Ðề: Mỹ nhân kế: mỹ nhân nhưng không thấy kế
Chiều nay Daniel vừa đi xem Mỹ Nhân Kế. Rút kinh nghiệm từ phản hồi của những bạn xem trước, Daniel quyết định chỉ xem phiên bản 2D. Bất chấp những đánh giá rất tiêu cực của đa số các bình luận trên mạng, Daniel vẫn cho rằng đây là một phim rất có chất điện ảnh, tất nhiên phải xem xét trong tương quan với các bộ phim VN khác, cũng như trong tương quan về kinh phí đầu tư cho bộ phim.
Về tựa phim, nhiều ý kiến chê bai trong phim chẳng thấy các mỹ nhân làm cái gì cho ra là có kế sách cả. Thực ra trước đây được biết kịch bản lấy tên là Chân dài hành động. Theo đó thì Daniel thấy Mỹ Nhân Kế là một cái tựa phim hay hơn hẳn, phản ánh được chất cổ trang của phim, đồng thời phản ánh bối cảnh chính trong phim là một thanh lâu trá hình, nơi các kỹ nữ mượn làm bình phong để giết người cướp của. Daniel tự hỏi nếu không phải là Mỹ Nhân Kế thì ta nên chọn một cái tựa nào hay hơn, thích hợp hơn cho phim này?
Về âm thanh, một số bạn có ý kiến bảo rằng lúc nhỏ lúc to ngay trong một câu thoại, xem xong thì Daniel mới hiểu tại sao. Đây quả là một khuyết điểm lớn của phim, nhưng nó không phải do lỗi kỹ thuật, mà chính là do người dựng phim đã quá máy móc trong việc đồng bộ hiệu ứng không gian của âm thanh và góc máy. Lẽ ra cần có sự phối hợp tốt hơn giữa hai yếu tố này, để tránh cho người xem cảm giác hụt hẫng khi phải liên tục điều chỉnh lại trong đầu vị trí của các nhân vật trong cảnh phim.
Về âm nhạc, Daniel thấy ổn, dù có thể không xuất sắc, nhưng cơ bản là ổn. Riêng bài hát chính của phim, đoạn các kỹ nữ uống say hòa ca thì nghe rất dở, và diễn rất giả. Ngược lại thể hiện của Uyên Linh trong phần credit cuối phim là cực kỳ hay! Rất tiếc là trong suất chiếu mà Daniel xem, khi Uyên Linh cất tiếng hát thì đèn phòng chiếu bật sáng, đa số khán giả đồng loạt nhấc mông đứng dậy ra về! Daniel vừa tiếc cho các bạn ấy vì đã bỏ qua đoạn hay nhất của phim này, vừa bực mình vì khung cảnh xô bồ của họ tạo ra đã ảnh hưởng đến cảm xúc thưởng thức của nhóm nhỏ khán giả còn ngồi lại. Vâng phải nhấn mạnh rằng, đoạn phim hay nhất đẹp nhất của Mỹ Nhân Kế chính là đoạn credit. Thật kỳ lạ, không biết đánh giá như vậy thì gọi là khen hay chê nữa! Uyên Linh mặc đồ cổ trang nhìn còn đẹp hơn cả 5 nữ diễn viên trong phim. Một điều bực mình khác trong buổi chiếu hôm nay là vị khán giả ngồi bên cạnh Daniel đã nhận được 3 hay 4 cuộc điện thoại trong thời gian 90 phút quá ngắn ngủi của bộ phim. Daniel nguyện sẵn sàng hoan hỉ trả thêm 25% tiền vé nếu có rạp chiếu nào có thể câu cổ các vị này ra khỏi rạp ngay sau tiếng chuông đầu tiên!
Về diễn xuất, Thanh Hằng diễn tốt nhất. Tăng Thanh Hà, Anh Khoa, Diễm My diễn tròn vai. Ngọc Quyên là một bất ngờ khi mà cô diễn rất cứng trong Lệ phí tình yêu, thì trong phim này cũng tròn vai. Thái Hòa gần như chẳng có đất diễn. Riêng trường hợp của cascadeur Kim Dung, dù rất thiện cảm với sự cố gắng của cô này, nhưng quả thật vai diễn của cô là đuối nhất trong số các diễn viên. Cũng phải khen ngợi trang phục của các kỹ nữ, đẹp nhưng không thô và không bám theo motiv cổ trang Tàu, có lẽ cũng nhờ chuyện phim không gắn với một thời kỳ lịch sử nhất định nào, nên nhà thiết kế trang phục cũng được rộng đất sáng tạo.
