuất một chương trình tọa đàm với sự tham gia của tất cả các bên để đông đảo khán giả hiểu hơn về những vướng mắc của các bên.
Đại diện VSTV, ông Liết cũng khẳng định: VSTV luôn luôn lắng nghe và thực tế cũng đang thực hiện nhiều hoạt động từ thiện, cung cấp đầu thu miễn phí cho các đơn vị bộ đội, vùng sâu vùng xa, hải đảo, người dân nghèo, các khu công nghiệp, học sinh các trường dân tộc nội trú… để mang K+ gần hơn với người dân. K+ luôn lắng nghe ý kiến của khán giả truyền hình cả nước.
Tác giả : Quỳnh Mai
Link:
K+ gặp gỡ Hội CĐV: Những hiểu lầm đáng tiếc - 1/27/2011 - VTV
Lại chén Sopcast thôi các bác ạ!