Đoạn lau sàn nhà và các đoạn thi đấu cầu mây, đây là một thế mạnh của đạo diễn, nếu chúng ta nhớ lại đội vũ công nghiệp dư trong phim Những nụ hôn rực rỡ. Có lẽ do xem 2D, nên Daniel tránh được những pha dàn xếp kỹ xảo vụng về, ngược lại nhận thấy đạo diễn thu xếp các pha chơi cầu rất đẹp mắt, hợp lý. Đoạn lau sàn nhà có vẻ gượng gạo hơn. Dù không xem 3D nhưng từ các pha thi đấu, Daniel có vẻ cũng đoán được nguyên nhân của các bình luận tiêu cực về kỹ thuật 3D của phim. Đó có vẻ như là các nhà sản xuất quá tham khi kết hợp giữa một bộ phim thể loại hành động võ hiệp với hiệu ứng ba chiều. Điều phức tạp phát sinh ở đây đó là có rất nhiều cảnh phim cần có sự hỗ trợ của kỹ xảo hậu kỳ. Vì các diễn viên không thể thực hiện được các các đòn thế khó hoặc các đường cầu quá ảo. Công việc không đơn giản chỉ là quay 3D ở hiện trường, mà còn phải đồng bộ với các đối tượng 3D được thêm vào sau đó. Tuy nhiên khi phải đối diện với các thúc bách về thời gian, giới hạn về kinh phí, cũng như hạn chế về năng lực của êkíp làm kỹ xảo, sau cùng đã tạo ra những sản phẩm không như ý muốn. Hạn chế về hiệu ứng hình ảnh này ngay từ teaser ban đầu của phim đã bộc lộ rất rõ, và đến khi phim trình chiếu vẫn không thể khắc phục nổi. So sánh với Thiên Mệnh Anh Hùng cũng là một phim võ hiệp, thì do chỉ là phim 2D nên các khuyết điểm trong những cảnh hành động được che chắn tốt hơn, ít bị bộc lộ rõ như trong Mỹ Nhân Kế 3D.
Về bối cảnh của phim, vốn bị lên án gay gắt khi gần như toàn bộ cảnh quay được bố trí bên trong resort Ngọc Sương, thực chất chỉ là vấn đề kinh phí. Công bằng mà xét thì bộ phim đã được quay rất đẹp. Chỉ trong một khuôn viên rất nhỏ hẹp nhưng đoàn phim đã xoay sở để tạo ra nhiều cảnh khác nhau. Hình ảnh con thuyền trong phim chỉ sử dụng rất ít, nhưng là những hình ảnh rất đẹp, đồng thời cũng cho thấy thái độ nghiêm túc của các nhà làm phim. Daniel tự hỏi nếu như thông tin hậu trường về địa điểm quay được bảo mật, liệu một số khán giả có quá bị ám ảnh về bối cảnh như vậy không? Đây rõ ràng là một khuyết điểm lớn của phim. Tuy nhiên giả sử nếu đoàn phim đáp ứng yêu cầu đa dạng bối cảnh, kinh phí của phim sẽ tăng lên đáng kể, thời gian làm phim cũng bị kéo dài ra đáng kể. Mà thời gian của một dự án phim, xét cho cùng, cũng hoàn toàn có thể quy thành tiền! Kết quả là sau khi khái toán chi phí, biết đâu các nhà đầu tư phải rút lui vì kinh phí đội lên quá cao? Do vậy, trong hoàn cảnh một thị trường điện ảnh VN còn quá nhỏ hẹp, Daniel thấy hoàn toàn thông cảm cho cách tính toán của nhà sản xuất. Daniel vẫn muốn xem một Mỹ Nhân Kế một-bối-cảnh được hiện thực hóa, hơn là một Mỹ Nhân Kế đa-bối-cảnh mãi mãi nằm trên giấy! Tất nhiên là khán giả, Daniel rất sướng khi nhìn thấy non nước Ninh Bình đẹp lung linh trong Thiên Mệnh Anh Hùng, nhưng kết quả thua lỗ của bộ phim chịu chơi này cho thấy hiện vẫn chưa phải lúc cho những dự án to tát hơn.
Về kịch bản của phim, Daniel không rõ có liên quan đến thời lượng của phim quá ngắn hay không? (để có nhiều suất chiếu trong những ngày Tết?) Tuy nhiên ngay cả kéo dài ra 30 phút nữa, e rằng đa số những khuyết điểm trong kịch bản vẫn còn đó. Thật khó đòi hỏi một đạo diễn lại có thể làm tốt cả vai trò biên kịch, mặc dù trong phim có kha khá những câu thoại thú vị đậm chất của Nguyễn Quang Dũng. Tuy nhiên ngay cả khi nhìn rộng ra các bộ phim bom tấn Hollywood, những khuyết điểm về kịch bản vẫn rất phổ biến. Những bất hợp lý trong xử lý tình huống, thiên lệch trong cân đối vai trò các nhân vật, thiếu nhất quán và áp đặt đột ngột các chuyển biến về tính cách, tâm tư, tình cảm của các nhân vật, sự khiên cưỡng thiếu thuyết phục trong cách các nhân vật tương tác với nhau,v.v… vẫn là thực trạng phổ biến ngay cả với các bộ phim Hollywood nổi tiếng. Vì vậy Daniel không kỳ vọng cao về kịch bản của một bộ phim VN trong hiện tại. Điện ảnh Việt, công bằng mà xét, vẫn còn rất nghiệp dư, đi sau rất xa những nước chung quanh như Thái Lan hay Đài Loan. Do đó sẽ là quá cầu toàn và thiếu thực tế khi đặt ra yêu cầu quá cao về kịch bản. Tất nhiên chúng ta luôn mong đợi được xem những kịch bản tốt hơn, vì có vẻ đó là con đường ngắn nhất để có được một bộ phim hay trong điều kiện Việt Nam, và cũng tất nhiên, nếu bạn vẫn giữ được niềm tin lãng mạn rằng giới làm phim Việt có những cái đầu thông minh, tinh tế, sáng tạo hơn giới làm phim các nước khác.
Cũng liên quan đến kịch bản, và nhấn mạnh đến phần chỉ đạo võ thuật, đây cũng là một khuyết điểm rất đáng tiếc của phim. Như chúng ta biết trong nghệ thuật làm tin trên báo chí, xe cán chó không phải là tin tức, mà chó cán xe mới là tin tức! Tương tự như vậy, để cho một người đàn ông có sức khỏe trở thành anh hùng trên phim, thật quá bình thường. Khán giả thích xem một đứa trẻ như trong Home Alone có thể đánh thắng được bọn trộm người lớn, và cũng tương tự, các cô gái chân yếu tay mềm võ nghệ tuyệt luân đánh thắng đám đàn ông. Tuy nhiên nếu ai xem Home Alone sẽ thấy bọn trộm như những kẻ ngây ngô ngớ ngẩn nhất trần đời, đó là hạn chế bất đắc dĩ của kịch bản vì tác giả đã đặt ra thách thức quá lớn cho nhân vật chính, vì thực tế không có bất kỳ một giải pháp nào cho một đứa trẻ như thế, và tác giả buộc phải áp đặt các tình huống.
Trở lại với Mỹ Nhân Kế, việc để cho các cô gái trong các chiêu thức sử kiếm dùng sức đấu sức gằm ghè với những người đàn ông trai tráng chuyên nghề binh đao cũng rất thiếu thuyết phục. Giải pháp đưa vào nhân vật của Anh Khoa để giúp cho tương quan hai phe cân bằng hơn cũng là ý hay, nhưng chưa đủ. Lẽ ra đạo diễn, biên kịch, và chỉ đạo võ thuật nên ngồi lại với nhau, để sáng tạo thêm các phương án, dựa trên nguyên tắc dụng trí bù sức, thì các màn giao đấu sẽ thuyết phục hơn nhiều! Không cần phải tìm đâu xa, nhân vật Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung là gợi ý thần tình về một kẻ không có võ công phải đối phó như thế nào với các cao thủ trong giang hồ. Tại sao không cho các cô gái những tuyệt chiêu hoặc ám khí như phi tiêu, vôi bột, cung tên,… để tạo lợi thế trong giao đấu? Cô gái Katniss Everdeen trong phim Hunger Games chỉ giỏi bắn cung, và quả tình là cô đã phải ẩn nấp hoặc chạy trốn trong hầu hết thời gian của cuộc đấu, nhưng điều đó chỉ khiến bộ phim thuyết phục hơn mà thôi. Trong Enemy at the Gates, nhân vật của Jude Laws cũng chỉ có chủ yếu là tài thiện xạ kết hợp với ý chí điềm tĩnh và kiên nhẫn phi thường. Nếu kỹ năng của các cô gái trong Mỹ Nhân Kế được sao chép từ Vasily Zaitsev, từ Katniss Everdeen và từ Vi Tiểu Bảo, tin rằng chúng ta đã có những hình tượng nhân vật, những cảnh hành động thuyết phục hơn nhiều!
Có câu chuyện về một họa sĩ đang học việc với thầy. Ngày đầu anh đem bức tranh ra giữa chợ nhờ thiên hạ chỉ ra những điểm xấu trên bức tranh. Chiều hôm đó anh nhận về một khung tranh rách nát những nét bút phê phán. Ngày hôm sau anh cũng làm tương tự, nhưng yêu cầu mỗi người phê bình hãy giải thích tại sao họ phê phán một điểm trên tranh, và lẽ ra thì nên vẽ chi tiết đó như thế nào? Kết quả là hôm đó không ai phê bút lên bức tranh nữa!
Là khán giả chúng ta có toàn quyền phê phán một bộ phim. Là khán giả chúng ta cũng không có trách nhiệm phải đưa ra phương án tốt hơn cho những phê phán của mình. Tuy nhiên rất nhiều khi Daniel bỗng giật mình tự rút lại lời phê phán, khi đặt mình vào vai trò của những người làm phim, mà không nhìn thấy một cách xử lý thuyết phục hơn.
Tóm tắt lại, mặc dù vẫn thấy rất tiếc cho Mỹ Nhân Kế ở nhiều điểm, nhưng Daniel vẫn cho rằng đây là một bộ phim được thực hiện nghiêm túc, và là bộ phim Việt đáng xem nhất trong dịp Tết này.